Sống


- Ai tự nguyện tham gia quân Giải phóng thì tiếp tục ngồi, còn ai muốn về nhà thì đứng lên, đi lĩnh lệ phí về quê.

Vừa nghe có thể về nhà, tim tôi đập thình thịch. Nhưng tôi nhìn thấy người sĩ quan kia đeo súng lục ở lưng thì lại đâm sợ. Tôi nghĩ, làm gì có chuyện tử tế như thế. Rất nhiều người ngồi im lặng, cũng có một số người đi ra, họ đã đến trước bàn lĩnh lộ phí thật. Ông sĩ quan kia luôn nhìn họ. Sau khi nhận tiền đi đường, còn lĩnh cả giấy thông hành, tiếp đó là lên đường. Tôi hồi hộp vô cùng, viên sĩ quan kia dứt khoát sẽ rút súng ra bắn họ, giống như đại đội trưởng của chúng tôi đã bắn. Nhưng sau khi họ đã đi rất xa, ông ta vẫn không bắn. Lúc này tôi hồi hộp căng thẳng, tôi biết quân Giải phóng bằng lòng tha chúng tôi về nhà thật, tôi biết qua chiến trận vừa rồi, thế nào gọi là đánh nhau, tôi đã thầm nhủ không bao giờ đi đánh nhau nữa, tôi phải về nhà. Tôi liền đứng lên, bước thẳng tới trước mặt viên sĩ quan, quỳ sụp xuống khóc thút thít. Tôi vốn định nói xin về nhà, song vừa há mồm lại thay đổi, tôi cứ thưa rối rít:

-Thưa đại đội trưởng, thưa đại đội trưởng, thưa đại đội trưởng….

Tôi không nói được gì khác. Viên sĩ quan kia dìu tôi đứng dậy, hỏi tôi định nói gì. Tôi vẫn gọi ông ấy là đại đội trưởng, vẫn khóc. Một người giải phóng quân đứng cạnh nói với tôi:

- Đây là trung đoàn trưởng.

Nghe nói vậy tôi hết hồn,nghĩ bụng hỏng bét rồi, nhưng nghe thấy tiếng cười rộ lên của đám tù binh đang ngồi, lại nhìn thấy trung đoàn trưởng mỉm cười hỏi tôi:

- Anh định nói gì?

Tôi lúc này mới vững tâm, nói với trung đoàn trưởng:

- Tôi xin về nhà.

Quân Giải phóng đã cho tôi về nhà, còn cho cả tiền đi đường. Tôi hấp ta hấp tấp đi về hướng nam, đói thì lấy tiền quân Giải phóng cho mua bánh nướng ăn, mệt thì tìm một nơi bằng phẳng đánh một giấc. Tôi nhớ nhà lắm rồi, cứ nghĩ đời này kiếp này được đoàn tụ với mẹ, Gia Trân và hai đứa con, tôi lại vừa cười vừa khóc, hối hả chạy về phía Nam.

Khi tôi đến bến sông Trường, miền Nam còn chưa giải phóng, quân Giải phóng đang chuẩn bị vượt sông. Tôi không qua được, phải ở đấy mất mấy tháng; tôi tìm việc làm ở khắp nơi để khỏi chết đói.

Tôi biết quân Giải phóng thiếu người chở thuyền. Ngày trước sẵn tiền ham chơi, tôi đã từng học chở thuyền; đã mấy lần tôi định gia nhập quân Giải phóng, chở thuyền cho họ qua sông Trường. Tôi nghĩ, quân Giải phóng tốt với mình, mình phải đáp lại ơn đó. Nhưng quả thật tôi sợ đánh nhau, sợ không được gặp người ruột thịt. Vì mẹ con Gia Trân, tôi đã thầm nhủ:

- Mình không đền ơn nữa, mình sẽ ghi nhớ việc đối xử tử tế của quân Giải phóng.

Tôi đã bám sau lưng quân Giải phóng về đến nhà. Tính thời gian tôi xa gia đình đã sắp được hai năm. Lúc đi là giữa thu, khi về là đầu thu. Bụi đất đầy người, tôi bước đi trên đường quê hương, tôi nhận thấy thôn mình chẳng thay đổi chút nào hết, cứ nhìn vào là thấy, tôi sốt ruột xồng xộc đi lên trước. Tôi nhìn thấy trước tiên ngôi nhà ngói ngày nào là của gia đình tôi, rồi lại nhìn thấy mái lều tranh bây giờ. Vừa nhìn thấy lều tranh ấy, tôi không còn nhịn được chạy phứa lên.

Đến chỗ cách đầu thôn không xa, có một bé gái bảy tám tuổi dắt theo một cậu bé ba tuổi đang cắt cỏ. Vừa nhìn thấy con bé ăn mặc rách rưới, tôi đã nhận ra ngay đó là Phượng Hà của tôi. Phượng Hà đang dắt tay Hữu Khánh, Hữu Khánh bước đi còn chập chững. Tôi liền gọi Phượng Hà và Hữu Khánh:

- Phượng Hà ơi!Hữu Khánh ơi!

Phượng Hà như không nghe thấy, song Hữu Khánh quay người lại nó vẫn đang bị chị dắt đi nên chỉ ngoẹo đầu lại. Tôi gọi tiếp:

- Phượng Hà ơi!Hữu Khánh ơi!

Lúc này Hữu Khánh kéo chị lại. Phượng Hà quay về phía tôi. Tôi chạy đến ngồi xổm trước mặt Phượng Hà:

- Phượng Hà ơi, có biết ai đây không?

Phượng hà tròn mắt nhìn tôi một lúc, cái mồm động đậy không thành tiếng. Tôi bảo Phượng Hà:

- Ta là bố con đây.

Phượng Hà nhoẻn cười, mồm nó cứ há ra há ra nhưng không nói tiếng nào. Lúc ấy, tôi đã cảm thấy ngờ ngợ cái gì, chỉ có điều tôi không nghĩ kĩ. Tôi biết Phượng Hà đã nhận ra bố, nó há mồm cười với tôi, răng cửa nó đã rụng hết. Tôi đưa tay âu yếm ờ mặt nó, mắt cháu sáng lên úp mặt vào tay tôi. Tôi lại nhìn Hữu Khánh, đương nhiên Hữu Khánh không nhận ra tôi, nó sợ cứ nép vào người chị. Tôi kéo nó, nó liền tránh tôi. Tôi bảo nó:

- Con trai ơi, ta là bố con đây.

Hữu Khánh liền nấp sau lưng chị, đẩy Phượng Hà bảo:

- Chúng ta mau về đi.

Lúc này, có một người đàn bà chạy đến chỗ chúng tôi, rối rít gọi tên tôi, tôi nhận ra vợ mình.Gia Trân chạy lảo đà lảo đảo, chạy đến trước mặt tôi gọi một tiếng:

- Anh Phú Quí!-Rồi ngồi bệt xuống đất khóc hu hu.

Tôi nói với Gia Trân:

- Khóc cái gì, khóc cái gì.

Nói xong, tôi cũng khóc hu hu.

Coi như tôi đã về nhà. Nhìn thấy Gia Trân và hai đứa con đều khỏe mạnh, tôi cũng yên tâm. Cả ba mẹ con theo bố về nhà. Đi gần lều tranh nhà mình, tôi rối rít gọi:

- Mẹ ơi, mẹ!

Gọi xong, tôi chạy vượt lên, chạy vào trong lều tranh không nhìn thấy mẹ đâu, mắt tôi tối sầm lại, quay ra hỏi Gia Trân:

- Mẹ đâu…em?

Gia Trân không nói gì, nước mắt giàn giụa nhìn tôi. Tôi biết mẹ đi xa rồi. Tôi đứng ở cửa cúi đầu lau nước mắt.

Tôi xa nhà được hơn hai tháng thì mẹ tôi mất. Gia Trân nói với tôi, trước khi chết, mẹ cứ nhắc đi nhắc lại mãi: “Phú Quí không đi đánh bạc đâu”.

Gia Trân đã lên tỉnh dò hỏi về tôi bao nhiêu lần, nhưng không có ai bảo với cô ấy tôi đã bị bắt đi lính, nên mẹ tôi mới nói như vậy. Thương cho mẹ tôi quá, lúc chết mẹ tôi vẫn không biết tôi ở đâu. Phuợng Hà của tôi cũng đáng thương, một năm trước đây, sau một trận sốt cao nó không nói được nữa. Khi Gia Trân khóc nức nở nói với tôi những chuyện này thì Phượng Hà ngồi ngay trước mặt tôi. Nó biết bố mẹ đang nói về nó, liền khe khẽ cười với tôi. Nhìn con gái cười, tôi như đứt từng khúc ruột. Hữu Khánh cũng đã nhận ra bố, chỉ có điều nó còn sờ sợ tôi; tôi bế nó, nó cứ cố giãy ra nhìn chị. Dù sao thì tôi cũng đã về đến nhà. Đêm đầu tiên tôi không sao ngủ được. Hai vợ chồng cùng hai đứa con chen vào nhau; nghe gió thổi cỏ tranh phần phật trên nóc nhà, nhìn ánh trăng sáng vằng vặc ở bên ngoài, trong lòng tôi vừa cảm thấy yên tâm vừa cảm thấy ấm áp. Tôi hết sờ Gia Trân lại sờ hai đứa con tôi. Tôi cứ thầm nói hết lần này đến lần khác:

- Mình đã về nhà.

Khi tôi về nhà thì trong làng bắt đầu thực hiện cải cách ruộng đất. Tôi về được chia năm mẫu ruộng, tức năm mẫu cấy rẽ của Long Nhị ngày đầu. Long Nhị xúi quẩy lớn, hắn làm địa chủ, lên mặt chưa được ba năm, giải phóng một cái liền đi toi.

Đảng Cộng sản tịch thu ruộng đất của hắn, chia cho nông dân ngày trước. Hắn còn cố sống cố chết không chịu, đi dọa những gia đình nông dân ấy, có người không nghe, hắn liền giơ tay đánh người ta. Thế là Long Nhị tự chuốc lấy rủi ro, chính quyền nhân dân đã bắt hắn, qui hắn là địa chủ ác bá, tống hắn vào nhà giam ở tỉnh. Long Nhị vẫn không thức thời, cái mồm cứ cứng như đá, cuối cùng bị xử bắn.

Hôm xử tử Long Nhị, tôi cũng đi xem. Đứng trước cái chết, Long Nhị mới nản lòng. Nghe nói khi bị giải ra khỏi nhà tù, nước mắt cứ lưng tròng, mồm chảy nước dãi nói với một người quen:

- Có nằm mơ cũng không nghĩ đến ngày mình bị xử bắn.

Long Nhị cũng hồ đồ quá. Hắn cứ tưởng bị giam vài hôm sẽ thả ra, hoàn toàn không tin sẽ bị bắn. Hôm đó vào buổi chiều, xử bắn Long Nhị ở thôn cạnh chúng tôi, đã có người đào huyệt sẵn. Hôm đó, dân chúng ở mấy thôn đều đến xem. Long Nhị bị trói giật cánh khuỷu áp giải đến, gần như hắn bị lôi xềnh xệch, mồm nửa há, thở hồng hộc. Khi đi qua cạnh tôi, Long Nhị đưa mắt nhìn tôi một cái, tôi cảm thấy anh ta không nhận ra tôi, nhưng đi qua mấy bước anh ta liền cố tình quay đầu lại, sụt sịt nói với tôi:

Thêm Bình Luận