Chương 8 : Buổi Hẹn Đầu Tiên

Tối đó, Huy đưa tôi về tận dưới chân chung cư nhà tôi. Chào anh ta, tôi lên nhà. Vừa vào nhà đã nghe mẹ tôi đang lớn tiếng với ba:

“Tôi nói ông bao nhiêu lần rồi, đừng có rượu bia gì nữa, mỗi lần uống vào đau như vậy mà cứ uống.”

“Công việc mà bà, kiêng tới đâu thôi chứ sao kiêng hẳn được.”

“Rồi ông kiếm tiền về để uống thuốc hay nằm viện hả?”

“Thôi bà đừng càm ràm nữa, đau một chút thì cũng hết thôi. Bây giờ không đi làm thì tiền đâu sinh sống.”

Thấy tôi về mẹ lại vin vào tôi nói tiếp:

“Con thấy đó, mẹ không nói ba con được. Bị sỏi mật lâu rồi mà cứ uống bia uống rượu cho cố vào. Lại bị đau nữa kìa.”

“Thôi mẹ, để con hỏi ba xem sao. Mẹ đừng mắng nữa.”

Tôi lại chỗ ba:

“Ba đau thế nào? Có cần đi khám không?”

“Ba không sao. Uống thuốc vô là đỡ thôi, đừng lo.”

“Ba cũng nên cẩn thận sức khoẻ. Có việc gì mẹ cũng la lên con không đỡ cho ba được đâu.”

“Ừ, ba biết rồi. Con nghỉ ngơi đi. Ba nằm nghỉ một chút là đỡ thôi.”

Ba tôi vốn bị sỏi mật. Sức khoẻ ông cũng yếu nên chưa quyết định mổ. Nhưng vì công việc ba tôi thỉnh thoảng vẫn phải uống bia uống rượu. Mà cứ mỗi lần như vậy thì ba lại đau. Ba đau thì mẹ lại càm ràm la lối ba. Nhìn ba thì ôm bụng đau vật vã, mẹ thì la mắng, thực sự tôi rất sợ những lúc như vậy. Thương ba, thương mẹ vì biết ai cũng có lý do để hành động như vậy. Cứ như một cái vòng luẩn quẩn: không đi làm thì không có thu nhập, sẽ chết đói. Mà đi làm thì chắc chắn sức khoẻ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chính tôi cũng đang rơi vào một cái vòng lặp ấy. Đi làm thì chán chường vì công việc quá chán, không có một cơ hội phát triển nào. Nhưng nếu không đi làm thì chết đói. Mà bảo bây giờ phải làm việc gì để vừa có đam mê vừa có tiền vừa phát triển bản thân thì tôi không biết. Mà có chắc là tôi thay đổi được không? Mà không thay đổi thì cuộc sống nhàm chán quá, thê lương quá, bế tắc quá.

Hình ảnh của ba vất vả đi làm để kiếm ăn nhưng vẫn chỉ là đủ ăn. Hình ảnh của tôi cũng đang ngày ngày vật lộn với đống giấy tờ vô cảm kia nhưng cũng chả phát triển tới đâu, những hình ảnh này cứ luẩn quẩn trong đầu tôi cho đến khi thϊếp đi.

Trước khi đi vào giấc ngủ, tôi còn đủ nhận thức để rút ra một kết luận: “muốn thoát khỏi cái cảnh luẩn quẩn này, chỉ có mình mới có thể cứu mình.”

………..

Thắm thoắt mà đã tới cuối tuần. Mấy ngày nay chị Lan bỏ thời gian để đào tạo lại về nghiệp vụ cho tôi và bé Nhi. Hướng dẫn tôi đọc được số liệu, nhìn ra được những câu chuyện, những dự đoán đằng sau những con số vô cảm kia. Thì ra thì chúng có quy luật hết chứ không chỉ là chuyện nhập liệu những con số vào file là xong việc. Nhìn biểu đồ tăng giảm, nhìn đồ thị lên xuống có thể ra những đánh giá cho xu hướng.

Nhờ chị Lan hướng dẫn, tôi vẫn chưa thể hiểu hết, nhưng phần nào cũng làm cho tôi thấy công việc của mình cũng không đến nỗi khô khan và nhàm chán.

Hôm nay cuối tuần nên tôi không phải tăng ca vì những ngày qua bốn người chúng tôi đã chạy hết công suất. Đang định gọi con Chi đi lòng vòng chơi thì thấy điện thoại báo có cuộc gọi. Nhìn dãy số lạ tôi tần ngần vì dù số lạ nhưng lại là số rất đẹp. Dự cảm đây phải là số của người không thể bình thường, tôi ngập ngừng bắt máy:

“A lô,”

“Tôi đây.” – một giọng trầm ấm truyền đến tai tôi. Nhưng nghe ra lại có chút mệt mỏi – “Cô đến bệnh viện với bà tôi một chút. Bà đang mệt, nhắc cô nhiều.”

“Dạ…dạ… tôi...đến ngay.”

Vừa cúp máy xong tôi chào mọi người đi vội ra tháng máy, còn không kịp nghe hết câu đùa của anh Khánh: “Ơ ơ sao bé An nay bị làm sao thế nhỉ?. Hay là….”

Khi tôi đến bệnh viện thì bà không còn nằm ở phòng bệnh thường ngày nữa mà đã được đưa vô cấp cứu hồi sức. Tôi hớt hải chạy đến phòng cấp cứu thì thấy Huy cùng một người đàn ông đứng tuổi đang ở đấy.

Thấy tôi Huy ngoắc tay ra hiệu đến chỗ anh ta. Tôi đi lại đấy, khẽ gật đầu chào người đàn ông kia:

“Cháu chào bác.”

Ông ta chỉ nhìn tôi không nói gì. May quá Huy lên tiếng:

“Đây là An, nhân viên của con ở Thiên Long. Cũng có biết bà nội. Lúc nãy trước khi ngất bà có nhắc đến cô ấy nên con gọi cô ấy đến.”

“Ừ.”

Ông ta chỉ ừ một tiếng, vẫn giữ thái độ lãnh đạm như cũ.

Tôi hỏi Huy:

“Bà có bị sao không?”

“Lúc nãy bà bị ngất đi. Bác sĩ chẩn đoán có thể do thận của bà nặng lên, ảnh hưởng đến huyết áp, huyết áp tăng nên bà bị ngất. May là lúc đó có hộ lý ở đấy nên gọi bác sĩ kịp.”

“Tình hình bây giờ bà thế nào rồi? Anh biết không?”

“Cấp cứu kịp nên chắc không sao.”

Huy vừa nói xong thì bác sĩ từ phòng cấp cứu ra. Bác sĩ chào ba Huy ra vẻ rất thân tình.

“Bà cụ đã qua nguy kịch, anh yên tâm. Bà sẽ nằm hồi sức hết đêm nay là có thể về phòng được.”

“Cảm ơn anh. Cảm ơn.”

Thì ra bác sĩ là người quen.

Vì bà phải nằm ở hồi sức đêm nay, tôi không thể gặp bà được nên tôi xin phép về. Để mai tôi vào thăm bà sau.

Khi tôi xin phép về thì Huy lại nói để tài xế chở tôi về. Tôi ngại nên từ chối, nói dối rằng có công việc với bạn nên nói mãi anh ta mới để tôi tự do đi về một mình. Còn người đàn ông ba anh ta, là chủ tịch hội đồng quản trị của Thiên Long, vẫn lãnh đạm không nói không rằng với tôi câu nào. Chỉ gật đầu khi tôi chào ông ta ra về.

“Tôi có làm gì đe doạ ông mà ông phải ra mặt nghiêm trọng thế.” – thầm nghĩ như vậy và lòng nhủ thầm sẽ không bao giờ muốn gặp lại ông ta nữa.

Chiều hôm sau tôi thu xếp vào bệnh viện thăm bà. Bà được chuyển đến phòng tiện nghi hơn, rộng rãi hơn, bà nằm một mình chứ không nằm chung với ai khác. Có cô hộ lý được gia đình thuê để chăm sóc bà.

Tôi vừa gõ cửa bước vào thì thấy Huy đang cho bà ăn cháo. Có vẻ anh ta rất thân với bà. Tôi hiếm khi thấy người đàn ông nào lại có hiếu với ông bà của mình đến như vậy. Anh ta lại bận bịu nhiều việc chứ không có nhiều thời gian nhưng mỗi khi anh ta đến với bà, không bao giờ thấy anh ta có vẻ vội vã, khẩn trương bao giờ. Lúc nào cũng ân cần, chăm sóc bà từ chuyên ăn uống, lau mặt mũi tay chân cho bà, rồi sắp xếp lại đồ dùng cho gọn ghẽ.

Thì ra soái ca của bao nhiêu cô gái, ngoài việc học giỏi, kinh doanh tài giỏi, giao tế thuận lòng người, thì còn có khả năng chăm sóc người khác nữa.

Ở đâu đào tạo được con người toàn tài như thế này chứ? Anh hơn tôi có ba tuổi, mà thực sự khoảng cách giữa tôi và anh ấy chắc phải như từ lòng đất lên đến cung trăng.

Thấy tôi đến bà rất vui. Cứ nắm lấy tay tôi cười suốt. Dù vẫn còn mệt, không nói chuyện được nhiều nhưng bà vẫn cứ cố nói nhiều với tôi.

“May quá ông bà thương mà bà mới được ở lại đây với tụi con. Tưởng là không qua khỏi.”

“Bà đừng nói vậy, bà phúc hậu sống tốt thế này trời phật sẽ thương bà để bà sống lâu với con cháu.”

“Không biết được. Người già như ngọn đèn trước gió, không biết lúc nào sẽ tắt. Chỉ mong trước khi về với tổ tiên thì được chứng kiến hạnh phúc của thẳng cháu này là bà mãn nguyện.”

Tôi không biết nói gì, đưa mắt nhìn Huy.

Anh ta an ủi bà: “bà cứ nghỉ ngơi cho khoẻ. Chuyện của con bao giờ có người chịu con thì con sẽ mang người đó đến đây gặp bà, bà yên tâm đi.”

“Nói thì hay lắm. Có người ngay ở đây mà anh cứ phải nhìn đâu xa. Anh có nghe câu “xa tận chân trời gần ngay trước mắt” chưa?”

Tôi thấy Huy thoáng bối rối nhưng lập tức anh ta vẫn bình thản trở lại. Không bàn luận gì câu nói kia của bà.

Phần tôi, tôi lơ tơ mơ không hiểu ý bà là gì. Chưa kịp hiểu ra thì bà lại nói với tôi:

“An này, cháu có thích làm cháu của ta không?”

“Dạ, cháu vẫn làm cháu của bà ạ. Cháu rất vui khi nói chuyện, tiếp xúc với bà.”

“Vậy thì tốt rồi. Thế thì làm cháu dâu của ta luôn đi. Cháu thấy sao?”

“Hả…?”

Tôi giật mình, không kìm được mà thốt lên thất kính như vậy. Cái này thì đi quá xa rồi. Dù tôi quý bà nhưng tôi không thể chấp nhận cái ý tưởng này của bà được.

Nhưng đối diện với ánh mắt trìu mến, yêu thương và cả trông đợi của bà, tôi không thốt lên lời nào được.

“Bà doạ sợ cháu rồi hả? Thôi cứ từ từ, cháu cũng còn độc thân, thằng Huy cũng chưa kết hôn, quá thuận lợi để tìm hiểu nhau. Hai đứa tụi cháu cứ tìm hiểu nhau đi. Bà phải nghỉ ngơi một chút.”

Trời ạ, cái gì thế này?

Mà sao cái người kia cứ đứng đực ra đó không nói một lời nào đỡ cho tôi?

Bà nằm nhắm mắt nghỉ ngơi. Tôi và Huy khẽ khép cửa lại ra ngoài. Tôi vặn hỏi anh ta ngay lập tức:

“Anh sao vậy? Sao anh không nói cho tôi lời nào?”

“Tôi xin lỗi. Tôi cũng không biết tại sao bà lại có ý tưởng đó. Để tôi sẽ nói lại với bà. Phiền cô rồi.”

Haiza, thật là.

Chưa kịp hoàn hồn sau cú sốc của bà quăng ra cho tôi, thì Huy lại làm tôi tiếp tục cả kinh.

“Nhưng mà nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy bà nói cũng không sai.”

“Ý…ý anh là gì…?”

“Cô chưa chồng, tôi chưa vợ, lại đã từng biết nhau. Đây là điều kiện lý tưởng để chúng ta tính đến chuyện tìm hiểu và kết hôn”

“Cái....gì…?”

Huy nói những lời đó mà mặt anh ta không một chút cảm xúc. Cứ như anh ta đang nói về một kế hoạch công việc của tuần, của tháng gì đó.

“Tất nhiên, tôi chỉ suy nghĩ vậy thôi. Khi cô chưa đồng ý thì mọi việc vẫn bình thường. Cô đừng lo nghĩ.”

Nhưng thực ra sau này tôi mới biết lý do vì sao Huy lại bình thản nói về chuyện kết hôn một cách tự nhiên như thế. Vì đúng ra anh cũng coi đây là một kế hoạch mà thôi. Một kế hoạch như bao kế hoạch khác trên con đường anh ta thôn tính sự nghiệp đỉnh cao của mình.