Chương 1: Moon

Chương 1: Moon

Họ thật ồn ào.

Tôi chấm sắc xám nhạt trên mây đen u ám, hơi đứng dậy xem bức tranh trước mặt, bên tai là tiếng xôn xao.

Họ đang bàn tán về Killer, tôi biết anh, anh là một nhạc sĩ. Họ nói Killer bị khui ra mắc bệnh trầm cảm nghiêm trọng, còn có khuynh hướng bạo lực.

“Chẳng trách âm nhạc của anh ta ngột ngạt nặng nề như vậy… Mỗi lần nghe anh ta hát tôi đều thấy khó chịu, thì ra anh ta bị trầm cảm.”

Giọng điệu cô ta như bừng tỉnh, những người xung quanh cũng rôm rả phụ họa.

Tôi lại phác vài dấu vết không thể xóa nhòa trên mây đen.

Rõ ràng mấy hôm trước cô ta còn khen nhạc sĩ kia tài hoa tuyệt vời.

“Anh ta thật sự ghê tởm.”

“Tôi sẽ không bao giờ nghe nhạc của anh ta nữa.”

“Nghe nhạc của anh ta sẽ trầm cảm theo.”



Họ đã nói thế.

Tôi buông cọ.

Cọ gác trên giá vang tiếng giòn tan, họ bỗng dừng thảo luận, quay đầu nhìn tôi.

Tôi cười cười, không lên tiếng, ý chê trách trong mắt đã thay lời muốn nói. Dường như họ cũng biết không nên buôn chuyện ở trong phòng tranh, tóm lại là không tán gẫu nữa.

Trong không khí chỉ còn tiếng hít thở cùng tiếng ma sát rất nhỏ giữa thuốc màu và vải bạt vẽ tranh sơn dầu.

Hết thảy trở về yên ắng.

Bức tranh của tôi cũng hoàn thành.

Trong màn đêm mịt mùng, mây đen cuồn cuộn che khuất mặt trời, bốn bề không một ngọn cỏ, thế giới hoang tàn cùng cực, nỗi cô đơn và tuyệt vọng cận kề cái chết tùy ý sinh sôi. Ánh trăng yếu ớt ló khỏi mây, trong như nước, mang tia sáng le lói, không biết là dấu hiệu cứu rỗi và hi vọng, hay soi chiếu khổ đau và bùn lầy.

Tôi gọi nó là…

‘Moon’.



Trời càng ngày càng lạnh, tôi khép áo bành tô, hà hơi vào lòng bàn tay tạo ra sương trắng, tôi cố níu giữ chút hơi nước và hơi ấm còn sót lại nhưng nó cứ dần dần tan biến.

Tôi ghé tiệm cà phê gần phòng tranh mua một ly, nhạc tuyệt đối* thịnh hành thường được phát ở đây nay đã đổi thành nhạc dân gian, là “Đổng Tiểu Thư” của Tống Đông Dã.

(*) Nhạc tuyệt đối hay nhạc thuần khiết (absolute music) tồn tại vì lợi ích riêng của nó và không liên quan đến bất kì một sáng tác hay ý tưởng nào, đối lập với nhạc tiêu đề (program music) mô tả và cố gắng minh họa một cảnh hoặc hình ảnh từ thiên nhiên, văn học hoặc nghệ thuật thị giác.

Dòng nước dưới chân cầu An Hà vẫn trong veo thấy đáy, ngựa hoang sẽ chẳng dừng vó vì ba tấc cỏ. Nhạc dân gian rất văn nghệ, nhưng cà phê trong tiệm không rẻ chút nào, nó như đang nhắc nhở chúng ta chỉ cần hơi chểnh mảng thì ngay cả một phần yêu thích cũng khó duy trì.

Bởi vậy, tôi vẫn thích thứ nhạc tuyệt đối mang theo rung động xa lạ, không thổ lộ với ai mà như đang an ủi, giai điệu trầm lắng nhẹ nhàng khiến người ta có cơ hội thở dốc giữa nhịp sống hối hả.

Tôi hỏi nhân viên phục vụ làm sao để đổi bài, khuôn mặt đối phương lập tức tỏ vẻ khinh thường. Cô ta kể tôi nghe tất cả những gì mình nghe được ở phòng tranh, cuối cùng bảo tôi rằng nhạc Killer có khuynh hướng chỉ dẫn tự sát, sau này sẽ không phát nữa.

Sau này sẽ không phát nữa.

Tôi khẽ gật đầu, cà phê làm xong, tôi ôm chiếc ly nóng hôi hổi đẩy cửa ra ngoài.

Trước kia phớt lờ chưa từng để ý, giờ đây buộc phải đối diện, ngược lại cảm giác càng thêm mãnh liệt. Tôi thừa nhận tôi thích nhạc Killer. Khi vẽ tranh, khi nghỉ ngơi, khi đọc sách, hay khi mua cà phê nóng, đều có anh. Âm nhạc của anh như ngấm vào sinh hoạt của tôi, khiến tôi lưu luyến. Về lời đồn đoán anh bị trầm cảm nặng hay có khuynh hướng bạo lực, tôi không bận tâm, cũng chưa từng nảy sinh khúc mắc.

Mỗi người đều có nỗi niềm khó nói. Nói cách khác, nếu phải có người gánh chịu đau khổ thì bất hạnh ấy vừa vặn áp đặt lên người Killer, chúng tôi không những không cảm thán mình may mắn, trái lại còn xen miệng phán xét nỗi đau kia.

Có tư cách gì chứ!

Chuyện của Killer đã qua hai tháng, không ai nhắc lại nữa, chỉ là những bài hát từng hot một thời rõ ràng không bị khiếu nại, cũng không bị gỡ, song chẳng ai phát chúng, dường như tất cả đều có một sự ăn ý vô hình.

Khương Từ muốn tôi cùng cô ấy đi nghe hòa nhạc, nói rằng Ngụy Dã có việc gấp, đi một mình không vui. Hai ngày tới tôi rảnh, bèn đáp ứng.

Buổi hòa nhạc tổ chức ở tỉnh lân cận, cách chỗ tôi không xa nhưng cũng phải di chuyển năm, sáu tiếng. Đại Lý, Vân Nam buổi rạng sáng còn đang say giấc nồng, ung dung nhàn nhã, ngay cả gió Thành Cổ cũng có vẻ lười biếng dễ chịu.

Tôi về khách sạn cất hành lý, ngược lại không thấy buồn ngủ bèn đi xuống cửa hàng tiện lợi dưới tầng. Tôi không ngủ được, chỉ muốn đi dạo, nơi đâu cũng được.

2 giờ sáng, cửa hàng tiện lợi dưới khách sạn vẫn sáng đèn, chừa một nơi ấm áp vào ban đêm cho những người mệt mỏi, như biển trông hải âu về, như ngọn tháp chờ thuyền đến.

Tôi mua hai hộp chocolate cho Khương Từ vì cô ấy thật thích ăn ngọt. Đang chuẩn bị ra ngoài, vừa hay có người bước vào.

Tôi và đối phương giáp mặt.

Dáng người đàn ông cao gầy, mặc hoodie màu đen, đội mũ trên đầu và đeo khẩu trang, ngón tay hở ra bên ngoài áo xăm hình ngọn lửa xanh kéo dài đến cổ tay rồi biến mất trong áo.

Bỗng, tôi nhìn thẳng vào anh, ánh mắt anh sâu thẳm, chứa sự lãnh đạm và cứng nhắc như một thói quen. So với không khí ngoài trời, dáng vẻ của anh còn lạnh lẽo hơn.

Khi tôi ra khỏi cửa hàng, đằng sau truyền đến giọng nói trầm khàn, lời ít ý nhiều.

“Bật lửa, thuốc.”

Bước chân tôi thoáng khựng lại.

Có lẽ tôi muốn làm quen với anh.