Chương 15: Người chế tác nỏ thần 15

“Thành Cổ Loa do ta cùng các thầy thợ dựa vào thế núi cũng như tính toán trước sách lược thủ thành mà thiết kế ra, nỏ liên châu cũng do ta chế tạo. Như ta đã nói từ đầu, ta đặc biệt ưa thích chế tạo vũ khí mới, sau nhiều lần đánh trận, chỉ huy đội cung tiễn, ta thấy quân tốn rất nhiều thời gian để làm ra mũi tên, do mũi tên rất dài và phải vót thẳng mới bắn được chuẩn nên khá kì công. Mà mỗi lần bắn tên đi cũng chỉ được 1 mũi, uy lực không thực sự lớn, ta mới nảy ra ý tưởng chế tạo ra loại cung bắn 1 lần ra nhiều mũi tên, tên cũng làm nhỏ gọn hơn để tết kiệm tài nguyên. Từ ý tưởng đến thực tế ta đã bỏ ra hơn 15 năm trời nghiên cứu, chế tạo, ban đầu là nỏ đơn, sau tăng lên 3 mũi, rồi năm mũi, cuối cùng mới làm được nỏ thần cả trăm mũi tên. Thân nỏ làm từ hỗn hợp của đồng và 1 số phụ gia để tăng độ cứng, chi tiết cánh cung đúng như ngươi miêu tả, còn phần sau - phần lẫy nỏ là 1 bí mật lớn, ta dám chắc vài nghìn năm sau không ai có thể làm ra được.” Nói đến đây, giọng điệu của vị tướng trở nên khỏe khoắn, hào sảng. Ông ngưng lại để nhớ về cây cung huyền thoại, kiệt tác lớn nhất của đời mình.

“Ở thời đại của tôi, có một số người chuyên khảo cổ tìm ra mũi tên và cả lẫy nỏ, họ đang tìm cách phục chế nỏ thần”

“Thứ bọn họ tìm được chỉ là nỏ thông thường có thể bắn nhiều nhất 3 đến 5 mũi tên thôi. Trong quá trình nghiên cứu làm nỏ liên châu, ta đã chế ra nỏ thường có tốc độ bắn cực nhanh và không mất nhiều thời gian lắp tên như cung, nỏ này khá dễ làm nên nhanh chóng lan rộng trong quân. Còn nỏ liên châu uy lực thực sự với mỗi lần bắn ra 100 mũi tên, chỉ có duy nhất 1 chiếc do chính tay ta chế tác. Lúc đầu nỏ do Trọng Thủy phá hoại ngầm cơ quan bên trong, sau thì Thục Vương tức giận vì nỏ không còn uy vũ mà đã ném nó vào chảo lửa hủy đi.”

Trước đây, khi Triệu Đà bại trận, cử sứ giả đến cầu thân, ta đã nhiều lần ngăn cản An Dương Vương, chỉ rõ rằng đây là cái bẫy để chiếm nước ta. Vương không nghe, cứ chấp thuận cho Trọng Thủy sang ở rể tại Loa thành làm tin cho việc cầu hòa. Ta biết họa sắp đến, chỉ cố gắng cắt cử người theo sát Trọng Thủy tránh làm lộ quân cơ nhưng không lâu sau, Vương nghe bọn nịnh thần - những kẻ sớm bị quân Triệu mua chuộc mà ghẻ lạnh ta, quá chán nản, ta bỏ thành mà đi, nhưng vì lòng trung nên vẫn bí mật luyện quân hộ vệ chúa lúc nguy cấp.”

“Theo truyền thuyết dân gian kể lại, ngài cũng là người đem lòng yêu công chúa Mị châu, vì lẽ đó khi ngài ngăn cản liên hôn Âu Triệu, Thục Phán mới cho rằng do ngài không muốn mất công chúa vào tay kẻ khác mà ra sức ngăn cản?”



“Ngươi đang ở năm bao nhiêu theo lịch thời đại của ngươi? Sao có thứ truyền thuyết xuyên tạc đến thế nhỉ”. Cao tướng quân hỏi.

“năm 2018”. Nó đáp

“Hừ, tức là hơn 2000 năm rồi. Cũng phải, có lẽ sử kí sau này thất lạc, chuyện kể cũng theo thời gian mà sai khác đi nhiều. Khi ta cứu Thục chúa ở bến Thần Vũ rồi gia nhập Thục quân, Thục vương gả công chúa Phượng Hoa cho ta. Hơn 1 năm sau, nàng sinh hạ cho ta 3 người con trai. Sau này đều thành tướng và tử trận trên xa trường. Không có chuyện ta yêu Mỵ châu, công chúa khi ấy mới 15 tuổi còn ta đã ngoại tứ tuần, Vương với ta như bằng hữu, công chúa như thể con gái ta vậy. Các con trai của ta nếu còn sống đến giờ cũng đã chừng đôi mươi rồi.” Ông nói đến đây, cổ họng nghẹn lại, niềm thương cảm 3 người con chết trẻ, rồi cảnh nước mất nhà tan, bản thân ông cũng sắp tọa hóa, cảm xúc dồn tụ lâu ngày bỗng chốc trào dâng xâm chiếm cả sang tâm thức của linh hồn tạm trú ngồi nghe chuyện cũ. Nó cảm nhận những giọt nước mắt mặn chát đang rơi xuống quanh khóe miệng, có lẽ vị tướng gan dạ đã nén chặt tâm tư vào lòng, quyết không đổ lệ dù nghịch cảnh bủa vây. Nhưng đến giờ khi đã mất tất cả, đến tận cùng của giới hạn, ông mới để mặc cảm xúc vỡ òa. “Là nghiệp chướng ta tạo ra, ta tàn sát qua nhiều người, đến cuối cùng thì vì cái gì chứ, nước mất nhà tan...”

Ngài đã tận tâm vì nước vì dân, lưu danh sử sách, các thời đại sau, nhiều vị vua Việt tộc cũng ghi nhận công lao vệ quốc của ngài sắc phong cho ngài thành Vương, tính đến thời đại của tôi có hơn 20 sắc phong tại nơi thờ ngài.” Nó lên tiếng an ủi.

Vị tướng ôm đầu đáp, “Những thứ ấy để làm gì chứ, hiện tại ta là bại tướng, thân trọng thương, thời gian còn lại trên thế gian không còn nhiều nữa. Đã ở cảnh khốn cùng, nhìn lại bỗng thấy hoang mang, cái gì là trung quân ái quốc, cái gì mà chính trực một đời. Đâu mới thực sự là ý nghĩa tồn tại của ta?”