Tám giờ tối, chuyến xe buýt từ thành phố về huyện đúng giờ vào bến, chiếc xe cồng kềnh chầm chậm lăn bánh vào ô đỗ, “kít” một tiếng, như tiếng thở dài nặng trĩu khi xe phanh lại.
“Đến rồi!”, bác tài xế nhắc một câu như thường lệ, rồi xuống xe rời đi.
Đồ Nam đứng dậy khỏi dãy ghế sau cùng, nhấc túi đi xuống xe, một tay còn cầm điện thoại.
Ra khỏi trạm, ven đường chỉ có hai ba biển hiệu là còn sáng đèn, số người qua lại cũng có thể đếm trên đầu ngón tay. Dù sao cũng là nơi huyện nhỏ, đến cả đèn đường cũng chẳng sáng bằng đèn ở thành phố. Trong thành phố đã tạnh mưa, mà nơi này hình như còn chẳng có mưa, không khí oi bức, xung quanh như bị bao phủ bởi một tầng áp suất nặng nề.
Đồ Nam vừa đi vừa nhìn xem trên đường có taxi không, đúng lúc này, điện thoại bỗng có cuộc gọi đến.
Cô lập tức bắt máy, người ở đầu bên kia nói: “Xin lỗi phải thông báo với cô, ông Đồ Canh Sơn đã tự ý rời viện rồi ạ.”
Đồ Nam hỏi: “Tình hình của ông ấy nghiêm trọng lắm không?”
“Bị ngã, bị thương ngoài da và gãy xương, không tính là quá nghiêm trọng, nhưng vì ông ấy hôn mê trong lúc được đưa đến bệnh viện, nên tốt nhất là vẫn nên kiểm tra tổng quát. Cô là người nhà, hy vọng cô có thể khuyên ông ấy quay lại bệnh viện.”
Cuộc gọi kết thúc.
Cũng giống cuộc gọi cô nhận khi nãy, cuộc gọi này cũng đến từ phía bệnh viện.
Bệnh viện thông báo Đồ Canh Sơn gặp sự cố, cô phải vội vàng về đây.
Ai mà ngờ dự cảm của Phương Tuyết Mai lại chuẩn như thế, bà sợ bố cô có chuyện, vậy mà ông lại có chuyện thật.
Đồ Nam từ bỏ ý định bắt xe, tuy đã nhiều năm không về lại nơi này, nhưng vẫn quen thuộc đường sá, chỉ tầm mười phút đã đi được đến một con ngõ nhỏ.
Huyện nhỏ này nổi tiếng với những con ngõ chằng chịt, đan vào nhau như mê cung, nhưng chỉ cần đi đúng là có thể tiết kiệm đến mười phút.
Tới khi ra khỏi con ngõ cuối cùng, trước mắt Đồ Nam đã hiện ra một ngôi nhà.
Cổng nhà không khóa, chỉ khép hờ.
Cô đẩy cổng đi vào, trong sân sáng đèn, bốn phía đều được thắp sáng, trong bồn ở góc sân có trồng một cây đa, qua bao nhiêu năm, càng ngày tán lá càng um tùm.
Đồ Nam đứng lại dưới tán cây, hai tay nhấc bình nước lên, đang tưới nước vào bồn thì nghe thấy tiếng động, bèn ngoảnh đầu lại.
Trong nháy mắt, hai bố con nhìn nhau.
Chẳng có ngạc nhiên, cũng chẳng có vui mừng.
Đồ Nam nhìn thấy rõ, chỗ bị thương của ông là ở chân, chân phải đang bó thạch cao.
“Sao bệnh viện lại gọi mày đến?”, Đồ Canh Sơn đặt ấm nước xuống, chống nạng đi từng bước vào nhà.
Đồ Nam cũng im lặng vào theo.
Trong nhà có một bộ sofa cũ, trải một bộ đệm trắng, trên bàn bày la liệt túi thuốc, xem ra ông cũng mới quay lại chưa lâu.
Cô đặt đồ xuống, đi vào bếp, không ngoài dự đoán, lạnh tanh lạnh ngắt. Trong tủ lạnh chỉ còn lại một ít mì, mấy cọng rau xanh, còn chẳng có trứng gà.
Đồ Nam bật bếp đun nước, trong lúc đợi nước sôi thì nghe thấy bố ở ngoài nhận một cuộc điện thoại, cứ liên tục nói “Không sao!”, “Ổn mà!”, chẳng cần đoán cũng biết chắc chắn là do Phương Tuyết Mai gọi đến.
Tính Đồ Canh Sơn lập dị, không hề dễ gần, bao nhiêu năm nay đã chẳng còn qua lại với họ hàng thân thích, chỉ có nhà họ Phương là người quen thân thiết nhất ở thành phố này.
Cô vẫn luôn muốn bố sớm ngày nhận lời Phương Tuyết Mai thì tốt biết bao, nếu vậy thì người đến đây giờ này đã là Phương Tuyết Mai rồi. Chắc chắn dì Phương sẽ vô cùng vui sướиɠ, bất kể là đau lưng mỏi gối thế nào cũng sẽ vội vàng qua đây chăm sóc ông.
Đáng tiếc là ai cũng nhìn ra được, Đồ Canh Sơn với Phương Tuyết Mai vẫn chưa đến được bước ấy. Đồ Nam cũng biết, nếu như hồi nhỏ cô không nhận được sự chăm sóc chu đáo từ Phương Tuyết Mai, không nhận từng ấy ân tình, thì ông còn chẳng tỏ thái độ tốt như bây giờ.
Thế nên, trong chuyện tình cảm, bất kể là đến độ tuổi nào cũng khó mà lý giải được, cô cũng chỉ đành mặc kệ mà thôi.
Nước sôi, Đồ Nam bỏ mì vào, nhìn chằm chằm ngọn lửa.
Nước sôi, cuộn tròn những sợi mì lên.
Lúc cô bưng mì ra, Đồ Canh Sơn đã nói chuyện điện thoại xong, đang uống thuốc. Ngoài bọc to bọc nhỏ thuốc mới, còn có thuốc đau dạ dày ông hay uống, lòng bàn tay đầy một vốc thuốc, ông bỏ cả vào miệng, rồi bưng cốc lên uống một ngụm nước lớn.
Đồ Nam đặt mì xuống trước mặt ông, lại chẳng nói gì cả.
Đồ Canh Sơn cất thuốc đi, nhìn vào bát, trên vắt mì xếp mấy cọng rau xanh mướt.
Ông không động đũa, chỉ lạnh lùng hỏi: “Mày chạy về đây làm gì? Không phải mày đang vào làm trong công ty game à, còn tự vẽ được bích họa cơ mà, thế mà còn rảnh rỗi về đây hả?”
Sắc mặt Đồ Nam lạnh đi, cô cười khẩy, “Bố nói xem vì sao, chỉ vì bố là bố con, con là con gái bố!”
Mặt Đồ Canh Sơn biến sắc, ông bất giác ngậm miệng lại.
“Phiền bố nhanh chóng quay về bệnh viện.”, nói xong, Đồ Nam liền rời khỏi phòng khách.
***
Đồ Canh Sơn có quay về bệnh viện hay không Đồ Nam cũng không biết, dù sao thì sáng hôm sau cũng chẳng thấy ông đâu nữa.
Đồ Nam ăn xong bữa sáng, đi từ trong nhà ra ngoài sân cũng không thấy bóng dáng ông đâu, lại gọi điện thoại cho bệnh viện, bên đó nói không thấy Đồ Canh Sơn đến.
Chứng tỏ là không đi.
Cúp điện thoại, Đồ Nam do dự một hồi, cuối cùng vẫn đi vào phòng bố.
Cửa phòng không đóng, cô đứng bên ngoài ngó vào trong, lại phát hiện ra ông chẳng hề nằm nghỉ trong đó. Vừa định đi thì ánh mắt bỗng chạm phải một khung ảnh, cô bèn nán lại.
Ánh nắng sớm mai len qua khung cửa sổ hình thoi rọi vào, vừa vặn kết thành một chùm, hắt lên khung ảnh.
Bức ảnh trong khung là bức bích họa Phi Thiên thời Đường, có lẽ là cắt từ bản in trong một cuốn sách nào đó. Một dàn Phi Thiên[1], xiêm y lộng lẫy, cánh tay cuốn lụa, bay quanh đỉnh đầu Đức Phật. Có vị sà xuống, có vị bay lên, có vị tay cầm hoa, rải hoa, ca múa, tán tụng trong khi Đức Phật thuyết giảng.
[1] Phi Thiên (Tiên nữ, thiên nhân tán hoa) là biểu tượng của nghệ thuật Đôn Hoàng. Theo Phật giáo, Phi Thiên là hóa thân của Càn Thát Bà (Thần Thiên ca) có nhiệm vụ dâng hương, hoa, tán hoa, dâng đồ báu cúng dàng lên chư Phật, và Khẩn Na La (Thần Thiên nhạc) có nhiệm vụ ca múa, tấu nhạc trong thế giới Cực Lạc.