Chương 1: Tìm kiếm[1]
Chúng ta thường chuyển từ một sàn nhảy náo nhiệt này sang một sân khấu tịch mịch kia, diễn tới diễn lui, chẳng qua một mình bạn, chẳng qua một mình tôi. Dưới quang âm sâu lắng, nói mấy câu sáng tối tròn khuyết, uống một ly trà đậm nhạt nóng nguội.
Người sống trên đời rốt cuộc là vì điều gì? Những lúc hoang mang túng quẫn, chúng ta luôn kìm lòng chẳng đặng hỏi bản thân như thế. Nhàn du chốn nhân gian là vì sứ mệnh riêng tư của mỗi cá nhân, là vì một tín ngưỡng không thể nói ra, hay vẻn vẹn chỉ là một kiểu tồn tại giản đơn? Đời người mỗi bước đều là ván cờ, người bố trí bàn cờ rốt cuộc là ai, bạn và tôi đều không cách gì biết được. Chúng ta thường chuyển từ một sàn nhảy náo nhiệt này sang một sân khấu tịch mịch kia, diễn tới diễn lui, chẳng qua một mình bạn, chẳng qua một mình tôi. Dưới quang âm sâu lắng, nói mấy câu sáng tối tròn khuyết, uống một ly trà đậm nhạt nóng nguội.
Nhân gian này, phong trần nhất, mênh mang nhất, cũng vô tình nhất, rõ ràng đã cho chúng ta góc khuất nương thân, lòng lại không chốn ở yên. Chúng ta vẫn một lòng tình nguyện trăn trở giữa cõi trần, non một chặng, nước một chặng, đeo hành trang tìm đến phương xa, vì mộng tưởng trong lòng. Chúng sinh vạn tướng, tâm tình khác nhau, tạo ngộ đời người khác nhau, nơi chốn hướng về cũng khác nhau. Có người si mê bờ nước Giang Nam[1], trăng lạnh hoa mai thanh tao, có người tham luyến gió cát đại mạc, đìu hiu sông Dịch[2] thê lương. Có người thích mơ một giấc mộng ẩm ướt dưới nếp nhà cũ, có người lại nguyện ý rời phố xa quê, đi tìm câu chuyện nhân quả chôn giấu trong hoang nguyên.
[1] Giang Nam: tên gọi trong văn hóa Trung Quốc chỉ vùng đất nằm về phía nam Trường Giang. Vùng đất Giang Nam thay đổi theo thời gian, hiện được cho là bao gồm thành phố Thượng Hải, phía nam của tỉnh Giang Tô và tỉnh An Huy, phía bắc của tỉnh Giang Tây và tỉnh Chiết Giang, khu vực quanh hồ Động Đình. Một số khu vực của tỉnh Phúc Kiến đôi khi cũng được tính là thuộc vùng Giang Nam.
[2] Sông Dịch: một con sông ở phía tây tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Kinh Kha đi hành thích vua Tần, Thái tử Đan nước Yên tiễn biệt tại đây.
Mỗi người đều có quê hương thuộc về mình, có quê hương từ nhỏ sinh ra và lớn lên, cũng có quê hương của tâm linh. Quê hương chân thực, có lẽ là non xanh nước biếc, cầu đá liễu rủ, nhà gỗ bình yên. Quê hương của nội tâm, có lẽ là bụi vàng đường cổ, bão tuyết cao nguyên, gió dài l*иg lộng. Chúng ta đều là những người bình thường nhất, nhưng vì mộng tưởng khác thường trong lòng, lại cam nguyện làm một lữ khách phiêu bạt chân trời, phóng khoáng vẫy chào quê nhà, đi đánh thức nền văn hóa đã trầm mặc ngàn năm trên mảnh đất xa xưa mà thần bí ấy.
Tây Tạng, nơi ấy cách bầu trời rất gần, cách giấc mơ rất xa, những năm gần đây, vì mảnh đất thần diệu này, biết bao người đã dấn bước trên lộ trình dằng dặc dọc đường gió bụi. Chẳng mấy chốc, cao nguyên hoang vu mênh mông đã trở thành quê hương mà vô số kẻ lãng du hồn mơ lòng nhớ. Nhiều người đối với chân trời xa xăm này đều bội phần xa lạ, thậm chí chẳng biết máy bay, nhưng vẫn nhất mực tình sâu đem linh hồn tá túc tại đây. Chắc chắn là có thứ gì đó khiến chúng ta mê mẩn không rời, có lẽ là bí mật thần kỳ chôn giấu nơi đất Tạng, là kinh phướn phấp phới tỏ rõ luân hồi[3], là lời nguyền đến từ văn minh viễn cổ.
[3] Luân hồi (samsāra) chỉ những đời sống tiếp nối nhau, trạng thái bị luân chuyển của một loài hữu tình khi chưa đạt giải thoát, chứng ngộ Niết Bàn.
Có những người không nề hà muôn dặm rong ruổi đến đây, chỉ để múc một hũ nước thánh của hồ Thanh Hải[4], chỉ để ngắm một thoáng mặt trời lặn trên cung Potala[5], chỉ để bước trùng lên dấu chân công chúa Văn Thành[6] năm xưa, chỉ để ngâm nga một bài thơ của Tsangyang Gyatso, cũng để tận mắt nhìn thấy một lần mục dân lùa ngựa cừu từ đồng cỏ này sang đồng cỏ khác, tiếp nối câu chuyện này với câu chuyện khác. Hoặc là quan sát một lần thiên táng, xem chim điêu rỉa sạch thi thể, một thân xác chớp mắt đã biến mất, cả chiếc áo xanh cũng chẳng đem đi được. Tất cả chúng sinh đều có tính Phật, kiếp này thành Phật, là vì siêu độ khổ nạn của chúng sinh.
[4] Hồ Thanh Hải hay hồ KokoNor là hồ lớn nhất Trung Quốc và là hồ nước mặn lớn thứ hai thế giới sau hồ Muối Lớn ở Mỹ. Hồ nằm ở độ cao 3.205m - 3.260m trên bồn địa của cao nguyên Tây Tạng, cách thành phố Tây Ninh, thủ phủ tỉnh Thanh Hải khoảng 100km về phía Tây.
[5] Cung Potala nằm ở thành phố Lhasa, Khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc, đã là nơi ở của Đạt Lai Lạt Ma cho đến khi Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 chạy sang Dharamsala, Ấn Độ vào năm 1959. Ngày nay, cung Potala là một viện bảo tàng, một địa điểm thu hút khách tham quan nổi tiếng, đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. “Potala” là dịch âm từ tiếng Phạn, có nghĩa là “thánh địa Phật giáo”.
[6] Công chúa Văn Thành (623-680): cháu gái vua Đường Thái Tông, hoàng hậu thứ hai của vua Thổ Phồn Songtsän Gampo, là một đệ tử Phật giáo, cùng với công chúa Nepal Bhrikuti Devi - hoàng hậu thứ nhất của Songtsän Gampo, được cho là những người đã đưa Phật giáo vào Tây Tạng.
Suốt dọc đường, nhìn thấy người Tạng áo quần lam lũ quỳ gối rạp mình đi về phía trước, trong ánh mắt chứa đầy kiên định không thể lung lay. Họ lựa chọn dùng phương thức thành kính này để đi hết hành trình xa xôi, vì niềm tin trong lòng, vì tìm kiếm kiếp trước trong mơ. Tất cả những ai đi qua bên họ đều sẽ cảm động đến đầm đìa nước mắt, cũng muốn vì họ gánh vác chút gì đó, nhưng lại bất lực biết bao. Nhiều người đến đều là để bái yết sinh mệnh, đến cung Potala, tiếp nhận lễ rửa tội thánh khiết nhất. Một mảng bầu trời xanh thẳm ấy, có chim ưng dang cánh chao liệng, mây trôi tản mác, với tay chạm được.