Chương 4: Ước hẹn gió mây

Thể loại: Đam

Văn án:

Cố Minh còn chưa trở về từ kinh thành, tôi đã bị cưỡng ép lên giàn thiêu.

Dân chúng ở đây đền đáp một vị quan thương dân như con bằng cách lấy đi sinh mạng người chàng yêu nhất.

"Cố Minh kiếp sau ta sẽ làm nữ nhân đến tìm chàng, thế gian này vốn không dung thứ nỗi tình yêu của hai nam nhân."

******

Ta là Lý Bình, một người vẽ tranh dạo. Ta chu du khắp tứ phương bán từng bức tranh để mưu sinh. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm lại qua năm, cuối cùng đã có nơi khiến ta muốn dừng chân.

Từ năm lên mười, mẹ ta vì muốn trút đi gánh nặng mà ném cho ta 100 văn tiền*, đuổi ta lên kinh thành tìm cha. Mẹ ta nói cha ta làm quan lớn ở kinh thành, đến nơi chỉ cần hỏi người tên Vương Đại Tráng ai cũng sẽ biết. Mẹ còn nói ta không phải lo cha ta không tin, vì ta giống ông y như đúc.

(*: một bữa màn thầu với trà thời xưa rơi vào khoảng dưới 10 văn tiền, 100 văn tiền đi đường xa thì nhiều khi không đủ. (Có thể không chính xác))

Vất vả lắm mới đến được kinh thành, ta lại nhận được tin cả nhà họ Vương phạm tội lớn, tru di cửu tộc. Trong người không còn nổi một văn tiền, ta tuyệt vọng lang thang khắp nơi.

Ban đầu ta hái trái dại ven đường, uống nước suối sống qua ngày. Nhưng như vậy vẫn không đủ, xung quanh không ít người lớn trẻ nhỏ đói khát như ta, cái gì ta nghĩ có thể ăn được, đều có người đến tranh giành.

Sau đó ta lại trở thành một tên ăn mày nhỏ cùng bọn họ tranh giành địa bàn. Có lúc bị đám trẻ lớn hơn đuổi đánh đến ngũ quan méo mó, có lúc đói đến ngất đi, lại có những buổi tối trời lạnh thấu xương ta nằm trên nền đất lạnh nức nở cả đêm.

Khoảng thời gian cực khổ đó cả đời ta sẽ không bao giờ quên.

Hai năm sau, may mắn lại đến với ta. Có một họa sư bày tranh bán ở chợ, tranh ông vẽ rất đẹp, mỗi tuần chỉ bán một lần, mỗi lần chỉ bán nửa canh giờ là hết sạch.

Mỗi lần ông ta đến bán, ta đều rất thích thú ngồi từ xa ngắm tranh, ta dùng một cái que vẽ trên nền đất phỏng theo tranh của ông.

Rồi đến một ngày, họa sư đã chú ý đến ta. Ông để ý một đứa trẻ ăn mày đã ngồi đó nhìn mình mấy tháng nay, liền lại xem nó rốt cuộc đang làm gì? Sau khi nhìn thấy nét vẽ của ta trên nền đất, ông liền nhận ta làm học trò.

Họa sư đưa ta về nuôi ở trong nhà, dạy chữ, dạy vẽ,cho ăn no mặc ấm.

Tuy lúc dạy ông rất nghiêm khắc nhưng đứa trẻ vừa thoát khỏi cảnh đói khát như ta, tất nhiên liền sùng bái ông như một tiên nhân cứu thế.

Họa sư đã già, ngày ông còn sống không thấy một người thân nào, sau khi ông qua đời, con trai con gái tề tựu đầy đủ tranh giành tiền của.

Ta tất nhiên không thể ở đó nữa. Năm năm ở cùng họa sư ta đã giúp ông vẽ rất nhiều tranh, dành dụm không ít của cải, trước khi qua đời họa sư nhờ ta mang tất cả gia tài đi lên phía bắc, đến thôn A tìm một người có tên là Tôn Đinh, trao hết cho anh ta.

Sau khi hoàn thành điều được phó thác, ta nối nghiệp Tôn họa sư hồi trẻ, làm một người vẽ tranh ngao du bốn bể.

Ta đi mãi đi mãi, từ phía bắc sang đông rồi sang tây cuối cùng lại trở về phía nam. Đi hết 3 năm. Sau cùng ta lại không trở về quê cũ, cũng không về quê của họa sư. Ta đi đến những nơi ta chưa từng qua, bán tranh cho những người ta chưa từng bán, gặp những người ta chưa từng gặp gỡ.

Giữa biển người mênh mông, gặp được người mới ngỡ, hóa ra là định mệnh.

Cố Minh là Tri huyện của huyện Tô Giang đã được một năm, rất khác so với những người bề trên cao cao tại thượng, chàng là một vị quan liêm chính nhất ta từng biết.

Chỉ ở Tô Giang này, mới thấy được một người đứng đầu xuất đầu lộ diện nhiều đến vậy.

Bá tánh nơi đây không còn xa lạ gì, một nam tử anh tuấn một tuần ba bữa tự mình đi khắp các hương, thôn* xem dân chúng sống như thế nào.

(*: xã, thôn (Có thể không chính xác))

Ta từng thấy xa những vị quan, dân chúng có đánh trống kêu oan cũng không mở cửa, từng xem qua những vụ xử án bằng tiền. Trên thế gian hiểm ác này liệu rằng công bằng có tồn tại được không? Và bao lâu đây chứ?

Ngày đó ta được Cố Như Hoa mời đến nhà họa chân dung. Lúc ta đang họa chàng đã đứng đằng sau tự lúc nào.

Chàng khen ta vẽ đẹp, có thể mở lớp dạy chứ không cần bày bán khắp nơi. Nhưng chàng đâu biết, nét vẽ của ta từ trước đến nay vẫn luôn được hoan nghênh đấy thôi.

Từ khi còn ở nhà Tôn họa sư, ngoài tranh chân dung, tranh phong cảnh… thì loại tranh cấm* ta vẽ rất được săn đón bởi những kẻ ăn chơi, lắm tiền. Có khi còn là kẻ lắm tiền có chức vị rất cao.

(*: tranh người lớn.)

Nhờ vậy, ta chưa bao giờ phải lo lắng thiếu ăn, thiếu mặc. Vẽ tranh với ta chính là thú vui, là cách ta tồn tại giữa sự đời tẻ nhạt.

Mối nơi ta đi qua thường sẽ không trụ lại quá một tháng, lúc ta chuẩn bị rời đi thì ngày nào cũng nhận được lời mời từ tri huyện. Ta đã vẽ không biết bao nhiêu là tranh của đại nhân.

Vẽ từng thân cây ngọn cỏ, từng ngóc ngách trong nhà.

Hôm đó ở trong phòng Cố Minh sao chép tranh quý, bỏ qua việc tại sao cứ nhất thiết phải là phòng Cố Minh? Tình cờ gió mạnh bật mở cửa sổ, thổi một bức tranh trên đầu tủ bay xuống.

Ta nhặt lên tiện mở ra xem, vừa lúc này đại nhân trở về.

Ngượng ngùng một hồi ta mới biết, đây là tranh chàng được tặng, tình cờ cũng là tranh cấm của ta.

Sau này ta mới biết, hóa ra vừa nhìn thấy nét vẽ của ta chàng đã nhận ra ngay.

Một vị quan thanh liêm mà lại giữ loại tranh này trong nhà sao?

Trong nhà Cố Minh có mẹ và tiểu muội, tiểu muội là Cố Như Hoa mười bảy tuổi, kém ta ba tuổi. Cố Minh lại hơn Cố Như Hoa một giáp, dù vậy trông chàng chỉ ngoài hai mươi, nhìn rất trẻ.

Dây dưa không rõ ở thôn Giang* suốt ba tháng, ta nhận ra mình cũng nên khởi hành rồi.

(*: thôn thuộc huyện Tô Giang, không có thật)

Ta đi đến các thôn lân cận, định trong mười ngày đi đến huyện bên. Vừa mới đi qua khỏi địa phận thôn Giang, Cố Minh đã đuổi đến.

Chàng nói chàng không muốn ta đi, chàng không rõ rốt cuộc đối với một nam nhân như ta là như thế nào? Dù rất kì lạ, dù trái luân thường đạo lý cũng muốn ở bên ta.

Lần đầu tiên ta tự hỏi, mình cứ chu du khắp nơi như vậy để làm gì?

Năm mười tuổi ta bị đuổi ra khỏi căn nhà ta luôn nghĩ là của mình, năm mười hai tuổi ta lại tìm được một căn nhà khác. Suy cho cùng đều không phải nhà của ta.

Sau hôm Cố Minh kéo ta về trấn Giang, ta quyết định mua một căn nhà nhỏ trong trấn.

Cuối cùng ta cũng có nhà, thì ra có nhà cũng không quá khó khăn…

Nhà của ta và chàng…

Những ngày sau đó ta và Cố Minh trò chuyện thâu đêm suốt sáng. Chàng kể về những khó khăn trong quan trường, những áp lực không dám thổ lộ cùng ai, kể về chuyện lúc chàng thi khoa cử, kể về lúc nhỏ chàng tắm sông bị cuốn theo dòng nước suýt mất mạng.

Ta cũng kể cho chàng nghe, năm đó lúc bị đuổi đi nửa đường ta có quay trở về tìm nương, người dân trong thôn nói nương đã đi theo một người đàn ông ở trấn bên.

Ta kể cho chàng nghe những tháng ngày đầu đường xó chợ, những lần bị Tôn họa sư phạt roi rồi được dỗ bằng một bát mì.