Chương 5-1: Lời hứa

Vào thời nhà Nguyên, Bắc Bình thuộc Châu Đại Đô, năm Hồng Vũ thứ nhất đổi thành Phủ, năm sau nữa đổi thành Tỉnh. Phủ quản lý bảy Huyện năm Châu, hai Huyện Uyển Bình và Đại Hưng thuộc phủ thành, Mạnh gia thôn nằm ở huyện Uyển Bình.

Phủ nha huyện Uyển Bình nằm ở phía tây thành, tường viện hơi cũ nát, mang một màu xám xịt, cửa lớn huyện nha đóng chặt, chỉ để lại cửa ngách để ra vào.

Nếu trước cửa không có trống lớn để bách tính kêu oan và lính lệ canh gác, thật khó mà liên tưởng tòa nhà này với nha môn. Ngoại trừ quy mô chiếm đất khá lớn thì ngay cả phủ đệ của mấy hộ gia đình giàu có cũng không sánh bằng, càng không thể so với tòa nhà văn phòng chính phủ XX đời sau.

Nếu đổi lại là Mạnh Thanh Hòa, có lẽ sẽ than thở một hai câu, nhưng với dân bản địa như Mạnh Trọng Cửu, huyện nha như vậy mới bình thường. Từ thời Thái Tổ, quan trường nhà Minh đã có quy định không cho phép sửa nha môn, trừ khi nhà sập cửa đổ, còn không thì một viên gạch cũng không được xê dịch!

Muốn cao cấp, rộng rãi, bề thế?

Vị huyện lệnh nào dám sửa huyện nha trong nhiệm kỳ của mình, thì cứ chờ mà ngồi tù thôi. Ngồi tù là còn may, gặp phải lúc Hồng Vũ đế có tâm trạng xấu, không bị lột da nhồi cỏ thì cũng phải chém đầu lưu đày.

Hồng Vũ đế ghét nhất là quan lại tham ô, nghiêm cấm công chức chính phủ theo đuổi sự xa hoa, nếu có kẻ nào không tỉnh táo phạm phải mà lọt vào tay hắn, bất kể lỗi lớn lỗi nhỏ, hết thảy đều sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.

Có thể dùng chiếu lớn thì tuyệt đối không dùng chiếu nhỏ*. có thể chung thân thì tuyệt đối không cho ra tù sớm, có thể chém đầu thì tuyệt đối không lưu đày.

*Ý nói hình phạt trảm quyết: Trảm quyết là một hình phạt của nhà Minh liên quan đến chiếu. Hình phạt này được thực hiện bằng cách đặt phạm nhân nằm trên một tấm chiếu, sau đó dùng một thanh kiếm lớn chém đầu phạm nhân. Tấm chiếu được sử dụng để hứng máu của phạm nhân, sau đó được đốt cháy cùng với thi thể của phạm nhân. Chiếu nhỏ là xử một người, chiếu lớn là múc cả nhà.

Dân chúng có luật pháp bảo kê, tội nặng cũng được giảm một bậc, nhưng không áp dụng đối với quan lại.

Cái gọi là đối xử khác biệt, kỳ thị nghề nghiệp, đại khái là ý này đúng chứ?

Nếu quan lại thời Minh sơ may mắn được đến đời sau trải nghiệm, có lẽ sẽ gào khóc thật lớn, cùng là làm quan, sao chênh lệch lại lớn như vậy?

Đại đường của huyện nha là Tiết Ái Đường, chủ yếu xử lý các vụ kiện hình sự, phía đông đại đường là Mạc Sảnh, phía tây đại đường là kho.

Phía sau đại đường là Kiến Nhật Đường, phía sau Kiến Nhật Đường chia thành hai dãy phòng đông và tây, là nơi làm việc chính của Huyện lệnh, Huyện thừa, Chủ bộ và Điển sử, tức là nơi làm việc của Huyện trưởng và Ủy ban huyện, các tranh chấp dân sự thông thường đều được giải quyết ở đây. Nếu có người cho rằng nhị đường không đủ đẳng cấp, nhất định phải lên đại đường, thì cũng có cách, cứ xông ra đường gϊếŧ bừa một hai người, mơ ước sẽ ngay lập tức biến thành hiện thực.

Mạnh Trọng Cửu trình bày mục đích đến, một tên thư lại dẫn ông ta vào thư phòng của Chủ bộ.

Chủ bộ huyện Uyển Bình họ Nam, xuất thân giám sinh. Thời Hồng Vũ, huyện lệnh Uyển Bình vẫn là chức quan thất phẩm, đến thời Vĩnh Lạc mới thăng lên lục phẩm. Chủ bộ là cửu phẩm, mặc quan phục xanh cổ tròn, đội mũ đen, đai lưng đen hình sừng trâu.

Mạnh Trọng Cửu xưng hô với Chủ bộ họ Nam là Nam Chủ bộ, ông ta cúi người hành lễ, Nam Chủ bộ vội tiến lên đỡ ông ta dậy.

"Sao hôm nay bô lão lại đến tận đây vậy?"

"Không giấu gì Chủ bộ, hôm nay lão già này đúng là có việc muốn nhờ vả."

"Hửm?" Nam chủ bộ mời Mạnh Trọng Cửu ngồi xuống ghế: “Có phải vì chuyện trong tộc không?"

"Đúng vậy."

Việc Mạnh Thanh Hòa muốn tòng quân đã gây xôn xao khắp thành, dù sao người xưa thiếu trò tiêu khiển, ở vùng đất phương Bắc này, lại còn dưới mí mắt Yền Vương, những nho sinh muốn phong hoa tuyết nguyệt một chút cũng phải rón rén cẩn thận, thành ra, đi đồn đại mấy chuyện bát quái đã trở thành văn hoá không thể thiếu. Không chỉ Nam Chủ bộ biết chuyện, ngay cả Huyện lệnh và hai Huyện thừa cũng nghe nói. Quân tướng Huyện thừa và Lương mã Huyện thừa* đều có xuất thân võ tướng, rất hứng thú với chuyện nho sinh muốn đi tòng quân, còn đặc biệt hỏi thăm thư lại trong huyện, thư lại cũng chỉ hóng được vài ba tin bát quái, nhưng một Tuần kiểm có xuất thân cùng làng với Mạnh thị đã hé ra vài tin tức "nội bộ.”

*Một ông Huyện thừa phụ trách binh mã, một ông phân phối lương thuế.

Đợi đến khi Mạnh Trọng Cửu giải thích rõ ràng ngọn nguồn sự việc, Nam Chủ bộ trầm ngâm một lát, nói: "Theo lời bô lão, Mạnh Thập Nhị Lang đúng là người đại hiếu, chắc hẳn đại nhân cũng sẽ giúp đỡ hắn."

"Đa tạ Chủ bộ."

"Thập Nhị Lang là đồng sinh, chuyện này phải bẩm báo đại nhân." Nam Chủ bộ đứng dậy, nói: “Mời bô lão theo ta qua đây."

Huyện lệnh Uyển Bình họ Hạ tên Ngân, tính cách cương nghị, là người có tài. Mặc dù có xuất thân nho sĩ, nhưng lại mang khí phách của võ tướng, nói theo cách của đời sau, thì vị này là người không thích làm việc vô bổ, thuộc kiểu người nói ít làm nhiều. Bởi vậy nên sau khi Minh Thành Tổ lên ngôi đã đặc cách thăng chức cho y.

Gặp Mạnh Trọng Cửu, nghe Chủ bộ báo cáo, lại hỏi kỹ lần nữa, Hạ Huyện lệnh lập tức bật đèn xanh cho Mạnh Thanh Hòa tòng quân.

Mặc dù làm quan thời Hồng Vũ rất nguy hiểm, chức quan càng cao càng dễ bay đầu, nhưng việc cố gắng thăng tiến vẫn là mục tiêu theo đuổi cả đời trong chốn quan trường.

Nếu đối tượng trả thù của Mạnh Thanh Hoà là bách tính Đại Minh, thì Hạ Huyện lệnh sẽ cân nhắc một chút, đổi lại là giặc Mông Cổ, thì hoàn toàn không thành vấn đề, vì báo thù cho phụ thân, ca ca mà sẵn sàng từ bỏ con đường công danh, đúng là người con có hiếu, phải khen thưởng, nhất định phải khen thưởng lớn!

Dưới quyền quản lý của y có người như Mạnh Thập Nhị Lang, chứng tỏ giáo dục địa phương rất tốt, thành tích chính trị cũng được nâng cao. Nếu không phải sợ ảnh hưởng đến mấy nho sinh khác, thì Hạ huyện lệnh sẽ tự viết một bài văn dán bên ngoài, tuyên dương hành động của hắn.

Dù là người tài cũng cần thành tích chính trị.

Rượu ngon đến mấy cũng sợ ngõ hẹp mà!

Đương nhiên, nếu Hạ Huyện lệnh nhận được lợi ích, thì những quan lại dưới quyền như Huyện thừa, Chủ bộ cũng được hưởng sái, chốn quan trường không có đạo lý hưởng lợi một mình.

Xét về lịch sử, mặc dù quan lại Đại Minh có chút khác người, hở chút là thích cãi nhau, cãi nhau chưa đã nghiền còn phải động tay động chân, nhưng đến lúc cần thiết, mọi người vẫn có thể đoàn kết nhất trí, ví dụ như bây giờ, cùng nhau nỗ lực vì thành tích chính trị chung.

Kết quả nằm trong dự đoán của Mạnh Trọng Cửu, nhưng cũng có phần ngoài dự đoán của ông ta. Ban đầu ông ta nghĩ chỉ cần gặp Chủ bộ và Huyện thừa, không ngờ được cả Huyện lệnh đích thân hỏi thăm. Như vậy cũng giúp danh tiếng của Thập Nhị Lang vang dội hơn.

Bị học đường đuổi thì sao chứ?

Một người được Huyện lệnh, Huyện thừa và Chủ bộ của huyện nhất trí khen ngợi là hiếu nghĩa, dũng cảm, dù không đi học nữa, trở thành quân hộ, người muốn chèn ép hắn cũng phải cân nhắc thật kỹ.

Ra khỏi Huyện nha, Mạnh Trọng Cửu tháo dây xe bò, thong thả chỉnh lại tay áo, Mọi chuyện xong xuôi thì Thập Nhị Lang cũng chính thức nợ ông ta một ân tình.