Chương 9

Sáng sớm, Văn Đường đi tàu điện ngầm đến một hiệu sách lớn gần ký túc xá, chọn vài quyển tài liệu học tập mà hồi cao trung cậu đã dùng và cảm thấy không tệ, rồi mua thêm vài quyển sổ và bút nhiều màu.

Trên đường, Văn Đường mua hai cái bánh bao làm bữa sáng.

Trở lại phòng, việc đầu tiên Văn Đường làm là gọi điện thoại liên hệ cho chủ nhà, hỏi chú ấy hôm nay xem phòng được không.

Chủ nhà đồng ý, lại lo Văn Đường không biết đường, bảo Văn Đường tới cửa tiểu khu rồi gọi điện cho chú.

Bởi vì địa điểm khá xa, Văn Đường vừa ăn xong bữa sáng thì nhanh chóng xách balo lên ra ngoài.

Vất vả hơn hai tiếng mới đến nơi, trong đó còn có nửa tiếng đi bộ. Lúc ngồi tàu điện ngầm, sợ bị người khác nhận ra nên Văn Đường mang khẩu trang, cúi đầu nhắm mắt giả vờ ngủ gà ngủ gật.

Đến cửa tiểu khu, Văn Đường gọi điện cho chủ nhà.

Chủ nhà rất nhanh đã đến, là một ông chú trung niên hơn 50 tuổi.

Chủ nhà quan sát Văn Đường từ trên xuống dưới một lần, thấy cậu mang khẩu trang, nhíu mày, thầm nghĩ: Cậu này làm chuyện xấu gì ngoài kia rồi giờ kiếm chỗ trốn phải không? Không thì sao phải che che giấu giấu như này?

Nhưng thấy thanh niên trông lịch sự nho nhã thế này, thoại nhìn không giống người xấu, lỡ mình hiểu lầm thì sao? Chủ nhà bèn nói bóng nói gió: “Còn học đại học à?”

Vẫn còn ở bên ngoài nên Văn Đường không tiện tháo khẩu trang, “Đã tốt nghiệp một năm rồi ạ.”

“Vậy đi làm rồi à?” Chủ nhà lại hỏi: “Ở gần đây sao?”

Văn Đường lắc đầu, nói qua loa: “Mới từ chức ạ.”

Thấy mình hỏi đông hỏi tây mãi mà thanh niên cũng không thấy khó chịu, chủ nhà tiếp tục nói: “Quanh đây không có công việc nào tốt đâu.”

Văn Đường: “Định tìm việc làm qua mạng ạ.”

Bảo sao cậu lại chọn nơi hẻo lánh như vậy, chủ nhà: “Trên mạng nhiều lừa đảo lắm, tìm việc thì cẩn thận một chút.”

Văn Đường gật đầu đáp: “Dạ.”

Hai người cứ một hỏi một đáp suốt đường mà đi đến cửa khu số 3 của tòa nhà thứ 8, chủ nhà chỉ vào một căn phòng trên tầng cao nhất nói: “Chính là nó.”

Lên đến lầu sáu, chủ nhà thở dốc, lấy chìa khóa ra mở cửa phòng 606.

Văn Đường đi theo vào phòng, kiểm tra xung quanh, đặc biệt kiểm tra kỹ điện nước.

Chủ nhà không dám đóng cửa phòng chống trộm, chú đứng rất gần cửa lớn, hai mắt cảnh giác nhìn chằm chằm balo trên người Văn Đường, “Phí điện nước đều thanh toán hết rồi, một mình cậu ở thôi đúng không?” Những người cho thuê chỉ sợ người thuê dùng phòng để kinh doanh bán hàng đa cấp.

Văn Đường: “Vâng.”

Chủ nhà lại hỏi: “Vậy bình thường cháu nấu cơm ở nhà hay mua đồ ăn ngoài?”

Văn Đường trả lời: “Định nấu cơm ở nhà ạ.”

Chủ nhà: “Chú còn cái bếp từ không dùng nữa, cho cháu lấy xài cũng được.”

Văn Đường nhanh chóng cảm ơn: “Cảm ơn ạ!”

Thừa lúc bầu không khí đang tốt đẹp, chủ nhà nói ra suy nghĩ trong lòng: “Mà sao cháu mang khẩu trang mãi thế?” Nếu cậu vẫn kiên quyết không bỏ khẩu trang, dù có nói gì đi nữa phòng ở này cũng không cho cậu thuê.

Để xóa bỏ nỗi lo lắng của chủ nhà, Văn Đường cởi khẩu trang trên mặt xuống cười nhẹ: “Xin lỗi ạ! Lúc nào đi ngoài đường cũng có người cho rằng cháu là minh tinh, cho nên đành mang khẩu trang thôi ạ.”

Chủ nhà sửng sốt, bị vẻ tươi cười này làm cho ngây ra, buông lỏng cảnh giác: “Cậu trông thế này, người ta không nghĩ cậu là minh tinh cũng khó. Nói thật, cậu lớn lên còn đẹp hơn so với rất nhiều minh tinh trong TV đấy.”

Thấy chủ nhà không nhận ra cậu, Văn Đường cười nói: “Cảm ơn chú!”

Nỗi lo đã được xua tan, chủ nhà hòa nhã dễ gần nói: “Chú cũng còn một cái nồi cơm điện không dùng nữa đấy, cháu lấy đi dùng luôn đi.”

Văn Đường lại nói lời cảm ơn lần nữa. Việc này giúp cậu tiết kiệm được không ít tiền.

Mười phút sau, dưới sự hài lòng của cả hai bên, hợp đồng thuê nhà được ký kết.

Văn Đường lấy điện thoại chuyển cho chủ nhà ba nghìn sáu(*), giao trước tiền thuê một quý(**).

Chú thích:



Chủ nhà nhận được tiền, giao chìa khóa phòng cho Văn Đường.

Năm người của phòng ngủ 217 vừa tan tầm đã tới giúp Văn Đường chuyển nhà. Lần này, họ đi hai chiếc xe, trong đó có một chiếc là Triệu Bác Văn mượn của đồng nghiệp.

Tào Giác cứ nghĩ sẽ có rất nhiều đồ cần chuyển nhưng hóa ra lại không: “Có chút đồ này thôi à?” Chỉ một cốp xe đã đủ để toàn bộ đồ đạc.

Văn Đường nói: “Vâng, đồ trong ký túc xá đại đa số là của công ty.”

“Cậu tốt xấu gì cũng là minh tinh đang nổi có hơn 30 triệu fan đấy! Không tính mấy thứ khác, quà fan tặng hẳn cũng không ít mà!” Tào Giác cảm thấy khó tin, hồi tốt nghiệp dọn đồ ra khỏi trường còn nhiều hơn đống này.

Văn Đường hơi cúi đầu, xoa xoa mũi. “Văn Đường” kia đã đem hết quà fan tặng cho nhân viên công tác rồi.

Sáu người, chia ra ngồi hai chiếc xe, chạy về vùng ngoại thành.

Sau một tiếng rưỡi, xe đi vào tiểu khu.

Chu Cảnh Nguyên giành lấy vali nặng nhất, xách lên đi đến cầu thang, nhân tiện nhìn Văn Đường với ánh mắt “Trông cái tay chân mỏng manh của chú làm sao so với anh được.”

Văn Đường – đã bị nẫng tay trên lại còn bị xem thường: “…”

Lúc Văn Đường quay đầu lại định xách những thứ khác, cốp xe đã rỗng tuếch.

Anh cả Triệu Bác Văn xách một cái trên tay.

Anh hai Trần Tri Nhiên ôm một cái trong ngực.

Anh tư Trang Ngạn Minh xách một cái trên ngón tay.

Anh năm Tào Giác không hốt được gì, đành hai tay bỏ túi, giả vờ ngầu lòi.

Văn Đường như chíp bông mà theo sau mọi người lên lầu.

Anh cả đi tuốt đằng trước, ngước đầu lên phía lầu trên gọi: “Thằng ba, đợi chút đi, đừng có phá trình tự, có biết là chuyển nhà cũng phải có cảm giác nghi thức không.”

Chu Cảnh Nguyên đã đến lầu 5: “Được rồi, em chờ mọi người ở cửa.”

Hai phút sau, dưới cảm giác nghi thức của mọi người, Văn Đường mở cửa ra.

Mọi người đồng thanh: “Ngày lành chuyển nhà, vạn sự như ý!” Nói xong bỏ đồ trên tay xuống, lấy lì xì đã chuẩn bị trước trong túi ra.

Văn Đường bật cười nói: “Sao mọi người còn chuẩn bị cả lì xì thế này?”

Mọi người thúc giục: “Mau nhận đi, xách nhiều nên đau tay quá nè.”

Văn Đường nhận lấy từng cái, cầm lên lì xì có hơi dày, tò mò mở ra ngay tại hiện trường, mỗi bao lì xì đều có một xấp một trăm nhân dân tệ, ít nhất cũng cỡ hai ngàn tệ(*).

Chú thích:

Văn Đường gấp gáp muốn trả lại cho họ.

Mọi người lại trăm miệng một lời: “Đừng có mà không nhận, tụi anh đang đầu tư đó. Đợi tới lúc tụi anh chuyển nhà, em không được cho ít hơn số này nha”. Nói xong, mọi người tản ra, không cho Văn Đường cơ hội từ chối.

Triệu Bác Văn: “Úi chà, nhà bếp lớn quá ta!”

Trần Tri Nhiên: “View ban công cũng đẹp lắm này!”

Chu Cảnh Nguyên: “Thằng tư sao đứng chỏng chơ đó vậy, qua đây phụ trải ga giường này.”

Trang Ngạn Minh: “Tới liền tới liền.”

Tào Giác: “Em đi toilet cái nha.”

Văn Đường cúi đầu nhìn lì xì trong tay mình, lại ngẩng đầu nhìn về phía họ, thầm lặng đem ý tốt của họ khắc sâu trong tim, để suốt đời vẫn có thể nhớ về.



Chủ nhà là người làm việc nhanh gọn, giữa trưa hôm sau đã đưa bếp từ và nồi cơm điện tới cho Văn Đường, còn mang theo một túi rau bó xôi nhà trồng. Tối hôm qua, chú đã đến một lần, nhưng lúc đó Văn Đường đã ra ngoài đi ăn với bạn cùng phòng, không ở nhà.

Giữa trưa, Văn Đường xào một đĩa cải thảo, nấu chút cơm.

Cả ngày, Văn Đường đều cắm rễ trong phòng không đi đâu, miệt mài vùi đầu vào bàn học, tóm tắt và soạn lại kiến thức các môn học khác nhau của cao trung, lại xen kẽ vào đó những mẹo học của mình.

Những quyển sổ vừa mua đều được lấp đầy bởi những hàng chữ đang chờ khô.

Viết đến những dòng cuối cùng, trời cũng đã rạng sáng. Văn Đường đứng dậy khởi động chân tay. Cậu đứng trước cửa sổ, nhìn ngắm những đốm sáng lác đác ngoài kia.