Chương 34

Dượng chỉ huy bà con lợp xong mái nhà, điện nước cũng đã sửa xong, sau đó bắt đầu dọn dẹp nền nhà. Những mảng vữa bị rơi vãi trong nhà phải dùng cuốc nhọn đào lên rồi dùng sọt gánh ra ngoài. Chiếc bếp lò đất ban đầu ở trong phòng bếp cũng phải phá đi. Tất cả đồ dũng cũ đều được khiêng ra ngoài sân.

Những vật dụng này hoặc là kiểu dáng quá mức lỗi thời hoặc là bị mối mọt đến mức cụt chân cụt tay, tóm lại dượng cảm thấy có thể chẻ ra làm củi đun được rồi. Nhưng sau khi Giai Tuệ gõ thử tấm ván gỗ thì phát hiện có mấy thứ đều là gỗ chắc, trong số đó thì chiếc tủ quần áo ba cánh cửa, chiếc bàn Bát Tiên đầy vết bẩn, và cả chiếc tủ bát kiểu cũ ở trong bếp, tổng thể đều còn rất chắc chắn, thế là cô quyết định giữ chúng lại để cải tạo.

Loại bỏ hết vụn vữa ở tầng một xong, nhóm người của dượng bèn về nhà bận việc ở ngoài đồng. Khu vực thị trấn Long Sơn có hai vụ một năm. Tháng năm hàng năm sẽ phải thu hoạch lúa mì và cải dầu, cấy mạ cho cả cánh đồng. Công trường ở cầu ngập nước đổi một nhóm người khác, là đội xây dựng chuyên lát đá mài. Đầu tiên, các công nhân trải vữa san phẳng nền nhà, sau một hai ngày để khô, tiếp tục trộn xi măng với đá vụn rồi trải đều và đánh bóng. Sau khi đánh bóng nhiều lần, toàn bộ sàn nhà trở nên rất bằng phẳng và bóng loáng. Những viên đá trắng bên trong xi măng được mài thành nhiều hình dạng khác nhau, điểm xuyết trên nền màu tối, khi bật đèn lên sẽ giống như bầu trời đầy sao.

Đội xây dựng hẹn bọn họ vài ngày nữa sẽ tới mài nhẵn và đánh bóng lại, công việc ở đây coi như đã hoàn thành. Sau đó công việc ở công trường sẽ phải tạm dừng hai ngày, bởi vì Giai Tuệ cũng phải đi ra đồng giúp Phùng Bảo Quyên cấy lúa.

Nông thôn hiện tại đã có rất nhiều máy móc thay thế con người. Ví dụ như lúc gặt lúa mì đã có thể thuê máy thu hoạch, lúc cày ruộng cũng có máy cày, nhưng cấy lúa chủ yếu vẫn phải do con người làm, nhất là ở khu vực đồi núi như vậy, có một số thửa ruộng nằm ở trong thung lũng hẹp dài, máy cấy lúa thao tác không tiện, cấy thủ công sẽ nhanh hơn.

Buổi sáng trời còn chưa sáng, mọi người đã thức dậy nhổ mạ ra khỏi luống ươm, buộc thành từng bó một, dùng máy kéo hoặc xe ba bánh mang đến bờ ruộng, sau đó cấy vào trong ruộng. Sau khi bận rộn hai ba tiếng thì mặt trời mọc, lúc này mới dành thời gian trở về ăn sáng, người có ruộng cách xa nhà còn mang đồ ăn đến bờ ruộng ăn.

Vào ngày mùa, bữa sáng vô cùng quan trọng, bình thường có tiết kiệm đến mấy thì lúc này cũng phải chuẩn bị hai ba món ngon để ăn với cơm. Sáng sớm, hai vợ chồng Giai Tuệ đi ra đồng cùng dượng, cô Phùng Bảo Quyên ở nhà chuẩn bị bữa sáng, bà nội trợ giúp. Rửa sạch lạp xưởng, đem hấp với cơm rồi cắt thành từng miếng mỏng, những miếng lạp xưởng mỡ nạc đan xen, phần mỡ có màu hổ phách, phần nạc thì có màu đỏ thẫm săn chắc. Sau đó là rửa mấy quả trứng vịt muối, luộc rồi cắt thành hai phần, lòng đỏ của mỗi quả trứng đều rất béo ngậy. Còn rau xanh thì đương nhiên là trong vườn có gì ăn nấy, phần lớn là đậu hà lan, xà lách và tỏi tươi. Thỉnh thoảng cũng ăn rau dại tươi hái ở ven đường, ví dụ như nộm rau dương xỉ, rau sam xào, trứng gà xào hương xuân.

Chuẩn bị đồ ăn xong, Phùng Bảo Quyên bèn đưa Miêu Miêu đi học. Bây giờ Thất Bảo đã trở thành người đi học cùng, mỗi ngày đều muốn tự mình đưa chị đi học, bà nội cũng phải đi theo. Cô bé ngồi ở trong xe không vững, nhất định phải có người ôm. Đoàn thể đưa đi học đông đảo nói tạm biệt Miêu Miêu ở cổng trường rồi mới lái xe về nhà.

Chờ người ở ngoài đồng trở về, mọi người ngồi vây quanh bàn ăn, ăn sáng xong lại lần lượt ra đồng bận việc của mình.