Chương 17

“Nếu là cô thì cô cảm thấy sao?” An Thời Lễ cười lạnh một tiếng.

“Dù sao thì cũng có chữ “đại” ở trong đó mà, như vậy nghe ra thì cũng tốt hơn lúc ban đầu rồi.” Kim Thử Cô ngây thơ trả lời.

An Thời Lễ thật sự không thể nhịn được mà muốn buông lời thô tục, “Vậy “đại tiện nhân” hoặc “đại ngốc”, đều có chữ “đại” trong đó, có phải cũng là một cách gọi tốt không?”

“Hơ hơ, có vẻ như cũng không tốt lắm.”

Kim Thử Cô bị chính câu trả lời của mình chọc cười khanh khách, lúc này hai bên bầu ngực lại truyền tới cơn trướng khó chịu, cô nhăn nhăn mặt, duỗi tay xoa nắn một trận, “A, lại trướng nữa rồi.”

Phi lễ chớ nhìn, An Thời Lễ xoay người, không nhìn Kim Thử Cô nữa, tự mình thu dọn mớ hỗn độn trong phòng ngủ, sau đó gọi hai gã sai vặt tới, thu dọn một gian phòng cho Kim Thử Cô ở tạm. Trước giờ hạ nhân trong phủ đã từng thấy cô nương nào ở cùng với đại nhân nhà mình đâu, nên tất cả họ đều vô cùng tò mò với thân phận của Kim Thử Cô, An Thời Lễ mặc kệ sự tò mò của đám hạ nhân, một chữ cũng không giải thích, chỉ nói là thính lực cô không tốt, không biết cách đi đường, là hạ nhân giặt đồ mới vào phủ.

Có giải thích thế nào cũng không thể nói rõ được, thôi thì mau mau tìm cách trả vỏ lại cho cô là tốt nhất.

Trong phủ có thêm một con ốc tinh, nói thế nào thì An Thời Lễ cũng không thể tự tại thoải mái được, nhắm mắt lại còn xuất hiện hình ảnh cô đang xoa ngực, khiến hắn cảm thấy một khắc cũng không thể ở thêm trong phủ được. Ngay trong đêm, hắn thu thập tay nải, quyết định ngày mai lâm triều liền đến Văn Uyên các tá túc nửa tháng.

Sau khi thu thập tay nãi xong, An Thời Lễ cũng nhanh chóng đi vào giấc ngủ, ngày kế tỉnh lại, tinh thần khôi phục, cầm lấy tay nải ra cửa, ánh mắt còn nhìn thoáng qua hàng chữ “côn thủy 0…” xiêu xiêu vẹo vẹo ở trên tường.

Chỉ mới thoáng nhìn qua mà hắn tức khắc có cảm giác uể oải như ba ngày ba đêm không được ngủ.

Một cô nương tốt đẹp như thế, ngay cả đến hai chữ “trứng thúi” cũng không biết viết như thế nào, không có đầu óc, suy nghĩ không linh hoạt, ngày sau rời phủ rồi, chắc chỉ bằng vài ba lượng bạc sẽ bị người lừa đi mất, nghĩ đến cũng thật là đáng thương.

An Thời Lễ quay trở lại phòng ngủ, đối mặt với gương mà lầm bầm lầu bầu, “Tuy trong phủ có chứa chấp một con ốc thành tinh, nhưng thân là lễ bộ thượng thư của triều đình, đã tiếp thu lễ giáo tri thức, lỗi lầm cũng nguyên nhân từ chính mình mà ra, không thể trốn tránh.” Sau một hồi tự nói với bản thân, hắn rũ bỏ gánh nặng tâm lý, nhẹ nhàng đi vào triều sớm, hạ quyết tâm hôm nay hạ triều thì ghé tiệm sách mua một vài quyển sách về dạy Kim Thử Cô học chữ.

Vì trong lòng có chuyện vướng bận nên cả ngày hôm nay An Thời Lễ cứ thất thần, tuy thể xác ở Văn Uyên các nhưng một chữ cũng không đọc vào đầu. Lễ bộ thị lang Chu Nhân thấy tình hình này, trong lòng không khỏi lo lắng, nhưng vì đang ở Văn Uyên các, xung quanh còn các quan thần khác nên anh ta cũng không tiện hỏi thăm.

An Thời Lễ đọc qua các bảng tấu, thẳng đến khi nhìn thấy phần tấu chương đề tới việc vương triều Lưu Cầu xin được triều cống, thì hắn chợt chau mày, hừ một tiếng, khuôn mặt trở về lại sự nghiêm túc như ngày thường.

Khi Thái Tổ còn tại vị, vương triều Lưu Cầu cứ đúng hạn mỗi năm triều cống một lần, cũng có khi là một năm hai lần. Về sau vương triều Lưu Cầu tiến cống càng thường xuyên hơn. Nhưng đám người đi triều cống phần là trọng quan trong triều hoặc là đám phú thương giàu có, mỗi lần đến đây, số lượng đều hơn 200 người, mọi phí tổn đều do thiên triều gánh vác, đã vậy khi bọn chúng đi qua các địa phương còn kiếm chuyện gây hấn, gây chuyện xong còn mở mồm đòi tiền bồi thường, phí tổn thật sự quá nhiều, dân chúng các địa phương nơi chúng đi qua thật sự khổ không chịu nổi, ép người quá đáng. Mười hai năm trước, Vạn tuế gia ra lệnh quy định cho vương triều Lưu Cầu, “Hai năm tiến cống một lần, số lượng chỉ được 100 người, không thế thêm hơn.” Lại càng không cho phép chúng tích trữ hàng hóa mang về nước.

Thiếu đi số lần triều cồng, lợi ích của vương triều Lưu Cầu cũng ít đi, quốc vương Lưu Cầu dâng tấu xin được “mỗi năm một lần triều cống” nhưng vạn tuế gia không chấp thuận, quốc vương Lưu Cầu chỉ đành phải cẩn tuân ý chỉ hai năm một lần, nhưng tâm tư vẫn luôn ngo ngoe rục rịch, lần này tiếp tục lấy cớ “Nhớ thương ơn trên, mong được triều cống, tăng tình giao lưu giữa hai nước”, sau ngày rằm có thể sắp xếp để tiến hành triều cống.