Năm Tháng Tĩnh Lặng, Kiếp Này Bình Yên

Chưa có ai đánh giá truyện này!
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Phật ở nơi nao? Giữa chốn đồng không mông quạnh cỏ cây tàn tạ, một ngọn cỏ xanh non là Phật; giữa đêm tuyết im lìm không tiếng động, một chậu than hồng là Phật; giữa sông bể mênh mang vô bờ, một chiếc …
Xem Thêm

Chương 12: Cảnh thiền cửu hoa
Vẫn nói rằng núi Cửu Hoa có chín ngọn núi hình dáng như hoa sen, mang một vẻ kỳ vĩ tú lệ bẩm sinh, trường tồn cùng thời gian, có một linh hồn bất diệt. Rất nhiều người đến nơi này nảy sinh những tưởng tượng ảo mộng trong không khí Thiền của hoa sen, họ thường xuyên quên mất nỗi mơ hồ của kẻ qua đường là chính bản thân mình.

Phong cảnh núi Cửu Hoa là một bức tranh sơn thủy thiên nhiên, treo lửng lơ giữa tầng mây, dòng thủy mặc trôi chảy nói cho chúng ta hay sự sáng suốt trí tuệ của Phật, Thiền. Ánh mặt trời nơi đây rất huyền ảo mơ hồ, khi bạn đến, sinh mệnh điểm tô dung nhan thanh xuân, khi bạn quay mình, năm tháng đã già đi, đánh mất vẻ ban đầu. Phật nói, kiếp phù sinh như cát bụi, chín đóa hoa sen ấy, đã nhìn thấu hết mọi bèo tụ bèo tan của đời người, sẽ không vì ai mà đợi chờ ngày mai định mệnh, cũng không vì ai mà thay đổi câu chuyện đã hoàn thành.

(1) Nguồn gốc Cửu Hoa

Khởi hành với một tâm thế như hoa sen, núi Cửu Hoa đã mở rộng cánh cửa lòng với chúng sinh, Thiền lý của núi Cửu Hoa cũng cảm nhiễm cả vùng Huy Châu rộng lớn, khiến cho hoa sen như nước nở rộ trong từng ngóc ngách cổ kính, thê lương.

Nơi đây là đạo tràng của Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, cao tăng Kim Kiều Giác[4] đã từng du ngoạn Cửu Hoa, tìm tòi những điều huyền bí, vất vả tu luyện những mấy chục năm, đến năm chín mươi chín tuổi thì viên tịch. Qua ba năm, nhục thể của ngài vẫn tươi tắn như còn sống, chúng tăng lữ bèn căn cứ theo đạo hạnh của ngài lúc sinh thời và rất nhiều dấu hiệu khác, cho rằng ngài là hóa thân của Địa Tạng Bồ Tát. Và họ đã xây dựng tháp đá, lưu giữ và thờ cúng nhục thân của ngài trong đó, đồng thời tôn ngài thành “Kim Địa Tạng” Bồ Tát, còn núi Cửu Hoa dần dần trở thành đạo tràng Địa Tạng Bồ Tát, trăm ngàn năm qua, khói hương không dứt, hưng thịnh chẳng suy.

[4] Kim Kiều Giác/ Kim Kyo–gak (696 – 794), tu sĩ Tân La (Silla), tục gọi là Kim Địa Tạng, là họ hàng của quốc vương nước Tân La cổ (nay là phía Đông Nam bán đảo Triều Tiên).

Cho dù là vào mùa nào, hoặc là bạn từ đâu tới, tiếng kinh kệ ở Cửu Hoa sơn vẫn vang khắp nơi nơi. Bạn vội vã hay nhàn tản đi tới, thì gió trong sơn miếu đều thổi bay bụi trần vương trên người bạn, để trái tim tinh khiết chảy trôi theo Thiền ý.

Phóng hết tầm mắt nhìn ra xa, những lầu gác đền đài ẩn sau rừng cây, tựa đời người như tụ như tan. Cả ngọn núi Cửu Hoa được xây dựng theo phong cách kiến trúc Huy phái, những bức tường lợp ngói đen, những giếng trời bằng gỗ chạm trổ, kết hợp một cách khéo léo tinh xảo giữa sự lãng mạn nên thơ của dân gian và văn hóa chùa chiền, thể hiện rõ ràng một vẻ đẹp khác biệt. Cho dù bạn mang theo tâm tình thế nào bước vào khung cảnh này, thì cũng có thể tìm được những vết tích mà thủy mặc đã từng thấm đẫm ở bất cứ chỗ nào nơi đây, cũng có thể ngửi thương thơm tràn ngập của tháng năm. Đây không phải mộng cảnh, ở Phật quốc thanh tịnh, sáng rõ như nước này, bạn sẽ cảm thấy linh hồn mỏng manh của bản thân dần dần được lấp đầy, sẽ nhìn thấy phong cảnh nhân gian phồn tạp dần dần trở nên thuần túy thanh tịnh.

Khi bạn đi ngược dòng tìm nguồn gốc của núi Cửu Hoa, cũng là đang đi ngược dòng tìm nguồn gốc của đời người. Khi những năm tháng của quá vãng chảy theo mạch nước, dập dềnh trôi tới, những gì bạn thấy là tàn khuyết hay là viên mãn? Tham ngộ Phật pháp bằng những tâm trạng và cuộc đời khác nhau, thì chân lý mà bạn ngộ ra cũng hoàn toàn khác biệt.

Bạn đứng giữa thắng cảnh Phật quốc yên tĩnh và hiền hòa ấy, có biết được nơi này đã từng mù mịt khói lửa chiến tranh, cũng từng gặp phải cảnh ngộ điêu linh tàn phá, chỉ là cho dù trải qua trăm ngàn chìm nổi, kinh qua biết bao vui buồn ly hợp, cuối cùng vẫn có thể gấm hoa rực rỡ, trăng sáng sao tỏ. Mà Phật tổ ngồi trên đài sen, mặc dầu trải qua biến thiên của năm tháng, phủ đầy bụi bặm của thời gian, vẫn có thể bình thản, an nhàn trước hoa xuân rơi rụng, ngắm quen trăng thu tàn khuyết.

(2) Chân thân bảo điện

Như nước chảy trong núi Cửu Hoa, không cần vội vã truy đuổi, chỉ cần thong thả dạo bước là sẽ có một cảnh tượng tươi đẹp đợi chờ bạn. Núi Thần Quang một mình thanh tịnh giữa sương mù rừng núi, người đời sau đã xây dựng điện tháp Địa Tạng trên mảnh tịnh thổ này, đặt nhục thân tiên cốt của Kim Địa Tạng Bồ Tát trong đó. Từ đây, bảo điện Nhục Thân giống như một ngọn đèn Phật đầy trí tuệ, thắp sáng thánh địa Cửu Hoa suốt cả ngày đêm.

Qua bậc thang, đến điện tháp, nhìn điện gác nguy nga, ngắm Phật tổ trang nghiêm. Trên mi cửa có treo bức hoành phi “Đông Nam đệ nhất sơn”, lại là một cảnh quan tự nhiên hùng vĩ. Trên hành lang của đại điện có khắc đủ mọi loại dị thú trân quý, kỳ hoa dị thảo, chúng được thời gian rửa sạch, nhưng vẫn sống động như xưa, tươi mới hút mắt. Những tác phẩm nghệ thuật dân gian khảm vàng nạm bạc ấy bảo tồn lịch sử nghìn năm của bảo điện, vẽ nên cảnh quan văn hóa của Cửu Hoa, đến ngày nay, bãi bể nương dâu đã từng trải qua hết chúng sẽ tô điểm cho giấc mộng của ai?

Điện tháp được lát bằng đá cẩm thạch trắng, khám thờ Phật trùng trùng điệp điệp, giống như số mệnh duyên sâu duyên mỏng nhìn thấu hết luân hồi của trăng thu gió xuân chốn nhân gian. Trong tháp cúng bái nhục thân của Kim Địa Tạng, chân thân bất hoại mạ ánh vàng, ngài cam lòng bị vận mệnh giam cầm trong thời gian nghìn năm, chỉ vì muốn đến cái đích phúc tuệ viên mãn trong pháp giới Từ Hàng. Từ đây, thiền tọa trên đài sen, dùng sự từ bi của Phật để phổ độ cho hết thảy chúng sinh.

Là bảo địa phong thủy của núi Cừu Hoa, đã khiến cho cao tăng các đời trải hết cuộc đời, là Phật pháp tinh thâm mênh mông, khiến cho họ thấu ngộ Thiền lý, đắc đạo ở Cửu Hoa mới có được chân thân bất hoại và được lưu giữ trong điện tháp theo cách ấy. Ngài đã đem chân lý và tinh túy của Phật giới cô đặc và đúc kết trong nhục thân, dùng sự từ bi để đổi thay nhan sắc của non nước núi Cửu Hoa, dùng sự thiền định để làm thanh tịnh linh hồn du khách.

Ra khỏi tòa điện, gặp gỡ người đến, mà sau phút giây lướt qua nhau, người khách qua đường dáng điệu vội vã ấy, ai sẽ nhớ đã từng có với ai một cuộc tương phùng trước Phật? Dù cho nhiều năm về sau, lại trùng phùng chốn này mà vẫn không hay biết sự tồn tại của nhau. Có lẽ không từng quen biết so với việc biết nhau rồi lại quên nhau sẽ ấm áp hơn, bạn đã từng ngóng đợi được quen biết nhau như thế, có một ngày cũng sẽ mong chờ quên nhau như vậy. Phật gia coi đây là luân hồi, nếu bạn giác ngộ được mối duyên pháp này, có lẽ bạn sẽ dùng một phương thức khác để đánh giá những tụ tan ly hợp của đời người.

Rời đi với Thiền ý nửa tỉnh nửa mê, lá phướn ngũ sắc bay phấp phới trong gió, đã không phân biệt được rõ ai là khách qua đường, ai là người quay về. Cờ phướn vẫy gọi trong khoảnh khắc này, là đang cáo biệt hay là đang mời gọi đây?

(3) Pháp hội Địa Tạng

Kinh Phật chép rằng, ngày ba mươi tháng bảy âm lịch hàng năm là ngày đản sinh của Địa Tạng Bồ Tát, truyền thuyết nói rằng đây cũng là ngày Kim Địa Tạng đắc đạo, ngày này, núi Cửu Hoa cử hành điển lễ long trọng ở Nhục Thân điện. Có rất nhiều khách dâng hương sẽ từ trời nam đất bắc hối hả tụ hội đến đây, trong những tay nải nặng trĩu chứa đầy lòng thành kính và ước nguyện, mang theo hương khói và kinh kệ, chỉ để chiêm bái lần pháp hội Địa Tạng trang nghiêm này.

Trong ngày này, núi Cửu Hoa phô bày trước mắt mọi cảnh tượng phồn hoa vô tiền khoáng hậu. Người đổ về như thác lũ, vứt bỏ mọi khói bụi của nhân gian, thong thả dạo bước ở Cửu Hoa, dưới chân vạn Phật, cầu ước siêu độ vong linh, tiêu trừ tai chướng. Trên những con đường bằng phẳng, không phải vì người đến quá nhiều, ngày tháng quá lâu, mà cảnh quan núi Cửu Hoa trở nên cũ kỹ tàn úa, nhạt nhòa dung nhan.

Bao nhiêu người khách qua đường đi trên phố Cửu Hoa, cảm nhận thánh địa được gọi là “Phật quốc liên hoa” này, trong thời gian mơ hồ, bỗng tưởng rằng mình là một vị tăng giả vân du trở về, chìm đắm trong nó, không thể nào rời đi lần nữa. Từ đây, tháng ngày hương khói không ngớt, và ngàn vạn du khách đều trở thành một vẻ đẹp không thể thiếu trong khung cảnh Cửu Hoa.

Tòa điện đường được xây dựng trên lưng chừng núi chính là “Bách Tuế cung” nổi tiếng của núi Cửu Hoa, ánh nắng vỡ vụn xiên xiên rải trên bức đại tự sơn son thϊếp vàng, nhưng không thể đánh thức nổi những linh hồn ngủ say trong điện. Trên mảnh đất tịnh thổ không vướng bụi trần này, buồn đau sẽ được thanh thản, tội ác sẽ thành thiện lương. Có lẽ bạn từng hô mưa gọi gió, cũng từng kiêu ngạo phóng túng, nếu bạn đến đây, cho dù là với bất cứ thân phận nào, trong tuệ nhãn trong suốt như nước của Phật tổ, tất thảy chúng sinh đều bình đẳng.

Đúng thế, tất cả những người đến núi Cửu Hoa dự Pháp hội lớn này đều được gọi là khách hành hương. Họ cam tâm tình nguyện buông bỏ sự kiêu ngạo và vinh quang của ngày thường, đón nhận sự thanh tẩy của hương khói trước Phật, chờ đợi Phạn âm làm tinh khiết tâm hồn. Những người này, ai nấy đều có duyên pháp của mình, họ trèo đèo lội suối chẳng quản nghìn dặm xa xôi đến đây, là vì không nhìn rõ được cuộc sống sướиɠ khổ mơ hồ nơi thế gian, hay là chán ghét khói lửa mù mịt chốn hồng trần, chỉ muốn ở chốn hoa sen nở rộ, dùng linh hồn làm lời chú giải, đổi lấy tâm trạng bình tĩnh và yên lành.

Sinh mệnh có hạn, có lẽ đến nay không ai thực sự hiểu rằng, Phật tổ rốt cuộc đã dùng sức mạnh gì mà có thể giữ chặt được linh hồn của khách hành hương, để họ luôn đau đáu tình thâm tìm đến. Làm thế nào khiến họ lưu luyến không nỡ rời như thế, chỉ muốn tìm một chốn có thể dừng chân ở núi Cửu Hoa, bình yên ung dung sống hết một đời một kiếp dưới ánh sáng của bồ đề?

(4) Núi chính Thiên Đài

Cảnh trí núi non xưa nay luôn nằm giữa chốn mây mù vạn trượng, trong mây khói nhìn thấy núi non trùng điệp, cảm nhận trời đất huyền ảo, luôn thấy rằng, phong cảnh cũng như đời người, đều có nhân quả riêng của nó. Có bao nhiêu núi sâu rừng rậm, thì có bấy nhiêu suối chảy thác trào, núi rừng sâu thẳm chứa biết bao đền miếu cổ sát bị mây khói che phủ giống như chốn Bồng Lai tiên cảnh, không vướng bụi trần.

Núi non Cửu Hoa như một bức tranh thủy mặc đậm nhạt đan xen, mà núi Thiên Đài là một nét bút đậm màu gộp lại của rất nhiều núi non, kết tụ hết thảy thắng cảnh của núi Cửu Hoa, thế nên du khách từ ngàn xưa đã hết lần này đến lần khác tụ hội phong vân trên đỉnh Thiên Đài. Từ đường Cửu Hoa lên Thiên Đài, dọc đường vừa kiếm tìm phong cảnh, lại vừa bị phong cảnh đuổi theo. Đến chính đỉnh của Ngũ Đài, phóng tầm mắt nhìn núi non nhấp nhô, cúi xuống ngắm Trường Giang như lụa. Khi cái tôi nhỏ bé đứng trước trời đất mênh mông vô tận, bạn không biết là sinh mệnh đã tạo nên sự thần kỳ của vạn vật, hay là vạn vật nung nấu lên sự thần kỳ của sinh mệnh.

Ngọn gió núi trong lành lướt qua, làm thức tỉnh những suy nghĩ còn u mê, từng trận gió rì rào như sóng biển mang đến mùi trầm hương cổ mộc thơm ngát. Trong thời đại vừa theo đuổi đỉnh cao vừa sùng bái tự nhiên này, và cũng trong thời đại vừa chạy theo trào lưu lại vừa vứt bỏ trang sức bề ngoài, trở về với bản ngã, càng có nhiều linh hồn cần đi từ nóng vội đến trầm tĩnh, càng nhiều sinh mệnh cần đi từ rực rỡ lóa mắt đến bình dị thực chất, vẫn nói người ở ngôi cao lạnh không chịu nổi[5], nhưng chỉ có đăng cao, mới có thể nhìn rõ núi sông trùng điệp, hiểu được vạn tượng gió mây.

[5] Nghĩa bóng chỉ người có địa vị cao thường không có tri kỷ.

Khi mây khói mịt mù lan tới, bạn vẫn có thể nhìn thấy rõ một tảng đá lớn, bên trên khắc ba chữ “Phi Nhân Gian”. (không phải chốn nhân gian) Nơi đây chỉ nghe thấy tiếng chuông, chỉ nhìn thấy đỉnh núi cheo leo trong mây khói chờn vờn, nhân gian dường như càng lúc càng xa mãi muôn trùng. Những người đến đây đều muốn trong một thời gian ngắn ngủi được đắm mình hoàn toàn vào trong mộng cảnh. Trong mơ, bạn là một tiên khách chốn núi thiêng, không nếm trải khói lửa nhân gian nữa, trong mơ bạn ngồi nghiêm trang trên đài sen, ngắm hết những khách qua đường lặng lẽ tới tới lui lui.

Trong mộng, mấy độ sen rụng rồi sen lại nở, khi tỉnh lại tuổi xuân tươi đẹp đã chẳng còn. Lúc mây khói nhạt nhòa tan đi, bạn nhìn thấy bản thân đang đứng giữa ranh giới của mộng và tỉnh, cõi lòng xao động đó như những gợn sóng lăn tăn trên mặt hồ phẳng lặng.

Một đời người luôn đi tìm phong cảnh hoàn mỹ nhất, há không biết phong cảnh hoàn mỹ nhất lại thường không hẹn mà gặp hay sao? Bạn trao cho Thiên Đài một quãng thời gian, Thiên Đài sẽ trả lại bạn một khoảng năm tháng.

Ai nói thời gian dễ dàng vứt bỏ con người, nhân lúc tháng ngày không chú ý, bạn có thể ném bỏ nó, giẫm lên cầu thang mộng tưởng, phiêu du trong thánh địa tinh thần. Có những chuyến biệt ly mà không cần ngoảnh đầu nhìn lại, giống như một số chuyện cũ không cần phải hồi tưởng. Núi Cửu Hoa chính là như thế, nó đem đến cho bạn quá khứ hữu tình, rồi lại đem đến cho bạn tương lai bình thản, mà cuộc sống của thời khắc này hoàn toàn thuộc về chính bạn. Nếu như vẫn quên lãng, thì hãy mượn núi Cửu Hoa như chiếc bút tuyệt diệu, lấy núi làm giấy, lấy sông làm mực, vẽ hết vẻ đẹp thiên thu, phong nhã vạn đời.

Há chẳng biết, văn chương phi thường, cần phải có phong cảnh phi thường, và còn cần có cuộc đời phi thường. Bạn đến với một tâm trạng nặng nề, thì có thể sẽ ra đi với một tâm thế thanh thản thoải mái. Sau này, mặc dầu tháng năm như nước, sông núi già đi, phong cảnh của núi Cửu Hoa vẫn như ngày hôm qua. Đóa hoa sen tinh khiết đó vẫn âm thầm tỏa hương giữa phong cảnh nhân sinh người đến kẻ đi.

Thêm Bình Luận