Ngày đầu tiên đi làm thiếu chút nữa không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hai tổ viên trong tổ của Thụy Hòa một người tên là Trương Thúy Lợi, một người tên là Trương Thiên Tứ, người trước là người ở thôn bên cạnh, người sau thì ở thôn Thượng Mỹ, bọn họ đều lớn tuổi hơn Thụy Hòa. Trương Thúy Lợi nhìn rất nhanh nhẹn, có thể lãnh đạo nên mọi việc trong tổ đều do cô ấy quyết định. Đầu tiên, ba người cùng đi vào rừng chặt trúc, tiếp theo thì cùng nhau vót mảnh trúc, sau đó lại phân công một người sẽ bện giỏ trúc. Vót mảnh trúc và bện giỏ trúc đều không dễ như nhau, mỗi một việc đều cần người làm.
Trương Thúy Lợi phân công Trương Thiên Tứ tiếp tục đi chặt cây trúc, cô ấy phụ trách vót mảnh trúc, còn Thụy Hòa bện giỏ trúc: "Buổi sáng tôi đã thấy cậu làm rồi, cậu bện giỏ nhìn rất đẹp, rất chắc chắn."
Trương Thiên Tứ đi đi về về chặt trúc được hai lần, sau đó không muốn đi ra ngoài nữa. Bên ngoài thực sự quá nóng, tốc độ anh ấy chặt trúc lại vô cùng chậm, phải mất một thời gian mới quen việc, cuối cùng phải kéo dài thêm nửa giờ.
Khi về đến nhà đã bảy giờ, sau khi ăn cơm tối xong Thụy Hòa lập tức đi ngủ, đến khi chuông đồng vang lên cậu còn cảm thấy chưa ngủ đủ, hai tay đau nhức gần chết. Cuộc sống mệt mỏi như muốn lấy mạng người kéo dài ở nhà máy ròng rã suốt một tháng trời. Xe chở hàng cứ cách một ngày lại rời khỏi thôn một lần, từng nhóm hàng hóa lần lượt được chuyển đi, chờ đến khi những đơn hàng lớn cuối cùng của nhà máy được hoàn thành, các công nhân mới thở phào nhẹ nhõm.
Khi lô hàng cuối cùng được chuyển đi, Thụy Hòa còn bị quản sự gọi đi đưa cùng ông ấy.
"Gửi xong lô hàng này thì ngày mai được nghỉ ngơi một ngày."
Cứ như vậy, sau khi đến thế giới này được ba tháng thì đây là lần đầu tiên Thụy Hòa được ra khỏi thôn. Trong nhà máy có một chiếc xe đạp, những công nhân già chạy xe đạp chở giỏ trúc chạy ở phía trước, còn lại phần lớn giỏ trúc thì dùng xe bò chở. Thụy Hòa ngồi ngoài rìa xe bò đỡ đống giỏ trúc sau lưng chất đống lên còn cao hơn một người, lắc lư ung dung đi vào chợ.
Trên đường đi, Thụy Hòa trợn to mắt nhìn bốn phía, nhìn người đi đường mặc những bộ quần áo tối màu. Có người đeo gùi, có người vác giỏ. Một bé trai cười đùa chạy vội qua, bé gái đuổi theo sau ngã sấp xuống nhưng không khóc mà đứng dậy tiếp tục đuổi theo: "Anh ơi, đợi em với! Anh ơi!"
Thụy Hòa nhìn không rời mắt, đến tận khi giọng nói của cô bé biến mất trên con đường đất đầy bụi tung bay. Cậu quay đầu lại, trông thấy ven đường có một nhà viết "Cửa hàng bánh nước Ái Quốc". Nói là cửa hàng bánh nước, nhưng thật ra bên cạnh có bảng hiệu được viết với dòng chữ lớn "Bánh nước", "Hủ tiếu xào", "Mì nước" các loại, cho thấy cửa tiệm này bán rất nhiều thứ. Sau khi suy nghĩ một hồi, cậu không tự chủ được mà nuốt nước bọt.
Bánh nước là đặc sản địa phương, dùng gạo nếp xay trộn với nước nhào thành bột gạo nhuyễn, sau đó dàn mỏng rồi mang đi hấp, tiếp theo cắt thành miếng hình tam giác luộc lên giống như luộc mỳ, sau đó cho thêm đậu phụ khô om, tàu hủ ky, thịt ba chỉ om, thịt ba chỉ om, lạp xưởng và vài thứ khác,... Khi mới bắt đầu ăn bánh nước thì sẽ khá trơn và dai, nước súp vừa có mùi gạo đậm đặc, vừa có mùi thơm nồng đậm của nước thịt om.
Chỉ dựa vào việc nhớ lại ký ức của Trương Tiểu Sơn, Thụy Hòa đã cảm thấy thèm rỏ dãi, bụng cũng đang sôi lên ùng ục.
Cửa tiệm kia thuộc sở hữu của nhà nước, thật ra mới mở được một ngày, còn có cả bữa tối. Nhưng muốn ăn thì cần phải dùng lương phiếu, một bát bánh nước tốn ba đồng cộng thêm hai lương phiếu.
Hiện tại trên người Thụy Hòa một phân tiền cũng không có. Phiếu trong nhà đều do vợ chồng Trương Đại Sơn bảo quản, trên tay cậu không có tấm nào. Cho dù có, cậu cũng không nỡ đi ăn một bát bánh nước với nguyên liệu phong phú như vậy.
Cậu nhìn cửa tiệm ấy một lúc lâu, đến khi xe bò đi qua ánh mắt vẫn dán chặt nơi đó, Minh Dũng đi cùng cười nói: "Muốn ăn thử không? Tự nấu ở nhà thì giá cả vẫn tương đối phải chăng. Cậu cầm lương phiếu đi mua một ít gạo nếp rồi đến xay ở phường đậu hũ trong thôn, xay một cân mới hết một xu. Mang bột gạo xay về nhà là có thể làm bánh nước."
Thụy Hòa cười gật đầu: "Được." Bây giờ cậu đã biết làm thế nào để lấy được lương phiếu, bởi vậy sẽ không tùy tiện hỏi lương phiếu lấy ở đâu nữa.
"Hầy, vẫn là lúc trước tốt hơn. Tôi nhớ lúc tôi còn nhỏ, ven đường bày rất nhiều đồ ăn sáng và đồ ăn tối, một bát bánh nước hết một hào." Minh Dũng thở dài: "Làm gì giống bây giờ, muốn mua cái gì, muốn ăn cái gì đều phải dùng phiếu. Hầy!" Anh ta đã hai mươi bảy tuổi, muốn kết hôn cũng không dễ dàng! Gần đây anh ta phải làm thêm giờ, lại phải mua sắm đồ kết hôn, mệt mỏi đến mức cả người gầy đi.
Thế giới này, thời đại này, thật sự có rất nhiều thứ khiến Thụy Hòa phải giật mình. Chẳng hạn như phiếu chứng, cậu vốn dĩ chưa từng nghe qua. Cậu nhìn lại trí nhớ của Trương Tiểu Sơn, hình như sáu năm sau có cái gì gọi là "Cải cách mở cửa" ? Sau này quốc gia sẽ xảy ra thay đổi rất lớn đầu tiên là bỏ phiếu vải, sau đó là bỏ phiếu tạp hóa. Chờ đến khi Trương Tiểu Sơn ba mươi bảy tuổi, toàn bộ phiếu chứng mất hẳn, có thể dùng tiền mua được rất nhiều thứ trong phiên chợ, chỉ cần có tiền thì muốn mua gì cũng được.
Thụy Hòa định tiết kiệm thật nhiều tiền trước, sau này mới có thể mua những thứ mình muốn. Ví dụ nhà ở, chuyện chia nhà bắt buộc phải làm, nhưng căn nhà mà giờ cậu đang ở đã rất cũ, đó là căn nhà cha mẹ nguyên chủ để lại, cũng phải có ba mươi năm tuổi đời rồi.
Hơn nữa, sau khi nhìn thấy ký ức của Trương Tiểu Sơn, cậu biết rằng thế giới trong tương lai sẽ phát triển càng tốt hơn. Hòa bình, phồn vinh, đây đều là những cảnh mà Thụy Hòa chưa từng thấy bao giờ, cậu rất muốn nhìn thấy điều đó, muốn học tập cho thật giỏi. Chỉ cần cậu làm việc chăm chỉ, cậu sẽ có thể đạt được những thứ mình muốn. Đây là một thế giới khiến người ta khao khát hướng đến.
Cậu muốn biết chữ, muốn ngắm nhìn thế giới, muốn học các kỹ năng.
Cậu muốn lớn lên, trở thành chỗ dựa cho em gái khi được trở về nhà.
Sau khi thấy được ký ức của Trương Tiểu Sơn, Thụy Hòa đã có kế hoạch kỹ lưỡng cho tương lai. Tương lai tươi sáng, còn cậu muốn tiến về phía trước
Hiện tại nhiệm vụ ưu tiên là kiếm tiền.
Xe bò đi không nhanh, đến giờ cơm trưa mới đi được nửa đường. Xe dừng ở dưới gốc đại thụ bên đường, các công nhân phân tán thành từng tốp đi tìm đồ ăn. Thụy Hòa không biết hôm nay sẽ bị phái đi đưa hàng nên không mang theo gì cả, cậu ngồi dưới tàng cây hóng mát, chờ những người khác trở về.
Minh Dũng quay trở lại với một túi bánh bao, trong tay còn cầm theo hai cái. Anh ta thấy Thụy Hòa ngồi dưới gốc cây, ngạc nhiên hỏi: "Ăn xong nhanh như vậy á? Chỉ có mình cậu thôi sao?"
Thụy Hòa hơi xấu hổ: "Ừm, chỉ có mình tôi thôi."
Giữa hai người không có gì để nói. Minh Dũng ăn hai, ba miếng đã hết cái bánh bao, tựa vào cây nấc lên một tiếng. Bỗng dưng Thụy Hòa nghe thấy anh ta mở miệng: "Công việc của chúng ta nói khó cũng không khó, chỉ là quản sự yêu cầu cao, mỗi một cái giỏ trúc đều muốn làm tốt nhất, một số người chỉ có công phu mèo ba chân thì không làm được. Lúc tôi vừa mới vào nhà máy, thời điểm thảm nhất một ngày chỉ có thể làm được hai cái giỏ, buổi sáng một cái, buổi chiều một cái, quản sự không cần mấy cái làm không tốt. Làm xong thì phá, phá ra rồi làm lại, bị phá ra hai lần thì ngay cả mảnh trúc cũng bị hỏng, phải đi vót mảnh trúc một lần nữa."
Thụy Hòa từng được nghe về chuyện này rồi. Nghe nói bởi vì nghiêm ngặt như thế nên sản phẩm trong nhà máy bán rất chạy, nghe nói những năm nay bánh mỳ bát còn được xuất khẩu sang nước ngoài, cực kì nở mày nở mặt.
"Tôi nghe nói tổ của cậu là tổ công nhân mới làm tốt nhất, giỏ trúc đều do cậu bện đấy à? Như thế rất tốt, người có tay nghề giỏi có thể ăn cả một đời, sau này cậu sống tốt hơn thì tôi cũng được hưởng ké chút ánh sáng đấy." Minh Dũng vỗ vỗ bả vai Thụy Hòa, kín đáo đưa chiếc bánh bao cuối cùng cho cậu: "Ăn đi, khi nào cậu nhận được tiền lương thì tốt với bản thân mình một chút. Dạ dày là nơi không thể bắt nạt nhất, cậu bắt nạt nó một ngày, nửa đời sau nó sẽ trả thù cậu. Tôi đến nhà đồng hương xin chút nước giếng để uống đây, cậu trông xe một chút nhé."
Thụy Hòa không ngờ Minh Dũng vậy mà lại khích lệ cậu, cuối cùng còn đưa cho cậu một cái bánh bao. Cậu thấy vô cùng cảm động, từ từ ăn hết cái bánh bao. Bánh bao nhân rau vẫn còn hơi ấm, sau khi ăn xong cậu đứng lên nhận ống nước từ Minh Dũng. Anh ta lấy năm ống nước giếng, đưa một ống cho Thụy Hòa: "Mặc dù trời nóng nhưng đừng uống gấp, ngậm từng ngụm một là được."
Anh ta treo một ống trúc khác lên trên giỏ trúc: "Đây đều là kinh nghiệm, sau này nếu muốn ra ngoài thì phải tự mình mang theo."
Thụy Hòa gật đầu cảm kích: "Tôi hiểu rồi."
Những công nhân lần lượt trở về, ba chiếc xe bò tiếp tục đi. Bọn họ đưa giỏ trúc đến nhà máy sản xuất đồ tre trong thành phố, sau đó nghỉ ngơi tại chỗ một chút. Minh Dũng nói: "Muốn đi mua sắm thì đi mua sắn, lúc năm giờ sẽ tập hợp ở đây để về nhà, nếu như quá giờ thì sẽ tự về."
"Được!"
Nhìn những công nhân khác lần lượt rời đi, Thụy Hòa cũng đi theo ra ngoài, xe bò của bọn họ để ở trong khu vực nhận hàng của nhà máy nên không sợ bị trộm.
Sau khi ra khỏi cửa, Thụy Hòa thấy hơi luống cuống tay chân, đánh giá xung quanh một chút rồi đi theo hướng mà Minh Dũng vừa đi.
Thành phố thật là náo nhiệt! Mọi người mặc quần áo hơi khác so với người dân trong thôn Thượng Mỹ, nhìn có vẻ tốt hơn, đường đi cũng được rải xi măng nên khá dễ đi.Thứ càng hấp dẫn ánh mắt của Thụy Hòa hơn là những cửa hàng kia, một nhà rồi lại một nhà, Thụy Hòa nhìn đến nỗi không thể rời mắt. Dù đã ở đây được mấy tháng rồi, nhưng đây là lần đầu tiên cậu nhìn thấy cảnh tượng có thể nói là rất thịnh vượng này.
Có điều cậu không dám tiến vào. Cậu đi thẳng theo Minh Dũng, cho đến khi thấy Minh Dũng đi vào một tòa nhà có hai tầng, bên ngoài treo bảng hiệu rất dài, có màu đỏ chót, phông chữ màu trắng, ở giữa có hình ngũ giác màu vàng kim phản chiếu, nhìn rất hoành tráng.
"Trên đó viết cửa hàng bách hóa Kim Phong Lộ." Hệ thống 460 mở miệng.
Thụy Hòa nhanh chóng nhớ kỹ, nhìn chằm chằm vào bảy chữ kia, ngón tay gãi gãi đùi. "Leng keng leng keng". Bên cạnh cậu có rất nhiều người ra vào, lại một chiếc xe đạp đi ngang qua cậu, Thụy Hòa không dám chặn cửa nữa, cậu kéo kéo vạt áo, cẩn thận bước vào.
Vừa bước vào, cậu cảm thấy mắt của mình không đủ để nhìn. Từng dãy tủ thủy tinh nằm ngang, từng nhóm kệ gỗ dựng thẳng sát vào tường, mặc kệ là tủ hay là kệ thì cũng chứa đầy đồ, đứng phía sau là những người bán hàng ăn mặc chỉnh tề và sạch sẽ. Quần áo, nồi niêu xoong chảo, bánh ngọt, đồng hồ, đồng hồ báo thức, giày. . . Nhiều! Nhiều quá! Còn nhiều đồ hơn cung tiêu xã trong thôn nữa.
Trên tường có dán rất nhiều bức tranh. Có bức tranh người nông dân giơ cuốc cày xới đất, có bức đang đọc sách, cũng có bức có mấy đứa trẻ cầm hoa mỉm cười rạng rỡ. Từ trên xuống dưới, ánh mắt Thụy Hòa như bị dính chặt lại, dường như cậu đã quay đủ một vòng, sau đó lại quay thêm một vòng nữa, hai con mắt cũng không đủ nhìn.
"Ui da." Cậu vô tình va vào một cô gái trẻ, cô gái nhẹ giọng kêu lên, điều này khiến Thụy Hòa hoàn hồn vội vàng xin lỗi.
"Không sao, anh chú ý quan sát đường một chút nhé." Cô gái trẻ mỉm cười, đi sang một con đường khác. Ánh mắt Thụy Hòa nhìn theo cô gái nọ, chỉ thấy cô ấy đến trước một cái quầy và nói: "Lấy cho tôi một chiếc khăn tay, loại màu hồng phấn có hình hoa sen."
"Này Tiểu Sơn!"
Thụy Hòa quay đầu lại, thấy Minh Dũng đang kinh ngạc nhìn mình: "Cậu cũng đến cửa hàng bách hóa à?" Thấy Thụy Hòa bày ra vẻ mặt mơ màng, Minh Dũng bước nhanh tới rồi túm chặt cậu: "Đi theo tôi đi, đừng chặn đường ở đây. Sao cậu cũng tới đây thế? Muốn mua gì?"
"Tôi đi xem một chút, không biết sao lại tới đây."
Minh Dũng cười: "Đi thôi, đi theo tôi, tí nữa chúng ta cùng nhau trở về."
Thế là Thụy Hòa đi theo Minh Dũng đến một quầy hàng, trong quầy chứa đầy bình và lọ, mùi thơm nồng nặc quẩn quanh chóp mũi: "Tuệ Hương nói muốn mua dầu bôi tóc, mùa hè nắng to như thế này bôi tóc cái gì không biết, cũng thật lắm chuyện! Hầy."
Nhân viên bán hàng cười híp mắt: "Đây là dầu bôi tóc hoa quế, sau khi gội đầu xong thì bôi lên tóc, tóc sẽ vừa đen bóng lại bảo đảm độ ẩm, mùi hương cũng rất thơm. Một bình tám hào, anh có muốn mua không?"
Minh Dũng cắn răng: "Cho tôi mua một bình."
Thụy Hòa đứng ở bên cạnh nhìn những đồ vật hiếm lạ trong quầy, cảm thấy những thứ này rất giống với son phấn mà các nha hoàn mua từ người bán hàng rong ở cửa sau, hóa ra những cô gái ở đây cũng thích trang điểm.
"Đi thôi, chúng ta qua đó xem thử, tôi còn muốn mua hai lọ tráng men có chữ hỷ."
Thụy Hòa gật gật đầu, đi theo Minh Dũng sang những quầy khác đi. Qua một giờ đi dạo, cậu đã được mở rộng tầm mắt, trên đường trở về thôn vẫn chìm đắm trong dư vị. Minh Dũng cười: "Lần đầu tiên tới đây đều như thế. Lần đầu tôi vào cửa hàng bách hóa ngay cả con mắt cũng không biết đặt vào chỗ nào, chỉ cần làm quen dần là được."
"Ừm."
Xe bò chầm chậm tiến về phía trước, ánh mắt trời màu đỏ cam ở nơi xa đường chân trời. Thụy Hòa híp mắt lại, giơ tay che mắt nhìn, ánh sáng ấy giống như xuyên thẳng qua ánh mắt chiếu sáng nội tâm cậu, hiện lên màu sắc tươi sáng. Cậu vô cùng mong đợi về tương lai sau này.