Chương 25: Kế hoạch

Bọn trẻ lại ngồi xúm lại một chỗ để nghe thông báo của Như Ý giống mọi ngày. Chỉ khác là hôm nay, nơi chúng ở là một ngôi nhà đúng nghĩa.

Như Ý nhìn qua những đứa trẻ đã gắn bó cùng mình, có đứa một năm, đứa hai năm, đứa nhiều năm. Như thằng Mạnh thì thì gắn bó với cô tới sáu năm liền. Những hình ảnh nhỏ bé, tội nghiệp của bọn chúng khi lần đầu gặp cô lại ùa về. Đứa nào đứa đấy đều có đôi mắt tròn xoe, ôm cái ba lô đứng thẫn thờ, bơ vơ, nước mắt lem nhem không biết phải làm gì, bố mẹ chúng ở đâu. Cái Hoa, cái Lan còn bị bỏ ở trước cửa nhà cô từ lúc còn đỏ hỏn.

Hôm nay, cô bước ra khỏi vùng an toàn. Đưa bọn trẻ đến một nơi hoàn toàn mới như thế này. Cô đã phải đắn đo rất nhiều, và tìm cách làm sao để có sự công bằng cho tụi trẻ.

Như Ý lấy ra cái túi đứng sổ sách, cô đưa cho bọn trẻ mỗi đứa một cuốn sổ tay nhỏ nhỏ, rồi nói với chúng.

"Đây là sổ ghi số tiền của các em kiếm được mỗi ngày, sau khi trừ chi phí ăn uống đi, chị chia đều cho mười ba đứa. Được bao nhiêu thì chị cộng lại theo từng ngày. Hàng tháng chị đi gửi tiết kiệm, được lời lãi ra sao chị đều đã ghi hết vào. Nhưng hiện tại, số tiền đó chị đã lấy ra để mua căn nhà chung này. Và chị có một vài dự định cho những ngày tiếp theo của chị em ta. Những kế hoạch đó chị sẽ nói sau. Còn bây giờ, chị sẽ thông báo cho các em về số tiền ở trong sổ như sau."

Như Ý bắt đầu ghi lên cái bảng trên tường mà bọn trẻ cùng với cô vừa lắp xong để cho chúng học bài hàng ngày. Ở trong cuốn sổ, mỗi đứa đều được chia tiền thu được hàng ngày bằng nhau hết. Nhưng đứa nào ở lâu hơn, thì sẽ có nhiều tiền hơn. Vì trong cuốn sổ kia ghi chi tiết số tiền kiếm được của chúng từ cái lúc chúng đến ở cùng cô cho đến hiện tại. Cô sẽ dựa theo số tiền ấy mà chia phần trăm sở hữu của ngôi nhà cho cô và tụi nhỏ. Nếu sau này chúng đi ra ngoài tự lập, cô sẽ theo giá cả thị trường mà quy ra tiền để trả cho chúng có vốn mà mưu sinh. Đương nhiên, số tiền của cô góp vào vượt quá mức năm mươi phần trăm căn nhà, vì đó là bao nhiêu năm tích cóp của cô. Dù thế nào, cô cũng sẽ cố gắng giữ căn nhà này để có chỗ che nắng che mưa cho cô và những đứa trẻ cần cô.

Nghe cô thông báo xong, thằng Mạnh đại diện cho tụi nhỏ muốn dùng tất cả những số tiền chúng có để mua nhà cho cô. Chúng không cần cuốn sổ này. Cái chúng cần là cô ở cạnh cưu mang chúng là đủ rồi. Nhưng Như Ý từ chối tấm lòng của bọn trẻ. Cô nói rằng, khi chúng lớn lên, muốn ra khỏi vòng tay của cô, thì sẽ biết, tiền quan trọng tới mức nào. Và những gì cô tổng kết trong cuốn sổ, chính là mồ hôi, nước mắt và cả máu của chúng. Chúng xứng đáng nhận thành quả lao động của mình.

Ở cùng cô đã lâu, nên bọn trẻ cũng biết tính Như Ý. Cô không phải người lợi dụng bọn trẻ để kiếm tiền, nên cô nhất định sẽ không lấy một xu của chúng. Chúng cũng ngoan ngoãn cất cuốn sổ của mình thật kỹ.

Tiếp theo, Ý thông báo với bọn trẻ là chiều nay sẽ cho chúng lên trường nhập học. Chúng vui sướиɠ ôm lấy nhau cười hạnh phúc. Điều này đối với chúng chính là ước mơ, và ước mơ ấy nay đã trở thành hiện thực. Thằng Mạnh quá tuổi nhập học rồi nên cô đăng ký cho học bổ túc.

Vấn đề cuối cùng, chính là con đường mưu sinh ở trên này. Nhờ việc bươn trải suốt bao nhiêu năm qua ở trên Sài Gòn, mà Như Ý đã nhắm được những nguồn ra cho từng sản phẩm riêng. Cô muốn thuê trang trại trồng rau sạch rồi đưa lên Sài Gòn tiêu thụ. Ngoài ra, trên này cây lấy gỗ nhiều. Nhà cô lại nhiều nhân lực trẻ em. Nên cô sẽ sản xuất đũa và tăm tre. Chỉ sự dụng vài máy móc cần thiết để tiết kiệm vốn, còn lại là thủ công hết. Bọn trẻ ngoài giờ học sẽ phụ cô đóng gói. Cuối tuần cho chúng đem lên chợ bán được bao nhiêu thì bán, rồi phân công mấy đứa mồm mép đi chào để bán sỉ. Còn lại bao nhiêu cô sẽ liên hệ mối ở trên Sài Gòn.

Kế hoạch của cô rất khả thi, bọn trẻ đều có thể phụ giúp được. Tưới rau, bắt sâu, thu hoạch trái cây... Đều không làm khó được chúng. Nhưng có đạt được như kỳ vọng của cô hay không thì vẫn còn rất nhiều yếu tố tác động vào. Trên gương mặt của tất cả mọi người lúc này, đều hiện rõ sự phấn chấn và hy vọng.