Chương 24

12 năm sau. Câu chuyện dần chìm vào quên lãng.

Lúc này, Tứ cũng đã lấy vợ sinh con. Gia đình khá vui vẻ, hoà thuận. Hai đứa con 1 trai, 1 gái đều là những đứa trẻ ngoan ngoãn, thông minh. Con trai lớn của anh năm nay đã 8 tuổi và đứa con gái mới lên 3. Ngày ngày, anh vẫn cùng vợ lên mảnh đất đã khai hoàng gần bìa rừng để trồng ngô, rau củ để kiếm thêm. Ngoài ra, anh cũng trồng thêm một vài loại cây ăn quả để lấy cái mang xuống chợ làng Hạ bán, lấy tiền cho 2 đứa con đi học. Hè năm đó, mấy cây vải được mùa. Cây nào cây nấy sai trĩu.

Tứ hồ hởi trẩy quả, bỏ vào thúng gánh về. Vào đến sân, đã thấy vợ ngồi chờ sẵn với đống dây chuối phơi khô từ mấy hôm trước, tươi rói đón anh. Chị Tứ nhanh nhảu đỡ cái gánh vải nặng trĩu trên vai xuống cho anh rồi mới chạy đi rót nước:

- Mình để đây, ngồi nghỉ đi một lát đã.

Anh Tứ vui vẻ đặt gánh vải xuống, đi lại cái chõng tre bên hiên nhà ngồi xuống. Anh đón lấy chén nước chè của chị Tứ đưa, nhấp 1 ngụm rồi vui vẻ nói:

- Vải năm nay được mùa, quả mọng mà ngọt lắm, lại ít sâu. Lứa này bán chắc cũng được kha khá đấy! Mình tính rồi mua cho 2 đứa nó ít quần áo mới nhé. Thằng Khang cũng đi học rồi, phải cho tươm tất một tí không chúng bạn nó cười.

Chị Tứ tíu tít chạy ra chỗ gánh vải, bứt một quả ăn thử rồi ngẩng lên:

- Công nhận ngọt thật mình ạ.

Nói rồi chị vơ nắm dây chuối, nhanh nhẹn nhặt từng cành vải trĩu dẻo xuống túm vào thành từng túm chừng hai cân một. Chị cứ thế túm lại, rồi xếp mấy túm vải thành hàng ngoài sân. Con bé út ngoan ngoãn ngồi bên cạnh nhìn mấy quả vải căng mọng. Nó thèm lắm, nhưng nó biết, đấy là vải để mang đi bán nên cũng chỉ dám ngồi nhìn. Tính ra cũng phải được hơn chục túm. Như thế này là đủ tiền mua quần áo mới cho 2 đứa và để dành được thêm 1 ít rồi. Sau khi buộc xong mấy túm vải, chị nhặt nhạnh mấy quả vải rụng cho vào cái rổ, dúi vào tay con bé con:

- Cái này cho con với anh Khang nhé.

Con bé sung sướиɠ reo lên, ôm cái rổ chạy lại cái chõng tre, ngồi xuống. Nó cẩn thận lựa quả lớn nhất, bóc vỏ rồi đưa vào miệng anh Tứ, toe toét cười nheo hết cả mắt lại. Chị Tứ cũng đi lại chõng, ngồi xuống rồi quay sang anh Tứ nói:

- Lát em xếp vào thúng, sáng mai mình gánh xuống làng Hạ sớm cho tươi nhé. Ngày kia là rằm rồi, mai gánh xuống bán, chắc chắn là đắt hàng đấy. Chỗ này khéo còn đủ tiền để dành, để Tết ăn mình ăn Tết to to một tí ấy chứ!

Anh Tứ cũng cười tươi rói:

- Ừ, mình sắp sẵn đi, sáng mai tôi đi chợ sớm rồi về luôn trong ngày cho khỏi muộn.



- Vâng, em biết rồi. Mình đi tắm đi, để em sắp cơm, lát thằng Khang về thì ăn luôn.

Nói rồi, chị quày quả đi sắp cơm. Mâm cơm hôm ấy thật vui, thật ấm cúng. Niềm vui no ấm khiến căn nhà nhỏ rộn rã tiếng cười cả buổi tối.

Đêm đó, trăng 13, tuy chưa tròn nhưng cũng sáng vằng vặc, y như cái đêm cô Thao bị hãʍ Ꮒϊếp đến chết ở trong rừng.

Sáng hôm sau, anh Tứ dậy thật sớm. Gà chưa gáy anh đã lục đυ.c dậy chuẩn bị gánh vải xuống làng Hạ. Chị Tứ đi từ dưới bếp lên thấy chồng đã dậy rồi thì hỏi khẽ:

- Mình dậy rồi đấy à?

- Uhm, đường xa, đi sớm một tí cho kịp chợ.

Chị đã dậy từ sớm, thổi cơm và làm cho anh mấy vắt cơm nắm để mang đi ăn đường. Cơm nắm với muối lạc vốn là món ăn dằn bụng rất tốt, lại dễ bảo quản nên lần nào anh đi chợ làng Hạ, chị cũng chuẩn bị cho anh mấy vắt cơm, đủ cho anh no bụng cả ngày. Chị cẩn thận gói mấy nắm cơm vào cái lá chuối, buộc lại để trong một góc thúng, lại gói thêm một gói muối lạc giã tay cho anh để ăn cùng cơm nắm.

Anh Tứ quẩy cái gánh trên vai bước chân đi lúc đó trời còn chưa sáng.

Mới đêm qua trời trong, trăng sáng là vậy, mà tới sáng nay nắng có một xíu đã thấy mây kéo đến đầy trời. Trời không nắng, lại có gió hiu hiu nên anh Tứ quẩy gánh quả đi cũng cảm thấy nhẹ hơn. Phiên chợ hôm đấy, gánh vải của anh như đặc sản, mọi người nhìn thấy vải ngon thì bu kín vào mua, chỉ một loáng là đã hết sạch. Lại còn được giá.

Bán hết gánh hàng thì trời cũng giữa trưa. Anh Tứ ngẩng lên nhìn trời, thấy mây đen đã vần vũ, dự báo một cơn bão lớn sắp sửa ập về. Với cái đà này, chắc chắn anh sẽ gặp bão ngang đường. Mà cơn bão này dự kiến là sẽ rất lâu mới hết vì đám mây dày như sập xuống đầu thế kia, chắc chắn là phải mưa tới 2 ngày chứ không ít. Anh nghĩ tới cái mái nhà đang có vài chỗ dột thì lo lắng lắm. Anh mà không kịp về thì không có ai dằn mái, lỡ có cơn lốc lớn thì chắc nó hất cả cái mái nhà anh đi mất. Suy nghĩ đắn đo một hồi, anh quyết định đi đường rừng về cho kịp.

Buổi chiều hôm ấy, chị Tứ đột nhiên thấy lòng như lửa đốt. Chị cứ đi ra lại đi vào, hết nhìn trời lại nhìn đất. Chị thừa biết giờ này anh Tứ chưa thể về đến nhà, ít nhất cũng phải giờ cơm tối, chập choạng thì anh mới về được đến nơi. Nhưng không hiểu sao ruột gan chị cứ như có nồi nước sôi sùng sục trong đó. Chị bế con bé con hết đứng lại ngồi mà cứ ngóng dài cả cổ ra đầu ngõ, đếm từng phút từng khắc đợi chồng về. Tới tầm giữa chiều, trời nổi cơn dông lớn, gió cát vần vũ mịt mù. Chị chạy vội ra đậy cái chum nước ăn rồi dằn cái thớt gỗ lên trên rồi lại chạy vào nhà ngóng. Trời đổ ụp xuống một cơn mưa tầm tã, thối cả đất cả cát. Từng cái bong bóng to nổi trên vũng nước ngoài sân, nhìn là biết cơn mưa sẽ to và rất dai dẳng. Chị càng nóng ruột hơn. Không biết anh đi đường có gặp sự gì không mà sao chị nóng ruột quá. Trời tối sập xuống trong cơn giông khiến chị cũng không thiết để ý gì đến thời gian nữa, chỉ khi con bé con bị đói, khóc ầm lên đòi ăn thì chị mới sực nhớ ra là mình chưa thổi cơm. Chị vội lấy quả chuối, dỗ tạm cho con bé ăn rồi nhanh chóng đi thổi cơm.

Nhưng trời tối, thằng Khang cũng đã về, mâm cơm dọn sẵn ra để đó mà chờ mãi không thấy anh đâu. Chị đành cho 2 đứa con ăn trước để chúng còn đi ngủ. Còn chị thì ngồi suốt cả một đêm ngóng ra đầu ngõ.

Chị mệt mỏi, gục xuống bên cạnh cái đèn dầu lúc nào không biết.