Chương 3: Bị cướp

Xe buýt dừng mấy chặng liền nhưng Trần Ngọc vẫn ngồi yên tại chỗ mà không có ý định xuống. Ai không biết còn tưởng cô chưa tới nơi mình muốn tới, nhưng thực chất là cô không biết nên đi đâu.

Nhà mẹ không thể về, bạn bè thì lại chẳng có ai. Từ khi tốt nghiệp đại học rồi lấy chồng, Trần Ngọc liền ít liên lạc với bạn thời đại học, lâu dần cũng sắp thành người dưng của nhau rồi.

Tình cảnh hiện tại của cô thật sự không còn gì thảm hơn. Người ta hay có câu người nghèo thường hay xui. Nên cái thảm của Trần Ngọc không chỉ dừng ở đó.

Đợi tới khi nhận được thông báo của nhân viên trên xe buýt rằng trạm kế tiếp sẽ là trạm cuối, Trần Ngọc mới đành phải xuống xe.

Nơi cô xuống là khu phố sầm uất nhất phố Tây, chợ đêm mới vừa vào giờ hoạt động, vô cùng náo nhiệt.

Mùi thơm của đồ ăn vỉa hè từ các hàng quán xung quanh khiến bụng Trần Ngọc réo lên từng cơn, lúc này cô mới nhớ ra mình chưa ăn tối.

Trần Ngọc nhìn thấy một quán mì cũng khá đông khách, lại có giá rẻ nên bèn bước vào. Bên trong quán dường như đã được lấp kín, chỉ còn lại một bàn ở trong cùng là chỉ có một người đàn ông ngồi, đối diện vẫn còn trống một ghế. Theo chỉ dẫn của người phục vụ, Trần Ngọc nhanh chóng bước đến chỗ ghế trống ngồi xuống. Cái va li của cô cũng không lớn, được đặt bên cạnh. Lúc rời khỏi Lê Gia, cô chỉ mang theo ít quần áo đem từ nhà tới khi kết hôn, còn lại đồ mà cô dùng tiền của Lê Gia Thiệu mua, cô không lấy bất cứ cái nào.

Bát mì được bưng ra mang theo một mùi thơm khiến bụng Trần Ngọc kêu réo càng thêm dữ dội.

“Ngon quá.”

Theo cảm nhận của Trần Ngọc, bát mì này còn ngon hơn sơn hào hải vị ở Lê Gia. Đúng là khi tâm trạng người ta thoải mái, vị giác cũng theo đó mà cải thiện ít nhiều.

Khi cô đang bận thưởng thức hương vị thơm ngon lâu lắm mới được thưởng thức này, thì trong quán đột nhiên hỗn loạn, có một toán người chạy vào quán ẩu đả. Từ lúc đi học rồi lấy chồng, cô chưa bao giờ ăn uống ở quán vỉa hè nên càng không biết phản ứng như thế nào. Tất cả mọi người xung quanh đã nhốn nháo đứng dậy tránh né, Trần Ngọc thấy vậy cũng vội đứng dậy. Nhưng lúc này cô lại hoảng hốt phát hiện chiếc va li bên cạnh đã biến mất, hơn thế nữa, chiếc túi xách cô đeo bên vai đã bị thủng một lỗ lớn, toàn bộ tiền và giấy tờ tùy thân đã bị mất!

Trần Ngọc hoảng loạn nhìn xung quanh, bỗng thấy phía xa ngoài tiệm có một người đang xách chiếc vali cô chạy nhanh vào trong hẻm. Cô vội vàng hét lớn.

“Trộm, có trộm, có cướp!”

Mọi người nghe tiếng hét của cô cũng không có phản ứng gì, giống như đây là chuyện thường ngày, một số khác lắc đầu chậc lưỡi thương cảm, cũng tiếp tục ngồi xuống ăn mì. Đám người ẩu đả cũng giải tán mất, rõ ràng đây là một vụ dàn cảnh để trộm đồ. Ông chủ tiệm mì thấy vậy, bước đến nhẹ giọng.

“Thôi cô ơi, tụi nó có chuẩn bị hết rồi, không lấy lại được đâu. Khu này phức tạp, nhìn cô cũng sang trọng như vậy, ít lui tới sẽ tốt hơn. Nếu bị trộm hết rồi thì kêu người nhà đến trả tiền đi.”

Trần Ngọc tuyệt vọng ngồi xuống ghế, đôi mắt thất thần vô hồn. Phải mất một lúc lâu cô mới tiêu hóa được lời của chủ tiệm. “Người nhà…” Trần Ngọc thì thầm. “Mình có thể trông cậy vào người nhà sao?” Đường nhiên là Trần Ngọc không thể gọi cho cha mẹ, họ mà biết được thì chắc chắn cô lại phải về đối mặt với tên Lê Gia Thiệu thối nát kia.

Trần Ngọc có một đứa em trai nhỏ hơn cô ba tuổi tên là Trần Tấn Khang. Lúc này cậu ta vẫn còn là sinh viên của một trường tư thục nổi tiếng, mà cậu ta được vào học ở đây cũng là nhờ danh tiếng của Lê gia cho. Em trai cô đã được nuông chiều từ nhỏ, cũng đã sớm được định sẵn là người thừa kế sản nghiệp của Trần gia.

Trần Tấn Khang tính tình ngang bướng, tùy tiện, lại thêm được cha mẹ yêu thương nên suốt ngày cứ ăn chơi lêu lỏng, cậu ta lên lớp, đậu đại học đều do cha mẹ đút lót trường học chứ muốn dựa vào thành tích thì ngay cả trường bình thường cũng khó vào.

Trần Ngọc và Trần Tấn Khang không quá thân thiết, cô không thích lối sống của em trai, càng bất mãn chuyện gia đình trọng nam khinh nữ. Chuyện gì cũng ưu tiên cho cậu ta đầu tiên, cô luôn là vật hi sinh cho lợi ích của mọi người. Ngay cả chuyện hạnh phúc cả đời cô cũng vậy.

Lúc này, Trần Ngọc cũng chỉ có thể gọi cho Trần Tấn Khang, hi vọng cậu ta có thể nể tình chị em mà giúp đỡ cô được chút ít.

Cũng may khi nãy cô nhét điện thoại vào túi quần nên không bị trộm đi. Cô bấm số gọi cho em trai, đầu dây bên kia không hồi âm. Trần Ngọc sốt ruột gọi lại lần nữa, dưới ánh nhìn chòng chọc của ông chủ tiệm. Cuối cùng cũng nghe được hồi đáp.

“Rồng đến tìm tôm à? Hôm nay sao chị chủ động gọi cho em vậy?”

“Chị có chuyện muốn nhờ một chút, em có thể…”

“Chị có ông chồng giàu có lại thông minh, cần gì em nữa. Đừng nói giỡn vậy chứ! Lão còn mới chơi em một vố, chị muốn chọc em tức chết sao?”

Từ khi Trần Ngọc được gả cho Lê gia, người nhà họ Trần đi đâu cũng đều mượn oai hùm, Trần Tấn Khang cũng không ngoại lệ. Mỗi lần đi ăn chơi lêu lổng, cậu ta đều ghi nợ vào danh nghĩa của anh rể quý hóa Lê Gia Thiệu nhà mình, chút tiền đó cũng không là gì với Lê Gia Thiệu nên anh ta cũng mắt nhắm mắt mở nhẫn nhịn. Dù sao anh ta cũng cần thể diện của một thiếu gia nhà giàu, không nên so đo chút tiền với người em vợ quý hóa này.

Thế nhưng Trần Tấn Khang lại càng được nước lấn tới, đi đâu ăn chơi cũng mặc định để Lê Gia Thiệu thanh toán. Lần này cũng vậy. Anh ta rủ bạn bè đến quán bar sang chảnh của phố Tây để tổ chức sinh nhật cho một em gái xinh đẹp trong nhóm chơi cùng. Đến lúc thanh toán, như thường lệ anh ta ghi nợ dưới tên của Lê Gia Thiệu thì lại bị từ chối. Quản lý quán bar đó nói Lê Gia Thiệu đã ra thông báo từ chối thanh toán hộ Trần Tấn Khang, câu nói đó khiến anh ta bị mất mặt trước bạn bè.

Trần Tấn Khang gọi cho anh rể mình nhưng không ai nghe máy, anh ta tức điên nhưng không thể làm gì được, chỉ có thể đổ mọi trách nhiệm là do chị gái mình chọc giận Lê Gia Thiệu nên mình mới bị vạ lây.

Chưa kịp đợi Trần Ngọc nói thêm lời nào, Trần Tấn Khang đã ngắt điện thoại ngay. Cô bất đắc dĩ cười khổ. Đây là người nhà của cô, cùng chung một dòng máu.

Cô quay sang đối diện với ánh mắt khinh thường của ông chủ tiệm mì, cắn răng nói.

“Ông chủ à, người nhà tôi đang ở xa, có thể cho tôi nợ không?”

Lão ngay lập tức quát lớn.

“Muốn ăn quỵt hả? Loại như người như cô, tôi đây gặp hàng ngày. Nếu không có tiền trả thì rửa hết đống chén kia rồi đi! Thật là xúi quẩy.”

Những người khách còn lại ái ngại nhìn cô. Họ cũng chỉ là những lao động nghèo, tiền kiếm được đều là mồ hôi nước mắt, không thể bỏ tiền ra cho một người xa lạ mượn được. Tuy nhiên lão chủ quán cũng thật biết các bóc lột người ta. Chỉ một bát mì mà bắt người ta rửa một đống chén lớn như vậy, đúng là bắt nạt người khác quá đáng.

Thấy chuyện cũng không liên quan đến họ, những người khách đó cũng nhanh chóng rời đi sau khi ăn xong.

Trần Ngọc thật sự muốn khóc. Nhưng lúc này khóc thì có ích gì, người khác cũng không hề thương xót một chút nào. Cô hít một hơi thật sâu, cố gắng đè ép cảm giác bi thương và uất ức của bản thân, xắn tay áo lên bắt đầu rửa chén.