5h sáng, trong không gian yên ắng tịch mịch , một giọng đàn ông đay nghiến, khàn đặc la toáng lên:
- "Thằng nhãi, tiền của t đâu, tao nói mày điếc à."
Trên chiếc giường cũ kĩ, một thiếu niên chậm rãi ngồi dậy, đảo mắt nhìn người đàn ông trung niên đang phát ra từng lời cay nghiệt, biểu cảm của hắn lạnh băng hệt như đây là một chuyện thường ở huyện, mở miệng đáp:
- "Tiền của ông? Tiền nào của ông vậy?"
- "Thằng chó, mày lên giọng với ai đó, tiền mày đi làm cả tháng đâu, mày giấu nhai một mình à, mày muốn chết phải không hả?" - Lão trung niên giương cặp mắt hung tợn hướng về người thiếu niên, cái mồm mấp mé lộ ra hàm răng vàng khè và xiêu vẹo đậm mùi thuốc lá, đặc mùi cồn rượu.
Người thiếu niên nhàn nhạt nhếch môi:
- "Muốn có tiền xài thì tự đi mà kiếm." - Nói xong, hắn bước xuống giường, một đường đi thẳng về hướng phòng vệ sinh.
Bất chợt, lão trung niên thô bỉ tựa như thổ phỉ gian ác, nghiến răng nghiến lợi, cặp mắt vốn đỏ vì hơi men nay lại càng đỏ hơn, hung hăng lao về phía người thiếu niên. Giờ khắc này, bàn tay thô kệch của lão nắm lấy chùm tóc của chàng thiếu niên giật mạnh ra đằng sau, lão rống lên như bị bị chọc tiết:
- "Thằng đ*, đúng là mẹ nào con nấy, mày giống y chang bản mặt con mẹ của mày, nghĩ mình thanh cao lắm hả? Tiền đâu thằng oách, mày nghĩ tao không dám gϊếŧ mày à?"
Người thiếu niên bị túm tóc đổ người về sau, nhưng rất nhanh hắn liền lấy lại được thăng bằng, tiện đà cơ thể xoay ngược ra sau vung tay đấm vào bụng gã trung niên thô tục khiến gã lảo đảo rơi phịch xuống nền nhà lạnh lẽo. Người thiếu niên vồ tới bắt lấy khuỷu tay lão ta bẻ ngoặt ra sau lưng, cả cơ thể đè lên người lão, quát:
- "Tôi nói lại lần cuối, tiền là do tôi tự kiếm được, không đến lượt ông xài, còn không câm mồm coi tôi gϊếŧ ông. Ông biết tôi dám mà."
Lão trung niên bị áp chế, sắc mặt tím tái hậm hực muốn phản kháng, song khi nghe câu cuối cùng đó, lão ta tựa như bị dọa sợ, cơn say xỉn như tỉnh táo mấy phần, lập tức ngậm mồm.
Chờ khi nghe tiếng cửa phòng vệ sinh đóng "SẦM" lại, lão mới lật đật đứng dậy, mồm oang oác la làng:
- "Bớ người ta, thằng con trời đánh đòi gϊếŧ cha nó, thằng lõi Giang Tường là đồ chó ch*t."
Lão luôn mồm mắng nhiếc người mà lão gọi là "con trai", lão chửi như tụng kinh, cặp môi dày mở ra khép vào liên tục, những lời lẽ thô thiển bị lặp đi lặp lại cả trăm ngàn lần. Lão chửi đến hết hơi, mất giọng, liền lăn ra nền nhà ngủ như chết. Con hẻm bấy giờ mới lại trở về khung cảnh yên ắng như vốn có, mà người dân ở nơi đây, hệt như đã quá quen với những tiếng chửi rủa đó, chẳng có lấy một sự bất ngờ.
Lúc này, mặt trời cũng đã ló dạng, người thiếu niên Giang Tường một thân đồng phục học sinh leo lên chiếc xe đạp thể thao viền bạc đã nhuốm màu thời gian, hắn lao đi như thiêu thân, tràn đầy sức trẻ, ngập tràn tinh lực. Bánh xe thoăn thoắt lao nhanh trên đường mòn, vượt qua con hẻm nhỏ, khuất khỏi ngôi nhà trời đánh.
Giang Tường dừng lại trước một gánh hàng bánh bao, nhoẻn miệng cười:
- "Dì Hảo, hôm qua không ăn bánh của dì, con nhớ đến không chịu nổi đây này".
Người phụ nữ có tên "Dì Hảo" với gánh bánh bao đã bán ở lề đường hơn chục năm, thân hình hệt những như người phụ nữ trung niên đã phát tướng, khuôn mặt lam lũ ánh lên nỗi khắc khổ ẩn sâu trong đôi mắt. Bà cười rộ lên, nụ cười ấy tựa xua đi phần nào sự cơ cực trong cuộc sống, chỉ còn lại sự vui vẻ điềm nhiên, bà đáp:
- " Thằng nhỏ dẻo hoạt, mi ăn bánh bao ngon nhất xóm của dì mà không nhớ mới lạ đó". Nói xong, bà lại cười rộ lên lần nữa tựa như tự hào lắm. Rất nhanh, bà liền nói thêm:
- " Sao nào, sáng nay muốn mua mấy cái đây?"
Giang Tường đáp bà:
- "Một cái đi dì."
Đôi tay thoăn thoắt của dì Hảo mở nồi bánh mới toanh, lấy ngay hai chiếc bánh bao nóng hổi bỏ vào hộp, đưa cho cậu học sinh.
- "Thanh niên đang tuổi lớn, một cái bánh ăn sao no, cầm hai cái ăn có sức đi học."
Giang Tường nhìn hộp bánh bao nghi ngút khói, nửa thật nửa đùa cười:
- "Thôi dì, con chỉ cần 1 chiếc, bao tử hẹp, chịu thôi."
- "Thằng nhóc, tiết kiệm tiền đúng không, cứ ăn đi, dì mày không lấy thêm tiền. Gớm, ngày thường ăn 2 cái mày còn muốn ăn nữa mà bây giờ la bao tử hẹp, dì mày dốt chứ không ngốc lắm đâu con."
Giang Tường cầm lấy bánh, tay đút vào túi quần lấy ra vài tờ tiền lẻ cẩn thận đếm, sau đó đưa cho dì Hảo nói cảm ơn. Rất nhanh liền đạp con xe đi mất.
- "Thằng nhỏ này bướng thật, đã nói không tính thêm tiền mà vẫn không chịu, lần sau không bán cho mi nữa." - người phụ nữ lắc đầu kể khổ, song khóe miệng lại không khỏi mỉm cười.
Trong mắt những người từng tiếp xúc với Giang Tường, có thể nhận xét rằng hắn lớn lên trông rất được, dáng người cao ngất, rắn rỏi khỏe mạnh, mặt mũi khôi ngô, nét nào ra nét nấy, thành tích học tập càng không thể khinh thường. Cả người mang dáng dấp ngang tàng, tuổi trẻ với niềm tự tôn rất lớn, song nhìn chung tính tình không tệ, biết chào hỏi trên dưới, cư xử cũng đúng mực.
Nhưng ai nấy cũng biết, gia đình là vấn đề tối kỵ của hắn. Cũng đúng thôi, sống trong cái gia đình như giẻ rách đó thì làm thế nào mà không tối kỵ cho cam. Đứa nhỏ ưu tú như thế ấy vậy mà lại có người cha là cây nghiện rượu chè, bài bạc, phận đàn ông lại đi ăn bám vợ, túi không dính một xu, hỏi đến nghề nghiệp thì không biết xấu hổ mà đáp rằng là "Tuyệt thế Tửu khẩu", "Bài thủ cừ khôi". Ôi chao, nếu "tuyệt thế", "cừ khôi" thật thì chẳng tới nước vợ đi nɠɵạı ŧìиɧ, lừa gã ly hôn rồi tái giá với người đàn ông giàu có, bỏ mặc gã cùng thằng con trai 6 tuổi mặt non choẹt trong cái nhà tồi tàn gần cuối hẻm. Gã thì thôi khỏi tính, chỉ thương thằng nhỏ có người cha bất tài, vô dụng, vũ lực; người mẹ khốn khổ quá cũng phải trở nên vô tâm, ích kỉ, bỏ mặc con đi tìm hạnh phúc riêng. Hai bên họ hàng thì như câm như điếc, chẳng buồn quan tâm đến cái gia đình ô tạp đó.
Nhưng may sao, đứa nhỏ vẫn còn một người chú để ý nó, ít ra nó vẫn có chút tiền miễn cưỡng lớn lên. Cứ như thế, 10 năm thấm thoát thoi đưa, đứa bé mặt mũi non nớt cầm cự sống, âm thầm lớn, trở thành một chàng thiếu niên Giang Tường 16 tuổi mạnh mẽ như thế, tuấn tú như thế, lại ngang tàng như thế...