Chương 1: Củ sen nếp xốt mật ong

Bạn đã từng nghe nói đến “làng trong phố” bao giờ chưa?

Một sản phẩm lạc hậu tách mình khỏi cơ chế trong quá trình đô thị hóa phát triển nhanh chóng.

Nó là căn bệnh “ung thư” trong mắt giới tinh hoa cấp tiến và cũng là nơi “thiên đường” cho những người đang vật lộn với ngưỡng nghèo đói.

Nơi đây có giá thuê nhà rẻ đến khó tin, vật giá phù hợp với mức tiêu dùng của người dân, quầy hàng lưu động đa dạng, tình người muôn vẻ vô cùng sôi động.

Nơi đây có những tên giang hồ xấu xí khó coi, có những đại ca xã hội đen xăm trổ bạch hổ hung tợn sau lưng, có những cô gái bán hoa tựa cửa bán nụ cười, một nơi bám bụi dơ bẩn, kỳ dị lạ thường.

Băng qua những con đường chằng chịt, né tránh những sợi dây điện nguy hiểm thòng xuống đất, sâu trong khu làng trong phố này là một chợ rau giản dị.

Trên cánh cổng bị hư hỏng lâu năm có in vài chữ - Chợ nông sản Giai Hảo.

Vì chữ “hảo” thiếu mất nửa bên phải nên biến thành “Giai Nữ”, sự kết hợp giữa “nông sản” và “chợ” trông chẳng giống ai mà còn có chút khôi hài.

Nơi đây mở cửa từ chín giờ sáng và đóng cửa lúc bảy giờ tối, buôn bán bình thường, miễn cưỡng duy trì hoạt động lành mạnh.

Sắp đến Tết nên lượng khách cũng đông hơn một chút.

Song, đa số khách vào cổng sẽ bỏ qua sạp hàng đầu tiên bên tay phải.

Theo lối suy nghĩ rập khuôn thì sẽ luôn cho rằng chủ tiệm ngay cổng không đàng hoàng, rượu ngon đều ở bên trong hẻm.

Đó là sạp hàng trái cây khô bình thường không to không nhỏ.

Một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày, nữ nhân viên bán hàng duy nhất dường như không cần nghỉ ngơi, ngay cả phong cách ăn mặc cũng không thay đổi, trở thành một trong những biểu tưởng bất di bất dịch của “Giai Hảo”.

“Táo tàu bán sao vậy?” Người phụ nữ ôm con nhỏ đi ngang thuận miệng hỏi.

“Táo nhỏ mười lăm tệ một cân, táo nhỏ mười tệ.” Cô bán hàng có mái tóc rất dài, buông xõa hờ hững trên vai, ngọn tóc khô quăn thiếu sức sống.

Tóc mái cũng rất dài, che khuất cả mắt lẫn lông mày.

Cô rất thích đội mũ, mũ lưỡi trai, mũ ngư dân, mũ len… Thỉnh thoảng quên đội thì sẽ cúi đầu.

Ngay cả bà chủ tiệm mỳ thịt kho tàu đối diện gặp hàng ngày cũng không miêu tả rõ khuôn mặt của cô.

Nhưng cách nói chuyện thì lại rất hay, giọng vừa giòn vừa tươi vui, cùng một chút nũng nịu trời ban, nghe chừng cũng còn khá trẻ tuổi.

“Bớt chút đi.” Những bà nội trợ gia đình rất giỏi trả giá.

“Giá vốn rồi, không giảm thêm được nữa đâu.” Mồm miệng khô khốc, môi hơi nứt nẻ, cô hơi nhếch miệng để lộ nụ cười không hề ấm áp, “Hay xem thêm loại khác nữa đi, rồi tính tiền luôn. Lấy kiwi sấy không?”

Người phụ nữ mua hai cân táo, một túi kiwi sấy, một túi xoài sấy, tính tổng tiền được bớt cho số lẻ nên hài lòng rời đi.

“Hạng Gia, Tết cháu có về quê không? Hay mua ít thịt kho tàu mang về? Dì không lấy lời đâu.” Bà chủ đối diện vừa cắn hạt dưa vừa buôn chuyện, dáng vẻ phúc hậu lại vui vẻ.

“Cảm ơn dì Hương, không cần đâu ạ.” Cô gái bán hàng tên Hạng Gia này dường như mắc bệnh sợ xã hội, không thể thích ứng với cách nói chuyện tưởng chừng như gần gũi nhưng lại xúc phạm của người phụ nữ trung niên, quay người đi đến kho kiểm hàng.

Cô không có nhà.

Cũng không muốn mua thịt kho tàu.

Gan gà kho rẻ nhất cũng phải mười tệ một cân, đắt quá, ăn không nổi.

Mua đồ sống về nhà tự kho, cộng lại chưa đến năm tệ tiền vốn.

Lúc sắp tan làm thì ông chủ đến thị sát công việc.

Ông chủ này mập mạp hơn bốn mươi tuổi, cười híp mắt giống phật Di Lặc, nghe nói mở được mấy cửa hàng ở thành phố N, kinh doanh ngày càng lớn, chú trọng hòa khí sinh tài lộc.

Ông ta lật giở sổ sách, thấy Hạng Gia ghi chép rất tỉ mỉ rõ ràng đâu ra đấy, xem qua là hiểu ngay, bèn gật đầu liên tục: “Tiểu Hạng, thời gian qua vất vả cho cô rồi.”

“Không có.” Hạng Gia đối diện với ông chủ cũng rất căng thẳng, kéo nhẹ góc áo, lùi về sau nửa bước, thầm mong ông ta mau đi cho.

Ông chủ hỏi mấy câu khách sáo như Tết này có cần xin nghỉ phép không, thấy cô nhân viên này thường ngày chăm chỉ làm việc, lại không đòi lương cao, nên hào phóng móc ví tiền ra nhét cho cô năm trăm tệ.

“Đây, thưởng cuối năm, mua vài cân thịt, ăn gì đó ngon vào.” Cô đã có da có thịt hơn lúc mới đến, nhưng trong mắt ông ta thì vẫn khá gầy.

Phụ nữ béo một tí sẽ tốt phúc hơn, khô khan gầy còm trông mà buồn lòng.

Hạng Gia ngây người, nắm chặt những tờ tiền mới cóng trong tay.

Đi làm hơn một năm, tích góp được hơn tám nghìn, cộng thêm năm trăm này nữa là vừa tròn chín nghìn.

Cô nhẩm tính, một tháng sáu trăm tệ tiền nhà, đi chợ nấu ăn củi lửa điện nước sáu trăm, nhu yếu phẩm hàng ngày ba trăm, tổng cộng có thể kiểm soát ở mức nghìn rưỡi tệ.

Khoản tiền này đủ để gắng gượng đến ngày mười lăm tháng Sáu dương lịch.

Đó là ngày cô dự định kết thúc cuộc đời mình.

Tiếp tục làm thêm đã không còn ý nghĩa gì, hay là có thể cân nhắc nghỉ việc?

Không, ở nhà trọ không có gì làm e là lúc nào cũng sẽ nghĩ đến việc tự tử mất.

Vẫn phải tiếp tục kiên trì.

Dù sao thì Hạng Gia cũng vẫn cảm thấy hạnh phúc tưởng chừng như đã mất từ lâu.

Mùa đông ngày ngắn đêm dài, đến giờ tan làm thì ngoài trời đã tối đen.

Cô lấy mứt táo trong tủ kính ra cân đủ một cân, chuyển tiền vào tài khoản Alipay của ông chủ, sau đó khoác chiếc áo lông màu nâu xám vừa rộng vừa quê mùa, khóa cửa tiệm rồi cúi đầu đi bộ về nhà.

Đi ngang quầy ăn vặt nóng hổi, cô chần chừ vài giây rồi quay lại hỏi: “Xôi củ sen xốt mật ong bán sao vậy?”

Năm tệ một phần nhỏ, tám tệ một phần lớn, không giảm giá.

Thời tiết rất lạnh làm cho ánh sáng mờ ảo trong quầy hàng càng thêm ấm áp.

Hơn nữa, cô chợ nhớ ra, hôm nay là Lễ Laba.

Trong chiếc xô thiếc lớn là những củ sen căng tròn mọng nước được ngâm trong nước mật ong màu hổ phách, xung quanh được điểm xuyết thêm mứt quế thơm ngọt dịu, tỏa hương thơm quyến rũ.

Hạng Gia đếm thử, một, hai, ba… Là củ sen bảy lỗ vừa mềm vừa dẻo.

Cô khẽ cắn răng, hiếm khi xa xỉ một lần, mua luôn một phần lớn.

Ông chủ vớt đúng củ sen cô thích đặt lên thớt, rút bỏ cây tăm cố định.

Lưỡi dao sắc bén bắt đầu cắt, giữa những lát củ sen là vô số những sợi bạc kéo dài, hiện ra màu nâu cánh gián đẹp mắt, nhân nếp ngập tràn dường như sắp nổ tung, trắng hồng nõn nà khiến người ta chảy nước miếng.

Không được vội vàng.

Cô cho những lát củ sen đã cắt xong vào bát giấy dùng một lần, xin ông chủ thêm một thìa mật lớn để ngâm lần hai.

Đợi thêm mấy phút nữa là vừa đúng vị.

Nhà trọ cách chợ rau không xa, đi bộ mười phút là đến.

Hạng Gia cúi đầu, bước đi vội vàng, hòa vào dòng người mệt mỏi có lo âu có hân hoan có phấn khích có, giống như giọt nước hòa vào biển cả.

Cơm hộp lúc trưa không hợp khẩu vị nên giờ bụng đói cồn cào, cô bèn mở nắp ra, dùng tăm xiên một lát củ sen nóng hổi, ăn liền hai miếng.

Vừa bước vào hành lang cũ nát thì một con dao găm đột nhiên dí vào cổ cô.

Hơi thở vừa xa lạ vừa nguy hiểm áp sát, người đàn ông uy hϊếp cô từ sau lưng, kẹp chặt cánh tay, đè cô lên vách tường ẩm ướt loang lổ.

Hạng Gia liếc thấy một bóng người cao gầy, ngửi thấy mùi của kẻ gian ác.

Hung tàn độc ác, phảng phất mùi máu tanh.

Hắn hoảng loạn, dùng lực nơi cổ tay, cứa một đường ngay cổ cô.

“Dám lên tiếng, tôi sẽ gϊếŧ cô.” Giọng nói khàn đặc, hệt như một con vịt ồn ào tấn công màng nhĩ không chút thương tiếc.

Hạng Gia nghĩ: Còn có chuyện tốt này nữa sao?

Người đàn ông lại nói: “Tôi sắp chết đói rồi, cho tôi miếng cơm.”

Ánh mắt giống như một con sói dán chặt lấy cái bát giấy vẫn còn tỏa hơi nóng.

Cuối cùng Hạng Gia chau mày.

Cô ôm chặt đồ ăn, từ chối phối hợp.

*Chú thích: Lễ Laba là ngày hội cháo cầu may Laba được tổ chức tại một ngôi chùa ở thủ đô Bắc Kinh vào ngày thứ tám của tháng thứ 12 theo lịch âm Trung Quốc. Từ "La" theo tiếng Trung Quốc có nghĩa là "tháng âm lịch cuối cùng" và "Ba" có nghĩa là "tám". Nó là lễ hội khởi đầu cho các hoạt động đón chào Tết âm lịch của người Trung Hoa.