"Thật à?" Hai ba ngày đã có thể kiếm được ba ngàn tệ, điều này đã xoa dịu nỗi lo lắng của bà cụ từ tối hôm qua, có lẽ sau này cháu trai của bà cụ cũng sẽ không đến mức nghèo túng. Nhưng bà cụ lại nghi ngờ bọn họ không nói thật: "Bà nghe mẹ Xuân Bình nói các cháu nợ nhà nước mấy triệu. Trả hết nhanh như vậy à? Chắc chắn là hai đứa đang lừa bà! Chuyện cũng đã rồi, bà không mắng cháu, mắng cũng vô ích. Người một nhà đồng sức đồng lòng trả nợ, kiểu gì cũng có ngày trả hết."
Cho đến khi Phùng Tiểu Hà và Giai Tuệ liên tục bảo đảm với bà cụ, vẻ mặt bà cụ mới dịu xuống, nhưng vẫn nhét sổ tiết kiệm cho Giai Tuệ: "Cháu à, chút tiền này cháu cứ cầm lấy, còn phải sửa nhà nữa, chỗ nào cũng phải dùng tiền. Trong tay dư dả một chút sẽ tốt hơn."
Phùng Tiểu Hà còn muốn nói, Giai Tuệ lại liếc mắt ra hiệu với anh: "Ôi, bà tiết kiệm được nhiều tiền như vậy ạ?" Cô cầm lấy sổ tiết kiệm rồi cố ý nhướng mày: "Cho cháu thật ạ? Cho cháu thật thì cháu dùng nhé. Bà nội, cháu nói thật, bọn cháu chỉ vất vả một hai năm này thôi, chờ cháu trai của bà mở nhà máy nấm hương, kiếm được tiền sẽ trả lại cho bà nhé ạ?"
Bà cụ thấy Giai Tuệ cười tủm tỉm, lúc này trong lòng mới dễ chịu một chút, liếc xéo cô một cái rồi nói: "Ai cần cháu trả! Cháu còn sợ bà không có cơm ăn chắc? Rau nhà tự trồng, gà nhà tự nuôi. Bây giờ bà nội cháu vẫn còn lao động được, không cần hai đứa nuôi!"
"May mà hôm nay bà tới, cháu đang muốn bàn bạc với bà một chuyện." Giai Tuệ lại nói: "Chúng cháu đang sửa nhà, ngày ngày bận tối mặt tối mũi, không có ai trông Thất Bảo cả. Trên công trường toàn là cục gạch với mảnh ngói, chắc chắn không thể dẫn theo được. Cô ở nhà phải làm việc nhà, còn phải nấu cơm nữa nên cũng không rảnh. Hai ngày nay cháu đang buồn phiền đây."
Cô cố ý tỏ ra u sầu. Bà cụ yếu thắng, không muốn trở thành gánh nặng cho các cháu. Nếu như muốn đón bà cụ về dưỡng lão, chắc chắn bà cụ sẽ khiêm tốn từ chối. Nhưng nếu như cần bà cụ giúp đỡ, đương nhiên đây sẽ là việc đáng làm thì phải làm. Bà cụ lập tức đồng ý: "Chẳng phải Thất Bảo còn có bà già này hay sao? Cháu yên tâm, bà sẽ chăm sóc tốt giúp cháu."
Trời trong xanh bảy tám ngày liên tục, ngôi nhà cũ bên cạnh cầu ngập nước dần dần tỏa ra ánh hào quang mới sau những ngày làm việc. Sau khi đổi những thanh kèo, mái nhà bếp đã được lợp lại bằng tôn màu đỏ. Mái nhà tầng hai cũng đã được sửa xong. Đây là tình hình bên ngoài, trong nhà còn thay đổi lớn hơn. Trong căn phòng nhỏ ở phía bắc cầu thang, Giai Tuệ cho người lắp đặt ống thoát nước, sơn chống thấm nước, lần lượt thay đổi thành hai phòng vệ sinh ở cả tầng trên và tầng dưới.
Còn cả nhà chính, trước đó ánh sáng trong nhà chính chủ yếu nhờ vào hai cánh cửa phía trước, một khi cửa đóng lại thì trong phòng sẽ rất tối, bởi vậy Giai Tuệ cho người đập ra mấy ô cửa sổ ở trên bức tường đối diện cửa chính, cả căn phòng lập tức trở nên sáng sủa hơn.
Cánh cửa sổ gỗ cũ nát ở phòng bếp đương nhiên cũng bị dỡ bỏ, đổi thành hai cánh cửa sổ kính lớn. Giai Tuệ còn để người đập ra một cánh cửa khác ở đầu tường, bởi vì củi đều xếp ở bên kia, để lại một cánh cửa đi ra lấy củi mới tiện.
Sửa nhà chính là như vậy, kế hoạch không theo kịp sự thay đổi. Trong kế hoạch là cái nào tiết kiệm tiền thì làm cái đó, nhưng đến lúc bắt tay vào làm lại cảm thấy tường cũng đã sửa, mái nhà cũng đã đổi, không làm cửa ra vào mới, cửa sổ mới thì tiếc quá.
Cửa sổ của ngôi nhà đều là cửa gỗ kiểu cũ, tầng một ẩm thấp, rất nhiều gỗ đã bị mục nát, sau khi xem xét, Giai Tuệ mời thợ đến đổi hết thành khung nhôm cửa kính. Nhưng còn cửa chính bằng gỗ và cửa sổ của tầng hai, cái nào vẫn có thể sử dụng thì Giai Tuệ đều giữ lại. Thứ nhất đương nhiên là vì tiết kiệm tiền, thứ hai là Giai Tuệ cũng cảm thấy, loại nhà kiểu cũ như vậy kết hợp với cửa sổ kiểu cũ sẽ đẹp hơn. Đương nhiên điều kiện tiên quyết là phải sơn lại, đồng thời thay hết toàn bộ bản lề và chốt khóa rỉ sét đi.