Sáng ngày 21 tháng 12, Quan Thước Hạ vẫn đón xe buýt đi học như bình thường, bình tĩnh như mặt hồ không chút gợn sóng. Trước khi ra cửa, cô bảo mẫu đưa cho cô bé hai quả trứng gà, còn nói thêm một câu "Trứng này hôm qua ông nội cháu mua ở nông trang ngoại thành, rất tươi, chỉ mua cho cháu ăn thôi đó."
Bảo mẫu tất nhiên là biết nhà này sắp có mưa gió, ông cụ Quan từ khi nữ sĩ Thước Dương trở về càng thêm trầm mặc, luôn cố ý vô tình tránh Quan Thước Hạ, chắc là sợ càng gặp càng khó buông tay. Nhưng con ông đã quyết, để cho cháu gái tự quyết định, ông làm ông nội cũng không thể gây áp lực cho con bé.
Bảo mẫu hiểu rõ mọi chuyện cũng không nhẫn tâm nhìn ông buồn bã, hơn nữa nếu cô bé này phải đi, niềm vui cũng biến mất theo, bảo mẫu liền tốt bụng ra trận giúp hai người kia. Quan Thước Hạ biết nông trang ngoại thành không xa lắm, ông nội cứ nửa tháng lại đi một lần chỉ vì một câu nói vô tâm của Quan Thước Hạ nửa năm trước: "Nếu ngày nào cũng được ăn trứng ở đây, cháu sẽ hạnh phúc chết mất."
Mỗi lần đi, ông cụ Quan sẽ lấy đủ trứng để Quan Thước Hạ ăn trong hai tuần, nửa năm qua vẫn duy trì, không kể mưa gió. Thấy ngày mai sắp tới gần, kỳ thật cô bé không hề thích đất nước xa xôi kia nhưng mẹ cô bé, nữ sĩ Thước Dương, phải về đó. Đứa trẻ không được nhận nhiều tình thương của mẹ thì luôn khao khát nó. Phải làm cho nữ sĩ Thước Dương lỡ giờ bay! Đây là cách mà Đông Đồng ngồi cùng bàn đưa ra cho cô bé, cũng là do Đông Đồng thấy gần đây cô bé luôn buồn bã mới mở miệng hỏi chuyện Quan Thước Hạ, rất đồng tình. Quan Thước Hạ hiểu tính của Đông Đồng, biết cậu ấy không phải người thích buôn chuyện cũng liền kể lại mọi chuyện cho Đông Đồng, nhưng bỏ qua chi tiết ba mẹ cô bé ly hôn.
Tan học, mở ví ra nhìn chủ tịch Mao trên tờ nhân dân tệ, tuy nói nhà họ Quan cũng là nhà có điều kiện nhưng giáo dục con cái đều lấy khổ làm bắt đầu, đó là tiền tiêu vặt từ lâu của cô bé. Không về nhà, cô bé đi đến cửa hàng cạnh trường. Khi đó kem không được yêu thích như nước đá, mùa đông kem coi như vật hiếm. Đi ba phố mới tìm được kem trong một cửa hàng nhỏ, không có vị để chọn, tất cả đều là vị ô mai. Vui vẻ cầm chúng ra quảng trường ăn từng miếng, song Quan Thước Hạ không biết kem này là còn dư lại từ mùa hè, để ở nơi lạnh nhất, trên mặt kem phủ đầy tuyết.
Chủ quán cũng rất độc ác, thấy có người trả tiền mua hàng hóa rác rưởi, tất nhiên không có dị nghị gì cầm lấy tờ nhân dân tệ, còn cười đến đáng khinh nói với theo: "Kem này là mua ba tặng một, một hộp còn không tính tiền, sau này cháu nhớ phải đến đây mua đồ nhé!" Ông ta trả lại cô bé một tờ năm mươi tệ giả và hai tờ mười tệ thật. Còn nhớ rất rõ buổi tối hôm trước vừa có trận tuyết đầu tiên của mùa đông, tuyết không rơi nhiều lắm, chỉ có một lớp mỏng trên mặt đất. Nhiệt độ không khí còn chưa tăng lên, khí lạnh chạy khắp ngõ ngách của thành phố. Mùa đông ăn kem, dùng cách nói hưởng thụ thì là "đã nghiền", thật ra còn có một cách nói khác, chính là "chịu tội".
Trên người mặc áo ba-đờ-xuy vừa đi mua cùng mẹ cuối tuần trước, áo rất dày nhưng tại nơi quảng trường người qua lại không ai phát hiện ra cô bé, có lẽ phải nói không ai muốn phát hiện ra. Dùng thìa đưa từng miếng kem vào miệng, miệng thở ra khí không biết là lạnh như băng hay ấm áp, môi sau khi ăn hết một hộp kem đã chuyển từ màu hồng sang tím tái. Đến hộp thứ ba, toàn thân Quan Thước Hạ đã không ngừng phát run, tay chân không thể khống chế được nữa, bụng bắt đầu đau thắt.
Cô bé cố gắng chịu đựng ăn nốt hộp kem, đứng dậy đi ra bến xe buýt. Mùa đông trời nhanh tối, thầy giáo nói là do mặt trời chiếu thẳng đến nam bán cầu, bắc bán cầu ngày ngắn đêm dài, cô bé bán diêm cũng nhớ tới người thân trong cái đêm đông rét mướt ấy, sau đó rời đi trong đêm cuối cùng của năm, trở lại bên người thân của mình. Xuống xe buýt, cô bé đi rất chậm, tay trái ôm bụng, muốn truyền chút hơi ấm cho dạ dày, nhưng thật ra tay chân đã sớm lạnh cóng. Xa xa có hai người đang ôm nhau trong bóng đêm. Khi tới gần thêm, hai trong ba người sững sờ, Quan Thước Hạ đánh giá hai người họ một phen, ánh mắt khóa trên người nữ sĩ Thước Dương, người kia bây giờ trên danh nghĩa vẫn là mẹ cô bé, vẫn là nữ chủ nhân của nhà họ Quan. Người đàn ông đối diện Thước Dương có hình tượng phương Đông thuần khiết, tóc nâu, mũi cao thẳng như chim ưng. Dáng người khôi ngô có áo vest đi kèm khiến anh ta cực kỳ giống người mẫu đi ra từ tủ kính. Thấy cô bé này nhìn người yêu mình, George biết đây là con gái Thước Dương.
Ánh mắt Quan Thước Hạ vẫn đặt trên người mẹ, cho đến khi nữ sĩ Thước Dương mở miệng nói: "Thước Hạ..."
Câu nói bị Quan Thước Hạ ngắt lời: "Mẹ không cần nói với con rằng mẹ muốn quay về Mĩ chính là vì chú này." Đáp lại Quan Thước Hạ là sự im lặng, George đứng giữa hai mẹ con càng không thể mở miệng.
Sự thật và ảo tưởng lần đầu gặp Quan Thước Hạ của anh ta khác nhau rất nhiều. Vị con lai Trung – Mĩ này đã quen kiểu gia đình phân phân hợp hợp ở Mĩ, trong tư tưởng của anh ta, việc này bình thường như uống nước sôi. Anh ta nghĩ ít nhất anh ta có thể có lễ nghi cơ bản với Quan Thước Hạ, hôn nhẹ lên mặt hoặc một cái ôm. "Con sẽ không về Mĩ với mẹ." Gằn từng tiếng, nắm tay cô bé nổi đầy gân xanh.
"Thước Hạ, Thước Hạ, con không sao chứ? Đừng dọa mẹ." . . . . . . Trong khoảnh khắc ngã xuống, cô bé cảm thấy mình được giải phóng, nếu có thể nhắm mắt cả đời thì thật tốt. Sốt cao liên tục suốt buổi tối, vừa nôn vừa tiêu chảy, Quan Thước Hạ làm nhóm bác sĩ y tá vội ngất trời, viện trưởng đại nhân tự mình đến phòng bệnh canh giữ, ai cũng không dám chậm trễ nửa giây. May là dạ dày Quan Thước Hạ rất tốt nên mới tránh được phong ba rửa ruột.
Ba Quan và ông cụ Quan ngồi trên ghế dài ngoài phòng bệnh, vẫn duy trì một tư thế, trong lòng như bị một tảng đá lớn đè nặng, mặt âm trầm tới cực điểm. Viện trưởng đang đứng trước mặt họ vỗ ngực cam đoan cô bé sẽ không sao, cơn sốt sẽ giảm nhanh. Nữ sĩ Thước Dương và người yêu ngồi trước mặt hai người, không dám ngẩng đầu đối diện với ánh mắt của ba Quan, nữ sĩ Thước Dương vẫn cúi đầu, khăn tay trong tay bị vò nhăn nhúm.
Âm thanh của y tá đánh thức mọi người đã mệt mỏi cả đêm: "Bệnh nhân đã tỉnh, người nhà có thể vào thăm một chút."
Quan Thước Hạ mấp máy môi, giọng nói cực kì suy yếu, câu đầu tiên nói chính là: "Con không vĩ đại, không thể trở về cùng mẹ cũng không thể chúc phúc mẹ, mời mẹ cầm thẻ xanh trở về nơi của mình đi." Câu này nói với Thước Dương, Thước Dương không ngờ con gái sẽ nói như vậy, ôm mặt chạy ra khỏi phòng, George chạy theo sau.
"Ba, con muốn ăn cháo gạo nếp, phải ngọt nhé." Ba Quan vẫn sững sờ tại chỗ khi Thước Dương rời đi.
"Được, ba sẽ nói cô bảo mẫu làm cho con ăn." Ba Quan xoay người ra khỏi phòng bệnh, gọi điện về cho cô bảo mẫu lập tức nấu cháo.
Ông cụ Quan ngồi bên giường bệnh, cầm bàn tay nhỏ bé, miệng không ngừng nói: "Không sao, không sao rồi." Không biết là đang nói cho Quan Thước Hạ hay là an ủi chính mình có thể an tâm sau sóng gió.
Cháo gạo nếp nhập khẩu, âm ấm, đặc, ngọt ngào, xóa bỏ sự chua xót ở đầu lưỡi còn mang đến sự ấm áp cho người ta. Nữ sĩ Thước Dương vẫn trải qua lễ Giáng Sinh tại quê hương, mỗi ngày đúng giờ đến báo danh trước cửa phòng bệnh nhưng luôn bị từ chối ngoài cửa. Ôm sự tiếc nuối quay về nước Mĩ, vốn chị vẫn thấy ly hôn với ba Quan thì quyền nuôi nấng Quan Thước Hạ chắc chắn cũng không đến lượt mình, trở về chỉ là ôm một chút tâm lý. Nhưng chị không ngờ con gái sẽ phản ứng mạnh như vậy. Việc này cũng không thể trách Quan Thước Hạ vô tình được, là một người có tương lai tốt đẹp, khi gặp phải thất bại cũng không đơn giản là rơi từ thiên đường xuống địa ngục, mà là cả người rơi bể tan tành, giấc mơ cũng không còn nữa.
Ngày Thước Dương đi đã gần đến tết Dương lịch, sau khi Quan Thước Hạ xuất viện một tuần, ngày đó tuyết rơi, máy bay tạm hoãn một giờ. Quan Thước Hạ ra khỏi cửa dùng số tiền còn lại của mình bắt taxi đi sân bay, từ xa nhìn thấy Thước Dương mặc áo khoác ngồi bên người chú con lai kia. Cô bé nép sau một cây cột không xa, yên lặng nhìn mẹ cho đến khi mẹ đứng dậy, kéo hành lí biến mất ở cửa. Bên ngoài sân bay, lớn tiếng hét với máy bay trên trời: "Tôi hận chết đi được, hận chết nước Mĩ."
Nửa giờ sau, ba Quan xuất hiện trước mặt Quan Thước Hạ, không biết đã đứng phía sau bao lâu. Đối với con gái không cần ngôn ngữ ăn ý, ba Quan vỗ vai Quan Thước Hạ, ý bảo cô bé lên xe. Thật ra, ba Quan cũng là đến nhìn người yêu lần cuối, đặt một dấu chấm cho câu chuyện của mình và Thước Dương. Hồi lâu, hồi lâu.
"Ba, ba cũng tái giá đi, một người rất mệt mỏi." Phá vỡ sự yên lặng trong xe, Quan Thước Hạ ngồi trong xe làm bộ nhìn ngoài cửa sổ, làm bộ không để ý chút nào.
"Ba có con là đủ rồi." Ba Quan vuốt mái tóc cô bé, nói đúng trọng tâm.
Trong lòng Quan Thước Hạ hiểu được, ba Quan sợ gia đình phức tạp, cô bé sẽ trở thành vật phụ thuộc hai gia đình, sợ cô bé không tốt. Trong lòng ấm áp, trong lòng nói thêm một câu: "Con cũng có ba và ông nội là đủ rồi."
Bình yên ngủ trên ghế phó lái, biết có người sẽ không vứt bỏ cô bé, cho nên bình yên.