Chương 8-2: Lên đường

Mạnh Thanh Hòa nhẫn tâm kéo Mạnh Ngũ Tỷ đang ôm chặt lấy đùi mình ra, tiểu cô nương khóc đến mức hai mắt sưng húp như quả óc chó, hốc mắt Mạnh Thanh Hòa cũng cay cay, nhẹ nhàng vuốt ve đầu Mạnh Tam Tỷ và Mạnh Ngũ Tỷ, giọng khàn khàn: "Tam Tỷ, Ngũ Tỷ, còn nhớ lời hứa với Thập Nhị thúc không? Chờ đấy, Thập Nhị thúc nói được là làm được, nhất định sẽ cho hai đứa cuộc sống tốt nhất, sính lễ mười dặm gấm hoa!"

Mạnh Hứa thị và Mạnh Trương thị lại khóc nức nở, Mạnh Thanh Hòa cúi người hành lễ với Mạnh Trọng Cửu, hắn không nói lời nào, nhưng Mạnh Trọng Cửu đã hiểu lời khẩn cầu của hắn, ông ta đưa tay đỡ hắn dậy: "Tiểu tử ngươi cứ yên tâm, Cửu thúc công nhất định sẽ không phụ lòng mong mỏi của ngươi."

“Đa tạ Cửu thúc công."

Sau khi bái biệt các vị tộc lão, Mạnh Thanh Hòa quỳ phịch xuống trước mặt Mạnh Vương thị, dập đầu ba cái thật mạnh: "Nương, con đi đây!"

"Nhi tử của nương nhất định sẽ thành tài." Mạnh Vương thị không khóc nữa, run rẩy nói: "Nương ở nhà đợi con áo gấm về làng! Đến ngày đó, phụ thân và các ca ca con dưới cửu tuyền biết được cũng có thể yên lòng!”

Mạnh Thanh Hòa đứng dậy, không kịp phủi bụi trên áo, quay người bước đi.

Mạnh Hổ và Mạnh Thanh Giang đi theo sau, Mạnh Vương thị đứng tại chỗ, mãi đến khi bóng ba người khuất dạng, mới được hai tức phụ dìu về nhà.

Lúc này, Mạnh Quảng Hiếu và Mạnh Quảng Thuận đều nằm liệt giường, vừa uống thuốc vừa hận không thể rút đế giày ra đóng đinh lên con búp bê nhỏ của Mạnh Thanh Hòa.

Lý do rất đơn giản, cách đây không lâu, Mạnh Thanh Hòa cứ ba ngày hai bữa lại siêng năng đi thăm hỏi các đường bá, đóng cửa lại sẽ ân cần hỏi han, mỗi lần ra về đều mang theo ít tiền giấy và tiền đồng.

Mạnh Quảng Hiếu và những người khác nghiến răng ken két nhét tiền vào tay hắn, cười còn khó coi hơn khóc.

Không nhận? Tuyệt đối không được! Trả tiền? Không cần, kiên quyết không cần!

Chỉ cần Mạnh Thập Nhị Lang còn sống, đừng suốt ngày nghĩ đến việc liều mạng với giặc Mông Cổ, cũng đừng phát rồ viết thư cho Huyện lệnh nói cái gì mà "Nam nhi Mạnh thị đều muốn gϊếŧ giặc giúp nước" thì bao nhiêu tiền cũng cho!!

Trưởng bối đã ban, phận làm con cháu sao có thể từ chối.

Mạnh Thập Nhị Lang là một “hài tử hiếu thuận”, đương nhiên phải thành toàn cho tấm lòng nhân từ của các đường bá. Còn việc Mạnh Quảng Hiếu và những người khác có hộc ba cân máu tươi hay không, mời đi tìm đại phu, liên quan gì đến hắn chứ!

So với mấy mẫu ruộng bị các đường bá lừa lấy, số tiền giấy và tiền đồng này chả thấm vào đâu, nhưng đối với Mạnh Vương thị và những người khác, nó đủ để trang trải sinh hoạt của các nàng trong một năm. Tương tự, nhờ sự tuyên truyền của Mạnh Thanh Hòa, danh tiếng của Mạnh Quảng Hiếu và những người còn lại trong thôn cũng phần nào được cải thiện, chỉ có Mạnh Thanh Hải trong học đường vẫn bị tẩy chay, nhưng hắn ta có tinh thần dũng cảm tham gia kỳ thi viện, cũng đỗ tú tài. Tất nhiên, đó là chuyện sau này.

Đại viện giữ lại không bán, ba mẫu ruộng cạn giao cho đại tôn tử của Mạnh Trọng Cửu canh tác, ngoài thuế lương thực, Mạnh Vương thị chỉ giữ lại một phần, phần lương thực còn lại đều thuộc về đối phương. Đây là quyết định sau khi Mạnh Thanh Hoà bàn bạc cả đêm với Mạnh Vương thị. Mạnh Trọng Cửu đã giúp hắn rất nhiều, mặc dù ông ta cứ né tránh không nhắc đến, nhưng Mạnh Thanh Hòa làm sao có thể quên.

Suy cho cùng, xã giao cũng là một môn học vấn cao thâm.

Trước khi đi, Mạnh Thanh Hòa còn làm một việc, hắn giao hai cuốn điển tịch Nho giáo và ghi chép của mình cho trưởng lão trong tộc.

"Thanh Hòa vì báo thù cho phụ thân, ca ca mà bỏ văn theo võ, những thứ này đối với Thanh Hòa đã vô dụng, không bằng giao cho tộc ta, để lại cho con cháu trong tộc."

Theo như trí nhớ Mạnh Thanh Hoà kế thừa từ người tiền nhiệm, nội dung trong sách dù có lật ngược, hắn cũng có thể đọc vanh vách như nước chảy mây trôi, cái này chỉ là đem thứ mình không dùng đi tặng người khác, nhân tiện kết một mối thiện duyên. Nhưng trong mắt người Mạnh thị, đây là chuyện không thể tin được. Thời này sách vẫn rất hiếm, đã vậy còn có bản ghi chép của Mạnh Thập Nhị Lang. Người ta đã thi đỗ đồng sinh, nếu không bị đuổi khỏi học đường thì có khi còn đỗ tú tài!!

Trưởng lão trong tộc nhớ ân tình, ghi việc này lên bảng gỗ, dâng vào từ đường, để tỏ lòng đức độ của Mạnh Thập Nhị Lang.

Huyện lệnh nghe vậy, vừa khen ngợi nhân cách của Mạnh Thanh Hòa, vừa tiếc nuối vì hắn không tham gia khoa cử.

"Thiếu niên này, lòng dạ này, thực sự hiếm có."