- Bắn vào đâu hả?
Đại đội trưởng nói cũng đúng, nếu bắn mấy quả vào đầu anh em quân mình, cả quân đoàn ở phía trước cáu tiết lên quay lại thanh toán chúng tôi thì chẳng phải chuyện đùa. Đại đội trưởng ra lệnh cho chúng tôi cứ ngồi tại trận địa, thích làm gì thì làm, chỉ có điều không được bắn pháo.
Sau khi bị bao vây, toàn bộ lương thực đạn dược đều dựa vào thả dù. Hễ máy bay xuất hiện ở trên trời, thì toàn quân ở dưới cứ nhao nhao chen nhau như kiến cỏ đi cướp gạo. Hễ máy bay bay đi là toàn quân lại chia thành từng tốp kéo về các ngôi nhà và cây cối trơ trụi, vừa dỡ nhà vừa chặt cây, đâu có giống đánh nhau. Những tiếng kêu loạn xị gần như át cả tiếng súng tiếng pháo ở phía trước.
Chẳng bao lâu, những nhà ở và cây cối mắt nhìn thấy đều mất sạch, chỗ nào cũng có khói nấu cơm bốc lên bay lơ lửng trên bầu trời.
Lúc bấy giờ đạn nhiều hơn cả, ngả lưng xuống chỗ nào cũng đè lên đau nhói. Chưa được một ngày, các ngôi nhà ở chung quanh đã bị dỡ sạch, cây cối cũng bị chặt sạch, chỗ nào cũng có lính cầm lưỡi lê đi cắt cỏ khô, trông chẳng khác gì cảnh vào vụ gặt hái, có những người đánh gốc cây mồ hôi nhễ nhại. Vào những lúc này, người đi cướp gạo đã ít đi, chúng tôi ra khiêng ba bao tải gạo rõ to về hầm rải ra làm giường ngủ, nằm lên bao gạo không sợ đạn chọc vào lưng đau đớn khó chịu nữa.
Đến khi không còn kiếm ra thứ gì để làm củi nấu cơm nữa, mà Ủy viên Tưởng Giới Thạch vẫn chưa cứu được chúng tôi đi, được cái máy bay không còn thả gạo nữa, mà thay bằng thả bánh bích qui, bánh nướng. Từng bao từng bao bánh nướng thả xuống, những người anh em như bầy súc vật lao tới tranh cướp loạn xạ, xếp thành từng lớp từng tầng y như đế giày của mẹ tôi xếp đống, bọn họ kêu gào hò hét om sòm chẳng khác gì sói rừng.
Lão Toàn bảo:
- Chúng ta chia nhau đi cướp.
Lúc này chỉ có thể chia nhau đi cướp, mới cướp được nhiều bánh nướng đem về. Chúng tôi bò ra khỏi hầm, tự chọn hướng mà đi. Lúc này đạn đã bay đi bay lại ở gần đó, thường có những viên đạn bay sượt qua. Một lần tôi đang đi, đang đi, một người bên cạnh đột nhiên ngã xuống, tôi cứ tưởng anh ta bị ngất, quay lại nhìn thì nửa bên đầu của anh ta không còn, tôi sợ bủn rủn cả chân tay, suýt nữa cũng ngã. Cướp bánh nướng còn khó hơn cướp gạo, nghe nói quân ta ngày nào cũng có người chết do liều mạng. Khi có máy bay từ đằng xa bay đến, tất cả quân lính đều từ đất bật dậy chạy theo máy bay; cứ tưởng mặt đất trơ trụi đột nhiên mọc lên những vạt cỏ, hễ bao bánh nướng thả xuống là mọi người tản ra, đuổi theo từng cái dù mà mình đã nhìn sẵn. Bao bánh nướng gói không chắc, hễ rơi xuống đất là rơi vãi, hàng chục hàng trăm người xông vào vồ, có những người còn chưa chạm đất đã bị xô ngất xỉu. Mỗi lần tôi lao vào cướp bánh là toàn thân đau đớn như bị người ta treo lên lấy thắt lưng da đánh cho một trận. Rút cuộc thì cũng chỉ cướp được mấy cái bánh nướng. Về đến hầm thì Lão Toàn đã ngồi ở đó, mặt anh ta sây sát chỗ tím chỗ đỏ, anh ta cũng chẳng cướp được nhiều hơn so với tôi. Lão Toàn đã tám năm đi lính nhưng lòng dạ vẫn lương thiện. Anh ta để bánh của mình lên trên bánh của tôi, bảo chờ Xuân Sinh về cùng ăn. Hai chúng tôi ngồi trong hầm thò đầu ra nhìn ngó Xuân Sinh.
Một lúc sau, chúng tôi nhìn thấy Xuân Sinh ôm một đống giày cao su lom khom chạy về. Anh chàng ta hớn hở mặt đỏ bừng, cậu ta quăng người một phát lăn vào trong, chỉ giày cao su rơi đầy đất, hỏi chúng tôi:
- Nhiều không?
Lão Toàn nhìn tôi, hỏi Xuân Sinh:
- Thứ này ăn được à?
Xuân Sinh đáp:
- Có thể nấu cơm chứ.
Chúng tôi nghĩ cũng đúng lắm. Nhìn mặt Xuân Sinh không hề sây sát gì, Lão Toàn bảo tôi:
- Tay này tinh khôn hơn tất cả mọi người.
Sau đó, chúng tôi không đi cướp bánh nướng nữa, áp dụng luôn cách làm của Xuân Sinh. Khi cướp bánh nướng, người nọ đè lên người kia, thì chúng tôi liên tụt luôn giày cao su trên chân họ đem về đốt, dù sao thì gạo đã có sẵn, như thế còn tránh được thịt da khỏi ăn đòn. Ba đứa chúng tôi ôm vách chiến hào nhìn những người để chân trần vừa đi vừa nhảy lò cò trong mùa đông, cứ cười hì hì suốt.
Tiếng súng tiếng pháo ở phía trước mỗi lúc một gấp, không kể ban ngày hay ban đêm, ở trong hầm chúng tôi nghe cũng đã quen; thường xuyên có đạn pháo nổ ở gần, đại bác của chúng tôi đều bị phá nát. Những cỗ pháo lớn ấy không hề bắn một phát, như thế chúng tôi càng rỗi rãi. Nhưng ngày này, Xuân Sinh cũng chẳng sợ gì nữa, lúc này có sợ cũng vô ích. Tiếng súng tiếng pháo mỗi lúc một gần, chúng tôi cứ tưởng hãy còn xa. Khó chịu nhất là thời tiết càng ngày càng lạnh, ngủ được vài phút thì lạnh cóng lại thức dậy. Khi đạn phảo nổ ở ngoài đất rung chuyển, tai chúng tôi ù tịt. Nói gì thì nói, Xuân Sinh cũng chỉ là thằng nhóc, nó đang nhắm mắt mơ mơ màng màng, thì một quả rốc két nổ gần đó hất bổng nó lên. Bị đánh thức, nó giận dữ xông ra đứng ở đường hào quát to với tiếng pháo tiếng súng ở phía trước:
- Mẹ kiếp, khẽ một chút, cứ ầm ầm lên bố mày ngủ sao được!
Tôi vội vàng kéo nó vào, lúc này đạn bay chiu chiu trên chiến hào. Trận địa của quân ta mỗi ngày một thu hẹp, chúng tôi không dám ra khỏi hầm hào, trừ khi đói mềm mới bò đi kiếm ăn. Ngày nào cũng có mấy ngàn thương binh được khiêng tới, trận địa của đại đội chúng tôi ở tuyến sau đã trở thành gầm trời của thương binh. Mấy hôm liền tôi, Lão Toàn và Xuân Sinh bám vào đường hào, thò đầu lên nhìn những chiếc băng ca chở thương binh cụt chân gẫy tay đi qua. Chẳng bao lâu có hàng xâu băng ca đi tới, những người khiêng cáng ai ai cũng khom lưng chạy đến trước gần chỗ chúng tôi tìm một vạt đất trống, hô một hai ba, hô đến số ba, thì hất băng ca một cái vứt thương binh xuống đất như hất rác, chẳng nhòm ngó gì đến. Thương binh đau đớn gào khóc ầm ĩ. Tiếng kêu trời kêu đất cứ vang lên hết chuỗi này đến chuỗi khác. Nhìn bọn chở băng ca bỏ đi, Lão Toàn chửi một câu:
- Những đồ súc vật!
Thương binh càng ngày càng nhiều, chỉ cần ở phía trước còn có tiếng súng thì còn có băng cáng khiêng đến đây, hô một hai ba vất thương binh xuống. Mới đầu chỉ có từng đống từng đống thương binh, về sau thành một bãi lớn, thương binh cứ kêu oai oái ở đó. Suốt đời, tôi không quên được những tiếng kêu đau đớn ấy. Tôi và Xuân Sinh chứng kiến cảnh tượng đó, cứ rùng mình dựng tóc gáy liên tục, ngay cả đến Lão Toàn cũng phải chau mày. Tôi nghĩ đánh nhau kiểu gì thế không biết.
Trời vừa tối, lại mưa tuyết, có một khoảng thời gian dài im tiếng súng, chúng tôi liền nghe thấy tiếng hu hu của mấy ngàn thương binh chưa chết nằm ở ngoài chiến hào, lúc thì giống như là đang khóc, lúc lại giống như đang cười. Đó là những tiếng kêu đau đớn chịu không nổi, cả đời tôi chưa bao giờ nghe thấy những tiếng kêu khủng khϊếp như thế, cứ từng đợt từng cơn như nước thủy triều à à ập qua người chúng tôi. Tuyết rơi xuống, trời tối quá, chúng tôi không nhìn thấy hoa tuyết, chỉ cảm thấy vừa lạnh vừa ướt, từng cánh mềm mại trên tay tan dần, chẳng mấy chốc lại đọng lại một lớp tuyết dày khác.
Ba người chúng tôi co quắp nhau mà ngủ, vừa đói vừa lanh. Lúc này máy bay cũng ít đến, tìm được cái ăn đã khó khăn lắm, chẳng còn ai mong ngóng Ủy viên trưởng Tưởng Giới Thạch đến cứu nữa, tiếp theo là cũng chẳng ai biết mình sống hay chết. Xuân Sinh hích hích vào tôi hỏi:
- Phú Quí ngủ rồi hả?
Tôi đáp:
- Chưa.
Hắn lại hích hích Lão Toàn. Lão Toàn không trả lời. Xuân Sinh khịt mũi hai cái, bảo tôi:
- Phen này thì chết mất thôi.
Tôi nghe vậy cũng cay cay trong mũi. Lúc này Lão Toàn mới lên tiếng, anh ấy duỗi duỗi hai cánh tay bảo:
- Đừng nói gở thế. – Anh ấy ngồi dậy, lại bảo – Ta cũng đánh mấy chục trận to nhỏ, lần nào cũng bụng bảo dạ: Ta có chết cũng phải sống, đạn sạt qua đủ mọi chỗ trên người ta, chỉ có điều không găm vào thân ta. Xuân Sinh này, chỉ cần nghĩ mình không chết sẽ không chết.