Chương 37: Núi Vương Miện

Sáng hôm sau đích thực là một ngày nắng, bầu trời xanh ngăn ngắt không một gợn mây, gió lặng như tờ, mới bảy giờ sáng mà nhiệt độ đã lên quá ba mươi.

Nhóm Seoyeong sắp xếp đồ ăn thức uống, chăn mỏng, một hộp sơ cứu cỡ nhỏ vào ba lô rồi chất lên ô tô. Họ dự định sẽ đi xe đến chân dãy núi cuối làng Bảo Tiên rồi đi bộ lên núi, đó cũng là nơi giáo sư Choi và đoàn nghiên cứu của ông ấy mất tích một cách bí ẩn.

Tên chính thức của dãy núi này là dãy núi Vương Miện - cái tên nghe khá… không thoải mái với nhóm Seoyeong - nhưng người dân ở đây hay gọi chung nó là núi Cuối. Không rõ nguồn gốc của tên Vương Miện này bắt đầu từ đâu, nhưng phần lớn mọi người cho rằng đó là do dãy núi gồm ba ngọn núi nối liền với nhau - cao nhất ở giữa và thấp hơn ở hai bên - trông khá giống hình ảnh của một chiếc vương miện.

Dãy núi này không cao nhưng khá hiểm trở, lại không có cảnh đẹp, đặc sản như nấm, dược liệu, hay truyền thuyết thú vị nào nên không thu hút được du khách. Ngay cả khi làng Bảo Tiên đã nổi tiếng thì núi Vương Miện vẫn như cuốn sách cũ bị bỏ quên trong xó nhà, tác dụng duy nhất là làm nơi nhặt củi cho dân làng. Nhưng theo thời gian trôi đi, giờ làng Bảo Tiên cũng không còn mấy ai đun bếp củi nữa nên núi Vương Miện lại càng hoang vắng. May mắn là nơi đây thuộc khu bảo tồn văn hóa cổ nên khá được chú ý chuyện vệ sinh môi trường, nếu không chắc núi Vương Miện đã biến thành núi Rác từ lâu rồi cũng nên.

“Thực ra lúc trước nó cũng ngập rác rồi, chẳng qua sau này du khách phàn nàn vì chuyện bốc mùi với chuột bọ quá nên trưởng làng hô hào mọi người đừng ném rác lên đó nữa. Sau này có kinh phí lại dọn dẹp tận gốc một lần, mọi người cũng quen dần với chuyện phân loại rồi mang rác tới điểm tập trung xử lí nên mới được thế này đấy.”

Ryu lái xe bằng một tay, tay còn lại cầm bánh kẹp vừa ăn vừa nói. Từ lúc lên xe tới giờ ông anh này cứ nói liên tục không ngừng nghỉ, từ lịch sử làng Bảo Tiên đến giá đất nơi này càng lúc càng cao, từ văn hóa Silla cổ đến giá vé homestay dịp này tăng gần một nửa, ngay cả tin đồn về mối tình hoàng hôn giữa trưởng làng và vợ góa của cố bí thư chi bộ thôn cũng được anh phổ cập đầy đủ cho cả nhóm.

Đám Seoyeong há miệng nghe Kim Ryu liến thoắng đủ thứ chuyện giời ơi đất hỡi. Đừng nói là hướng dẫn viên du lịch, cái người này làm bà hàng xóm còn được ấy chứ!

Khi đi qua chỗ mấy ông cụ tụ tập đánh cờ dưới tán cổ thụ, anh thò đầu ra cửa kính xe hỏi: “Chú Ahn Sik, đường lên núi thông cả rồi đúng không ạ?”

Một cụ già chừng hơn bảy mươi đang đỏ mặt tía tai tranh cờ ngẩng đầu lên, ông cụ nheo mắt rồi trả lời: “Thông rồi, thông hết rồi, cũng chỉ bị tắc có một đoạn gần từ đường thôi mà. Lên đó nhớ đừng xả rác lung tung đấy.”

“Cháu biết rồi mà.” Ryu cảm ơn ông cụ rồi chuyển tay lái đi tiếp: “Ông ấy là trưởng làng Ahn Sik đấy, mấy hôm trước mưa to có một đoạn đường bị lấp nên ông cụ chết sống không cho ai lên núi cả. Giờ mới đi được, mà nói thật là trừ nhân viên nghiên cứu các cậu thì dân làng cũng chẳng ai mò lên đó hết.”

Sau khi đi qua khu thương mại rộn ràng nhốn nháo, họ rẽ theo con suối tới khu nhà cổ - cũng là nơi ở thực sự của người dân làng Bảo Tiên, vượt qua cây cầu gỗ để tiến vào khu thờ tự, cũng là mục đích của chuyến đi lần này. Đoạn đường bằng phẳng nhanh chóng kết thúc, càng đến gần chân núi thì xóc nảy lại càng mạnh hơn bởi mặt đường đất trộn lẫn lổn nhổn toàn những đá cục, rễ cây và ổ gà đầy nước bùn.

Ở ghế lái, Ryu vẫn còn đang cười: “May mà hôm qua có cơn mưa, lúc nào mà nắng liền cả tuần thì còn khủng khϊếp nữa, bụi không thấy đường luôn.”

Không ai đáp lại anh cả, sáu cậu trai to con đang xám xịt mặt mũi, trông ai nấy như sắp đưa cả bữa sáng ra đến nơi rồi. Tới lúc Joonsik và Seoyeong sắp ngất xỉu thì xe phanh ‘kít!’ lại một tiếng, cả đám chúi nhủi về phía trước, dây bảo hiểm siết đến độ muốn gãy cả l*иg ngực!

“Đến rồi!” Ryu hồ hởi thông báo rồi nhảy xuống xe, trông tươi tỉnh khỏe mạnh như đang đi picnic chứ không phải vừa nhảy disco với mấy cái ổ gà.

Đám Seoyeong tranh nhau lao ra ngoài, cảm nhận chân cẳng mình run như cầy sấy khi chạm mặt đất. Mất một lúc không ai nói được câu nào, tất cả còn đang bận thở và lắp ruột gan phèo phổi của mình vào chỗ cũ.

Ryu chống nạnh: “Thanh niên trai tráng gì mà yếu thế hả? Các cụ trong làng tới đây còn có thể ra suối múc nước rửa mặt chứ không ngồi bẹp một chỗ như các cậu đâu nhé!”

Seoyeong xua tay, cầu xin anh đừng nói gì nữa, đầu óc cậu còn đang váng vất lắm đây. Chắc phải ngồi nghỉ cả tiếng thì cậu mới đứng thẳng được người lên mất.

Ryu ‘chậc’ một tiếng, nhưng cuối cùng anh cũng không cằn nhằn gì nữa mà chỉ tay về phía cây cầu gỗ xa xa mà họ thấy lúc mới vào làng: “Cả đoạn quanh bãi sỏi trắng này đều là khu thờ tự của làng hết, có điều bên này là khu cũ, đã không dùng đến lâu lắm rồi. Thấy cây cầu kia ngăn bãi sỏi thành hai nửa không? Bên đó mới là nơi bây giờ dân làng thờ cúng, từ đường, miếu điện gì cũng chuyển qua bên đó hết.”

***

Trong lúc nhóm Seoyeong đang căng tai nghe Ryu giới thiệu thì trong làng, mấy ông lão chơi cờ đã dọn dẹp bàn cờ chuẩn bị về nhà rồi. Một người khều trưởng làng Ahn Sik lại: “Cậu trai lúc nãy hỏi đường là ai thế?”

Ông cụ lắc đầu: “Tôi có biết đâu, dù sao không phải người làng mình, chắc là hướng dẫn viên du lịch gì đó.”

Người kia gật gù: “À, nhìn nói chuyện tự nhiên thế tôi lại tưởng là ông quen.”

Rồi chẳng ai để ý tới bước đệm vô thưởng vô phạt ấy nữa, mỗi người một hướng, ai về nhà nấy. Chỉ còn đàn quạ đen đậu trên những tán cây gần đó vẫn đứng lặng, thỉnh thoảng rúc lên những tiếng kêu chói tai sởn da gà.