Đối với những người lớn lên ở nông thôn như Giai Tuệ và Phùng Tiểu Hà mà nói, cấy lúa là kỹ năng lao động khó quên. Tay chân ngâm nước đến nỗi trắng bệch nhăn nheo, thắt lưng cúi xuống thì không thể thẳng lên được, còn cả con đỉa cắn người ở trong nước, đó đều là những ấn tượng khó phai mờ của tuổi thơ và thời niên thiếu. Nhưng sau nhiều năm không xuống ruộng lao động, tuy cũng vất vả nhưng dường như đã đỡ nhiều hơn so với trong trí nhớ.
Đầu tiên là trong nước không còn nhiều đỉa, điều này đương nhiên là do sử dụng nhiều thuốc trừ sâu. Thêm nữa là có nhiều người cùng làm việc, bốn người ở trong ruộng rượt đuổi nhau, vừa làm việc vừa nói chuyện phiếm, dường như ngay cả việc cấy lúa cũng không còn quá đáng ghét nữa.
Bởi vì có thêm hai người lao động nên ruộng của nhà Phùng Bảo Quyên chỉ mất bốn năm ngày cấy xong, mọi người lại tiếp tục chuyển đến cầu ngập nước, cấy lúa ở hai thửa ruộng bên bờ suối. Hai thửa ruộng này nằm liền kề nhau tạo thành một bậc thang, mỗi thửa chưa tới một mẫu, trước đó trồng tử vân anh, dượng đã cày ruộng từ trước, ngâm một thời gian dài nên bùn đã nát mềm, trông rất bằng phẳng.
Tuy diện tích hai thửa cộng lại chỉ có hơn một mẫu, nhưng nếu như chăm sóc tốt thì cũng không cần phải mua lương thực cho cả nhà.
Bốn người cấy xong hai thửa ruộng chỉ trong thời gian nửa ngày. Sau đó lại trồng dây khoai lang ở mấy thửa ruộng cạn của nhà Phùng Bảo Quyên. Giai Tuệ nói khoai lang tím ở bên ngoài ăn rất ngon, Phùng Bảo Quyên nói năm nay không kịp rồi, chờ sang năm bà ấy sẽ trồng một thửa ruộng khoai lang tím, để cô ăn cho đủ.
Trong thời gian vụ mùa, Thất Bảo và bà nội cũng nảy sinh tình cảm mới. Hồi mới trở về, Giai Tuệ đi đâu Thất Bảo cũng muốn đi theo, nhưng sau khi quen thuộc với nông thôn, lá gan của cô bé cũng ngày càng lớn, chỉ cần có Phùng Bảo Quyên hoặc Miêu Miêu ở bên cạnh, tạm thời không nhìn thấy mẹ cũng không thành vấn đề. Mọi người đi ra đồng mấy ngày liền, Miêu Miêu cũng đi học, lúc trong nhà chỉ còn cô bé và bà nội, cô bé chơi một lát sẽ lẩm bẩm nói muốn mẹ, lúc này, mặc kệ đang bận làm gì, bà nội đều sẽ tạm ngừng công việc trong tay để dẫn cô bé ra đồng tìm mẹ.
"Đi, bà cụ dẫn Thất Bảo ra ngoài đồng, đi đưa nước cho cha mẹ!" Một già một trẻ xách theo bình nước, dắt tay nhau đi ra đồng.
Đến ngoài đồng, cách xa xa, giọng nói giòn tan của cô nhóc đã truyền tới: "Mẹ! Uống nước!"
"Cha, uống nước!"
"Bà cô, ông dượng, uống nước!"
Ban đầu, mỗi buổi sáng Thất Bảo đều muốn chạy ra ngoài đồng mấy chuyến, sau đó giảm bớt thành mỗi ngày đưa nước một lần. Bởi vì cô bé biết, mẹ ở ngoài đồng, bà cụ có thể dẫn cô bé đi bất cứ lúc nào. Đây là loại cảm giác an toàn mà Ultraman cũng không thể cho cô bé, nhưng bà cụ không biết chữ ở nông thôn lại làm được, điều này khiến Giai Tuệ vô cùng khâm phục. Cô cảm thấy có đôi khi bản thân cô cũng không tôn trọng nhu cầu của Thất Bảo đến như vậy.
Ngày mùa ở nông thôn đã đến hồi kết, công việc cải tạo sửa chữa nhà cửa được khởi động lại. Giai Tuệ thuê người sơn tường cho ngôi nhà ở bên cầu ngập nước, chuẩn bị củi đốt, còn Phùng Tiểu Hà thì thuê người sửa chữa nhà máy, dựng lều trồng nấm hương. Cỏ dại trong nhà máy đã mọc nhiều năm, đến tháng năm tháng sáu thì dày đặc đến nỗi người không đi vào được. Loại cỏ này không thể dùng dao chặt hết được, hôm nay chặt ngày mai lại mọc. Dùng lửa thiêu cũng không an toàn, hơn nữa mùa này độ ẩm quá lớn, đốt cỏ dại cũng không cháy được. Vì vậy Phùng Tiểu Hà bèn thuê một chiếc máy xúc, phải đào cả rễ lên mới được.
Máy xúc chạy ầm ầm, chỉ nửa tiếng đã gạt dây leo cỏ dại thành từng nhóm, gạt lên rồi vận chuyển đến bên cạnh. Sau đó lại lái qua cầu ngập nước, đi đến dưới lưng chừng núi. Gầu máy đâm xuống, gạt một cái kéo một cái đã kéo ra một đống dây leo.