Chương 28

Lớp đường bọc bên ngoài giòn tan, những quả sơn tra bên trong không hề chua gắt mà còn có vị thanh mát, là vị tươi mát ngọt ngào của thứ trái cây dân dã ở núi rừng.

Trên đường chầm chậm trở về núi, hai ba con, cứ người này một viên người kia một viên, chia nhau ăn hết xiên kẹo hồ lô.

Hai người đi lên trấn dạo một vòng, khi về tới nhà đã là hoàng hôn cuối ngày rồi.

Điều kiện ở trong thôn không tốt, cũng không tiện tắm giặt. Ngày xưa Hoắc Minh Hàn đều dùng thùng gỗ để múc nước lạnh ở bên dòng suối, về nhà thì tắm gội, nhưng khi có thêm một đứa trẻ như Minh Nha thì cần phải săn sóc hơn, tất nhiên không thể qua loa cho có lệ như trước kia được.

Lúc này cuối cùng Hoắc Minh Hàn cũng sản sinh một chút cảm giác phiền phức khi chăm trẻ nhỏ rồi.

Anh xách chiếc thùng gỗ ra bên dòng suối đổ đầy nước rồi khiêng xuống bếp cho vào chiếc nồi sắt, đi đến bên bếp lửa bắt đầu đốt củi.

Đến khi trong nồi sắt có tiếng nước sôi, anh đổ nửa nồi nước nóng vào xô, pha với nước lạnh để điều chỉnh nhiệt độ, rồi một tay xách xô bước ra sân, gọi Minh Nha ra ngoài.

“Có biết tự gội đầu không?” Anh hỏi Minh Nha.

Minh Nha ngồi trên ghế băng trước mặt anh, thành thật lắc đầu lia lịa.

Người cha già Hoắc Minh Hàn thở dài một hơi, chấp nhận số phận ngồi xổm xuống trước mặt Minh Nha.

Tóc của trẻ con rất mềm, Hoắc Minh Hàn cẩn thận làm ướt tóc bằng nước ấm, sau đó bóp gói dầu gội nhỏ vào tay, xoa đều để tạo bọt, rồi lại nhẹ nhàng thoa lên tóc của Minh Nha.

Lúc gội đầu, Minh Nha vô cùng ngoan ngoãn cúi đầu xuống, co lại thành một cục nhỏ trên băng ghế.

Dù có lúc động tác của Hoắc Minh Hàn không thành thục, khiến nước chảy vào mắt cô bé, thì cô bé cũng chỉ nhân lúc Hoắc Minh Hàn không nhìn thấy mà nhanh chóng dùng tay lau đi, không oán trách tiếng nào.

Sau khi gội đầu xong, Hoắc Minh Hàn dùng khăn vải trắng xoa xoa tóc của Minh Nha, mái tóc ướt xù loạn hết cả lên.

Ở nhà không có lược nên Hoắc Minh Hàn chỉ có thể dùng tay làm lược, luồn ngón tay qua tóc của Minh Nha hai lần rồi chải cho cô bé.

Giải quyết xong chuyện gội đầu thì tiếp theo anh phải tắm rửa cho Minh Nha.

Trong lòng thiếu niên mười bảy tuổi do dự hồi lâu, ngượng ngùng suy nghĩ về việc có nên đích thân tắm cho con gái hay không.

Trong cơn tuyệt vọng, anh không còn cách nào khác là gõ cửa nhà hàng xóm với nửa xô nước nóng còn lại trên tay trái và Minh Nha trên tay phải.

Người hàng xóm là một người phụ nữ nhiều con cạ, bà biết cách chăm sóc đám trẻ hơn Hoắc Minh Hàn.

Hoắc Minh Hàn gửi cho bà một chút chi phí, coi như toàn bộ việc tắm rửa của Minh Nha trông cậy vào bà.