Buổi chiều năm giờ Phi gọi điện cho tôi nói rằng sáu giờ sẽ đến đón tôi. Tay cầm hai tấm vé cho đêm nhạc Gasandji, một cảm giác háo hức rất trẻ con trỗi lên. Tôi biết việc Phi đến đón tôi sớm trước hai tiếng của đêm nhạc là vì mục đích khác, anh cần thảo luận với tôi những vấn đề ngoài nhạc, lúc nào mà không như vậy. Phi là người lịch lãm nhất trong những người tôi từng biết, anh lúc nào cũng lịch sự nhã nhặn dù với phụ nữ hay đàn ông, anh luôn biết cách lắng nghe và từ chối khéo những vấn đề tế nhị. Anh tuy sống độc thân nhưng cư xử nhiều tình cảm, anh có nhiều mối quan hệ mà lại ít bạn bè, anh thông tuệ mà chẳng khi nào kiêu ngạo, quả thật, anh là người bạn tuyệt vời nhất trong những người bạn tôi quen. Bên cạnh anh, chúng tôi vừa gần gũi như hai anh em, vừa lịch sự như người xa lạ, một cảm giác mà không phải ai cũng có cơ hội trải nghiệm.
Tôi lẩm nhẩm mồm bài hát quen thuộc rồi tưới mình trong làn nước mát, mùi hương tinh dầu thoang thoảng phòng tắm, tôi hầu như chẳng nghĩ gì về vụ án.
Đúng hẹn, sáu giờ Phi đã đưa xe đến dưới chung cư và mở cửa xe cho tôi.
– Hôm nay tài xế của anh nghỉ việc à?
– Tôi cho anh ấy nghỉ ngơi vì tôi cần thảo luận với anh những chủ đề không nên có người thứ ba. Anh lên xe đi, anh ăn gì chưa?
– Chưa, nghe nhạc xong tối về mình đi ăn cũng được.
– Ôi không, tôi không thể cư xử tàn nhẫn với sức khỏe của anh. Và tối nay chúng ta cũng không thể ngồi ăn khuya với nhau như mọi lần, anh đừng giận tôi, anh hiểu công việc của tôi mà.
– Hì hì, tôi có nói gì đâu. Vậy ghé nơi nào đó mua hộp sữa uống là được rồi.
– Không, nó không thể thay thế bữa ăn, chúng ta còn dư thời gian đến hai giờ, anh muốn dùng bữa tối ở đâu?
– Lúc này ăn phở thích hợp không?
– Cứ theo ý anh, tôi ít ăn phở ở Saigon.
– Vậy mời anh đến một trong những quán phở lâu đời nhất Saigon, phở Cao Vân. Nó nằm trên đường Mạc Đĩnh Chi, số 24. Đoạn đó một chiều, anh cần đi đường Hai Bà Trưng đến Điện Biên Phủ rồi rẽ xuống.
Xe lăn bánh và Phi vào ngay vấn đề.
– Tôi báo tin buồn trước cho anh, toàn bộ bài vở, thông tin của Trần Mạnh Khoa mất dấu toàn toàn tại Đại học Y. Tôi cũng nhờ người tìm kiếm thông tin của hắn về tài khoản ngân hàng, nơi trọ v.v. Hi vọng sẽ có thông tin.
– Anh cần thay đổi về phương pháp, anh tính tìm hắn dưới cái tên Trần Mạnh Khoa à?
– Theo anh tôi cần làm gì?
– Một kẻ mà trong vài ngày có thể xóa mọi dấu tích cuộc đời, thì hắn hoàn toàn có thể thay tên đổi họ. Cái tên Trần Mạnh Khoa sẽ chết, hắn có thể tạo dựng một chứng minh thư mới, một cuộc đời mới, với sự giúp đỡ của một kẻ có nhiều quyền lực ngầm. Nhưng không hẳn quá khó để tìm ra hắn, cái tôi muốn là tìm ra kẻ đứng đằng sau hắn.
– Bằng cách nào? Một vài gợi ý của anh rất hữu dụng lúc này.
– Theo anh, một kẻ thông minh như hắn thì sẽ ở đâu?
– Tôi không biết.
– Ngày nào hắn vẫn còn thông minh, chúng ta vẫn còn cách tìm ra hắn. Hắn sẽ ở quanh trường học của hắn, nghĩa là đâu đó quận năm. Hoặc là, nếu hắn thông minh hơn, hắn sẽ ở quận bảy.
– Tôi chưa hiểu lắm.
– Một kẻ thông minh luôn bị chi phối bởi thói quen được lập trình trước đó. Một kẻ càng thông minh càng nhiều thói quen để giữ cho sự thông minh đó trở thành điều đặn, như một họa sĩ phải vẽ thường xuyên, nhạc sĩ phải quen thuộc với tiếng đàn, nhà văn phải chăm bẵm cho từng con chữ. Anh thấy đó, một kẻ khỏe mạnh, thể lực cường tráng thì chắc chắn thời gian chúng ở phòng gym nhiều hơn thời gian chúng ta đọc sách, và nếu tập gym thì chúng ta hoàn toàn có thể dự đoán tốt thời gian, nếu sáng là 6 giờ đến 8 giờ, nếu chiều là ba giờ đến sáu giờ. Một kẻ bắp chân rắn chắc, gân xanh bọc dưới bàn chân thì đó phải là một tay chạy bộ với những thói quen khó cưỡng, hắn sẽ thích chinh phục những đoạn đường dài, và chỉ cần như vậy ta cũng biết những nơi hắn xuất hiện, những hội người chạy bộ, những shop giày thể thao, những diễn đàn trên mạng về chạy bộ, và chắc chắn những cuộc thi chạy bộ hay những tổ chức chạy bộ dân sự sẽ có mặt hắn. Vậy một kẻ như Trần Mạnh Khoa sẽ có thói quen gì? Đặc biệt khi hắn là một bác sĩ?
– Tôi bắt đầu thích thú.
– Anh biết không, khi tôi nhận ra hắn có khả năng quan sát thì tôi liên tưởng ngay đến việc vì sao hắn chọn đại học Y mà không phải trường nào khác. Hắn thích quan sát, hắn thích phỏng đoán, hắn muốn đi sâu vào suy nghĩ của từng con người đi trên đường. Còn gì tốt hơn là có được tri thức y khoa? Một trong những phép chẩn bệnh của Y khoa là quan sát, mọi dấu hiệu bệnh tật của người bệnh đều hiện lên trên khuôn mặt, tướng đi, màu mắt, màu da. Nếu có kiến thức y khoa, hắn sẽ phân loại chính xác những chứng rụng tóc ở da đầu là do vảy gầu, hay thiếu máu, hay do chàm, hay do hói. Hắn còn biết phối hợp chính xác cách thức chẩn bệnh đó để cô đọng lại thành một công thức, một công thức tuyệt vời để giải mọi phương trình về con người. Ở trường y, chắc chắn hắn có nhiều cơ hội tiếp cận những tư liệu về tâm lý học lâm sàng, điều này càng giúp hắn có thể len sâu vào suy nghĩ con người, anh nên biết, chúng ta suy nghĩ đều phải tuân thủ theo quy luật tâm lý, anh không thể chạy thoát được nó, vì nó khách quan và độc lập với anh.
– Vậy nên hắn luôn cần đến con người để quan sát.
– Đúng vậy, và phải là người bệnh để hắn có thể kiểm chứng được sự sai lệch của mình. Đầu tiên, hắn đoán bệnh từ quan sát, xa hơn, hắn tìm xem suy nghĩ của người khi mắc bệnh, hắn cô đọng nó thành công thức và tạo nên nhiều công thức. Cho đến khi thành thạo, hắn chỉ cần nhìn một người, những đặc điểm trên cơ thể họ biến thành ẩn số phù hợp với một số phương trình đã tích hợp từ trước, những biến số đó chạy đến phương trình và nhanh như chớp nó sẽ giải mã ra điều mà hắn mong muốn. Mà theo như tôi thấy, hắn vẫn chưa đủ để làm điều đó một cách hoàn hảo, cho nên, hắn vẫn còn tập dượt nhiều. Thói quen của hắn là trường đại học Y, hắn khó lòng cưỡng lại thói quen đó khi đến những bệnh viện khác. Một kẻ thông minh bao giờ cũng gặp sự khó chịu khi chuyển đổi thói quen, vì thông minh bao giờ cũng đi kèm với sự ngặt nghèo của thói quen. Anh sẽ ra sao nếu một ngày anh không đọc sách giống tôi? Tôi sẽ không thể chịu đựng được nếu thiếu sách, cũng như sẽ tức điên lên nếu xung quanh ồn ào khiến tôi không nghĩ ngợi được, và tôi không bao giờ bỏ lỡ thói quen chạy xe hóng mát vào mỗi tối để có dịp nghĩ ngợi.
– Còn việc hắn ở quận bảy?
– Có là điều tôi lo sợ nhất, nếu một kẻ đã hoàn tất việc tự học của hắn, thì hắn sẽ đi đến việc đối đầu. Anh ở quận bảy, việc chuyển đến gần nơi anh ở, hắn sẽ quan sát anh từng ngày, hắn len vào đầu anh, khơi mọi ngóc ngách để biết anh nghĩ gì. Hắn có nhiều dịp quan sát người bình dân, bác sĩ, y tá, bảo vệ, sinh viên v.v. Nhưng anh là một đối tượng ham muốn của nhiều kẻ thông minh như hắn, anh là một bài tập khó giải của một học sinh giỏi, khao khát giải được bài toán khó là nỗi khao khát thường trực của kẻ bị ám ảnh quá nhiều bởi lý trí.
– Tuyệt vời. Nhưng quận năm chúng ta sẽ khoanh vùng ở đâu?
– Không cần khoanh vùng, tôi tin chắc hắn sẽ sớm trở về thói quen đến trường, và ở nơi quen thuộc để nhìn ngắm mọi người. Anh cứ tìm thêm thông tin về những người khác, còn riêng hắn, anh cứ để cho tôi. Sáng thứ bảy anh rãnh chứ? Chúng ta sẽ đi thăm chú chuột con này, và cần thiết thì biết luôn nơi ở của nó.
– Haha, tôi rất háo hức điều này.
***
Khi xe đến dốc cầu Tân Thuận, chuyển sang quận Tư, Phi lấy trong túi áo đưa cho tôi một chiếc điện thoại.
– Anh nghĩ gì về chủ nhân chiếc điện thoại này?
– Để tôi xem, điện thoại ở bậc trung, Nokia, không nhiều chức năng thông minh. Anh muốn hỏi gì về chủ nhân của nó?
– Chủ nhân nó là một người phụ nữ, trong những ngày qua tôi theo sát người cha, nhưng ông ta ở lì trong sứ quán, rất bất tiện cho tôi. Nhưng đúng giờ, năm giờ chiều ông ta luôn đến gặp một người phụ nữ, tuổi trung niên tại quán nước ở Hàn Thuyên. Tôi không có dữ kiện gì về người phụ nữ mới này, tôi cũng không biết bà ta có liên quan đến vụ án không, và cũng không có anh ở đó để giúp đỡ. Chẳng còn cách nào khác, tôi đành trộm cái điện thoại này, hành vi thật tồi nhưng cần thiết lúc này, vào ngày mai tôi sẽ trả lai cho bà ấy.
– Để xem nào, chà, một ngày có đến 53 cuộc gọi điện, có 23 cuộc gọi nhỡ. Xem nào, có 11 cuộc gọi nhỡ vào 9h30 sáng đến 11h, sau đó 11h15 bà ta gọi lại cho tất cả 11 số gọi nhỡ, có 4 số lưu vào danh bạ, 6 số không lưu, trong sáu số đó có một số gọi đến hai lần. Buổi chiều, từ ba giờ đến bốn giờ tiếp tục 12 cuộc gọi nhỡ, và 4h30 bà ta gọi lại cho 12 số này.
Chà, người đàn bà này thật tuyệt vời.
– Anh thấy gì?
– Một người phụ nữ kinh doanh thành đạt, hẳn bà ta ở cấp độ rất cao, là giám đốc hoặc ít ra cũng là một trưởng bộ phận quan trọng. Bà ta rất biết cách được lòng người xung quanh. Hẳn, bà ta được niềm tin của khá nhiều người. Nhưng bà ta xem chừng không tin tưởng người khác, một mẫu phụ nữ chỉ tin vào chính mình và thích ôm nhiều việc.
– Anh có thể lý giải cho sáng tỏ hơn không?
– Chỉ có một người phụ nữ thành đạt mới có nhiều mối quan hệ, nhiều đến mức một ngày có đến 53 cuộc gọi điện, chỉ có kẻ kinh doanh mới có nhiều mối quan hệ như vậy. Không một ngành nghề nào khác cần quan hệ đối tác như kinh doanh. Những cuộc gọi nhỡ vào thời gian buổi sáng, 9h30 đến 11h, buổi chiều từ 3h đến 4h. Tại sao bà ta không bắt máy? Việc gì khiến bà ta không thể nghe máy? Bận. Chỉ có những cuộc họp quan trọng thì người ta mới tắt máy hoặc để chế độ rung, người dự những cuộc họp quan trọng phải là người quan trọng, thậm chí có thể là quan trọng nhất trong buổi họp, vì tính chất nghiêm túc không nghe máy khi thảo luận. Đó phải là những giám đốc, những chủ doanh nghiệp, những trưởng phòng cấp cao, những CEO xuất sắc. Nhưng vừa kết thúc cuộc họp, bà ta gọi ngay cho những số gọi nhỡ, kể cả những số không lưu ở máy, cho thấy bà ta luôn biết nắm bắt mọi cơ hội, người biết nắm bắt cơ hội thì luôn có cơ hội. Mà có cơ hội thì phải thành công. Thêm nữa, những cuộc trả lời thường kéo dài trên hai phút, cho thấy bà ta rất nhũn nhặn và từ tốn khi trả lời với số lượng những cuộc gọi lại, người như vậy phải được lòng nhiều người.
– Tôi đồng ý, còn khía cạnh chỉ tin vào chính mình?
– Từ những cuộc gọi này, cho thấy bà ấy khá nhiều việc, bận bịu và tự thu xếp mọi công việc mà không cần đến thư ký. Nếu có thư ký, thì người đó sẽ không để một cuộc gọi nhỡ nào. Tại sao người thành đạt như vậy mà không có thư ký? Vì không tin tưởng.
– Tuyệt, những người phụ nữ như vậy không quá khó để tìm ra, họ luôn nổi bật.
– Thêm nữa, việc lựa chọn một điện thoại vừa phải, không cầu kỳ và sang trọng. Cho thấy bà ta khá giàu có. Chắc chắn chỗ ở sẽ càng dễ tìm.
– Tôi biết, một người giàu có thật sự chẳng ai dư thời gian để dùng smart phone, và họ cũng chẳng có nhu cầu online bằng điện thoại. Nhất là với độ tuổi trung niên như người phụ nữ đó. Anh Kiệt, anh chau mày? Anh phát hiện gì mới?
– Tôi đang xem danh bạ, anh biết không, tôi luôn có một thú vui xấu là xem cách người khác lưu tên danh bạ, nó nói lên rất nhiều điều. Một đầu óc thông minh mẫn cán mà nhiều mối quan hệ, chúng sẽ phân loại những mối quan hệ đó rất đặc biệt. Tôi từng thấy một kẻ thông minh hắn lưu danh bạ bằng mật mã, anh tin nổi không? Một người anh em nối khố của tôi, hắn lưu tên bạn bè bằng chữ cái và số, nhìn vào anh không thể biết ai tên gì, nam hay nữ, mà chỉ có chủ nhân điện thoại mới biết được. Anh nhìn xem, bà ta không lưu tên, mà lưu tên chỉ ngắn gọn, thậm chí, viết tắt quá mức cần thiết TA3 là cái gì? BkA là gì? Anh xem, rất nhiều vần Bk…, BkT, BkM, BkTh, BkAm v.v.
– Anh giải mã được nó không?
– Không, nếu chúng ta không có chìa khóa. Nhưng tôi có thể nói, người đàn bà này có phần xảo quyệt, hẳn làm không ít chuyện mờ ám. Tại sao ư? Nếu anh lưu tên tôi trong anh bạ của anh là VD thì một kẻ nào đó có biết tôi là ai không? Không. Đơn giản anh không muốn ai biết đến việc anh có quen biết tôi. Tại sao như vậy, nếu như anh và tôi không có một mối quan hệ mờ ám mà chẳng muốn ai biết. Một kẻ cố tình mã hóa danh bạ của mình, kẻ đó đang làm một hành vi mờ ám, vì khi mã hóa, chúng cần tạo ra mật mã để dễ nhớ, mà thật ra dễ nhớ nhất là không cần mật mã, khi tạo ra mật mã thì nó phải phục vụ cho mục đích nào đó. Che dấu một cái gì đó, mờ ám. Kẻ che dấu thì phải kèm theo hành vi mờ ám. Tôi không biết bà ta có liên quan đến vụ án chúng ta hay không, nhưng rõ ràng đây là người phụ nữ đáng sợ.
– Tôi sẽ dành một ít thời gian để tìm hiểu về bà ta.
– Xem nào, một người đàn bà thông minh, biết cách lấy lòng người khác, không tin tưởng người xung quanh, làm việc mờ ám, khá giàu có, chức vụ cao. Thì nghề nghiệp có thể làm gì? Anh xem, không tin tưởng người xung quanh, nghĩa rằng người đó luôn nghĩ kẻ xung quanh là một mối hiểm họa. Đời sống công việc ra sao mà xung quanh là hiểm họa? Phải tranh đấu, tranh đấu thì liên quan đến quyền lực, và chắc không nơi nào nhiều quyền lực bằng chính trị. Tôi phỏng đoán nơi đó là công ty quốc danh. Nếu ta thử khai triển điều đó, công ty nhà nước nào mà người đứng đầu nó sẽ mang nhiều nỗi lo? Chắc chắn liên quan nhiều đến tham nhũng, hoặc rửa tiền mới lo sợ nhiều như vậy.
– Ngân hàng!
– A há, vậy xem ra cái mã Bk là chữ Bank. Rồi, việc còn lại là của anh, đây là phạm vi mà anh có nhiều kinh nghiệm hơn tôi.
– Hahaha, lần nào đi ăn với anh cũng nhiều thứ thú vị. Đến quán phở rồi. Chắc anh sẽ lại phân tích cho tôi món phở này ngon thế nào. Phải không nhà phê bình ẩm thực dễ mến.
– Anh đề cao tôi nữa rồi.
***
Mùi phở quen thuộc xộc lên mũi, tôi cố hít một hơi lấy lệ trước khi ăn. Phi ngồi đối diện nhìn tôi thích thú.
– Anh thường hay ăn kiểu đó à?, Phi hỏi.
– Anh nếm thử vị phở ở đây, đạo bất đồng bất tương di ngôn, không ít người vẫn còn nghĩ đến cái gọi là “vị chuẩn của phở” phải nằm đâu đó ở Nam Định, Hà Nội. Tôi từng có một giai đoạn nhầm lẫm như vậy. Sau này, kiến thức của tôi giúp tôi nhận ra là mình nhầm. Không có cái chuẩn nào như vậy, một khi món ăn đã được địa phương hóa, thì nó sẽ được con người nơi đó kiến tạo một chuẩn mực làm hộ chiếu cho nó. Anh còn nhớ lần chúng ta đi Nam Định chứ? Phở Nam Định khác hoàn toàn với phở Hà Nội. Khi phở từ Nam Định vào Hà Nội, nó được thuần hóa bởi con người Hà Nội, với những lối ăn và cách nêm nếm của người Hà Nội. Phở Hà Nội theo chân người Bắc di cư vào Nam năm 54, thì nó cũng được thuần hóa bởi người Saigon tạo nên một chuẩn mực riêng của người Saigon. Nhìn chung, tôi cần thừa nhận phở Hà Nội phần lớn ngon hơn Saigon, nhưng nếu khéo léo, ta vẫn có những vị phở tinh túy nhất Saigon này. Theo chuẩn mực nào cũng được, Nam Định, Hà Nội hay Saigon cũng được, nếu người nấu là một nghệ nhân thì ở chuẩn mực nào cũng có thể biến thành xuất sắc.
– Thảo nào tôi thấy anh ăn phở không bao giờ nêm nếm thêm một cái gì.
– Đứng trước một tác phẩm nghệ thuật, điều cần tránh là can thiệp vào nó. Tôi thích cảm nhận cái mùi vị nguyên vẹn của nước dùng mà người nấu dày công nêm nếm với không ít kỹ thuật riêng của họ. Khi ta tự cho mình cái quyền can thiệp vào, chúng ta khó lòng cảm nhận hết cái nguyên sơ mà chỉ thấy được cái dị bản, mà không phải dị bản nào cũng đẹp hơn nguyên bản. Đó là lí do, khi ăn uống, tôi hầu như không nêm nếm gì vào cả, trừ một vài trường hợp.
– Vị phở ở đây rất lạ, tôi chưa nhận ra nó lạ thế nào. Anh ăn ở đây chắc nhiều, anh thấy sao?
– Haha, chắc anh đã khéo léo nhận ra mà làm thinh thôi.
– Khì khì, không qua được mắt anh. Phở này không nề có mùi của hồi, đinh hương và thảo quả. Nước phở ở đây rất trong, thậm chí trong hơn cả Hà Nội, vị phở lại thanh mà không ngọt đậm như nhiều quán phở Saigon. Hành và ngò được cho rất nhiều để dậy mùi hương của phở, nhưng không hề dùng hành tây như những quán phở khác. Phở miền Nam vốn dùng hành tây, nhưng hành lá và ngò lại cho rất ít. Phở này có nhiều nét Hà Nội hơn.
– Anh có cái lưỡi hoàng đế. Khi lần đầu, tôi ăn phở ở đây đã ngạc nhiên về mùi vị, nó không có những mùi để khử mùi hôi của xương bò, chính vì vậy mà nó có gì đó thanh cao. Nó tao nhã như một quý cô Saigon trong tà áo dài trinh bạch, không cần chút son phấn nào để xóa khi cái rám nắng vùng nhiệt đới mà vẫn quý phái điệu đà. Tôi gọi vị phở ở đây là cô gái Saigon. Một vị phở riêng biệt, không hòa lẫn với ai, tách biệt với mọi người và nhìn họ bằng đôi mắt lãnh đạm. Nó làm tôi nghĩ đến những người nghệ sĩ tiên phong, họ bất chấp mọi xu hướng thế tục mà tự tạo đường đi riêng cho mình, quyết đứng riêng một cõi.
– Một chủ nghĩa tiền vệ.
– Đúng vậy, nên vị phở này làm tôi xao xuyến lắm, một phần vì nó vỗ về tôi. Lần nào ăn phở ở đây, tôi chỉ đi ăn một mình, chỉ cô đơn một mình. Để cảm nhận tuyệt đối cái tao nhã của nó. Anh là người đầu tiên, duy nhất mà tôi dẫn đi ăn phở ở chỗ này. Tôi còn khó tính đến mức, khi vào quán, tôi chỉ ngồi đúng một chỗ, bàn thứ hai này, hướng ra cửa, đây là nơi mùi phở từ nồi nước dùng lan tỏa ra, không quá gần để cảm thấy nóng nực và không quá xa để mất đi mùi hương. Cúi xuống nếm một miếng, ngước lên ngửi một hơi. Ôi tuyệt.
– Hì hì, anh là người ăn uống rất đặc biệt.
– Vì đặc biệt, nên tôi vẫn thích thú đi ăn một mình là vậy. Vì nếu có người đối diện, tôi bận nói chuyện, cái thú ăn bị mất đi.
– Hahaha, anh đúng là. Rồi, ăn đi. Tôi không phiền anh nữa.
***
Đúng như tôi dự đoán, đêm nhạc Gasandji rất thưa người dù giá vé rất rẻ, chỉ 100 nghìn một vé. Được giá vé rẻ đó vì có chính phủ Pháp tài trợ, vào đến, tôi nhận ra một vài người quen, chúng tôi đến hàng ghế của mình và im lặng chờ. Sân khấu Idecaf không quá lớn, nên vì vậy nghe nhạc là thích hợp hơn cả, nhất là dòng nhạc nặng tính thổ dân như Gasandji.
Đêm nhạc bắt đầu, chúng tôi lạc nhanh vào tiềm thức, mỗi người ôm một nỗi niềm riêng. Chẳng ai giống ai. Riêng tôi, cả trời ký ức Đông Phi hiện về, những vùng savan bát ngát hiện ra, những cơn gió thốc, những khoảng trời bát ngát. Từng khuôn mặt thân quen ngày ấy theo tôi từ chuyến bay Lyon đến Uganda rồi lên những đoàn xe sang Kenya, và xuống Tanzania. Suốt hai tháng hè, chúng tôi lang thang cả miền Đông Phi làm thực tập, nghiên cứu và trắc địa. Dấu ấn về Đông Phi, cái nôi của loài người. Những đêm tối từ lều trại, tôi nhìn thấy cả trời đầy sao, không một ánh đèn điện nào làm lóa đi bầu trời, con người với thiên nhiên chưa bao giờ gần gũi đến thế. Tôi vẫn cho rằng, sự kết nối với thiên nhiên, nên là một đối một, để khi đó, người ta hòa vào tự nhiên như một phần của nó. Người ta sẽ lắng nghe được những gì tâm hồn mách bảo, chúng ta cảm nhận được những gì mà tổ tiên loài người vạn năm trước có chung niềm xúc cảm.
Mãi mênh mông trên miền ký ức, đêm nhạc kết thúc lúc nào tôi cũng chẳng hay. Quả là tiếng hát tuyệt vời, giúp tôi sống lại một ký ức mà tưởng chừng đã phôi pha theo năm tháng. Trái tim vẫn còn rung động đó là một điều tốt của người qua tuổi mộng mơ.
Phi đưa tôi về, cả hai cùng im lặng, chính sự im lặng đó cho tôi biết Phi đã từng đến Đông Phi. Chúng tôi đang sống ở hai ký ức khác nhau cùng về một chỗ. Đêm nhạc làm tôi tỉnh táo hơn rất nhiều, tôi quay sang Phi để phá vỡ bầu im lặng.
– Anh có giấy viết ở đây không?
– Có, anh kéo trong hộc ra.
– Đây, anh đừng mở mảnh giấy này ra, ngày mai thứ sáu, khi anh tìm cách nào trả được điện thoại cho người phụ nữ đó mà bà ta không phát hiện thì tốt. Sau đó, anh phải đến gặp và yêu cầu bà ta chiều ngày thứ bảy gặp anh tại nhà.
– Nhưng sao bà ta có thể chấp nhận lời yêu cầu vô lý của một người lạ? Và để làm gì?
– Tôi biết bà ta sẽ không chấp nhận, anh sẽ đưa tờ giấy của tôi cho bà ta đọc, tự nhiên bà ấy sẽ chấp nhận. Tôi thì không tin lắm việc bà ta có liên quan đến vụ án, nhưng nếu Lamech trốn lì trong sứ quán Mỹ thì ngay cả anh và tôi chúng ta cũng phải bó tay trong việc điều tra lão. Cách tốt nhất, là điều tra gián tiếp qua người quen của lão. Và, người đàn bà này là kẻ tốt nhất. Vì một người bận bịu như bà ta mà vẫn dành thời gian cho Lamech mỗi ngày, chắc chắn, phải có một mối thâm giao nhất định. À, mà anh tính tìm bà ta ở đâu?
– Tôi có phương pháp nghiệp vụ riêng của mình, nhất là khi thông tin về bà ta khá rõ từ anh. Sao anh chắc rằng khi bà ta đọc tờ giấy này sẽ chấp nhận đến gặp chúng ta?
– Mọi hành vi gian dối đều có một cái tẩy, và tờ giấy đó là cái tẩy. Anh đừng mở ra, cứ để nó vào trong một phong bì, đưa đây, cho vào, dán kín lại. Anh biết không, tôi nhiều lúc vẫn trẻ con lắm, cần làm màu cho có vẻ bí ẩn, thế đời mới đáng sống. Cuộc sống mà không có bí ẩn, nhất là bí ẩn tâm hồn, thì cũng như anh xem một màn ảo thuật mà biết mọi cái tẩy của người biểu diễn, còn gì vui thú. Đúng không anh?
– Hahaha. Anh đúng là. Rồi, tôi sẽ không bao giờ mở nó ra. Dù thật sự tôi rất tò mò anh viết gì trong đó. Chúng ta hẹn nhau sáng thứ bảy đến thăm chú chuột chúng ta, chiều thì…
– Có hẹn với bà chuột mẹ. Đôi lúc, tôi chẳng biết chúng ta có xuống địa ngục hay không khi cứ động vật hóa những đối tượng điều tra.
– Hahaha… Điều đó là hương vị của cuộc điều tra này. À, nếu anh gọi tên cho buổi tối hôm nay, anh sẽ gọi nó là gì?
– Lưng chừng con dốc.
– Tôi chưa hiểu lắm.
– Anh đã đến một con dốc cao mà ở lưng chừng chưa? Chắc chắn, anh có cảm giác nửa vời. Một mặt với ký ức đã qua không giúp được gì nhiều ta ở hiện tại, mặt khác, tương lai vẫn ở đâu đó trên đỉnh đầu mình. Cảm giác lưng chừng đó, như cốc nưởc chỉ có một nửa, mọi tình huống bi quan hay lạc quan đều thể hiện. Cốc nước cạn đi một nửa, cốc nước vẫn đầy một nửa. Cái lưng chừng đó, làm mọi thứ trở nên bấp bênh, như lúc này, tôi và anh đều bế tắc, quá nhiều nhân vật ở đây mà chúng ta vẫn chưa thể xâu chuỗi với nhau.
– Vì thực tế khác với truyện trinh thám.
– Đúng vậy, không một tay tác giả nào có thể dại dột tạo ra quá nhiều nhân vật trong truyện của mình, vì cứ mỗi tuyến nhân vật chúng lại phải đẻ ra một đặc tính hợp lý. Thực tế thì mọi tội ác đều là công trình tập thể, nhất là tội ác có chủ tính. Như những quyển sách ngay ngắn trên kệ rơi khỏi kệ, chúng ta phải xếp nó lên kệ như thế nào để nó về đúng với trạng thái ban đầu của nó. Và ở đó, chúng ta cần hiểu cách thức phân loại trên kệ sách. Đó là cái mà tôi bối rối, tôi chưa tìm ra được cách xâu chuỗi tất cả nhân vật lại với nhau.
Phi lái xe, mồm lẩm bẩm, lưng chừng con dốc.
—————–