Hôm sau, ăn xong bữa sáng ở nhà, Nhan Yên đi bộ hết mười mấy phút với tới cửa hàng bánh bánh cuộn của chị họ.
“Chị Tĩnh Tĩnh.”
Trình Tĩnh cầm một cái khăn đang lau bàn, nghe thấy vậy vội mỉm cười ngẩng mặt lên: “Yên Yên đó hả? Ăn sáng chưa?”
Nhan Yên: “Ăn rồi ạ.”
Trình Tĩnh: “Đã qua giờ cao điểm rồi, chắc không ai tới mua đâu, em trông cửa hàng giúp chị một tiếng thôi. À phải, em biết làm bánh cuộn không?”
Nhan Yên: “Không biết, nhưng em thấy rất đơn giản, không khó lắm.”
Cháu ngoại Phương Hâm nói chen vào: “Không khó đâu, dễ lắm ạ, cháu nhìn một lần là đã biết làm rồi.”
Trình Tĩnh làm mẫu cho Nhan Yên xem cách làm bánh cuộn một lần, hai miếng xà lách, một miếng bánh rán giòn, còn cho thêm thịt gà và lạp xưởng hun khói.
Thấy chị họ còn muốn cho thêm chà bông, Nhan Yên vội nói: “Đừng thêm nữa, đủ rồi, em ăn không hết đâu.”
Thao tác của Trình Tĩnh uyển chuyển trơn tru, không hề có động tác thừa, cuộn thành một cái bánh rán thập cẩm đưa tới trước mặt Nhan Yên: “Em thấy làm được không?”
Nhan Yên gật đầu: “Được ạ, mẹ con chị đi nhanh về nhanh đi.”
Cô cầm lấy bánh cuộn cắn một miếng, vỏ bánh giòn dai, bánh rán được chiên ngập dầu nên vừa vàng vừa giòn ruộm, xà lách xanh biết có thể giải ngấy, thịt gà mềm mại tăng thêm hương vị, Nhan Yên là tuýp người không thịt không vui, híp mắt thoả mãn, ăn ngon quá à~
Nếu cho thêm một thìa dầu ớt thì càng ngon.
Chứ đối với người có khẩu cay mặn như Nhan Yên mà nói, thì tương ngọt có vẻ hơi nhạt nhẽo.
Ăn hết cái bánh cuộn, Nhan Yên chơi điện thoại hết nửa ngày cũng không thấy có khách tới.
Một tiếng sau, chị họ Tĩnh Tĩnh đã dẫn con trai quay về, nói là bác sĩ đã khám rồi, chỉ hơi ho thôi, không phải bệnh nặng, nên kê cho một lọ siro ho.
Trình Tĩnh hỏi tình hình buôn bán, Nhan Yên gãi nhẹ đầu: “Chị Tĩnh Tĩnh à, em ngồi khờ người cả nửa ngày cũng chẳng có ai tới, chẳng lẽ bình thường tình hình buôn bán cũng như vậy sao?”
Trình Tĩnh cười đáp: “Hôm nay là cuối tuần, học sinh được nghỉ, tất nhiên có hơi ế ẩm. Bình thường doanh thu một ngày của chị có khi được hai ngàn tệ, không giống như trên mạng hay nói là kiếm được cả trăm ngàn tệ đâu. Tuy kiếm được không nhiều, nhưng chịu khó tí thì một tháng kiếm được mười, hai mươi ngàn tệ cũng không có vấn đề.”
Nhan Yên cười khổ: “Này mà kêu kiếm được không nhiều á? Tiền lương trước đây của em có ba ngàn rưỡi thôi!”
Trình Tĩnh bị cô chọc cười: “Làm nghề này phải chịu được khổ, chịu được vất vả, nhưng vốn không cao. Trước tiên em có thể mua một cái xe bán đồ ăn vặt rồi tới bán dạo ở các trường học thử xem, tiết kiệm đủ tiền thì thuê một cửa hàng mặt tiền giống chị nè, đỡ phải phơi nắng.”
Trên đường về, Nhan Yên vẫn luôn suy nghĩ về chuyện mở sạp bán đồ ăn vặt.
Xe đẩy, đồ làm bếp cộng thêm các loại nguyên liệu nấu ăn, vị chi ra vốn ban đầu không vượt quá năm ngàn tệ.
Vừa hay trong tay Nhan Yên có khoảng mười ngàn tệ tiền tiết kiệm, không cần xin tiền ba mẹ.
Mặc dù ba mẹ chưa bao giờ khắt khe về vấn đề tiền bạc, hồi còn đại học mỗi tháng đều đúng hạn chuyển sinh hoạt phí cho cô. Nhưng Nhan Yên vẫn có một loại cảm giác tội lỗi mỗi khi ngửa tay xin tiền.
Ba mẹ cô cũng chỉ là tầng lớp làm công bình thường, tiền kiếm không hề dễ dàng, Nhan Yên không muốn mỗi ngày ăn không ngồi rồi, mốc meo ở trong nhà. Cô muốn tự mình kiếm tiền, để mua cho họ những thứ mà họ thích.
Về tới nhà, Nhan Yên nói với ba mẹ kế hoạch của mình. Quả nhiên bị phản đối mãnh liệt.
Hoàng Tú Lan: “Bán đồ ăn vặt thì có tương lai gì đâu? Chỉ là bỏ công làm lời, mỗi một xu đều là tiền mồ hôi nước mắt.”
Nhan Yên nói thầm: “Chứ đi làm có khác gì đâu? Bị tư bản bóc lột, thức đêm tăng ca chẳng lẽ không được tính là tiền mồ hôi nước mắt?”
Hoàng Tú Lan: “Con còn cãi hả.”