Chương 6: Đừng trách anh rời bỏ mẹ con em
- Nhưng ba anh dạy bọn anh là con trai lớn rồi thì phải ngủ riêng mới chứng tỏ được bản lĩnh đàn ông em ạ.
- Em ứ biết đâu... ứ chịu...
- Thôi được rồi, em nín đi, anh cho em ngủ trên giường anh, anh sẽ ngủ ở chuồng lợn để bảo vệ em.
- Chuồng lợn?
- Ừ! Chuồng lợn của anh ở ngay đây nè!
- Vậy lúc chị ma tới anh phải xông lên giải cứu em đấy nhé! Không được để chị ý bắt em đi đâu!
- Nhất trí!
Thấy anh Niệm khẳng định, Miên an tâm chui vào chăn của anh ngủ ngon lành. Chị Hoài đứng ngoài cửa sổ hóng hớt phải cố lắm mới nhịn được cười. Ban nãy nghe tiếng Miên khóc chị sốt ruột lao xuống, đang định vỗ về cô nhóc cơ mà xem ra Niệm con đã làm rất tốt rồi. Nó còn nhanh nhẹn mở tủ lấy một bộ chăn gối khác vác ra chuồng lợn ngủ. Chiếc chuồng này do chính chị và Niệm ba lên ý tưởng thiết kế, vừa được hoàn thiện hôm kia. Chuồng lợn đặt ngay trong phòng riêng của Niệm con, có diện tích bằng phòng ngủ của chị ở nhà mẹ Quỳnh. Niệm ba đóng toàn bộ phần khung xung quanh và ốp nền bằng gỗ quý, chị làm một giàn mướp giả leo lên những thanh gỗ, quấn quít với nhau tạo thành mái che, may thêm hai chục con lợn bông nhỏ nhét vào trong chuồng. Ông nội còn chiều Niệm tới mức mua hẳn cho nó mấy cái máng, thi thoảng ông đổ thức ăn vào đó rồi mang vào chuồng lợn cho cháu. Thú vui của Niệm là ăn không cần bát đũa, cứ thế vục đầu vào máng lợn mà ăn, ăn xong lười biếng chu môi để ông lau mặt hộ. Từ lúc được tặng cái chuồng lợn hễ rảnh rỗi nó lại tung tăng chui vào chuồng, sống đúng với tác phong của một con lợn.
Chỉ khác cái là, con lợn này vẫn phải đi mẫu giáo, và từ bây giờ sẽ dẫn theo em Nắm Cơm Ngon của nó đi học cùng nữa. Khi chuẩn bị hồ sơ giấy tờ nhận nuôi Miên, chị đặt cho bé một cái tên mới, Dương Thuỳ Miên, Thuỳ trong từ "thuỳ mị". Con nhóc thích ghê lắm, nó ôm mẹ Hoài cười mãi thôi. Ban đầu chị sợ Miên không theo kịp các bạn, thật không ngờ cô giáo bảo con tiếp thu rất tốt. Chắc vì từng đi bán hàng nên Miên lanh lẹ hơn các bạn cùng tuổi, xem chừng trong ba đứa con chỉ có Niệm khiến chị lo lắng.
- Cả tháng con mới mang về được mỗi một cái phiếu bé ngoan thôi mà cũng toàn mùi dầu mỡ ngấy tới tận cổ là sao hả Niệm?
Đấy đâu phải mùi dầu mỡ đâu, đấy là mùi ngô chiên bơ mà, mũi mẹ Hoài dạo này kém thật đấy. Cơ mà kệ mẹ thôi, Niệm con còn đang bận húp sữa trong máng lợn.
- Ăn! Uống! Suốt ngày ăn với uống không chán hả Niệm? Mau sang nhà chị Bông học bài cho mẹ!
Sang nhà chị Bông? Thế là lại sắp được ăn khoai tây chiên à? Sướиɠ phết nhỉ? Niệm con uống cạn chỗ sữa rồi hí hửng chạy tót sang nhà chị trước. Mẹ Hoài còn tắm cho Miên nên hai mẹ con sang sau. Mẹ kể cho Miên nghe rất nhiều chuyện về chị Bông giỏi giang, cô con gái nuôi đầu tiên của mẹ. Miên ngưỡng mộ chị quá chừng, gặp chị bé chào rõ to:
- Em chào chị Bông Ly thông minh xinh đẹp ạ.
Mẹ bảo tên ở nhà của chị là Bông, tên thật là Ly nên Miên ghép vào cho vui.
- Chị thông minh xinh đẹp thì cả thế giới này đều biết rồi, em khỏi cần nhấn mạnh. Cơ mà lần sau hoặc là gọi Bông, hoặc gọi Bích Ly, đừng gọi Bông Ly, nghe quê chít. Em là bé Miên mẹ Hoài mới nhận nuôi hả?
- Dạ, mẹ Hoài đang ở dưới nhà nói chuyện với mẹ Bích nhà chị ạ, mẹ bảo em mang váy tặng chị nè.
Mấy bộ váy mẹ Hoài tự may rất đẹp, tiếc rằng Bông đã không còn hứng thú với những món đồ chẳng có nhãn mác như này rồi. Váy áo Bông khoác trên người đều phải đến từ những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, cô bé thích sự nổi bật, thích cảm giác đi ra đường mọi người đều ngoái lại nhìn mình trầm trồ ngưỡng mộ. Bông thở dài vứt chiếc túi Miên đưa vào xó tủ, lịch sự nói vọng xuống lầu dưới:
- Mẹ Hoài ơi váy rất đẹp, Bông thích lắm. Bông cảm ơn mẹ nhiều nha! Mẹ Hoài thật tuyệt!
Chị Hoài nghe giọng gái yêu ngọt như đường tự dưng ruột gan mát rười rượi, không uổng công chị giúp cô Bích chăm Bông từ thuở bé. Chị lớn tiếng dặn con:
- Kèm em Niệm học bài giúp mẹ nha con! Niệm tiếp thu chậm lắm, con chịu khó dạy em đánh vần và tập viết trước để khi nào lên lớp một em còn theo kịp các bạn.
- Dạ vâng ạ.
Vì không muốn mẹ Hoài buồn nên Bông đáp rất ngoan, cơ mà cứ nhìn Niệm đang tóp tép nhai khoai tây chiên, hai bàn tay nhớt nhát đầy mỡ cô bé lại thấy khó chịu. Cả Miên cũng thế, hai đứa này eo ui bẩn khϊếp, trông như lũ mọi rợ ngoài đầu đường xó chợ, chẳng có xíu khí chất thanh cao nào của con nhà gia giáo cả. Bông vẫy Đông qua chỗ mình, dịu dàng đọc truyện tranh cho em nghe. Đông giỏi lắm nhé, Bông mới dạy qua đã bập bẹ đánh vần được vài từ rồi, tư chất vượt xa thằng Niệm mặt lợn.
- Chị Bông ơi, ngờ ay ngay huyền ngày nè!
- Đúng rồi, ngày xửa ngày xưa, ở vương quốc xa xôi nọ có một nàng Công chúa vô cùng xinh đẹp.
- Chị Bông đó, chị Bông là Công chúa xinh đẹp, còn Đông là chàng Hoàng tử phong độ lịch lãm của chị.
Đông ba hoa, chị Bông ngượng đỏ mặt, em Miên thích thú chỉ vào một bức vẽ trong truyện, hào hứng bảo:
- Còn đây là em, em là Công chúa nước láng giềng.
- Eo khϊếp! Em bỏ ngay cái tay ra khỏi quyển sách của chị đi! Tay em đen đen bẩn bẩn nom gớm chết!
- Đâu có đâu! Tay em sạch mà, mẹ Hoài rửa tay cho em sạch lắm luôn ý, đen đen là do ngày xưa em đi bán hàng bị rám nắng thôi, mấy bữa nữa là trắng ra ý mà.
- Chị không cần biết, em mau tránh ra chỗ khác đi!
Chị Bông quát, Miên tủi thân lủi ra chỗ khác chơi. Phòng chị Bông cũng nhiều đồ hay ghê, đến cả cái thùng rác cũng đẹp, thùng rác hình em thỏ xinh nhé, toàn đồ còn tốt mà chị Bông đã vứt đi rồi. Bản tính thích lượm lặt trỗi dậy, Miên ngồi thu lu ở góc phòng bới đồ. Miên lượm được một chiếc lắc chân được xâu từ rất nhiều những quả dâu xanh bằng pha lê, nhưng có vài quả bị vỡ. Em tháo chiếc lắc đó ra, vứt những quả bị vỡ đi sau đó buộc lại đeo vào chân mình. Thật đẹp và duyên dáng quá đi à! Miên thích thú nhảy nhót quanh phòng hại chị Bông hơi ngứa mắt. Bông thích chiếc lắc đó lắm, nhưng bị vỡ nên mới phải vứt đi.
- Đồ ăn cắp! Trả lại lắc chân cho chị!
Bông gào ầm lên, Miên ương bướng không chịu.
- Em không ăn cắp, em nhặt được ở thùng rác, chị vứt đi rồi mà, chị không dùng nữa thì bây giờ nó là của em.
Đã là đồ của Bông thì cho dù Bông không dùng nữa người khác cũng đừng hòng động vào. Bông xông tới định giật lại chiếc lắc chân, ngặt nỗi Miên chạy nhanh quá chừng, cô nhóc trốn sau lưng Niệm, bĩu môi trêu ngươi Bông:
- Bắt em đi! Có giỏi thì tới đây mà bắt em nè!
Niệm béo không cho Bông động tới Miên. Bông giận tím tái mặt mày, cô bé lao xuống nhà méc mẹ Hoài:
- Mẹ Hoài ơi! Miên lấy trộm của con! Nó là đồ ăn cắp vặt trơ trẽn! Mẹ Hoài đuổi nó đi, đừng nuôi nó nữa!
Niệm con hiển nhiên không muốn mẹ Hoài đuổi Miên đi, cậu bé quay ra đằng sau khuyên nhủ:
- Miên trả lại lắc chân cho chị Bông đi em.
- Hem trả!
- Nhưng chiếc lắc chân đó xấu hoắc. Đã là dâu thì phải chín đỏ mới ngon ngọt chứ, dâu xanh chua loét!
- Nhưng mình đâu có ăn đâu mà chua với ngọt ạ? Hình dâu xanh nom cũng dễ thương chứ bộ! Anh Niệm nhìn nè, dễ thương chưa nè!
Miên lắc lắc bàn chân, những quả dâu va vào nhau nghe vui tai ghê gớm. Ngặt nỗi, Niệm vẫn không thấy chiếc lắc chân đẹp ở chỗ nào cả, cu cậu thở dài phân tích:
- Anh nghĩ em đang có một sự nhầm lẫn không hề nhẹ đấy. Chiếc lắc chân đó nom vô cùng xấu, vấn đề ở đây là tại em dễ thương ý. Tại em dễ thương sẵn rồi nên đeo cái lắc chân nào thì cũng dễ thương thế thôi!
- Ơ... thế ra vấn đề là tại em dễ thương ạ?
Miên ngơ ngác hỏi, Niệm khẳng định chắc nịch:
- Ừ, nếu không thì em nghĩ vấn đề nó nằm ở đâu?
- Em... em hem rõ... em dễ thương nhiều lắm à?
- Nhiều lắm luôn.
- Thực ra xưa giờ em cũng biết mình dễ thương đấy, nhưng em đâu có ngờ được là mình lại dễ thương nhiều đến thế. Đã vậy thì em hem thèm chiếc lắc chân này nữa.
Miên khẽ nhấc chân giơ lên phía trước. Niệm hiểu ý tháo chiếc lắc ra, mẹ Hoài cũng vừa hay dắt chị Bông lên lầu, cậu trả lại lắc chân cho chị.
- Niệm trả lại lắc chân cho chị không có nghĩa là Miên chưa từng ăn trộm đồ của chị.
Chị Bông đanh đá tố cáo, Miên xị mặt biện minh:
- Mẹ Hoài ơi Miên không hề ăn trộm đồ của chị Bông đâu, là tại chị vứt vào thùng rác nên Miên mới nhặt ý.
- Ai bảo chị vứt? Chị chỉ vô tình làm rơi vào thùng rác thôi. Nếu em không hề ăn trộm đồ của chị thì lúc chị đòi lại em phải trả chứ, đằng này em nhất định không chịu.
- Thì... thì em trả rồi đó thôi.
- Chị mà không méc mẹ thì còn lâu em mới trả.
- Chị nói ứ đúng! Em trả đâu phải do chị méc mẹ đâu, em trả là do em dễ thương ý!
Miên cãi, mẹ Hoài phì cười phân giải:
- Miên này, lần sau nếu chị Bông đòi đồ thì con trả luôn cho chị nhé! Cả Bông nữa, lần sau con chú ý giữ đồ cẩn thận, một khi đã đánh rơi rồi thì phải chấp nhận bị mất chứ đừng bù lu bù loa lên đổ tội ăn trộm cho người khác. Đã là con gái cưng của mẹ Hoài thì không nên cãi nhau inh ỏi chỉ vì một món đồ, các con hiểu chưa?
Hai đứa nhỏ ngoan ngoãn vâng dạ rồi nghe lời mẹ ôm nhau làm lành. Xử xong tụi con gái chị Hoài mới có thời gian ngó sang thằng con trai. Ôi chao! Cái môi nó mới bóng loáng làm sao! Nom chiếc đĩa bên cạnh trống trơn sáng loáng chị đoán ngay trước lúc mình sang cô Bích lại dúi đồ ăn cho cu cậu rồi. Trông nó kìa! Bụng căng phình lên nhưng tay vẫn chống cằm ưu tư nhìn qua cửa sổ, chăm chú ngắm nghía những bắp ngô nướng vàng ươm ở gánh hàng rong phía dưới vỉa hè. Chị Hoài điên tiết quát tháo:
- Dương Tất Niệm!!! Con đã học được chữ nào chưa vậy? Nghe bạn Đông đánh vần rõ ràng rành mạch thế kia mà con không biết xấu hổ à?
- Sao anh Niệm lại phải xấu hổ hả mẹ? Anh đọc truyện còn hay hơn cả chị Bông đấy ạ.
Miên bao biện thay anh, chị Bông bĩu môi chê Miên xạo, mẹ Hoài tuy không tin tưởng bé cho lắm nhưng vẫn đưa quyển truyện tranh ra thách thức con trai. Dương Tất Niệm hờ hững lật giở từng trang, thì ra đây là cuốn truyện song ngữ do chị Bông tự sáng tác. Truyện gì mà khó hiểu quá chừng? Rõ ràng ở ngoài bìa vẽ một cậu bé đang ngồi vắt vẻo trên quả dưa hấu siêu to khổng lồ mà trong truyện lại không có cảnh bổ dưa nào cả?
- Không lẽ thằng nhỏ này ghét ăn dưa hấu? Sau nó lại ghét ăn dưa hấu nhỉ? Dưa hấu ngon vậy mà!
Niệm con buột miệng thắc mắc, mẹ Hoài méo mặt lườm con trai. Vậy mà chị còn hi vọng Niệm biết đọc chữ, có mà đọc bằng răng! Chắc nó lại cầm quyển truyện chém gió linh tinh khiến Miên hiểu nhầm đây mà. Chị tức mình lôi Miên và Niệm về nhà, lấy khăn lau sạch cái mặt đầy mùi dầu mỡ của Niệm xong chị ra lệnh:
- Giờ mẹ xuống dưới muối dưa, Niệm ở trên này lấy vở tập tô ra tô hai trang chữ O cho mẹ, hai tiếng nữa không tô xong thì mẹ gọi ba về nói chuyện với con, hiểu chưa?
Niệm con tiu nghỉu gật đầu. Mẹ Hoài đi rồi em Miên mới bê ghế ra bàn ngồi cùng anh Niệm, thỏ thẻ hỏi han:
- Anh Thông Văn Cống ơi anh bị làm sao vậy?
- Anh bị díp mắt em ạ, chả hiểu sao lần nào ăn no xong mắt anh cũng bị díp lại, mệt mỏi hết sức.
- Thế á? Thương thế! Thôi để em tô bài hộ anh!
Miên đề nghị, Niệm khoái chí đẩy vở tập tô sang cho em, còn mình thì lười biếng áp má trên bàn học, vừa trìu mến nhìn Nắm Cơm Ngon vừa chẹp miệng nhận xét:
- Em tô đẹp thật, tròn trịa y như quả trứng gà, chắc sau này em sẽ luộc trứng ngon lắm đấy.
- Tất nhiên rồi, em sẽ luộc thật ngon cho anh ăn nha!
- Ừ. Có em thật tuyệt!
- Thế có em có tuyệt không?
Bé Quang chạy vào hỏi vặn, Niệm con gật đầu rồi ôm Quang cho em ngồi vào lòng mình, khẽ thơm má em. Nhất Quang là bảo bối quý giá được anh trai hết mực cưng chiều. Chỉ cần đợi anh ăn no, ngủ đủ giấc thì rủ anh đi chơi đâu cũng được. Anh hay làm nũng ông nội nhưng với Quang anh lại rất người lớn, anh cho Quang ngồi trên lưng anh, đưa Quang thong dong hết chỗ nọ tới chỗ kia. Quang cũng thương anh Niệm ghê lắm, thấy anh bị mẹ phạt tô chữ cậu bé liền hăm hở tô giúp anh. Bởi vì là tô đè lên những nét có sẵn nên chị Hoài không phát hiện ra có sự gian lận, lúc sau lên phòng thấy hai trang chữ O đã được tô kín chị cũng an tâm phần nào. Ngày hôm sau chị bắt Niệm tô chữ Ô, hôm sau nữa bắt tô chữ Ơ, dần dà bắt tô hết cả bảng chữ cái. Chị bắt con học trước để lên lớp một còn theo kịp chương trình mà không hề dự tính được rằng, chưa chắc con đã có khả năng thi đậu lớp một. Cầm tờ kết quả thi thử vào trường tiểu học trọng điểm của thành phố mà nước mắt chị giàn giụa.
- Niệm ơi là Niệm! Hồi chửa con mẹ ăn cái gì mà con ngu dữ thế hả con? Em Miên mới học mẫu giáo một thời gian ngắn đã được tám điểm, em Quang kém con hai tuổi làm thử đề thi cũng được năm điểm rưỡi, vậy mà con... chưa đến Tết con đã tặng mẹ một con ngỗng béo mầm là sao? Con không định lên lớp một học hả con?
Không! Học lớp một có gì vui? Chẳng có gì vui sất! Vào học sớm hơn thì chớ, tan học cũng muộn hơn trường mẫu giáo. Không những thế, chị Bông còn bảo lên lớp một có nhiều bài tập về nhà lắm, nhiều bài như thế thì thời gian đâu mà ăn, ngủ và chơi chứ? Bởi vậy cho nên với đề thi thử vừa rồi, Niệm con quyết định khoanh tất cả các đáp án A rồi đánh một giấc tới lúc cô giáo thu bài.
- Con không chịu tu chí học hành đi đến lúc thi thật mà như này thì chỉ có nước ở lại lớp mẫu giáo thôi.
Mẹ Hoài doạ, Niệm phấn khởi gật đầu. Mẹ điên người cuộn tờ giấy thi của Niệm thành hình trụ, đập đập vào đôi má phúng phính rồi cao giọng hỏi:
- Gật gật là ý gì? Đừng nói với mẹ con định học mẫu giáo cả đời nhé!
Niệm con định lắc đầu, nhưng thấy xe thể thao của Niệm ba đang tiến vào cổng, sợ ba trông thấy lại nghĩ mồm Niệm chỉ để làm cảnh nên cậu bé ngoan ngoãn đáp:
- Không đâu mẹ, Niệm con chỉ dành thời trai trẻ của mình để học mẫu giáo thôi, khi đã ở tuổi xế chiều Niệm sẽ nghỉ hưu để tập trung vào ăn, ngủ và chơi mẹ ạ.
- Thời trai trẻ? Tuổi xế chiều? Ra là ông đã tính toán hết rồi hả ông tướng con? Tôi đến lạy ông đấy! Thời trai trẻ ông không đi làm thì lấy đâu tuổi xế chiều được nghỉ hưu? Mai mốt lớn lên ba mẹ không nuôi nữa, ông cứ đi học mẫu giáo hoài thì ông lấy gì để nuôi cái thân béo mầm này, hả?
Mẹ Hoài cáu, Niệm con thản nhiên đáp:
- Dạ, đã có người nuôi con rồi mẹ ạ, mẹ khỏi lo. Người đó còn hứa sẽ luộc trứng cho Niệm ăn cả đời cơ.
- Ai? Ai luộc trứng? Ai nuôi? Béo quay béo cút thế này mà cũng có người nuôi nổi cơ à? Giỏi gớm nhỉ? Giỏi thế thì ông dọn ra ở riêng với người ta luôn đi! Đừng ở nhà ăn tốn cơm tốn gạo của tôi nữa!
Niệm con không hiểu đó chỉ là mấy lời dỗi hờn con trai mẹ Hoài lỡ thốt ra lúc nóng giận, cu cậu khẽ nhún vai rồi chạy qua phòng em Miên, thở dài nhắn nhủ:
- Miên! Mau thu dọn váy áo đi em, anh cũng về phòng thu dọn đồ đạc đây, lát anh sang đón em. Tình hình là mẹ Hoài muốn tụi mình dọn ra ở riêng em ạ!
Miên ngây ngô nhìn anh Niệm, cô bé còn chưa hiểu chuyện gì thì mẹ Hoài đã xông vào phòng tra khảo:
- Hoá ra Miên là người hứa sẽ luộc trứng cho anh Niệm ăn cả đời hả? Con lấy đâu ra trứng mà luộc?
- Dạ, con... con... con sẽ nuôi gà mẹ ạ.
Miên hồn nhiên đáp, Quang phấn khởi chen vào:
- Hay đấy! Anh rất tán thành với kế hoạch nuôi gà lấy trứng của em. Về phía anh, anh sẽ trồng rau để xào cho anh Niệm ăn, tụi mình sẽ chung sức nuôi anh Niệm béo mầm.
Ui chao! Được thế thì còn gì bằng? Dương Tất Niệm sung sướиɠ chạy tới ôm em trai, thủ thỉ dặn dò:
- Vậy Quang bé bỏng cũng về phòng thu dọn đồ đạc đi, anh đưa hai đứa ra ở riêng với anh!
Có người mẹ chứng kiến anh em nhà nó nghĩa nặng tình thâm, quyết chí nuôi nhau thì chán nản bỏ lên phòng, mặc kệ ba tụi nhỏ thay chị tra khảo:
- Dọn ra ở riêng là ra đâu?
Niệm con chưa biết nữa, có thể là dọn ra ngoài vườn, cũng có thể là đi tới một chân trời nào đó. Niệm con còn đang đăm chiêu suy nghĩ thì Niệm ba đã quát:
- Không đưa ai đi đâu hết, hiểu chưa?
- Dạ thưa ba.
Thấy anh Niệm thay đổi quyết định đột ngột, hai đứa em đồng thanh hỏi:
- Ơ thế tụi mình không ra ở riêng nữa ạ?
Dương Tất Niệm lắc đầu thở dài. Chịu thôi! Đối với cậu bé, mong muốn của mẹ chưa bao giờ cao bằng mệnh lệnh của ba. Nghe thấy giọng ông nội gọi ngoài cửa, Niệm con ra vẻ người lớn dặn dò các em:
- Hai đứa ở nhà chơi ngoan, anh đi công chuyện đây.
- Đi công chuyện là đi đâu ạ? Có vui không anh? Em cũng muốn đi! Cho em đi với!
Miên xin xỏ, Quang kéo em lại thì thầm:
- Không được đâu, nếu ông chỉ gọi riêng anh Niệm thì không ai được phép theo.
Miên tiu nghỉu cúi xuống chơi búp bê, Niệm con mải mê nhào vào lòng ông, mặc kệ Quang thay cậu dỗ em. Dương Tất Niệm thích đi học riêng với ông không phải vì cậu ham học hỏi, mà vì mỗi lần học bài tốt lại được ông cho đi ăn tới bến, ăn no lại được ông cõng về tận phòng.
- Miên! Quang! Sao hai đứa lại kéo nhau sang phòng anh Niệm thế này? Hư hết sức! Mau dậy mau!
Ông Nhất quát ầm ầm, Niệm con lim dim nhìn hai đứa em, một đứa ôm búp bê nằm trên giường, một đứa gáy khì khì trong chuồng lợn. Đâu có hư gì đâu nhỉ? Dễ thương hết sức mà! Niệm nũng nịu bảo ông đừng gọi lũ nhóc, bữa nay Niệm ngủ cùng ông. Mẹ Hoài nằm trên phòng nghe tiếng con trai nhì nhèo liền sốt ruột ca thán:
- Con nhà người ta được điểm kém ít nhiều cũng phải biết xấu hổ, con nhà mình ngược lại vẫn nhơn nhơn theo ông nội đi chơi tới tối mịt mới thèm vác mặt về nhà. Giống ai mà hư thế nhỉ? Chắc giống cái người năm xưa ngồi sổ đầu bài cả tuần xong phải thuê mình đi họp phụ huynh hộ.
Bị vợ móc mỉa, có ông chồng cười khổ. Ba Nhất đã đánh giá quá thấp cậu khi cho rằng chỉ mình ông mới nhận ra Dương Tất Niệm là một đứa trẻ đặc biệt. Niệm con lười không nói không có nghĩa là thằng bé không biết, không hiểu. Cậu nhớ năm ngoái có lần Bông sang chơi cậu đã sử dụng tiếng Pháp trêu hai đứa. Cậu bảo bữa nay cấm không cho tụi con ăn tối. Ánh mắt Niệm con ngay lập tức hoảng hốt, còn Bông, có thể do cậu nói hơi nhanh nên bé không nghe được, xị mặt bắt ba nói chậm lại. Cậu tủm tỉm viết lên giấy một phép toán, nói thật chậm rằng ai giải ra ba sẽ đưa đi ăn gà rán. Lần này Bông nghe được, nhưng sau một hồi tính không ra con chán nản bỏ xuống lầu chơi với bà Kỷ. Niệm ba thấy Niệm con hí húi thay áo quần đẹp tưởng thằng nhóc cũng bỏ cuộc nốt, ai ngờ ăn mặc bảnh bao xong nó phán câu xanh rờn:
- Đáp án là 8021! Mau đi ăn gà rán thôi ba yêu, ăn ngay và luôn cho nó nóng ba ạ!
Việc Dương Tất Niệm tính toán chính xác cho thấy đã có người âm thầm dạy kèm thằng bé, người đó là ai hiển nhiên Niệm ba đoán ra. Rất nhiều lần cậu muốn tiết lộ sự thật cho vợ, nhưng vì kiêng dè cái bệnh thích khoe con của bà xã nên đành phải kìm nén lại. Không muốn Niệm con bị chú ý quá nhiều, Niệm ba giả ngu an ủi vợ:
- Đừng lo lắng thái quá, chỉ là thi vào lớp một thôi mà.
- Chỉ là thi vào lớp một còn không thi nổi thì còn thi được lên cái lớp chó nào nữa? Đấy có thương con không mà cứ bình chân như vại thế? Đây nói cho đấy biết đợt này Niệm con mà thi trượt vào lớp một thì đây sẽ đi tìm ba mới cho nó. Tìm một người ba thật lòng thương nó, lo cho nó!
- Đấy...
Niệm ba tức nghẹn, nhưng trông Hoài lo lắng cho con ứa nước mắt lại thở dài ôm bà xã vào lòng, vừa thơm trán vừa nhỏ nhẹ động viên:
- Được rồi, để đây lo là được chứ gì?
Chị Hoài sụt sịt gật đầu, ban nãy chị chỉ nói cứng để Niệm ba phải có trách nhiệm hơn với Niệm con thôi chứ điên à mà đi tìm ba mới cho thằng nhỏ, ngu gì đâu! Chị biết chồng mình nói được làm được, nhưng chả thấy ông xã sốt sắng dạy con học bài chị vẫn thấp thỏm không yên. Chị nhắc nhở thì có người cứ bình thản gạt đi, kêu đâu khắc có đó mới tức chứ. Mãi tới buổi tối trước hôm thi vào lớp một Niệm ba mới thèm mò xuống phòng Niệm con.
- Đấy đùa à? Dạy một buổi đủ sao được?
- Đủ đỗ là được!
Niệm ba đáp, đoạn cậu đóng chặt cửa phòng không cho vợ hóng hớt. Ở bên trong Niệm vội vã khoanh tay chào:
- Dạ thưa ba, ba tìm Niệm con có chuyện gì ạ?
- Ừ, đúng là có chút chuyện. Niệm con ngồi đi. Tụi mình sẽ trao đổi với nhau như hai người đàn ông.
Niệm ba kéo chiếc ghế tre ra đưa cho Niệm con, đợi Niệm con ổn định vị trí, Niệm ba chậm rãi ngồi xuống đối diện với con, từ tốn mở lời:
- Ba nghe Miên nói ngày mai em sẽ làm bài thật tốt để thi đỗ vào lớp một, còn nguyện vọng của Niệm con là tiếp tục được theo học trường mẫu giáo đến hết thời trai trẻ, có phải hay không?
- Dạ vâng ạ.
Thực lòng Niệm con muốn em Miên tiếp tục học mẫu giáo cùng mình, nhưng có vẻ em rất thích bộ váy đồng phục ở trường tiểu học, thuyết phục em một hồi không được nên Niệm bỏ cuộc. Dẫu sao nói nhiều cũng mỏi cơ hàm lắm.
- Ba sẽ tôn trọng quyết định của Niệm con, con muốn học mẫu giáo bao lâu tuỳ thích. Tuy nhiên, ba hi vọng Niệm cũng tôn trọng quyết định của ba, có được không?
- Quyết định gì vậy ba?
- À, cũng chẳng có gì to tát cả. Sắp tới em Miên vào lớp một, thời gian vào học sẽ sớm hơn so với trường mẫu giáo, ba đoán tầm đó Niệm còn đang ngái ngủ nên ba định hàng ngày sẽ nhờ bạn Đông sang đưa Miên tới trường, để hai đứa dắt nhau đi học cho vui.
Cái gì? Dắt nhau? Sao có thể? Dắt díu nhau tình cảm như thế kiểu gì cũng cười cợt với nhau cho coi! Rồi có khi tan học còn đi ăn vặt với nhau nữa, ríu rít bên nhau suốt ngày thì thời gian đâu mà học cách luộc trứng ngon? Nỗi ám ảnh cuộc đời này sẽ phải ăn trứng cháy khét lẹt đeo bám Niệm con tới tận sáng hôm sau, khiến cho cậu bé bất đắc dĩ phải khoanh tất cả các đáp án đúng trong đề thi để có thể chắc chắn đỗ vào lớp một. Ngày Dương Tất Niệm nhận kết quả trúng tuyển vào trường tiểu học trọng điểm trong thành phố với số điểm cao nhất cũng là ngày cậu tâm trạng nhất. Niệm vui vì được tiếp tục dắt em Miên đi học, nhưng việc tạm biệt trường mẫu giáo thân yêu, tạm biệt món súp cua sánh mịn thơm ngọt ở căng tin cũng như những giấc ngủ đã đời vào buổi sáng đã khiến Niệm vô cùng não nề. Đang nằm ủ rũ trong chuồng lợn, Niệm nghe tiếng gọi í ới:
- Anh Niệm... anh Niệm ơi! Mẹ Hoài thưởng cho em bé cún đáng yêu chưa nè! Vì em đỗ vào lớp một nên mẹ mới thưởng đó anh! Eo ui lông nó trắng muốt xinh khủng khϊếp luôn á! Từ giờ nó sẽ là Hô Hô, con gái cưng của em! Hô Hô, chào bác Niệm đi con! Con ạ bác Niệm đi nào!
Miên trìu mến cúi xuống nói chuyện với Hô Hô. Cún con đưa đôi mắt đen láy lên nhìn Miên, được Miên vuốt ve bộ lông mềm mịn như bông bé cún liền nũng nịu rên ư ử. Miên sung sướиɠ reo lên:
- A! Hô Hô vừa chào bác Niệm đấy! Hô Hô ngoan ghê! Bác Niệm cũng chào Hô Hô đi bác Niệm!
- Ơ kìa... bác Niệm! Ơ... anh Niệm! Anh có nghe mẹ con em nói không thế?
- ANH NIỆM!!!
Miên hét vào tai Niệm, thấy anh vẫn thờ ơ không chịu tiếp chuyện mình, cô nhóc hờn dỗi:
- Ghét anh Niệm tội ngó lơ em, em giận!
Đã buồn chán lắm rồi còn bị Nắm Cơm Ngon hờn dỗi, Thông Văn Cống cáu kỉnh mắng:
- Sao hơi một tí em lại giận anh thế? Anh hi sinh vì em như vậy vẫn chưa đủ hay sao? Chỉ vì em mà sắp tới anh phải lên lớp một học đấy! Em mà tiếp tục quá đáng nữa thì đừng trách anh...
- Đừng trách anh làm sao?
Miên đanh đá gào lên, Niệm con nhức đầu hết sức. Cậu bé mệt mỏi chui ra khỏi chuồng lợn, định bụng sẽ rủ ông nội đi chơi cho quên sầu đời. Cơ mà trước khi đi, cu cậu vẫn ngoảnh lại nhìn Miên, lạnh lùng tuyên bố:
- Đừng trách anh rời bỏ mẹ con em.
- Anh rời bỏ mẹ con em đi đâu? Bao giờ anh về?
Miên xị mặt hỏi, Niệm thở dài bảo:
- Chắc anh ra quán nước làm vài ly sinh tố. Bao giờ em hết cằn nhằn thì anh về!