Thi thể là một người đàn ông cao lớn mập mạp, cởi trần, chỉ mặc độc quần ngủ. Một chiếc áo sơ mi dài tay bị buộc vào cổ bởi một sợi thừng cỏ, che mất một phần ngực. Phần bụng tử thi vẫn chưa ngả màu xanh lục.
Tử thi ngâm trong giếng nước, vì nước dẫn nhiệt nhanh gấp cả trăm lần không khí, cộng thêm nhiệt độ dưới lòng giếng rất thấp, cho nên dùng phương pháp đo nhiệt độ tử thi để suy đoán thời gian tử vong sẽ không thể chuẩn xác. Tôi thấy tử thi còn rất mới nên bẻ thử các ngón tay của nạn nhân.
“Tử thi đã mềm ra, vết hoen tử thi ấn không thấy nhạt màu, hôm nay là ngày 18 đúng không, vậy có lẽ nạn nhân đã tử vong được hai mươi tư đến bốn mươi tám tiếng đồng hồ.” Tôi đưa mắt quan sát xung quanh, nói. “Quanh đây rất trống trải, vận chuyển thi thể khá nguy hiểm nên có lẽ hung thủ đã đưa xác đến đây vào ban đêm. Vậy thì có lẽ nạn nhân đã tử vong trong khoảng thời gian từ tối ngày 16 đến sáng sớm ngày 17, sau đó bị ném xuống giếng.”
“Đừng có chủ quan như thế!” Đại Bảo đẩy gọng kính trên sống mũi, cẩn thận lật chiếc áo sơ mi che trước ngực nạn nhân lên. “Sao em lại khẳng định là người này bị gϊếŧ? Chiếc áo sơ mi trông đáng nghi thật đấy, nhưng cũng có khả năng nạn nhân mắc bệnh thần kinh nên mới ăn mặc thế này, còn dùng dây buộc cổ áo lại, sau đó ngã cắm cổ xuống giếng, nên chiếc áo mới bị lộn ngược?”
Tôi lắc đầu: “Này anh Bảo, lần sau nhớ quan sát cho kỹ nhé. Anh nhìn hai vai của nạn nhân mà xem.”
Trên hai bả vai và mé ngoài hai cánh tay của nạn nhân đều có những vết tổn thương lớn, sâu đến lớp mỡ dưới da, biểu bì bị trầy xước, nhưng bề mặt vết thương có màu vàng, lộ ra một vạt mô mỡ rộng. Lớp váng mỡ trên mặt nước giếng có lẽ bắt nguồn từ đây. Kiểu tổn thương này được pháp y gọi là “không có phản ứng sống”, tức là vết thương hình thành sau khi chết. Phân biệt tổn thương khi còn sống và sau khi chết chủ yếu căn cứ vào kinh nghiệm thực tế, việc này không quá khó. Tổn thương sau khi chết thường không đi kèm xuất huyết nên bề mặt vết thương sẽ có màu vàng xám. Còn tổn thương khi còn sống sẽ làm vỡ các mạch máu nhỏ dưới da gây xuất huyết, cho nên bề mặt vết thương phần lớn có màu đỏ.
“Đã là tổn thương sau khi chết, vậy thì nạn nhân chắc chắn là bị sát hại rồi ném xuống giếng.” Tôi nói.
Đại Bảo há hốc miệng, không nói gì.
Tôi biết, anh ta đang nghi ngờ những vết trầy xước trên thi thể có lẽ được hình thành trong quá trình trục vớt. Các chỗ trầy xước đều có mép da, đầu vểnh lên của mép da chính là hướng đến của lực tác động. Ở vết trầy xước trên mặt ngoài bả vai nạn nhân, đầu mép da chúc xuống dưới. Có nghĩa là hướng của lực tác dụng là từ bả vai đến tay, phù hợp với động tác lao đầu xuống giếng. Còn nếu vết trầy hình thành trong quá trình trục vớt, khi tử thi chuyển động từ dưới lên trên, phương hướng của lực tác dụng phải là từ tay đến bả vai mới phải, vậy thì mép da sẽ phải có chiều ngược lại.
“Lát nữa khi giải phẫu khám nghiệm, có thể phân tích sâu hơn sự khác biệt giữa rơi xuống nước khi còn sống và vứt xác xuống nước sau khi chết.” Tôi bổ sung.
Điều tra viên dẫn Giải Lập Văn đến bên cạnh, chỉ vào thi thể hỏi: “Bác có quen người này không?”
Giải Lập Văn nghiêng mặt liếc nhìn tử thi rồi quay đi nôn khan mấy tiếng, đáp: “Quen, ông Quân.”
Giải Lập Văn và ông Quân là người cùng làng, cùng họ, nhưng nói đến quan hệ thân thích thì chắc phải truy ngược lên đến thời Dân Quốc.
“Ông Quân sống ở đâu?” Thấy đã nhanh chóng tìm được lai lịch thi thể, tôi nhẹ cả người.
“Để tôi đưa các anh đi.” Giải Lập Văn nói.
Thi thể được chuyển vào túi đựng tử thi, giao cho nhân viên nhà xác chuyển về phòng giải phẫu. Chúng tôi quan sát xung quanh một vòng, căn dặn cảnh sát khu vực bảo vệ kỹ hiện trường, đợi nhân viên pháp chứng đến khám nghiệm.
Chúng tôi đi theo Giải Lập Văn, men theo con đường làng tiến về phía bắc, khoảng mười mấy phút thì đến một ngôi nhà gạch cũ nát.
“Đây, chính là ở đây.” Giải Lập Văn nói.
Cảnh sát lập tức giăng dây cảnh giới quanh ngôi nhà. Chúng tôi l*иg bao bọc giày, bao trùm đầu, đeo khẩu trang và găng tay, đẩy cửa bước vào trong. Cánh cửa chỉ khép hờ.
Trong nhà trống huơ trống hoác, chẳng có đồ vật gì đáng giác. Chiếc giường kê trong một góc, bên trên chất đống chăn màn, quần áo. Có vẻ như thói quen của gia chủ khá bừa bộn.
Tấm chăn mỏng trên giường bị lật lên, trước giường đặt một đôi dép lê. Trên nền nhà đất nện bừa bãi đầu mẩu thuốc lá. Đối diện với giường là một cái bàn vuông, hai bên bàn có hai cái ghế, trên bàn bày một bàn cờ tướng.
“Nhìn vào hiện trạng chăn đệm trên giường và vị trí của đôi dép lê, có lẽ lúc đó nạn nhân đã đi ngủ và bị sát hại ngay trong lúc ngủ.” Tôi nói. “Hiện trường có nhiều đầu mẩu thuốc lá, chúng ta hãy thu nhặt lấy, lập tức đưa đi xét nghiệm ADN.”
Đại Bảo là một “nhà tạp học”, trò chơi nào cũng biết đôi chút. Anh ta đứng trước bàn, nhìn chăm chú một hồi rồi nói: “Hai kỳ thủ này trình độ không được cao cho lắm, quân đỏ đã chiếu tướng hết cờ quân đen rồi.”
Vì nền nhà bằng đất nện nên ít có khả năng để lại dấu chân, nhưng từ trước giường đến trước cửa có một vệt kéo lê rộng, ở giữa có mấy chỗ đứt đoạn.
“Đây là do thi thể bị kéo lê trên nền nhà.” Tôi dùng thước cuộn đo độ rộng của dấu vết, sau đó chỉ vào hai vết lờ mờ ở hai bên vết kéo lê, nói. “Còn chỗ này là do hai tay của nạn nhân quệt xuống đất tạo thành.”
“Ừm, đồng ý!” Kỹ thuật viên chụp ảnh ghi lại.
Tôi nói: “Lôi xềnh xệch nạn nhân đi như thế này, chứng tỏ chỉ có một người gây án. Nếu là hai người thì có thể khiêng tử thi đi.”
Phân đội trưởng Hoàng giơ ngón tay cái về phía tôi, nói: “Xác định được luôn số người gây án, giỏi đấy!”
Men theo dấu vết đi ra khỏi ngôi nhà đến nền đất bên ngoài, dấu vết đã biến mất.
Quan sát một vòng trong khắp ngôi nhà gạch, không thấy có manh mối nào đặc biệt hữu ích, tôi nói với điều tra viên chính đứng bên cạnh: “Đi, chúng tôi đi khám nghiệm tử thi. Điều tra cũng phải bắt kịp tiến độ đấy nhé. Ba tiếng nữa gặp nhau ở tổ chuyên án.”
Thi thể nặng đến 90 cân. Tôi, Đại Bảo và bác sĩ Cao phải vận hết sức bình sinh mới nhấc được tử thi lên bàn giải phẫu.
“Ồ, tử vong do ngạt thở cơ học.” Đại Bảo nói.
Mí mắt của nạn nhân có những điểm xuất huyết dày đặc, móng tay và móng chân đều ngả màu xanh đen, niêm mạc miệng có nhiều chỗ xuất huyết và trầy xước cục bộ. Dựa vào những đặc trưng này, có thể sơ bộ phán đoán nạn nhân bị hung thủ bịt khoang mũi, miệng gây ngạt thở cơ học dẫn đến tử vong.
Mặc dù đã bước đầu phán đoán được nguyên nhân tử vong nhưng vẫn phải tiến hành công tác giải phẫu tử thi. Thứ nhất, phải tìm thêm căn cứ khác để khẳng định tử vong do ngạt thở cơ học. Thứ hai, phải loại trừ các nguyên nhân khác, có nghĩa là, để khẳng định một nguyên nhân dẫn đến tử vong, phải loại trừ các nguyên nhân khác có khả năng tồn tại. Nếu không thể loại trừ các nguyên nhân khác thì phải đưa ra kết luận là nguyên nhân tử vong kép. Ví dụ, một người bị vật tày đập vào đầu gây chấn thương sọ não có thể dẫn đến tử vong, đồng thời cũng làm đứt vỡ mạch máu lớn, mất nhiều máu cũng có thể dẫn đến tử vong. Trong trường hợp không thể xác định rõ nguyên nhân nào mới là chủ đạo thì phải kết luận là nguyên nhân tử vong kép. Khi đó, nếu hai hành vi gây thương tích không phải do cùng một người gây ra thì cả hai hung thủ đều phải gánh tội gϊếŧ người.
Trong vụ án này, phải thông qua giải phẫu tử thi để loại trừ khả năng nạn nhân tử vong do chết đuối, vì chết đuối cũng là tử vong do ngạt thở, có các đặc trưng giống như tử vong do bịt mũi miệng.
Trong lúc Đại Bảo tiến hành khám nghiệm tử thi theo quy tình, tôi lại săm soi sợi thừng cỏ buộc quanh cổ nạn nhân.
Sợi dây buộc hai vòng quanh cổ nạn nhân, thắt nút chết trước cổ, đầu dây vẫn còn dài hơn 20 centimet. Giữa sợi dây và lớp da có một chiếc áo sơ mi, vẫn đang nhỏ nước tong tỏng.
“Đại Bảo, theo anh thì sợi dây thừng này dùng để làm gì?” Tôi hỏi.
“Dây thừng? Dây thì đương nhiên dùng để buộc chứ còn làm gì nữa? Loại thừng cỏ này rất phổ biến, người dân thường tự bện.” Đại Bảo nói.
“Đương nhiên là em biết dây thừng dùng để buộc.” Tôi nói. “Ý em muốn nói, sợi dây này buộc trên tử thi để làm gì?”
Đại Bảo ngẫm nghĩ một lúc, nói: “Có phải là siết cổ không nhỉ?”
Tôi cắt đứt sợi dây ở chỗ không có nút thắt, lấy sợi dây và chiếc áo sơ mi ra, nói với Đại Bảo: “Anh xem, phần da bên dưới sợi dây có vết thít rõ rệt, nhưng vết thít này không có phản ứng sống.”
Đại Bảo gật đầu, nói: “Sợi dây bị buộc vào cổ sau khi đã chết. Thế thì anh đoán là hung thủ muốn mặc áo cho nạn nhân?”
Tôi lắc đầu nói: “Không thể. Biểu hiện đầu tiên sau khi chết là cơ bắp lỏng ra, lúc này muốn mặc áo cho nạn nhân sẽ rất dễ dàng. Rất nhiều cụ già sau khi qua đời, người nhà phải tranh thủ thay áo liệm ngay sau khi chết chưa lâu, khi đó cơ bắp còn lỏng, hiện tượng co cứng tử thi chưa hình thành. Cho nên hung thủ không nhất thiết phải che bừa áo lên ngực nạn nhân rồi dùng dây thừng buộc lại, đây đâu thể coi là thay quần áo? Hay có phải là phong tục nào đó không?”
Gần đây tôi nghe nhiều chuyện phong tục quá nên thành ngộ phong tục mất rồi.
“Anh chưa nghe thấy có phong tục nào thế này cả.” Đại Bảo nói.
Tôi lại đặt chiếc áo sơ mi và sợi dây về trạng thái ban đầu, nói: “Vạt trước của chiếc áo bị dây thừng buộc lại một phần nhỏ, còn vạt sau kéo dài lượt thượt, điều này không bình thường, không phải chỉ đơn giản là dùng dây thừng buộc áo vào cổ nạn nhân thôi đâu.”
Đại Bảo cũng bước đến hoa chân múa tay mô phỏng một hồi rồi nói: “Biết rồi. Đầu tiên chiếc áo dùng để bọc kín đầu của nạn nhân lại. Vì khi ngâm dưới nước, thi thể bị Giải Lập Văn động vào, sau đó lại thêm công tác trục vớt trầy trật nên vạt áo bung ra khỏi sợi dây, chúng ta mới nhìn thấy nó buông thõng trước ngực.”
Tôi đưa tay high five với Đại Bảo, nói: “Nghĩ y như em.”
“Vậy chúng ta bắt đầu giải phẫu nhỉ?” Đại Bảo hỏi.
Tôi lắc đầu, nói: “Sợi dây thừng này không chỉ dùng để bọc đầu đâu.”
Tôi dùng thước cuộn đo chu vi của vòng dây, sau đó lại đo chu vi cổ của nạn nhân, nói: “Chu vi của vòng dây dài hơn chu vi của cổ nạn nhân 2 centimet. Với độ chênh lệch này, cho dù có nhét thêm một lượt áo sơ mi vào trong thì vẫn hơi rộng.”
“Có rộng một chút thì cũng bình thường thôi mà.” Đại Bảo nói. “Người đã chết rồi, hung thủ không cần thiết phải siết chặt nữa. Hơn nữa, một góc áo đã bung ra khỏi vòng dây, chứng tỏ sợi dây buộc không chặt.”
Tôi nhìn Đại Bảo, nói: “Cứ cho là buộc không chặt đi, vậy tại sao trên cổ nạn nhân lại có vết thít sâu thế?”
“Ừ nhỉ!” Đại Bảo chớp chớp mắt. “Người chết đâu thể tự co lại được.”
Tôi lườm Đại Bảo một cái, nói: “Tổng hợp lại những điều kể trên, em suy đoán rằng hung thủ buộc sợi dây thừng vào cổ nạn nhân là có hai nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất, hung thủ đã lấy ngay chiếc áo ở hiện trường bọc đầu nạn nhân lại. Thứ hai, ở đầu còn lại của nút thắt, hung thủ đã buộc vào một vật nặng để kéo cái xác chìm xuống, không để nổi lên mặt nước. Nhưng sợi thừng cỏ không chịu được trọng lượng của vật nặng nên đã bị đứt.”
Nói rồi, tôi chỉ vào vết đứt ở một đầu dây.
“Vết đứt rất nham nhở, chứng tỏ là bị giật đứt chứ không phải bị dao kéo cắt đứt.” Tôi bổ sung.
“Có nghĩa là, trong giếng vẫn còn một vật gì đó?” Đại Bảo hỏi.
Tôi gật đầu.
Đại Bảo kêu lên: “Bảo em là sao Quả Tạ thật chẳng sai chút nào, lần này thì phải phá cái giếng của người ta thật rồi.”
Sau khi giải phẫu tử thi, nhận thấy nội tạng tụ máu, đỉnh tim có xuất huyết, đá xương thái dương xuất huyết. Nhưng trong dạ dày không có nước, phổi cũng không bị phù thũng, nên nạn nhân tử vong là do ngạt thở nhưng không phải là đuối nước. Kết hợp với tổn thương ở phần miệng, có thể phán đoán nạn nhân bị hung thủ bịt khoang mũi miệng dẫn đến tử vong do ngạt thở cơ học.
Dạ dày của nạn nhân gần như trống rỗng, kết hợp với tình trạng của vết hoen tử thi và mức độ co cứng tử thi, chúng tôi phán đoán nạn nhân chết sau bữa tối ngày 16 tháng Bảy khoảng sáu tiếng đồng hồ. Lưng và hai vai nạn nhân đều có rất nhiều vết trầy xước chồng chéo hình thành sau khi chết. Có vết chạy từ thắt lưng đến tận cổ, có lẽ hình thành khi hung thủ cầm chân lôi nạn nhân đi. Có vết theo hướng từ cổ đến thắt lưng, có lẽ hình thành khi bị vứt xuống giếng.
“Thông thường, nạn nhân tử vong do bị bịt khoang mũi miệng thường có tổn thương do khống chế và kháng cự rõ rệt.” Tôi cẩn thận giải phẫu các khớp tứ chi của nạn nhân, nói. “Nhưng nạn nhân không có hai dạng tổn thương kể trên.”
Đại Bảo lắc đầu: “Không đâu, có đấy!”
Rồi anh ta rạch mở lớp trên phần gai chậu trước trên của nạn nhân, bên dưới chỗ lồi ra của hai bên khung chậu có xuất huyết dạng mảng.
Đại Bảo nói: “Có lẽ hung thủ đã ngồi lên người nạn nhân rồi bịt mũi miệng. Khi đó, tứ chi của nạn nhân không thể vùng vẫy được nữa, chứng tỏ hung thủ khỏe hơn hẳn nạn nhân.”
Tôi nhìn thân hình cao to lực lưỡng của nạn nhân, lắc đầu không nói.
Sau khi khám nghiệm xong tử thi, chúng tôi lập tức đến tổ chuyên án.
Đến nơi, vừa hay cuộc họp mới bắt đầu. Phân đội trưởng Hoàng bảo bác sĩ pháp y trình bày kết quả trước.
Tôi nói: “Có lẽ là nạn nhân đang ngủ thì bị hung thủ cưỡi lên người, bịt chặt khoang mũi miệng dẫn đến tử vong do ngạt thở cơ học. Thời gian tử vong là khoảng sáu tiếng đồng hồ sau bữa tối ngày 16. Sau khi gϊếŧ người, có lẽ hung thủ đã dùng áo của nạn nhân bọc phần đầu lại, sau đó buộc thừng cỏ để cố định. Chúng tôi cho rằng hành vi này là đặc trưng của người quen gây án. Rất nhiều hung thủ sau khi gϊếŧ người quen đã phải bịt mặt nạn nhân lại, hành vi này chứng tỏ tâm lý sợ hãi trước nạn nhân.”
Phân đội trưởng Hoàng gật đầu nói: “Đã bảo trưởng phòng Tần đây đúng là sao Quả Tạ mà. Lúc trước vừa nói với tôi, gần đây có nhiều vụ hàng xóm tranh cấp, sớm muộn cũng xảy ra án mạng, nhìn xem, hôm nay đã có ngay rồi đấy.”
“Ờ… sao Quả Tạ còn có tập tiếp nữa cơ.” Đại Bảo nói. “Chúng tôi cho rằng đầu dây bên kia của sợi thừng cỏ được buộc với vật nặng để kéo thi thể chìm xuống giếng, nhưng vì dây bịt đứt nên vật này đã chìm hẳn xuống đáy giếng rồi. Cho nên, chúng ta đành phải phá giếng thôi.”
“Vụ này thì tôi không sợ.” Phân đội trưởng Hoàng cười, rồi ra hiệu cho điều tra viên báo cáo tình hình.
Điều tra viên chính mở sổ ghi chép, nói: “Nạn nhân Giải Lập Quân, 61 tuổi, sống độc thân, chưa kết hôn lần nào, có nhận một cô con gái nuôi. Cô này ra ngoài đi làm, sau đó kết hôn, sống ở tỉnh Hồ Bắc. Theo hàng xóm phản ánh, đã một năm chưa về nhà. Ngoài ra, nạn nhân còn có một người anh trai tên là Giải Lập Quốc, sống cách nhà Giải Lập Quân chừng năm trăm mét về phía bắc. Hai anh em quan hệ không tốt nhưng con dâu của Giải Lập Quốc đối xử rất tốt với Giải Lập Quân, ngày nào cũng mang cơm cho ông ta.”
“Ồ? Cháu dâu? Liệu có quan hệ mập mờ gì không?” Đại Bảo cắt lời điều tra viên.
Điều tra viên lắc đầu nói: “Không hề. Theo chúng tôi điều tra, cháu trai và cháu dâu đều rất hiếu thảo, nhưng người dân trong thôn lại xì xầm rằng chắc là vì họ muốn nhận được tài sản thừa kế của Giải Lập Quân.”
“Đúng là miệng lưỡi người đời.” Tôi thở dài. “Thời buổi bây giờ muốn làm con cháu hiếu thảo cũng khó.”
“Phân đội trưởng Hoàng nói lần này không sợ vụ sao Quả Tạ của trưởng phòng Tần là có nguyên nhân đấy.” Điều tra viên úp mở.
“Nói mau xem nào!” Tôi giục.
“Là thế này,” điều tra viên nói, “cháu trai của Giải Lập Quân tên là Giải Mao Mao cùng cháu dâu Lưu Thúy Hoa rất quan tâm đến Giải Lập Quân, ngày ba bữa cơm đều do Lưu Thúy Hoa nấu rồi mang đến tận nhà cho, công việc đồng áng của Giải Lập Quân cũng do Giải Mao Mao làm giúp. Lương thực đều để cả ở chỗ Giải Lập Quân, còn tiền nong thu nhập, ngoài khoản sinh hoạt phí, Giải Mao Mao đã lập tài khoản cho Giải Lập Quân trong quỹ tín dụng rồi gửi cả vào đó.”
“Rồi sao nữa?” Tôi không mấy hứng thú với những tình tiết này.
Điều tra viên nói tiếp: “Khoảng 6 giờ tối ngày 16 tháng Bảy, Lưu Thúy Hoa vẫn mang cơm đến nhà Giải Lập Quân như mọi bận. 6 giờ 30 phút, Lưu Thúy Hoa đến lấy bát đĩa, thấy Giải Lập Quân đang bày bàn cờ, nói rằng buổi tối sẽ có mấy cuộc đại chiến. Điều này cũng phù hợp với những gì chúng ta nhìn thấy ở hiện trường. Điều tra cũng cho thấy, hai năm trước Giải Lập Quân học đánh cờ tướng, cực kỳ mê chơi cờ.”
“Ông ấy có nói đánh cờ với ai không?” Tôi vội hỏi.
“Đừng nóng, cứ nghe tôi kể lần lược!” Điều tra viên nói, “Lưu Thúy Hoa biết trong thôn có mấy ông cụ mê đánh cờ, buổi tối thường đến chơi cùng Giải Lập Quân nên cũng không hỏi gì thêm, thu dọn bát đĩa xong là về nhà luôn. Sáng sớm ngày 17, Lưu Thúy Hoa lại mang bữa sáng đến thì thấy chăn màn của Giải Lập Quân tanh bành cả, trong nhà không bị lục lọi nhưng không thấy ông cụ đâu.”
“À phải, tôi muốn hỏi,” tôi cắt ngang, “thế thường ngày Giải Lập Quân đi ngủ không khóa cửa à?”
Điều tra viên nói: “Khóa cửa nhà ông ta hỏng rồi. Ông ta lại sống một mình, nghèo rớt mùng tơi, chẳng có tên trộm nào thèm để mắt đến.”
Tôi gật đầu, ra hiệu cho điều tra viên nói tiếp.
Điều tra viên tiếp tục: “Mấy hôm trước, Giải Lập Quân có nói với Lưu Thúy Hoa, sau khi con gái kết hôn vẫn chưa đón ông đến Hồ Bắc thăm nhà mới lần nào, nên mấy hôm trước đã có ý định đi Hồ Bắc. Ông cụ thuộc kiểu người hứng lên là làm, bởi vậy Lưu Thúy Hoa nghĩ rằng ông cụ thấy nhớ con gái nên đã đi Hồ Bắc rồi, còn càu nhàu ông cụ đi cũng chẳng nói một tiếng, phí mất bữa sáng, chứ chẳng nghi ngờ gì cả.”
“Anh vẫn chưa nói với tôi ai đã đánh cờ với ông cụ đâu đấy!” Điều tra viên nói lòng vòng làm tôi sốt ruột.
“Nói ngay đây.” Điều tra viên thấy tôi sốt sắng cũng phải phì cười. “Vừa nãy, phòng Giám định ADN đã chọn lọc từ trong số rất nhiều đầu mẩu thuốc lá ở hiện trường, xét nghiệm thành công mẫu ADN của một người đàn ông, trùng khớp với ADN của Giải Lập Văn, chính là người đã báo cảnh sát.”
“Ồ! Thì ra là vậy!” Tôi đập bàn. “Giờ thì Giải Lập Văn đã trở thành đối tượng tình nghi, cho nên anh sẽ không còn gánh nặng tâm lý khi phá giếng nhà đối tượng nữa, phải không?”
Phân đội trưởng Hoàng gật đầu.
“Vậy đầu mẩu thuốc lá đó nằm ở vị trí nào thế?” Đại Bảo hỏi.
Điều tra viên cầm bảng liệt kê vật chứng rồi bật máy tính, mở ảnh chụp hiện trường, đối chiếu một chốc rồi nói: “Bên dưới chiếc ghế đẩu phía ngoài.”
“Tức là phía quân đen trên bàn cờ.” Đại Bảo nheo mắt nhìn tấm ảnh dưới ánh đèn chiếu, nói. “Thế thì đúng rồi! Quân đỏ chiếu tướng quân đen, có nghĩa là trong ván cờ đó, Giải Lập Quân đã đánh thắng Giải Lập Văn, cho nên Giải Lập Văn mới nổi giận gϊếŧ chết Giải Lập Quân.”
“Đầu tiên tôi cũng hơi nghi ngờ, vì Giải Lập Văn nói sau khi vớt hết rơm rạ liền nhìn thấy tử thi,” bác sĩ Cao nói, “nhưng trước khi vớt tử thi, tôi nhìn mãi cũng chẳng thấy gì cả.”
“Việc này thì khó nói lắm!” Tôi nói. “Đầu tiên, tôi cũng băn khoăn về điều này, nhưng cũng có khả năng góc độ ánh sáng khác nhau thì khúc xạ sẽ khác nhau, cho nên chúng ta không nhìn thấy, còn ông ta lại nhìn thấy.”
“Thế chẳng phải vừa ăn cắp vừa la làng còn gì?” Đại Bảo nói. “Xa vứt gần chôn. Vì hung thủ thông thạo đất ruộng của mình nên mới vứt xuống giếng của nhà mình. Sau khi vứt xác, vì sợ người đi đường phát hiện ra nên mới vứt rơm xuống để che đậy. Hai ngày sau, ông ta vẫn sợ nên đã báo cảnh sát, cho rằng tự mình báo án thì cảnh sát sẽ không nghi ngờ.”
Nghe Đại Bảo phục dựng hiện trường, phân đội trưởng Hoàng gật đầu đồng ý.
“Nhưng vẫn có một điểm chưa giải thích được.” Đại Bảo nói. “Chúng tôi nhận định rằng hung thủ có khả năng to khỏe hơn nạn nhân, nhưng Giải Lập Văn lại là một ông già gầy gò, nhỏ thó.”
“Ai nói hung thủ to khỏe hơn nạn nhân? Tôi không đồng ý.” Không biết Lâm Đào đã khám nghiệm xong hiện trường từ khi nào, đã ngồi thu lu trong một góc phòng họp. Cậu ta nói tiếp: “Tôi đã khám nghiệm nhà của Giải Lập Quân, phát hiện ra vết kéo thi thể. Trên tử thi có vết trầy xước không?”
Tôi gật đầu: “Rất nhiều, rất rõ ràng.”
Lâm Đào nói: “Khi tử thi bị lôi đi, trong vết kéo dài mấy mét có dấu vết hung thủ dừng nghỉ rất nhiều lần.”
Lâm Đào chỉ vào phần đứt đoạn ở giữa vết kéo trong ảnh, nói: “Những chỗ đứt đoạn này có lẽ là do hung thủ dừng lại nửa chừng. Có nghĩa là, hung thủ kéo thi thể đi rất khó nhọc và tốn sức. Điều này chứng tỏ hung thủ có lẽ không khỏe mạnh cho lắm.”
“Nhưng khi khám nghiệm tử thi, chúng tôi nhận thấy nạn nhân phản kháng rất ít.” Đại Bảo nói. “Các khớp ở tứ chi đều không có tổn thương dưới da.”
Tôi lặng lẽ chuyển ảnh, dừng lại ở tấm ảnh chụp mặt giường trong nhà nạn nhân, nói: “Việc này có thể giải thích được. Nếu nạn nhân đang ngủ, có lẽ sẽ đắp chăn. Lúc này, nếu đột nhiên có người ngồi đè lên trên, tấm chăn đắp trên người sẽ trở thành dây trói. Hai cánh tay không thể rút ra được nên không thể phản kháng. Hơn nữa, kiểu trói này là trói toàn bộ cánh tay, diện tích chịu lực lớn, sức ép nhỏ nên đương nhiên sẽ không để lại dấu vết khống chế.”
Mọi người đều gật đầu đồng ý.
Phân đội trưởng Hoàng nói: “Nếu mọi người đã không còn ý kiến gì khác, vậy thì bắt người thôi. Bộ phận kỹ thuật đi phá giếng!”
*
Phá giếng cũng là một công việc đòi hỏi kỹ thuật. Khi chúng tôi đang đứng bên cạnh giếng loay hoay không biết làm sao thì không biết đồng chí cảnh sát thông minh nào đã mời đến một đội thợ đào giếng. Họ mang lỉnh kỉnh nào đèn thợ mỏ, nào máy trục vớt đến hiện trường.
Đội thợ làm việc rất chuyên nghiệp, chẳng mấy chốc, xung quanh miệng giếng đã bị đào thành một hố lớn. Tiếp đó, gạch kè quanh miệng giếng bị gỡ sạch, lòng giếng mở rộng ra không ít. Gầu xúc của máy trục vớt được đưa xuống giếng, bắt đầu trục vớt vật thể dưới đáy giếng.
Tâm trạng của chúng tôi cũng hồi hộp lên xuống trong tiếng nổ rền vang của động cơ diesel. Mỗi lần gầu xúc thò xuống lòng giếng, chúng tôi lại khấp khởi hy vọng. Nhưng mỗi lần gầu xúc đưa lên trống rỗng, hy vọng của chúng tôi cũng tiêu tan theo. Hơn nửa tiếng đồng hồ trôi đi trong hy vọng rồi lại thất vọng, đội trục vớt vẫn không bỏ cuộc, âm thầm tiếp tục công việc.
Cuối cùng, trong tiếng hò reo vang dậy, máy trục vớt đã vớt lên được một vật thể đen ngòm.
Tôi vội vàng đeo găng tay, đón lấy vật thể màu đen đó. Hơn chục ngọn đèn khám nghiệm đồng loạt chiếu vào tay tôi, trong phút chốc, tôi cảm thấy mình như một minh tinh đứng dưới ánh đèn tụ quang trên sân khấu.
Đó là một cái túi nilon cứng đen trũi, đựng đầy thứ gì đó rất nặng, miệng túi buộc chặt.
“Lạ thật đấy, cái túi chìm dưới đáy giếng, đáng lẽ phải bị nước vào làm phồng lên chứ, tại sao nó lại không có nước nhỉ?” Lâm Đào thắc mắc.
Tôi nhìn cái túi, nói: “Cậu xem, trên túi có rất nhiều lỗ thủng nhỏ.”
Đúng vậy, trên cái túi nilon đen có rất nhiều lỗ thủng, có lỗ còn đang chảy nước ròng ròng. Hiển nhiên, những cái lỗ này là do người ta chọc thủng.
Cái túi được từ từ mở ra, bên trong toàn đá là đá. Chúng tôi suy đoán không sai, đây chính là vật nặng để dìm xác nạn nhân.
“Em đã đoán đúng.” Đại Bảo nói. “Đúng là có vật nặng để dìm xác. Nhưng anh thấy vất vả nãy giờ đúng là phí hoài, biết có vật dìm xác thì có tác dụng gì?”
“Đương nhiên là có.” Lâm Đào kêu lên. “Loại đá xi măng này không phải chỗ nào cũng có đâu, thường chỉ những chỗ làm đường hay xây nhà mới có, còn bình thường ở đồng ruộng lấy đâu ra?”
Tôi gật đầu, nói: “Khi hung thủ tìm vật dìm xác, chắc chắn sẽ phải tìm vật gì chắc chắn nhất và lấy được thuận tiện. Cho nên tớ cảm thấy sau khi gϊếŧ người, hung thủ sẽ đi chuẩn bị cho việc vứt xác. Gần đấy chắc chắn là có con đường đang sửa chữa hoặc nhà cửa đang xây, chí ít thì hung thủ cũng lấy được chỗ đá xi măng này một cách dễ dàng.”
“Gần nhà Giải Lập Văn có đường đang sửa hay nhà đang xây không?” Tôi hỏi.
Điều tra viên lắc đầu nhưng rồi lại gật đầu ngay sau đó: “Gần nhà Giải Lập Văn không có, nhưng cách nhà nạn nhân chừng ba trăm mét về phía bắc có một nhà đang xây. Khi chúng tôi đi điều tra xung quanh, còn phải leo qua một đống đá.”
“Có vẻ như việc chuẩn bị được thực hiện ngay trong nhà nạn nhân.” Đại Bảo nói.
Tôi lắc đầu, nói: “Giếng ở phía nam nhà nạn nhân, còn đá lại ở phía bắc nhà nạn nhân. Như vậy là hai hướng hoàn toàn ngược đường nhau, không phù hợp với lộ trình gây án của hung thủ.”
“Thôi không tranh cãi nữa!” Đại Bảo nói. “Về xem kết quả thẩm vấn thế nào đã.”
*
Quả nhiên, quá trình thẩm vấn không hề thuận lợi. Sau khi bị cảnh sát bắt giữ, Giải Lập Văn vô cùng kích động.
“Mẹ kiếp, chúng mày bắt tao vào đây, còn để tội phạm sống nhe nhởn bên ngoài. Đúng là tao vô phúc tận mạng chứ chẳng sai, giếng nhà thì bị vứt xác chết, còn người thì bị chúng mày bắt cổ vào đây thẩm vấn. Bọn cảnh sát chúng mày chỉ được đến thế thôi à? Trong giếng nhà tao có người chết thì là tao gϊếŧ chắc? Chúng mày phá án cái kiểu gì thế hả? Mẹ kiếp, đúng là oan uổng! Cảnh sát đúng là một lũ ăn hại!”
Khi tôi đi ngang qua phòng thẩm vấn, đã biết ngay rằng bầu không khí u ám đang chờ tôi trong phòng họp tổ chuyên án.
Đúng như dự đoán, vừa bước vào cửa, phân đội trưởng Hoàng đã nói: “Có lẽ chúng ta đã nhầm rồi, nhưng không có căn cứ chính xác nên không dám thả người. Giải Lập Văn thừa nhận tối hôm đó có đánh cờ với Giải Lập Quân, nhưng 10 giờ tối đã về nhà đi ngủ. Điều tra vòng ngoài, thấy hành vi của Giải Lập Văn mấy ngày nay cũng không có gì khác thường.”
“Em cũng cảm thấy không phải ông ta.” Tôi nói. “Có lẽ chúng ta đã bỏ sót một vấn đề. Nếu kích động vì thua cờ dẫn đến gϊếŧ người thì phải gây án ngay lúc đó mới phải. Nhưng trước đó, chúng ta đã phân tích, sau khi nạn nhân đi ngủ, hung thủ mới lặng lẽ lẻn vào rồi đột ngột tấn công. Hiện trường đó không phù hợp với vụ án gϊếŧ người trong trạng thái tinh thần kích động mạnh, nên có lẽ chúng ta đã nhầm rồi. Hay cứ thả người luôn tối nay đi, ngày mai trời sáng tiếp tục công việc.
Khi rời khỏi đồn công an, Giải Lập Văn nằm vạ trước cổng đồn gào thét ầm ĩ: “Tao không đi đấy! Chúng mày tự dưng bắt tao vào, không phải cứ thả tao là xong đâu! Chúng mày phải bồi thường cho tao! Phí tổn thất tinh thần! Phí tổn thất danh dự! Không bồi thường tao không đi!”
“Anh đã nhầm rồi!” Đại Bảo cúi đầu thất vọng.
Tôi vỗ vai Đại Bảo nói: “Đừng nản. Vụ án này có khá nhiều điều kiện, chúng ta phải có niềm tin!”
Nói là nói vậy, nhưng thấy Giải Lập Văn ăn vạ ầm ĩ, tôi cũng thấy chán nản. Tôi lặng lẽ trở về nhà nghỉ, mở máy tính, sắp xếp lại những bức ảnh chụp hiện trường và tử thi trong vụ án.
Xem đi xem lại mấy lượt, cái túi nilon đen trũi vẫn thu hút sự chú ý của tôi nhất. Tôi cảm giác như đã nhìn thấy cái túi như thế này ở đâu rồi nhưng nhất thời chưa thể nhớ ra. Tôi đổ vật xuống giường, có lẽ do gần đây mệt mỏi quá độ nên nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
Trong mơ, hình như tôi đã quay về thời thơ ấu, ông nội dắt bàn tay nhỏ xíu của tôi đi chợ mua thức ăn. Tôi thích nhất là món đậu phụ Tứ Xuyên ông nấu, thế là tôi mè nheo ông đòi ăn đậu phụ. Ông nội dắt tôi đến trước hàng bán đậu, ông chủ lấy ra một túi nilon đen, lùa vào chậu nước. Loáng cái, một miếng đậu phụ đã nằm gọn trong túi. Khi nhấc túi nilon lên, nước trong túi chảy ra ròng ròng qua những lỗ nhỏ.
Đúng rồi! Túi đựng đậu phụ!
Tôi choàng tỉnh từ trong giấc mơ, nhìn đồng hồ đã sắp 8 giờ. Tôi bật dậy, chạy vào phòng vệ sinh đánh răng. Lâm Đào dậy sớm hơn tôi, đang tắm.
“Này! Này!” Lâm Đào kêu lên. “Tớ đang tắm đấy!”
Tôi nói: “Đàn ông đàng ang cả, ngại cái gì, ai thèm nhìn ngọc thể của cậu! Cứ phải giả vờ ngây thơ với tớ làm gì? Tớ đang vội đến tổ chuyên án đây!”
“Tớ cũng phải quay lại hiện trường mới được. Tối qua tớ nghĩ có rất nhiều rơm ném xuống giếng, nhưng đống rơm lại cách giếng những mấy chục mét, một người đi bộ thì không thể ôm nhiều rơm như thế được, chắc chắn là có phương tiện giao thông… À phải, cậu đã phát hiện ra điều gì thế?” Lâm Đào vẫn luôn tay xát sữa tắm lên người.
Tôi vừa đánh răng vừa lúng búng trong miệng: “Di chuyển tử thi mấy cây số đến đấy, chắc chắn là phải có phương tiện giao thông chứ.”
“Hê hê, tớ có tuyệt chiêu rồi, bây giờ chưa nói cho cậu biết đâu!” Lâm Đào ra vẻ bí hiểm. “Lát nữa tớ sẽ đến hiện trường, sau đó mang chứng cứ về cho cậu xem. Mà cậu nói xem nào, đã phát hiện ra gì thế?”
“Cậu nói xem, sao cái túi nilon đen lại phải chọc lỗ?” Tôi hỏi.
Lâm Đào lắc đầu: “Không biết, chẳng lẽ hung thủ ngô nghê đến nỗi cho rằng cái túi bị nước vào sẽ nổi lên?”
Tôi lắc đầu nói: “Hung thủ không cố tình chọc lỗ đâu. Nhìn vào toàn bộ quá trình gây án, tớ thấy hung thủ khá là căng thẳng sợ hãi, đặc biệt là ném xác xuống giếng rồi còn ôm rơm thả xuống, chứng tỏ hắn rất bấn loạn. Trong tâm trạng đó, người bình thường sẽ không thể nghĩ đến việc chọc lỗ cái túi nilon được, làm thế đâu có ý nghĩa gì?”
“Vậy theo cậu là vì sao?”
“Cậu đến hiện trường trước đi.” Tôi cũng úp mở. “Tớ đợi cậu ở tổ chuyên án. Cậu bí mật thì tớ cũng phải bí mật chứ. Với lại phát hiện này của tớ là do ông nội tớ về báo mộng cho biết đấy.”