Lúc sương mù còn dày đặc, tôi ra khỏi căn phòng trọ, loạng choạng bước đi giữa thành phố trống rỗng hỗn loạn. Nơi tôi phải đến là nhà tang lễ, đây là tên hiện tại của nó, chứ trước kia nó được gọi là nhà hỏa táng.
Tôi nhận được 1 thông báo, bảo tôi phải tới nhà tang lễ trước 9g sáng, thời gian hỏa táng của tôi được ấn định vào lúc 9g30.
Tối qua, âm thanh sụp đổ vang lên suốt đêm, rầm rầm liên tiếp, cứ như hết căn nhà này tới căn nhà khác buông mình nằm phịch xuống sau khi không thể gắng gượng được vì mệt mỏi. Tôi nằm ngủ lơ mơ mớ giữa âm thanh long trời lở đất ấy, trời sáng, khi mở cửa, những âm thanh như sấm rền đó đột ngột biến mất. Hành động mở cửa của tôi như đóng công tắc tắt những âm thanh đó.
Sau đó thì nhìn thấy tờ giấy thông báo tôi phải đến nhà tang lễ dán ngoài cửa, những nét chữ trên tờ giấy ướt rượt mà mờ ảo giữa làn sương mù, còn có hai tờ thông báo được dán vào khoảng hơn mười ngày trước, nội dung yêu cầu tôi đi nộp tiền nước và tiền điện.
Lúc tôi ra ngoài, sương mù đã che đi dung mạo của thành phố này, không còn ban ngày và ban đêm, cũng mất luôn buổi sáng và buổi tối. Tôi đi về phía bến xe bus, vài bóng người loáng thoáng xuất hiện trước mặt, nhưng lại biến mất ngay. Tôi thận trọng bước đi, một thứ gì đó nhìn như biển báo chặn tôi lại, giống như đột nhiên mọc lên từ dưới đất.
Tôi nghĩ bên trên chắc chắn là có vài con số, nếu có 203, thì đó chính là tuyến xe bus mà tôi sẽ phải lên.
Tôi không nhìn rõ những con số trên đó, giơ tay phải lau nhưng vẫn không nhìn rõ. Tôi giụi mắt mình, hình như nhìn thấy số 203, tôi biết đây chính là bến xe bus.
Một cảm giác kỳ quặc xuất hiện, mắt phải tôi vẫn ở vị trí cũ nhưng mắt trái lại di chuyển đến chỗ xương gò má. Tiếp đấy tôi cảm thấy bên cạnh mũi hình như treo thứ gì đó, phía dưới cằm hình như cũng treo thứ gì đó, tôi giờ tay lên sờ thử, thì thấy bên cạnh mũi chính là cái mũi, còn dưới cằm cũng chính là cái cằm, bọn chúng đã di chuyển vị trí trên mặt tôi.
Những bóng người thoắt ẩn thoắt hiện trong sương, tôi nghe thấy âm thanh rõ rành rành lúc cao lúc thấp, giống như sóng nước bị khuấy động. Tôi đứng đó như không khí, đợi chuyến xe bus số 203.
Nghe thấy rất nhiều âm thanh va chạm của ô tô vang lên, sương mù rơi ướt mắt, tôi không nhìn thấy gì, chỉ nghe thấy âm thanh của một vụ tai nạn xe hơi. Một chiếc xe con lao ra từ làn sương mù, lướt qua vai tôi, lao thẳng vào chỗ có âm thanh sống động kia, những âm thanh đó như nổ tung, giống như nước sôi sùng sục.
Tôi tiếp tục đứng đó, tiếp tục chờ đợi.
Một lúc sau, tôi nghĩ, chỗ này xảy ra va chạm giao thông trên diện rộng, chắc chuyến bus 203 sẽ không đến, có lẽ tôi phải đi bộ tới bến tiếp theo.
Tôi bước về phía trước, đôi mắt ướt rượt nhìn thấy bông tuyết, như thể ánh sáng xuất hiện trong sương mù dầy đặc, rơi trên mặt tôi, khuôn mặt cảm giác ấm hơn một chút. Tôi đứng lại, cúi đầu quan sát xem chúng rơi xuống người tôi như thế nào, quần áo cũng dần dần hiện ra rõ hơn trong hoa tuyết.
Tôi nhận ra hôm nay là một ngày quan trọng: Ngày đầu tiên tôi chết.
Nhưng tôi chưa được tắm rửa, cũng không mặc áo liệm, chỉ mặc quần áo bình thường, thêm chiếc áo bông to đùng cũ rích bên ngoài này nữa, đi đến nhà tang lễ. Tôi cảm thấy hổ thẹn vì sự thất thố của mình, vậy là quay người quay về.
Những bông tuyết bay bay khiến thành phố này như có được chút ánh sáng, sương mù cũng dần dần tan biến, trên đường đi, tôi còn loáng thoáng nhìn thấy người và xe. Tôi quay lại trạm xe bus trước đó, cảnh tượng hỗn loạn nhếch nhác hiện ra ngay trước mặt, hơn hai mươi chiếc xe ô tô đâm ngang đâm dọc chặn cả một đoạn đường dài, ngoài ra còn có xe cứu thương và xe cảnh sát; Vài người nằm dưới đất, vài người khác được kéo ra từ những chiếc xe méo mó biến dạng; Có người đang rêи ɾỉ, có người đang thút thít, lại có những người lặng ngắt. Đây là nơi vừa xảy ra tai nạn, tôi dừng lại, lần này thì đã nhìn rõ con số 203 trên tấm biển. Tôi đi xuyên qua nó.
Quay về căn phòng trọ, cởi bộ quần áo không phù hợp trên người ra, trần chuồng đi đến cạnh bồn rửa bát, vặn vòi nước, lúc giơ bàn tay ra hứng nước lau rửa cho mình tôi nhìn thấy vài vết thương trên người.
Miệng vết thương dính đầy đất cát, bên trong có vụn đá và gỗ răm, tôi cẩn thận nhặt chúng ra.
Lúc này, di động để bên gối trên giường vang lên, tôi thấy lạ, vì không nộp tiền nên đã bị cắt mạng từ hai tháng nay, giờ nó tự nhiên đổ chuông. Cầm di động lên, ấn nút nghe, khẽ khàng:
“Alo”
Đầu bên kia vọng tới giọng nói: “Anh là Dương Phi phải không?”
“Tôi đây.”
“Tôi gọi từ nhà tang lễ, anh đến đâu rồi?”
“Tôi ở nhà.”
“Ở nhà làm gì?”
“Tôi đang lau rửa.”
“Sắp 9g rồi, còn đang lau rửa?”
Tôi bất an đáp: “Tôi đến ngay đây.”
“Nhanh lên, mang theo cả giấy hẹn của anh.”
“Giấy hẹn ở đâu?”
“Dán trên cửa nhà anh ấy.”
Đối phương cúp máy.
Tôi thấy trong lòng không vui, chuyện thế này mà còn phải thúc giục? Tôi bỏ máy xuống, tiếp tục làm sạch vết thương trên người. Tôi tìm một cái bát, dùng bát hứng nước dội sạch những đá dăm và gai gỗ còn sót lại trong vết thương, tốc độ làm sạch cũng bắt đầu nhanh hơn.
Sau khi lau rửa sạch sẽ, cứ ướt rườn rượt thế bước đến chỗ tủ quần áo, mở tủ tìm áo liệm của mình.
Bên trong không có đồ liệm, chỉ có một bộ áo ngủ màu trắng bằng lụa nhìn như áo liệm, bề mặt có in hoa chìm, hai chữ “Lý Thanh” thêu bằng chỉ đỏ trên ngực đã phai màu.
Đây chính là dấu vết còn sót lại từ cuộc hôn nhân ngắn ngủi đó.
Ngày ấy, vợ tôi Lý Thanh đã rất cẩn thận chọn hai bộ đồ ngủ kiểu Trung Quốc trong cửa hàng, cô ấy đã thêu tên tôi lên bộ đồ ngủ của mình và thêu tên cô ấy lên bộ đồ ngủ của tôi. Sau khi ly hôn, tôi không mặc lại nó thêm lần nào nữa, giờ mặc lên người, cảm giác bộ đồ ngủ bằng lụa màu trắng này giống màu sắc ấm áp của những bông tuyết.
Mở cửa phòng, tìm kĩ tờ thông báo của nhà tang lễ dán trên cửa, bên trên có chữ “A3”, chắc đây là giấy hẹn.
Tôi gỡ tờ thông báo xuống, sau khi gấp lại thì nhét vào túi ngực.
Lúc chuẩn bị đi bỗng thấy như thiếu gì đó, tôi đứng ngẩn ra suy nghĩ giữa những bông tuyết bay bay, nhớ ra rồi, là vải đen.
Tôi sống cô độc một mình, chẳng ai tới đưa tiễn khóc thương, đành phải tự mình để tang mình vậy.
Quay lại phòng trọ, tìm vải đen trong tủ quần áo. Tìm rất lâu, không có vải đen, chỉ có một chiếc áo sơ mi màu đen, vì đã cũ, nên màu đen phai gần thành màu xám. Chẳng còn lựa chọn nào khác, đành cắt một ống tay áo, l*иg vào ống tay áo ngủ màu trắng.
Mặc dù trang phục tự để tang mình trông không được thẩm mĩ lắm, nhưng tôi cũng thấy thỏa mãn.
Di động của tôi lại đổ chuông.
“Dương Phi phải không?”
“Tôi đây.”
“Tôi gọi từ nhà tang lễ.” Giọng nói hỏi, “Anh có muốn hỏa thiêu không đấy?”
Tôi do dự rồi đáp: “Muốn thiêu.”
“Sắp 9g30, anh muộn rồi đấy.”
“Chuyện thế này mà cũng có đến muộn đến sớm à?” Tôi thấp thỏm hỏi.
“Muốn thiêu thì nhanh lên.”
Phòng chờ của nhà tang lễ rất rộng, bên ngoài sương mù đã tan hết, bên trong khói vấn vít, mấy cây đèn tường có hình ngọn nến cách đó khá xa tỏa thứ ánh sáng trắng chợt, đây cũng là màu của tuyết. Không biết tại sao, cứ nhìn thấy màu trắng tôi lại thấy ấm áp.
Bên phải phòng chờ là những hàng ghế nhựa được cố định bởi khung sắt, bên trái là khu phục vụ ghế sô fa, những chiếc sô fa êm ái xếp thành những vòng tròn, trên bàn trà đặt ở giữa là bình hoa giả.
Bên phần ghế nhựa có rất nhiều người ngồi đợi thiêu, còn bên ghế sô fa chỉ có năm người. Họ ngồi vắt chân đầy thoải mái, trông rất ra dáng người thành đạt, còn những người ngồi bên dãy ghế nhựa thì ngay ngắn nghiêm túc.
Lúc tôi đi vào, một người gầy như que củi mặc bộ quần áo màu xanh cũ rách đeo đôi găng tay màu trắng cũng cũ nát ra đón, tôi có cảm giác mặt anh ta chỉ có xương mà không có da thịt.
Anh ta nhìn khuôn mặt với ngũ quan bị dịch chuyển của tôi xong, khẽ nói: “Anh đến rồi.”
Tôi hỏi anh ta: “Đây là nơi hỏa táng phải không?”
“Giờ không gọi là nhà hỏa táng nữa,” anh ta đáp, “Giờ gọi là nhà tang lễ.”
Tôi biết mình đã nói sai điều gì, giống như bước vào khách sạn và hỏi: Đây là nhà nghỉ phải không?
Giọng nói của anh ta có sự mệt mỏi thường trực, tôi nhận ra anh ta không phải người gọi điện cho tôi nói “Tôi gọi từ nhà tang lễ.”
Tôi xin lỗi vì sự chậm trễ của mình, anh ta chỉ khẽ lắc đầu, bảo hôm nay có rất nhiều người đến muộn, giọng ra chiều an ủi.
Số trên giấy hẹn của tôi đã qua lượt, anh ta đi tới chỗ máy gọi số ở cửa ra vào lấy số cho tôi, sau đó đưa cho tôi mảnh giấy nhỏ.
Tôi từ A3 bị đẩy xuống tận A64, trên tờ giấy nhỏ đó còn thể hiện số người đợi trước tôi là 54.
Tôi hỏi anh ta: “Hôm nay liệu có kịp thiêu không?”
“Ngày nào cũng có rất nhiều phiếu trống.”
Anh ta đáp.
Tay phải đeo găng tay trắng cũ rách của anh ta chỉ về phía hàng ghế nhựa, ý bảo tôi ra đấy ngồi đợi, mắt tôi lại nhìn về phía ghế sô fa. Anh ta giải thích bên ghế sô fa là dành cho khách VIP, tôi thuộc hạng ngồi đợi ở khu bình dân có hàng ghế nhựa.
Lúc tôi cầm tờ giấy có số A64 đi về hàng ghế nhựa, nghe anh ta thở dài tự nói một mình: “Lại thêm một người đáng thương nữa, chưa kịp trang điểm chỉnh sửa gì đã đến rồi.”
Tôi ngồi xuống ghế.
Người mặc bộ đồ màu xanh này đi đi lại lại trên lối nhỏ ngăn giữa khu vực VIP và khu vực phổ thông, dáng vẻ trầm tư, nhịp chân anh ta đều đều như tiếng gõ cửa. Có rất nhiều người đến muộn bước vào, anh ta tiến lên đón, chào “Anh/Chị đến rồi.” sau đó lấy số khác cho họ, rồi sau đó giơ tay chỉ, hướng dẫn họ đi về phía hang ghế nhựa chúng tôi đang ngồi. Có một người là khách VIP đến muộn, anh ta đi cùng tới tận khu vực ghế sô fa.
Những người ngồi đợi thiêu ở khu vực ghế nhựa đang thì thầm trò chuyện, sáu người ngồi ở khu vực VIP cũng đang chuyện trò. Khu vực VIP chuyện trò khá rôm rả, cứ như những ca sỹ trên sân khấu vậy, còn tiếng rì rầm ở bên chỗ chúng tôi chỉ như dàn hát bè bên dưới sân khấu.
Phía khu vực VIP đang bàn tán về áo thọ và hũ đựng tro cốt, áo thọ họ mặc đều là lụa tơ tằm được may thủ công hết sức tinh xảo, họa tiết rực rỡ bên trên được thêu tay, họ thản nhiên nói về giá cả bộ đồ thọ trên người mình, cả sáu bộ đồ thọ của sáu khách trong khu vực VIP đều có giá trên 20 000 tệ. Tôi ngó sang nhìn, họ mặc hệt như những nhân vật trong cung đình.
Sau đó, họ lại nói về hũ đựng tro cốt, chất liệu được làm bằng gỗ đàn hương đỏ, bên trên chạm trổ những hoa văn tinh xảo đẹp đẽ, giá cả thì toàn từ 60 000 tệ trở lên.
Tên sáu hũ đựng tro cốt của họ cũng rất nguy nga lộng lẫy: Cung điện đàn hương, Tiên nga cung, Long cung, Phượng cung, Kỳ lân cung, Đàn hương tây lăng.
Bên này chúng tôi cũng đang bàn tán về áo thọ và hũ đựng tro cốt. Áo thọ bên phía khu vực ghế nhựa đa phần đều được may bằng lụa nhân tạo và vải bông tự nhiên, giá cả thì trên dưới 1000 tệ. Chất liệu của hũ đựng tro cốt nếu không phải bằng gỗ Bách thì là gỗ dăm, chẳng chạm khắc gì, đắt nhất 800 tệ rẻ nhất 200 tệ. Tên của những hũ co trốt phía bên này cũng mang một phong cách rất khác: Lá rụng về cội, Lưu danh thiên cổ.
Khác với khu vực VIP so sánh xem áo thọ và hũ đựng tro cốt của ai đắt hơn, bên ghế nhựa lại bàn tán đồ của ai tốt mà rẻ. Hai người đợi thiêu ngồi ở hàng ghế trước tôi, khi nói chuyện với nhau mới biết áo thọ của họ cùng mua ở một cửa hàng và cũng cùng kiểu, nhưng một người bị mua đắt hơn người kia 50 tệ. Người bị mua đắt hơn tức tối hậm hực, lẩm bẩm tự nói một mình:
“Vợ mình chẳng biết mặc cả.”
Tôi để ý thấy những người ngồi chờ thiêu ở khu vực này đều đã mặc áo thọ, vài người mặc áo thọ truyền thống phong cách Minh Thanh, vài người lại mặc áo thọ hiện đại kiểu Tôn Trung Sơn hoặc vest. Tôi chỉ mặc chiếc áo ngủ màu trắng cài khuy đã cũ, tôi thấy thật may mắn vì buổi sáng trước khi đi đã phát hiện ra chiếc áo bông to phồng không phù hợp, nên đổi sang áo ngủ màu trắng, mặc dù sơ sài nhưng ngồi lẫn lộn giữa những người chờ thiêu ở hàng ghế nhựa cũng không có gì khác biệt lắm.
Có điều tôi không có hũ đựng tro cốt, ngay loại hàng rẻ tiền
Lá rụng về cội và
Lưu danh muôn thủa như thế cũng chẳng có. Tôi khổ sở, tìm đâu ra hũ đựng tro cốt bây giờ? Rải tro cốt xuống biển chăng? Không thể nào, đó là chốn đi về của những vĩ nhân, chuyên cơ vận chuyển quân sự hộ tống, bay bay rơi xuống mặt biển trong tiếng khóc của người thân và thuộc hạ. Khi tro cốt của tôi được đổ ra từ lò thiêu, thứ đón chúng chính là chổi và hót rác, sau đó là thùng rác nào đó.
Một ông cụ ngồi bên cạnh quay sang nhìn mặt tôi, kinh ngạc hỏi: “Cậu không tắm rửa, không trang điểm à?”
“Lau rửa rồi.” Tôi đáp, “Tôi tự lau rửa.”
“Mặt cậu.” Ông cụ nói tiếp, “Tròng mắt bên trái lòi ra ngoài rồi, mũi thì vẹo sang bên cạnh, cằm dài quá.”
Tôi chợt nhớ ra lúc lau rửa lại quên béng mặt của mình, ngượng ngùng đáp: “Cháu không chỉnh trang lại.”
“Người nhà cậu cũng qua loa quá.” Ông cụ bảo, “Không chỉnh trang cho cậu, mà cũng không trang điểm nữa.”
Tôi sống cô độc một mình. Người cha nuôi mang ơn dưỡng dục với tôi Dương Kim Bưu đã mất hơn một năm trước vì mắc bệnh hiểm nghèo, cha mẹ đẻ thì ở tít phương Bắc xa xôi, họ không hề biết giờ này phút này tôi đã sang một thế giới khác.
Một người phụ nữ ngồi ở phía bên này nghe thấy cuộc đối thoại của chúng tôi, chị ta quan sát quần áo của tôi, rồi nói: “Áo thọ của cậu sao trông giống áo ngủ thế?”
“Tôi mặc áo liệm.” Tôi nói
“Áo liệm?” Chị ta có vẻ không hiểu.
“Áo liệm chính là áo thọ.” Ông cụ giải thích, “Áo thọ thì nghe may mắn hơn.”
Tôi để ý thấy mặt của hai bọn họ, đều đã được tô vẽ kĩ càng, nhìn như chuẩn bị lên sân khấu biểu diễn chứ không phải vào lò thiêu hỏa táng.
Hàng ghế phía trước đã có người ngồi đợi thiêu lên tiếng ca cẩm với người mặc áo xanh:
“Đợi lâu thế rồi mà vẫn chẳng nghe thấy gọi số.”
“Đang tổ chức lễ viếng cho thị trưởng.” Người mặc áo xanh đáp, “Sáng sớm nay thiêu được ba người thì dừng lại, đợi thị trường vào hỏa thiêu xong, tro ra, mới đến lượt các anh chị.”
“Tại sao lại phải đợi thị trưởng hỏa thiêu rồi mới hỏa thiêu chúng tôi?” Người kia lại hỏi.
“Việc này thì tôi không biết.”
Một người chờ thiêu khác hỏi: “Các anh có mấy lò?”
“Hai lò, một là nhập khẩu, một là nội địa. Nhập khẩu chỉ dành cho khách VIP, hàng nội địa là để phục vụ các anh chị.”
“Thị trưởng có phải khách VIP không?”
“Phải.”
“Thị trường dùng cả hai lò để hỏa thiêu à?”
“Thị trưởng có lẽ dùng lò nhập khẩu.”
“Lò nhập khẩu đã dùng cho thị trưởng rồi, lò nội địa sao lại dừng?”
“Cái này thì tôi không biết, tôi chỉ biết cả hai lò đều tạm dừng hoạt động rồi.”
Phía khu vực khách VIP có người vẫy vẫy tay gọi người mặc áo xanh, anh ta vội vàng chạy sang.
Khách VIP đó hỏi: “Lễ viếng của thị trưởng còn bao lâu nữa?”
“Tôi không rõ lắm.” Anh ta ngập ngừng, “chắc phải một lúc nữa, mong mọi người hãy kiên nhẫn một chút.”
Một người đến muộn vừa bước vào, nghe thấy cuộc đối thoại của họ, đứng giữa lối đi ngăn hai khu vực nói: “Quan chức lớn nhỏ trong thành phố, còn cả quan chức ở các huyện, hơn một nghìn người, từng người từng người lên dâng hương viếng thị trưởng, lại còn phải đi chậm, có người còn phải khóc vờ mấy tiếng.”
“Một thị trưởng thôi có gì ghê gớm đâu.” Vị khách VIP kia bất mãn.
Người tới muộn lại tiếp: “Bắt đầu từ sáng sớm, các trục đường chính trong thành phố đã bị phong tỏa rồi, xe chở áo quan của thị trường đi chậm như người ta đi bộ vậy, phía sau là mấy trăm chiếc xe con đi tiễn, quãng đường bình thường chỉ đi hết 30 phút thành 1 tiếng 30 phút.
Bây giờ các trục đường chính vẫn đang phong tỏa, phải đợi khi nào tro cốt của thị trưởng được mang về nhà xong xuôi rồi mới bãi lệnh.”
Các trục đường chính bị phong tỏa, các đường khác trong thành phố xe đông tắc nghẽn. Tôi nhớ đến những tiếng đâm xe liên hoàn vào sáng nay khi còn đang mò mẫm đi trong sương và cả cảnh tượng hỗn loạn được chứng kiến sau đó. Rồi ngay lập tức tôi lại nhớ ra nửa tháng trước tin thị trưởng đột ngột qua đời tràn ngập mặt báo và tivi, quan chức địa phương giải thích rằng thị trường mất vì bị đau tim do làm việc quá sức. Trên mạng lại lưu truyền một phiên bản khác, thị trưởng đột ngột bị nhồi máu cơ tim khi đang cao trào với một người mẫu trẻ trên giường trong một khách sạn năm sao, người mẫu trẻ kia sợ tới mức chạy ra ngoài hành lang khách sạn vừa khóc vừa gào, quên béng mất là mình đang trần như nhộng.
Sau đó lại nghe những khách VIP ở khu vực ghế sô pha bàn luận về mộ phần, khách ở khu vực ghế nhựa cũng nói về mộ phần. Mộ của khách ở khu vực ghế nhựa đều khoảng 1m2, còn mộ của những người ở khu khách VIP toàn tầm một mẫu trở lên. Chắc nghe thấy bên này bàn tán, một khách VIP cao giọng hỏi: “Mộ 1m2 thì sống thế nào?”
Những người ngồi ở khu vực ghế nhựa im lặng, bắt đầu dỏng tai lắng nghe sự xa hoa khϊếp hồn của phía bên ghế sô pha. Trong sáu người bọn họ thì 5 người có phần mộ được xây ở trên đỉnh núi cao, mặt quay ra biển, mây vờn quanh, đều là những ngôi mộ lộng lẫy xa xỉ. Chỉ có một ngôi mộ được xây ở trong khe núi, nơi đó cây cối tươi tốt suối chảy róc rách chim chóc hát ca, bia mộ là một tảng đá tự nhiên, đã nằm ở đó hàng trăm ngàn năm nay, ông ta nói giờ đang thịnh hành thực phẩm hữu cơ, ông ta cũng có một bia mộ hữu cơ theo trào lưu. Trong năm bia mộ còn lại có hai cái là bản thu nhỏ của thực thể, một cái kiểu sân vườn Trung Quốc, một cái là biệt thự kiểu Tây; Hai cái bia mộ khác làm theo kiểu chính thống, chủ nhân của chúng giải thích là không muốn làm những thứ màu mè rườm rà. Người cuối cùng, khi ông ta nói ra bia mộ của mình khiến tất cả mọi người phải kinh ngạc, bia mộ của ông ta lại chính là bia tưởng niệm anh hùng nhân dân trên quảng trường Thiên An Môn, hơn nữa kích thước cũng y hệt, chỉ có điều mấy chữ ‘Nhân dân anh hùng sống mãi’ do chính tay chủ tịch Mao Trạch Đông viết trên bia tưởng niệm đổi thành ‘Đồng chí Lý Phong sống mãi’, cũng là chữ viết tay của Mao Trạch Đông, người nhà ông ta đã tìm ra bốn chữ ‘Đồng chí Lý Phong’ trong số chữ viết tay của Mao Trạch Đông, đem phóng to rồi khắc lên bia mộ.
Ông ta bổ sung: “Đồng chí Lý Phong là tôi.”
Có một vị khách VIP nói với ông ta: “Làm vậy khá nguy hiểm, không chừng ngày nào đó chính phủ dỡ xuống đấy.”
“Phía chính phủ đã bỏ tiền ra mua chuộc xong xuôi cả rồi.” Ông ta nói chắc nịch, “Có điều không được để đám phóng viên đưa tin, người nhà tôi đã thuê mười hai người canh phòng cẩn mật đám phóng viên, 12 người vừa khéo đủ biên chế của một tiểu đội, một tiểu đội cảnh vệ bảo vệ tôi tôi có thể kê cao gối mà ngủ.”
Lúc này, hai hàng đèn trần của nhà tang lễ đột nhiên bật sáng, không gian đang u ám như giữa buổi hoàng hôn bỗng chốc sáng rực như ban trưa, người mặc quần áo màu xanh kia vội vàng đi về phía cửa lớn.
Thị trưởng bước vào, ông ta mặc một bộ vest đen, bên trong là áo sơ mi trắng, thắt cà vạt màu đen. Ông ta bước vào với bộ mặt không chút biểu cảm, bộ mặt đó được trang điểm rất đậm, đôi lông mày vừa đen vừa thô, môi bôi son đỏ. Người mặc bộ đồ màu xanh tới đón, ân cần hướng dẫn: “Thị trưởng, mời ngài vào phòng VVIP ngồi nghỉ một lát.”
Thị trưởng khẽ gật đầu, đi theo người mặc đồ màu xanh bước về phía trước, hai cánh cửa lớn từ từ mở ra, sau khi thị trưởng vào trong, hai cánh cửa ấy lại chầm chậm khép lại. Những khách VIP ở khu vực ghế sô pha im lặng, phòng VVIP đã áp đảo không khí ở khu vực VIP, tiền bạc phải cúi đầu hổ thẹn trước quyền lực.
Âm thanh bên khu ghế nhựa chúng tôi vẫn râm ran không dứt, đang bàn luận về mộ phần. Mọi người thở ngắn than dài, đất chôn bây giờ còn đắt hơn cả đất ở, giá đất chôn ở những nghĩa trang vừa xa vừa chật chội, 1m2 lên tới 30 000 tệ, mà lại chỉ có quyền sở hữu 25 năm. Giá nhà mặc dù cao, nhưng hay dở gì cũng được sở hữu 70 năm. Một vài người chờ thiêu bực bội bất bình, một số khác lại buồn bã lo lắng, họ đang lo lắng 25 năm sau phải làm thế nào? Giá mộ phần của 25 năm sau có khả năng sẽ cao lên tới tận trời ấy chứ, nếu người nhà không có tiền để mua tiếp, thì tro cốt của họ sẽ trở thành phân bón ruộng.
Một người ngồi đợi thiêu ở hàng ghế trước đau lòng nói: “Chết cũng không chết nổi!”
Ông cụ ngồi cạnh tôi lại bình tĩnh bảo: “Không cần phải nghĩ tới những chuyện sau này.”
Ông lão kể với tôi, bảy năm trước ông bỏ ra 3000 tệ mua cho mình một 1m2 đất mộ, giờ đã tăng lên đến 30 000 tệ rồi. Ông cụ thấy vui vì sự nhìn xa trông rộng của mình khi ấy, nếu là bây giờ, chắc ông cũng không mua nổi đất chôn.
Ông cụ cảm khái: “7 năm mà tăng gấp 10 lần.”
Trong phòng chờ thiêu bắt đầu gọi số. Vậy là thị trưởng đã thiêu xong, trên hũ tro cốt của ông ta có phủ một lá quốc kỳ, đặt trong xe tang màu đen chầm chậm rời đi, phía sau có tới mấy trăm chiếc xe con cũng chầm chậm theo sát, tiếng kèn trống bi ai vang lên trên đoạn đường bị phong tỏa…
Số của khách VIP bắt đầu bằng chữ V, số phổ thông bắt đầu bằng chữ A, tôi không biết khách VVIP như thị trưởng thì sẽ bắt đầu bằng chữ cái nào, có lẽ khách VVIP không cần lấy số.
6 khách VIP có số bắt đầu bằng chữ V đã vào trong cả, khách phổ thông bắt đầu bằng chữ A cũng gọi rất nhanh, đúng như những gì người mặc bộ đồ màu xanh đã nói, nhiều số khống, nhiều khi gọi liền một lúc mười số đều là số khống.
Đúng lúc này tôi nhận thấy người mặc bộ đồ màu xanh đang đứng trên đường cạnh tôi, khi tôi ngẩng đầu lên nhìn ông ta, giọng nói mệt mỏi của ông ta lại vang lên.
“Số trống đều là những người không có mộ phần.”
Tôi không có hộp đựng tro cốt, không có mộ phần. Tôi tự hỏi bản thân mình: Sao lại đến đây?
Tôi nghe thấy số A64, đó là số của tôi, nhưng không đứng dậy. Sau khi gọi A64 ba lần, họ gọi sang số A65, người phụ nữ bên cạnh đứng dậy, cô ta mặc đồ liệm truyền thống, trông giống phong cách thời Thanh, lúc bước đi hai ống tay áo bay bay.
Ông cụ bên cạnh vẫn đang đợi, vẫn đang nói. Ông cụ bảo phần mộ của mình mặc dù ở nơi hẻo lánh, giao thông cũng không thuận tiện, nhưng cảnh sắc không tệ, phía trước còn có một hồ nước nhỏ, cả vườn cây vừa được trồng. Ông cụ bảo sau khi đến đó sẽ không ra nữa, vì vậy xa hay giao thông bất tiện chẳng phải vấn đề cần quan tâm. Sau đó ông cụ quay sang hỏi thăm phần mộ của tôi ở nghĩa trang nào.
Tôi lắc đầu: “Tôi không có mộ phần.”
“Không có mộ phần, vậy cậu đi đâu?” Ông ta kinh ngạc hỏi.
Tôi cảm thấy cơ thể mình đứng dậy, cơ thể đó đưa tôi ra khỏi phòng chờ thiêu.
Tôi lại trầm mình trong màn sương dày đặc và những bông hoa tuyết phất phơ. Lòng đầy nghi hoặc, biết mình đã chết, nhưng không biết chết thế nào.
Tôi bước đi giữa thành phố mờ ảo, tìm kiếm phương hướng trên con đường ký ức chằng chịt ngổn ngang.
Tôi như đã tìm thấy hình ảnh cuối cùng của mình khi còn sống, hình ảnh cuối cùng này có lẽ nằm ở cuối con đường ký ức, tìm thấy nó cũng đồng nghĩa với việc tìm được thời điểm tử vong của mình.
Với sự trợ giúp của cơ thể, tư duy của tôi, sau khi xuyên qua vô số hình ảnh cảnh tượng phất phơ lơ lửng như đám hoa tuyết, cuối cùng cũng tới được ngày hôm đó.
Ngày hôm đó, như là hôm qua mà cũng như là hôm kia, có thể chính là hôm nay. Có điều chắc chắn rằng, đó là ngày cuối cùng trên thế giới này của tôi. Tôi trông thấy mình đang bước đi trên một con phố giữa cơn gió mùa đông lạnh ngắt.
Tôi đi về phía trước, đi đến quảng trường phía trước Ủy ban nhân dân thành phố. Khoảng hơn hai trăm người đang đứng biểu tình phản đối việc cưỡng bức phá dỡ, họ không giơ băng rôn để phản đối, cũng chẳng hô hào khẩu hiệu, chỉ đang kể lể cho nhau nghe về nỗi bất hạnh của mình. Tôi có thể nghe ra, họ là những người bị hại trong các cuộc phá dỡ di dời khác nhau, tôi đi xuyên qua họ. Một bà cụ vừa khóc vừa kể, bà ra chợ mua thức ăn, quay về đã thấy nhà mình không còn nữa, bà còn tưởng mình đi nhầm chỗ. Một vài người khác đang trần thuật lại nỗi kinh hoàng của việc bị phá dỡ giữa đêm, họ bị đánh thức bởi những âm thanh chát chúa, căn nhà rung lắc dữ dội, họ còn tưởng có động đất, tới lúc hoảng loạn chạy thoát ra ngoài rồi mới nhìn thấy máy xúc và máy ủi đang phá hủy sân vườn. Một chàng trai đang hùng hồn kể lại trải nghiệm mà người khác không dám hé răng của mình, cậu ta và bạn gái đang làʍ t̠ìиɦ trong chăn, cửa nhà đột nhiên bị phá vỡ, mấy người đàn ông cao to lực lưỡng xông vào, dùng dây thừng trói chặt họ trong chăn, sau đó khiêng cả chăn lẫn người lên một chiếc xe, chiếc xe đó cứ chạy lòng vòng ngang dọc khắp phố, khiến cậu ta và bạn gái bị trói trong chăn hồn bay phách lạc, không biết chiếc xe sẽ đưa mình đi đâu. Chiếc xe cứ thế chạy vòng vòng quanh thành phố cho tới sáng mới quay lại khu nhà của họ, mấy người đàn ông cao to kia khiêng họ ném xuống đất, cởi trói, sau đó ném cho họ mấy bộ quần áo của người khác. Cậu ta và bạn gái vừa run vừa mặc lại quần áo trong chăn, có mấy người qua đường đứng lại tò mò nhìn họ, sau khi mặc xong quần áo đứng dậy, cậu ta thấy nhà mình đã chỉ còn lại một khoảnh đất bằng, bạn gái cậu ta khóc rấm rứt, nói sau này sẽ không ngủ cùng cậu ta nữa, còn bảo ngủ với cậu ta khủng bố hơn cả phim kinh dị.
Cậu ta kể với mọi người xung quanh, nhà không còn, bạn gái cũng không còn, từ sau kinh hãi ấy, ham muốn tìиɧ ɖu͙© của cậu ta cũng một đi không trở lại. Cậu ta giơ bốn ngón tay nói, vì chữa chứng liệt dương mà đã tiêu tốn hơn 40 000 tệ, thuốc tây thuốc ta uống cả mớ, vậy mà ‘cái ấy’ vẫn chỉ như chiếc máy trượt trên đường băng.
Có người hỏi cậu ta: “Có phải chuẩn bị cất cánh lại lao xuống không?”
“Làm gì có chuyện tốt như thế” cậu ta đáp, “Chỉ biết trượt, không cất cánh được.”
Có người hét lên: “Yêu cầu chính phủ bồi thường.”
Cậu ta cười khổ bảo: “Chính phủ bồi thường căn nhà bị phá dỡ của tôi, chứ không bồi thường ham muốn tìиɧ ɖu͙© bị dọa chạy mất kia.”
Lại có người kiến nghị: “Uống Viagra xem.”
Cậu ta nói: “Uống rồi, tim đập điên cuồng mà phía dưới vẫn chỉ là là lướt.”
Tôi cứ thế bước đi giữa những tiếng cười rộ lên từng tràng, cảm giác họ không giống đi biểu tình mà như đang tụ tập buôn chuyện. Tôi đi qua quảng trường trước Ủy ban nhân dân thành phố, lại qua hai bến xe bus, phía trước là đường Thịnh Hòa.
Thời khắc ấy tôi chìm dưới vực thẳm của cuộc đời. Vợ đã bỏ tôi đi từ lâu, hơn một năm trước cha mắc bệnh hiểm nghèo, để chữa bệnh cho cha tôi bán nhà, để chăm sóc cha già ốm yếu đau đớn tôi nghỉ việc, mua một cửa hàng nhỏ gần bệnh viện. Sau đó, cha bỏ tôi đi không một lời từ biệt, biến mất giữa biển người mênh mông. Tôi nhượng lại cửa hàng, thuê một căn phòng trọ rẻ tiền, bắt đầu tìm kiếm cha như tìm kim đáy bể. Tôi sục xạo từng ngõ ngách của thành phố, trong mắt tràn ngập hình ảnh của những người già, chỉ không thấy khuôn mặt của cha đâu.
Không công việc, không nhà cửa, không cửa hàng, ý chí của tôi sa sút. Khi tôi phát hiện tiền trong thẻ ngân hàng còn lại không nhiều, không thể không suy nghĩ tới cuộc sống sau này, tôi mới bốn mươi mốt tuổi, còn phải sống không ít thời gian nữa. Tôi tìm được công việc gia sư thông qua một công ty môi giới giáo dục, học sinh đầu tiên của tôi sống trên đường Thịnh Hòa, tôi gọi điện hco cha của cô bé, từ trong điện thoại vọng tới âm thanh ngập ngừng và khàn khàn, nói con gái ông ta là Trịnh Tiểu Mẫn, học lớp 4, thành tích rất khá. Vợ chồng họ làm việc ở nhà máy, thu nhập không nhiều, khó có thể chi trả 50 tệ cho một giờ gia sư của tôi. Sự bất lực trong giọng nói của ông ta giống như như sự bất lực của tôi vậy, tôi nói mỗi tiếng là 30 tệ thôi, ông ta ngập ngừng một lát rồi nói liền ba tiếng cảm ơn.
Chúng tôi đã hẹn bốn giờ chiều hôm ấy bắt đầu buổi dạy đầu tiên. Tôi ra hiệu cắt tóc, về nhà cạo râu, sau đó thay bộ quần áo sạch sẽ, bên ngoài khoác áo bông. Áo bông của tôi là áo cũ, bộ quần áo bên trong cũng đã cũ.
Tôi đi đến đường Thịnh Hòa quen thuộc, biết phía trước chỗ nào sẽ có siêu thị, chỗ nào có Starbucks, chỗ nào có McDonald"s, chỗ nào có KFC, chỗ nào có một dãy cửa hàng quần áo, chỗ nào có liền mấy quán ăn.
Tôi đi qua những chỗ ấy, mọi thứ trước mắt bỗng trở lên xa lạ, đống đổ nát hoang tàn kia như nhắc nhở tôi, ba dãy nhà sáu tầng cũ kĩ trên đường Thịnh Hòa đã không còn nữa, nhà học sinh của tôi chắc cũng nằm ở một trong mấy dãy nhà trên.
Mấy hôm trước khi đi ngang qua vẫn thấy chúng sừng sững hiên ngang, ban công phơi đầy quần áo, có mấy tấm băng rôn màu trắng giăng trên nóc các tòa nhà, chữ màu đen nổi bật: “Kiên quyết phản đối phá dỡ’ ‘phản đối cưỡng bức phá dỡ’ ‘Thề chết cũng phải bảo vệ nhà’.
Tôi nhìn đống đổ nát, vài chiếc quần cái áo còn lẫn lộn trong xi măng sắt thép, hai máy xúc và hai xe tải đỗ bên cạnh, còn cả một xe cảnh sát, bốn cảnh sát đang ngồi trong chiếc xe ấm áp đó.
Một bé gái mặc áo lông vũ màu đỏ cô độc ngồi trên một miếng xi măng, hai thanh sắt bị gãy ngang cong queo rúm ró chìa ra bên cạnh tảng xi măng. Cặp sách dựa vào gối, sách vở đặt trên gối, cô bé đang cắm cúi viết. Cô bé không thấy nhà mình đâu, cũng chẳng thấy cha mẹ, cô ngồi trên đống đổ nát chờ cha mẹ về, run run rẩy rẩy làm bài tập giữa cơn gió rét mùa đông.
Tôi bước qua xi măng cốt thép ngổn ngang, loạng choạng bước tới bên cạnh cô bé, cô bé ngẩng đầu nhìn tôi, khuôn mặt bị gió táp tới đỏ ửng.
Tôi hỏi: “Cháu không lạnh à?”
“Cháu lạnh.” Cô bé đáp.
Tôi giơ tay chỉ chỉ về phía quán KFC cách đó không xa, nói trong ấy ấm, có thể vào đó làm bài tập.
Cô bé lắc lắc đầu: “Bố mẹ về sẽ không tìm thấy cháu.”
Xong lại cúi đầu, tiếp tục làm bài tập trên chiếc bàn được ghép bởi hai đầu gối của mình. Tôi nhìn quanh, không biết nhà mà tôi tới làm gia sư ở chỗ nào.
Tôi lại hỏi: “Cháu có biết nhà của Trịnh Tiểu Mẫn ở đâu không?”
“Ở đây ạ.” Cô bé chỉ chỉ vào chỗ mình đang ngồi, “Cháu là Trịnh Tiểu Mẫn.”
Thấy vẻ mặt kinh ngạc của cô bé, tôi bảo tôi chính là gia sư đã hẹn hôm nay tới dạy học cho cô. Cô bé gật gật đầu ra ý mình biết chuyện đó, hoang mang nhìn quanh bảo: “Bố mẹ cháu vẫn chưa về.”
Tôi nói: “Mai chú quay lại.”
“Ngày mai nhà cháu không ở đây nữa.” Cô bé nhắc tôi, “Chú gọi điện cho bố cháu, bố biết ngày mai nhà cháu ở đâu.”
“Được.” tôi nói “Chú gọi điện cho bố cháu.”
Tôi khó nhọc bước đi giữa đống xi măng sắt thép đổ nát, nghe thấy cô bé nói với theo từ phía sau: “Cảm ơn thầy ạ.”
Lần đầu tiên nghe thấy có người gọi mình là thầy, tôi quay đầu nhìn nhìn cô bé mặc áo lông vũ màu đỏ, cô bé ngồi đó, khiến xi măng cốt thép ngổn ngang trông dịu dàng hơn.
Tôi bước quay về phía quảng trường phía trước Ủy ban nhân dân thành phố, đã có hai ba ngàn người đang tụ tập, họ giăng băng rôn, hô khẩu hiệu, giờ thì giống như đang biểu tình bày tỏ sự phẫn nộ rồi. Xung quanh quảng trường có rất nhiều cảnh sát và xe cảnh sát, phía cảnh sát đã phong tỏa đoạn đường này, cấm người bên ngoài vào quảng trường. Tôi thấy một người biểu tình đang đứng trên bậc thềm trước Ủy ban nhân dân thành phố, anh ta giơ cao loa, lặp đi lặp lại một câu với những người biểu tình đang hung hăng bên dưới:
“Yên lặng! Xin hãy yên lặng…”
Sau khi hét khoảng mấy phút, đám người biểu tình im dần. Tay trái anh ta giơ cao loa, tay phải khua khua:
“Chúng ta đến để đòi công bằng chính nghĩa, chúng ta là những người biểu tình ôn hòa, không nên có hành động quá khích, không được để họ bắt được lỗi của mình.”
Anh ta dừng lại, rồi nói tiếp: “Tôi muốn nói với mọi người rằng, việc phá dỡ mang tính cưỡng bức xảy ra ở đường Thịnh Hòa vào sáng hôm nay, có một đôi vợ chồng bị vùi trong đống đổ nát, giờ chưa biết sống chết thế nào….”
Một chiếc xe con chạy đến dừng bên cạnh tôi, bảy tám người nhảy xuống xe, túi áo của họ vang lên âm thanh lọc xọc, tôi biết bên trong toàn đá, họ đi tới trước những cảnh sát đang đứng ở đoạn đường bị phong tỏa, sau khi lấy chứng minh thư ra cho cảnh sát nhìn liền chuồn vào trong. Tôi thấy, đầu tiên họ hùng hổ đi thẳng, tiếp đến bắt đầu chạy bước nhỏ, họ chạy lên bậc thềm của Ủy ban nhân dân thành phố, hét to:
“Phá Ủy ban nhân dân thành phố….”
Họ móc đá trong túi áo ra ném vào cửa Ủy ban nhân dân thành phố, tiếng kính vỡ loảng xoảng vọng lại từ đằng xa. Cảnh sát từ bốn phương tám hướng ào vào quảng trường, giải tán đám người biểu tình. Quảng trường hỗn loạn, người biểu tình chạy ùa ra tứ phía, những kẻ định chống lại cảnh sát bị đè bẹp dưới đất. Bảy tám người ném đá vào cửa Ủy ban nhân dân thành phố kia chạy lại, họ gật gật đầu với hai cảnh sát đứng trước mặt tôi rồi lên xe, khi chiếc xe lao vụt đi, tôi nhìn rõ đó là một chiếc xe không có biển số.
Buổi tối, tôi ngồi trong một quán cơm có tên Đồ Ăn Đàm Gia. Đây là một quán ăn ngon bổ rẻ, tôi thường xuyên tới, mỗi lần tới đều chỉ gọi một bát mì rẻ tiền. Tôi dùng điện thoại trên quầy thu ngân để gọi vào di động của bố Trịnh Tiểu Mẫn, gọi mấy cuộc không thấy ai nhấc máy, chỉ có tiếng tút tút vọng lại.
Trên ti vi đang đưa tin về vụ biểu tình chiều nay. Ti vi nói một số người tụ tập gây chuyện trước quảng trường của Ủy ban nhân dân thành phố, đập phá tòa nhà thị chính, kích động quần chúng vô tri, phía cảnh sát đã bắt giữ mười mấy người liên quan tới sự việc gây rối trật tự công cộng lần này, hiện sự việc kết thúc. Ti vi không đưa hình ảnh mà chỉ có hai MC nhà đài thay nhau tường thuật. Sau một đoạn quảng cáo, trong ti vi xuất hiện người phát ngôn của Ủy ban nhân dân thành phố, giày da áo vest, ông ta ngồi trên ghế sô pha nhận điện thoại phỏng vấn của phóng viên, phóng viên hỏi một câu ông ta trả lời một câu, hai người bọn họ đang lặp lại nội dung tin tức mà tivi vừa đưa. Sau đó, phóng viên hỏi ông ta, khi phá dỡ khu nhà cũ ở đường Thịnh Hòa, có phải có một cặp vợ chồng bị vùi bên trong không, ông ta lên tiếng phủ nhận, kẻ tung tin đồn nhảm này đã bị cảnh sát bắt giữ để phục vụ điều tra. Tiếp theo, người phát ngôn kia bắt đầu liệt kê ra những thành tịu vượt bậc trong việc xây dựng nhân sinh mấy năm gần đây.
Một anh chàng ngồi uống rượu bàn bên cạnh hét lớn: “Phục vụ, chuyển kênh.”
Nhân viên phục vụ cầm điều khiển đi đến chuyển kênh, người phát ngôn kia biến mất, một trận bóng đã xuất hiện trên màn hình tivi.
Anh chàng kia quay đầu nói với tôi: “Những lời họ nói, ngay cả dấu chấm câu tôi cũng chẳng tin.”
Tôi mỉm cười, cúi đầu tiếp tục ăn mì. Hồi cha tôi ốm nặng, tôi từng dìu ông đến đây, ông ngồi ở một bàn trong góc dưới nhà, tôi gọi món ông thích ăn, cha ăn vài miếng rồi không ăn được nữa, tôi nằn nì ông ăn thêm vài miếng, ông nghe lời gật gật đầu, rồi lại bắt đầu ăn một cách khó nhọc, sau đó thì nôn ra hết. Tôi gọi phục vụ hỏi xin giấy ăn với vẻ mặt áy náy, lau sạch những thứ cha nôn ra đất và bàn, sau đó dìu cha rời đi, tôi nói với ông chủ quán ăn:
“Xin lỗi.”
Ông chủ quán ăn khẽ lắc đầu: “Không sao, hoan nghênh lần sau lại đến.”
Sau khi cha bỏ đi không một lời từ biệt, tôi đến đây một mình, vẫn ngồi vào chiếc bàn trong góc quán, ăn mì với tâm trạng đau buồn.
Ông chủ quán đi tới, ngồi xuống ghế đối diện, hỏi thăm tình hình của cha tôi, thế mà ông ấy lại nhớ chúng tôi. Lần đó, tôi gần như mất kiểm soát, tâm trạng sa sút, bèn kể về thân thế của mình, nói sau khi cha mắc bệnh hiểm nghèo, không muốn liên lụy tới tôi nên đã bỏ đi mất. Ông ấy không nói gì, chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt cảm thông.
Sau này, mỗi lần tôi đến đây, sau khi ăn xong bát mì rẻ tiền, ông chủ đều tặng tôi một đĩa hoa quả, rồi ngồi xuống trò chuyện cùng tôi.
Ông chủ quán tên là Đàm Gia Hâm, hai vợ chồng cùng con gái con rể kinh doanh quán ăn này, tầng trên phòng riêng tầng dưới bàn rời. Họ đến từ Quảng Đông, thi thoảng ông ấy cũng ca cẩm với tôi bảo, cả nhà họ sống ở đây lạ nước lạ cái, chẳng có các mối quan hệ, nên việc làm ăn rất khó khăn.
Tôi thấy người ra người vào quán đông đúc tấp nập, còn tưởng mỗi ngày ông ấy kiếm được không ít tiền, nhưng cả ngày thấy ông ấy mặt ủ mày chau. Có một lần ông ấy nói với tôi, bên công an, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, sở công thương, thuế vụ thường xuyên đến đây ăn ăn uống uống, ăn xong lại không trả tiền, chỉ ghi sổ, đến cuối năm mới bảo một vài công ty tư nhân đến thanh toán hóa đơn. Ông ấy kể, ban đầu còn ổn, 7 – 80% hóa đơn được thanh toán, nhưng vài năm gần đây kinh tế sa sút, nhiều công ty đóng cửa, những công ty tới thanh toán thay họ ngày một ít, còn họ vẫn đến ăn như thường lệ.
Ông ấy lại bảo, quán ăn này nhìn thì tưởng đông khách, nhưng thực ra thu không đủ bù chi. Ông chủ than, những người cửa quyền ấy, chẳng ai dám đắc tội.
Lúc tôi ăn xong bát mì, có người chuyển kênh, trên màn hình tivi lại xuất hiện tin tức về vụ biểu tình buổi chiều. Một phóng viên nữ của đài đang phỏng vấn vài người trên phố, những người này đều bày tỏ thái độ phản đối hành vi bạo lực đập pháp tòa nhà thị chính. Sau đó, một vị giáo sư xuất hiện trên màn hình, ông là giáo sư khoa luật mà tôi từng học hồi đại học, ông bắt đầu rao rảng, đầu tiên trách cứ sự kiện bạo lực xảy ra hồi chiều, sau đó lại nói những gì mà dân chúng nên tin vào chính phủ thấu hiểu chính phủ ủng hộ chính phủ.
Ông chủ của Đồ Ăn Đàm Gia, Đàm Gia Hâm đưa đến đặt trước mặt tôi một đĩa hoa quả, nói: “Mấy hôm nay không thấy cậu đến.”
Tôi gật gật đầu. Có lẽ do thần sắc của tôi trông nhợt nhạt nên ông chủ không ngồi xuống nói chuyện với tôi như những lần trước, đặt đĩa hoa quả lên bàn rồi quay người bỏ đi.
Tôi chầm chậm ăn chỗ hoa quả đã bổ thành miếng, cầm tờ báo ngày hôm nay lên đọc, một tờ báo không biết ai bỏ lại trên bàn.
Sau khi tiện tay lật vài trang, một tấm ảnh lớn trên báo đã thu hút sự chú ý của tôi, đó là tấm ảnh nửa người của một phụ nữ trông vẫn xinh đẹp, đôi mắt trên tờ báo đang nhìn tôi, tôi thầm bật ra tên của người phụ nữ ấy: Lý Thanh.
Sau đó, tôi nhìn tiêu đề trên tờ báo, người phụ nữ giàu có tên Lý Thanh này hôm qua đã cắt cổ tay tự sát trong bồn tắm tại nhà. Cô ấy bị cuốn vào một vụ án tham nhũng của vị quan lớn nào đó, bài báo nói cô ấy là người tình của vị quan này, khi người của viện kiểm sát đến nhà, chuẩn bị đưa cô ấy đi để phục vụ điều tra phát hiện cô ấy đã tự sát. Những con chữ trên tờ báo đen sì sì giống bức tường lỗ chỗ vết đạn bịt chặt mắt tôi, tôi khó nhọc đọc những dòng chữ trăm ngàn lỗ thủng đó, có những chữ tôi thậm chí còn không nhận biết được.
Đúng lúc này nhà bếp của quán ăn bắt lửa, khói ngùn ngùn ùn ra, những người đang ngồi ăn cơm dưới lầu kinh hãi kêu thét, tôi ngẩng lên nhìn, thấy họ người nào người ấy co giò chạy ra ngoài. Đàm Gia Hâm chặn ngay cửa, lớn tiếng yêu cầu khách hàng phải trả tiền trước, có vài vị khách đẩy ông ấy rồi bỏ chạy. Đàm Gia Hâm vẫn đang gào thét, vợ, con gái con rể của ông cũng chạy ra chặn cửa, còn cả mấy nhân viên phục vụ cũng đứng chặn theo. Khách và chủ quán bắt đầu xô đẩy, thậm chí còn vẳng ra tiếng chửi rủa. Tôi cúi đầu tiếp tục đọc những con chữ đen sì kia, âm thanh trong quán ăn mỗi ngày mỗi lớn, khi tôi ngẩng đầu lên lần nữa, thấy những người ăn trong phòng riêng trên lầu cũng đang chạy xuống, cả nhà Đàm Gia Hâm đứng chặn ở cửa, tiếp tục hét lên yêu cầu khách hàng phải trả tiền. Chẳng ai trả tiền, họ đẩy cả nhà Đàm Gia Hâm rồi loạng choạng lao ra phố. Có vài người khách cầm ghế lên đập vỡ cửa sổ nhảy ra ngoài, tiếp theo đó, nhân viên phục vụ của quán cũng lần lượt nhảy qua cửa sổ tháo thân.
Tôi chẳng bận tâm tới cảnh tượng hỗn loạn trong quán ăn, tiếp tục đọc bài báo kia, chỉ là thi thoảng vẫn ngẩng đầu lên nhìn, về sau chính làn khói đã khiến tôi không thể nhìn rõ các con chữ nữa, tôi giụi giụi mắt, thấy mấy người mặc đồng phục của sở công thương, thuế vụ từ trong phòng riêng trên tầng trên chạy xuống, họ đi qua sảnh lớn ngổn ngang, quát mắng cả nhà Đàm Gia Hâm đang đứng chặn cửa, Đàm Gia Hâm do dự, sau đó nghiêng người để họ đi qua, họ vừa chạy ra phố vừa quát mắng ầm ĩ.
Cả nhà Đàm Gia Hâm vẫn đứng chặn ở cửa, tôi thấy đôi mắt của Đàm Gia Hâm đang trừng trừng nhìn mình giữa làn khói, hình như ông ấy đang gào thét gì đó với tôi, ngay sau đó là tiếng nổ lớn vang lên.
Tôi đã đi đến điểm cuối cùng trên con đường kí ức, dù cố gắng nhớ nhớ lại cũng không thấy thêm bất kì một hình ảnh nào sau vụ nổ nữa, không chút manh mối. Đôi mắt Đàm Gia Hâm trừng trừng nhìn tôi, cùng tiếng nổ lớn vang lên ngay sau đó, đã là cảnh tượng cuối cùng mà tôi tìm thấy.
Trong cảnh tượng cuối cùng ấy, cả tâm và thân tôi chìm đắm trong vụ tự sát của người phụ nữ tên Lý Thanh kia, cô ấy từng là vợ tôi, là đoạn kí ức vừa đẹp đẽ vừa chua xót của tôi. Nỗi bi thương của tôi còn chưa kịp xuất phát, đã đến bến xuống xe.
Hoa tuyết vẫn bay lất phát, sương mù vẫn chưa tan hết, và tôi vẫn đang lang thang trên đường.
Tôi cứ đi mãi đi mãi trong sự mệt mỏi, tôi muốn ngồi xuống thế là liền ngồi xuống. Không biết ngồi trên ghế hay ngồi trên đá. Thân thể tôi đung đưa ngồi đó, giống con thuyền chở nặng vượt trọng tải lắc lư trên mặt nước.
Một người chết bị mù tay cầm gậy, gõ gõ xuống mặt đất mờ ảo đi tới, đến trước mặt tôi thì dừng bước, tự lẩm bẩm nói một mình: Chỗ này có người ngồi.
Tôi đáp đúng thế, chỗ này có một người đang ngồi. Anh ta hỏi tôi đường đến nhà tang lễ đi thế nào? Tôi hỏi anh ta đã có số chưa. Anh ta lấy ra một tờ giấy đưa cho tôi xem, bên trên in số A52. Tôi bảo có lẽ anh ta đi nhầm hướng rồi, phải là hướng ngược lại mới đúng. Anh ta hỏi tôi trên tờ giấy viết gì, tôi nói là A52. Anh ta lại hỏi nó có nghĩa là gì, tôi nói là số thứ tự của nhà tang lễ, số của anh là A52. Anh ta gật đầu quay người bỏ đi, sau khi chiếc gậy gõ gõ lên mặt đất không hề có tiếng vang vọng lại đi xa dần, tôi bắt đầu nghi ngờ mình đã chỉ sai đường cho người chết bị mù này, bởi chính bản thân tôi cũng đang mất phương hướng.