Lúc đầu có cho Hữu Khánh đi học hay không, vợ chồng tôi cũng cứ do dự mãi vì không có tiền. Phượng Hà lúc đó mười hai tuổi, tuy nó cũng giúp bố làm được việc đồng áng, giúp mẹ làm một số việc ở nhà, nhưng vẫn coi như sống dựa vào chúng tôi. Tôi và Gia Trân bàn nhau hay là đem Phượng Hà cho người ta, số tiền còn lại để cho Hữu Khánh ăn học. Đừng tưởng Phượng Hà không biết nghe, không biết nói, nó thông minh đáo để. Tôi và Gia Trân vừa nói đến chuyện đem Phượng Hà cho người ta, nó quay phắt đầu lại nhìn bố mẹ, hai mắt cứ chớp chớp. Tôi và Gia Trân bị cháu nhìn mà chua xót cõi lòng, suốt mấy ngày liền không nhắc đến chuyện ấy nữa.
Tuổi đi học của Hữu Khánh ngày càng đến gần, không thể không giải quyết việc đó. Tôi đã nhờ người trong làng khi đi ra ngoài tiện thể dò hỏi xem có nhà ai bằng lòng nhận nuôi một bé gái mười hai tuổi. Tôi bảo với Gia Trân:
- Nếu gặp được một gia đình tử tế, thì Phượng Hà còn sống khá hơn bây giờ.
Gia Trân gật đầu lia lịa song lại lau nước mắt. Lòng dạ người làm mẹ bao giờ cũng yếu mềm. Tôi khuyên vợ suy nghĩ thoáng một chút. Phượng Hà số khổ, xem ra phải chịu khổ hết đời. Hữu Khánh thì không thể khổ cả đời được, phải cho nó đi học, đi học mới có ngày thành đạt. Tóm lại, không thể để cả hai đứa con bị cảnh nghèo trói buộc, phải để một đứa sau này sống khá hơn.
Người trong làng đi dò hỏi về cho biết Phượng Hà hơi lớn một chút, nếu giảm được nửa số tuổi thì nhiều người nhận nuôi. Nghe nói vậy, chúng tôi cũng từ bỏ ý định ban đầu, ai ngờ một tháng sau, có hai gia đình nhắn tin đến xin Phượng Hà về làm con gái; còn gia đình nữa nhận Phượng Hà về trông nom bố mẹ già. Tôi và Gia Trân đều cảm thấy gia đình không có con hay hơn, coi Phượng Hà là con thì thường yêu thương hơn, liền nhắn họ đến xem. Họ đến, nhìn thấy Phượng Hà, cả hai vợ chồng đều rất mừng, nhưng vừa nghe bảo Phượng Hà bị câm, họ liền đổi ý định. Anh chồng nói:
- Người sạch sẽ đấy, chỉ có điều…
Ông ta không nói tiếp, sau đó ra về một cách khách khí. Tôi và Gia Trân đành phải để cho gia đình thứ hai. Người ta đến nhận Phượng Hà, đúng là gia đình này không quan tâm đến chuyện Phượng Hà có biết nói hay không. Họ bảo, chỉ cần chăm chỉ nhanh chân nhanh tay là được.
Hôm Phượng Hà bị đưa đi, lúc tôi vác cuốc chuẩn bị ra đồng, thì nó xách ngay rổ và liềm đi theo tôi. Mấy năm qua tôi làm việc ở ruộng, Phượng Hà thường cắt cỏ ở bên cạnh đã quen rồi. Hôm ấy thấy con gái đi theo, tôi đẩy đẩy bảo nó về. Nó tròn xoe hai mắt nhìn tôi. Tôi bỏ cuốc xuống, lôi nó vào trong nhà, cầm lấy cái liềm và cái rổ trong tay con vứt vào một góc. Nó vẫn trân trân nhìn tôi. Nó không biết chúng tôi đã đem nó cho người khác. Khi Gia Trân thay cho nó bộ quần áo màu đỏ tươi, nó không nhìn tôi nữa, cúi đầu để mẹ thay quần áo, đó là bộ quần áo Gia Trân đã mặc, nay sửa đi khâu lại. Khi Gia Trân cài cúc cho Phượng Hà, nước mắt nó ròng ròng chảy, Phượng hà biết mình sắp phải đi. Tôi vác cuốc ra, đi đến cổng rồi nói với Gia Trân:
- Tôi ra đồng đây, người ta đến nhận Phượng Hà, cứ bảo họ đưa đi, đừng ra gặp tôi nữa.
Tôi ra đến ruộng, khi tung cái cuốc lên bổ xuống cứ cảm thấy hẫng hụt, không ngọt lưỡi cuốc, không chắc đẫy tay, trong lòng trống trải. Tôi nhìn xung quanh, không thấy Phượng Hà cắt cỏ ở đó. Từ nay trở đi không còn bao giờ nhìn thấy Phượng Hà khi làm việc nữa, tôi buồn chán chẳng còn một chút sức lực nào. Giữa lúc đo tôi nhìn thấy Phượng Hà đứng ở bờ ruộng, bên cạnh có một người đàn ông trạc năm mươi tuổi dắt tay nó. Nước mắt Phượng Hà chảy giàn giụa trên mặt, nó khóc tới mức toàn thân cứ run run, khóc mà không hề có một chút âm thanh, nó cứ nâng cùi tay gạt nước mắt liên tục. Tôi biết nó lau nước mắt là để nhìn rõ bố. Người đàn ông kia cười bảo tôi:
- Anh yên tâm, tôi sẽ đối xử tử tế với cháu.
Nói xong, ông ta dắt Phượng Hà đi. Phượng Hà đi theo ông ấy. Khi Phượng hà bị dắt đi, người cháu cứ ngã về phía tôi, nó nhìn tôi. Phượng Hà cứ đi cứ đi, tôi không nhìn thấy mắt nó nữa, một lát sau lại thấy cánh tay nó giơ lên lau nước mắt, rồi không nhìn thấy gì nữa. Lúc này thật tình tôi không chịu nổi nữa, ngoẹo đầu khóc nức nở. Lúc Gia Trân bước đến, tôi đã trách vợ:
- Bảo mình đừng cho họ ra đây, mình lại cứ để họ ra gặp tôi.
Gia Trân đáp:
- Phượng Hà nó tự ra gặp bố đấy.
Sau khi Phượng Hà đi, Hữu Khánh đã phá bĩnh. Mới đầu, lúc Phượng Hà bị người ta dắt đi, nó trố mắt tkhông biết đã xảy ra chuyện gì; mãi đến khi Phượng Hà đi xa, không nhìn thấy nữa, nó mới gãi đầu gãi tai đi từng bước về nhà. Tôi thấy nó nhìn ngó ra chỗ mình mấy lần, chỉ có điều không đi đến tận nơi hỏi. Khi nó còn ở trong bụng mẹ đã từng bị tôi đánh, nên nhìn thấy tôi nó sợ.
Lúc ăn cơm trưa không có Phượng Hà ở mâm, Hữu Khánh chỉ và hai miếng rồi bỏ, mắt hết nhìn mẹ lại nhìn bố. Gia Trân giục nó:
- Ăn mau lên con.
Nó lắc lắc cái đầu bé xíu, hỏi mẹ:
- Chị đâu hả mẹ?
Gia Trân nghe nói vậy cúi đầu, bảo con:
- Con ăn nhanh nhanh đi nào.
Thằng bé đặt luôn đũa xuống, hỏi mẹ:
- Bao giờ chị về hả mẹ?
Phượng Hà ra đi, trong lòng tôi vốn đang rối bời bời. Bây giờ thấy Hữu Khánh như vậy, tôi đập tay lên mâm cơm nói:
- Phượng Hà không về nữa.
Hữu Khánh sợ run người, nhìn thấy tôi không nổi nóng nữa, nó mắm môi cúi đầu khẽ nói:
- Con cần chị cơ.
Gia Trân liền nói với nó, bố mẹ đã đem Phượng Hà cho người ta, để dành một ít tiền cho con đi học. Nghe thấy bảo đem Phượng Hà cho người ta, Hữu Khánh há mồm òa khóc, vừa khóc vừa nói:
- Con không đi học, con cần chị cơ.
Tôi mặc kệ nó, nghĩ bụng nó khóc thì cứ để cho khóc, ai ngờ nó lại nói:
- Con không đi học.
Tôi rối ruột, quát nó:
- Mày khóc cái gì hả?
Hữu Khánh sợ rụt người lại, nhìn thấy tôi lại cúi đầu ăn cơm, nó liền rời khỏi mâm, đi đến góc nhà đột nhiên lại nói to một tiếng:
- Con cần chị cơ.
Tôi biết lần này không đánh con không xong, liền cầm cái cán chổi ở sau cửa đi vào, bảo với nó:
- Quay ra!
Hữu Khánh nhìn Gia Trân, ngoan ngoãn quay ra, hai tay vịn vào tường. Tôi nói:
- Cởϊ qυầи ra!
Hữu Khánh quay đầu nhìn mẹ, sau khi cởϊ qυầи lại quay mặt nhìn mẹ, thấy mẹ không bước đến ngăn bố, nó hoảng lên. Khi tôi giơ cán chổi lên, nó sợ hãi nói:
- Bố, đừng đánh con nữa có được không?
Nó nói như vậy, tôi cũng mềm lòng. Hữu Khánh có tội tình gì đâu, Phượng Hà đã trông coi nó lớn, nó thân thiết với chị, nhớ chị đấy mà. Tôi xoa xoa đầu nó, bảo:
- Nhanh nhanh ra ăn cơm đi con.
Hai tháng đã qua đi, đến ngày Hữu Khánh đi học rồi. Khi bị dẫn đi, Phượng Hà đã mặc một bộ quần áo đẹp, còn Hữu Khánh đi học thì ăn mặc rách rưới, trong lòng người làm mẹ đau khổ lắm. Ngồi xổm trước mặt con. Gia Trân hết kéo kéo chỗ này, lại vuốt vuốt chỗ kia, nói với tôi:
- Chẳng có bộ quần áo ra hồn nào.
Nào ngờ Hữu Khánh lại nói:
- Con không đi học.
Đã hai tháng trôi qua, tôi cứ tưởng Hữu Khánh quên chuyện Phượng Hà từ lâu rồi, vậy mà đến ngày đi học, nó lại bảo như thế. Lần này tôi không nổi nóng, tôi dịu ngọt nói với con, đem Phượng Hà cho người ta là để cho con đi học, con chỉ có chăm chỉ học tập mới xứng đáng với chị. Hữu Khánh cứng rắn hẳn lên, ngẩng cao đầu nói với tôi:
- Con không đi học đấy!
Tôi bảo:
- Lại ngứa đít đấy hả?
Nó quay ngoắt một cái, chân giẫm bình bịch trên đất đi vào trong nhà, nói vọng ra:
- Bố có đánh chết, con cũng không đi học.