Họ đi cùng nhau, xung quanh là những khách du lịch khác. Có vẻ ngoài sáu người họ ra thì ai cũng vui vẻ hớn hở cả, cũng đúng, người ta là đi chơi, còn họ là đi “lao đầu vào chỗ chết”, không có một chút lo lắng nào thì mới gọi là có vấn đề.
Con đường chính lát đá phiến trong làng rộng hơn khi họ nhìn từ trên cao xuống, những phiến đá dày nặng vuông vức nhẵn bóng qua năm tháng quanh co chạy dài quá tầm mắt. Xa xa, một cây cầu gỗ thô bắc ngang qua làn nước lấp lánh dưới ánh nắng tháng tám, trẻ con nhảy qua những tảng đá lớn nằm ở các khúc nước nông. Các ngôi nhà hanok trải dọc theo con đường chính giống hệt như những gì họ từng thấy trong các bộ phim cổ trang, chỉ là màu sắc tươi tắn và khang trang hơn nhiều mà thôi.
Không khí lễ hội nhộn nhịp quanh đây khiến sáu người họ thả lỏng dần. Họ đến làng Bảo Tiên đúng dịp người dân ở đây tổ chức Lễ Quỷ hàng năm, cũng là thời điểm mà khách du lịch đổ xô tới đây đông nhất. Lễ Quỷ nghe có vẻ đáng sợ, nhưng thực ra lúc đầu chỉ là dịp người làng mở từ đường đón linh hồn tổ tiên và những người đã khuất trong gia đình về thăm người thân khi âm phủ mở Quỷ Môn Quan mà thôi, và người dân ở đây đơn giản gọi nó là lễ cúng tổ tiên. Chấm hết!
Không hiểu một đồn mười, mười đồn trăm thế nào mà nó lại dần trở thành Lễ Quỷ, một ngày hội nhuốm màu siêu nhiên kì ảo, thứ mà đám thanh niên những năm gần đây càng lúc càng mê mẩn. Đương nhiên là trưởng làng - một ông cụ có con mắt kinh doanh tầm cỡ Warren Buffet hay Bill Gates - sẽ không bỏ qua cơ hội ngàn vàng này rồi.
Theo những gì Seoyeong đọc được trong đám tài liệu của giáo sư Choi trước đó thì những tục lệ cổ đậm màu huyền bí trong làng, ấn tượng làm sao, có đến bảy phần là giả!
Ví dụ như chuyện người dân làng Bảo Tiên không bao giờ ra khỏi nhà sau chín giờ đêm vào tháng bảy âm lịch, sợ bị cô hồn dã quỷ ám theo. Nhưng sự thật là tháng nào họ cũng vậy cả! Trước khi nơi đây trở thành làng du lịch thì kinh tế không phát triển, cơ sở giải trí gần như không có, ai mò ra ngoài đường vào lúc tối muộn như thế cơ chứ? Ở nhà nằm ngủ không tốt sao?
Hay chuyện vào Lễ Quỷ, đàn ông trong làng chỉ uống ba chén rượu duy nhất trong tháng vào đúng ngày mở từ đường, những ngày còn lại thì tuyệt đối không được chạm vào rượu, sợ đầu óc không tỉnh táo bị vong nhập. Vấn đề là họ cũng không uống rượu vào những ngày khác trong năm! Lí do thì vẫn như cũ: nghèo! Tiền ăn còn không có, huống nữa là tiền mua rượu! Nếu ai dám dùng lương thực tự ủ rượu thì chờ bị đuổi ra khỏi làng đi!
Ngay cả những dải vải đỏ tung bay trong gió mà nhà nào cũng buộc trước cửa kia nữa, cũng không phải vì màu đỏ trừ tà hay lí do tâm linh tương tự gì đó đâu. Chỉ là vào những ngày lễ trọng đại, các nhà các hộ không có điều kiện trang trí lại nhà cửa nên tìm đại một mảnh vải màu sắc tươi sáng một chút treo lên, gọi là ‘có không khí’ mà thôi. Ngoài Lễ Quỷ tháng bảy thì Trung Thu, Tết Nguyên Đán thì họ đều treo cả, màu sắc cũng không nhất định phải là màu đỏ mà vàng hay xanh cũng được. Như giáo sư Choi tìm hiểu được thì lúc trước, những nhà có thể mỗi năm thay một mảnh vải mới đã được coi là giàu có, còn đâu thì cứ dùng tới bạc màu mới thôi, miễn đừng vá víu rõ quá là tốt rồi.
Nói tóm lại, ngoài thời gian tổ chức ra thì gần như tất cả những thông tin khác về Lễ Quỷ đều là sản phẩm của một chuỗi quá trình makerting kéo dài và cực kì thành công với vô số người tham gia - những người đã góp phần thêm mắm dặm muối vào những gì họ được nghe ‘kể lại’.
Seoyeong còn nhớ cảm giác của mình khi đọc được những tư liệu này, có thể tóm gọn trong năm chữ: Uồi! Đậu xanh rau má!
Đương nhiên là cũng không ai có thể phủ nhận giá trị của ngôi làng cổ này. Đừng quên làng Bảo Tiên nằm trong khu bảo tồn văn hóa cổ, chỉ riêng các ngôi nhà hanok cổ - với đủ các loại cấp bậc từ mạt hạng đến quý tộc - đã đủ giá trị để được chú ý và coi trọng rồi. Ấy là còn chưa kể đến khu rừng ngập cổ thụ quý xung quanh làng hay những chiếc mặt nạ khắc gỗ đang được bày bán la liệt trên các sạp hàng nữa.
Seoyeong liếc một chiếc mặt nạ không sơn màu, không chạm trổ, thậm chí ngoài hai hốc mắt được khoét rỗng ra thì không còn bất cứ ngũ quan nào khác. Khách du lịch thích loại mặt nạ sặc sỡ đủ màu, điêu khắc và cẩn nạm đủ thứ lên hơn, nhưng cậu biết mặt nạ được làm từ gỗ mộc không trang trí này mới thực sự là thứ mà người dân làng Bảo Tiên đeo lúc cúng tế tổ tiên.
“Tới rồi.” Giọng Yul vang lên cắt ngang những suy nghĩ tán loạn của cậu. Seoyeong ngẩng đầu lên, trước mặt cậu lúc này là tòa nhà cao mười tầng, khang trang sạch sẽ, thứ duy nhất mang hơi thở hiện đại hóa nổi bật giữa khung cảnh như thời gian chảy ngược tại làng Bảo Tiên.
“Khách sạn Bảo Tiên, mấy ngày tới chúng ta sẽ ở lại đây cả, đúng không?” Yul ngoái đầu lại giới thiệu ngắn gọn một câu, liếc cả đám một cái sắc lẻm rồi nắm tay Seoyeong kéo đi. Cả nhóm nhún vai rồi lóc cóc chạy theo gã. Jaepung giúp gã chuẩn bị cho chuyến đi nên đương nhiên anh ấy sẽ biết nơi ở gã chọn, vậy nên việc bám đuôi cũng dễ dàng hơn nhiều. Họ đã tính tới chuyện ‘tình cờ’ gặp Yul tại khách sạn rồi, có điều không ngờ lại bị tóm gọn ngay từ khi mới lên tàu mà thôi!