Chương 37

ĐOẠN 37 (kết)

Nghe tiếng con bé, tôi lập tức ngồi bật dậy, vội mở cửa chạy ra ngoài. Hơn một tuần không gặp con bé, tôi nhớ con đến cồn cào cả ruột gan, vừa thấy bóng dáng nhỏ bé của Tuệ Nghi ngoài phòng khách, sống mũi tôi bỗng cay xe, giọng lạc đi giang tay chạy đến với con:

- Tuệ Nghi… Tuệ Nghi, mẹ đây… mẹ ở đây.

Tôi vòng tay ôm chặt Tuệ Nghi trong lòng, như thể nếu mình sơ suất nới lỏng con bé một chút thôi sẽ không còn cơ hội gặp con lại con nữa. Tuệ Nghi bị tôi ôm chặt quá, con bé mới đập đập tay vào lưng tôi, con nói:

- Mẹ ơi… chặt quá… Tuệ Nghi không thích.

Tôi vội buông con ra, hai tay nắn bóp cánh tay con, ngắm nghía rất kĩ:

- Mẹ xin lỗi… tại mẹ nhớ con quá.

- Tuệ Nghi cũng hơi hơi nhớ mẹ nên về chơi với mẹ đó ạ. Đến chiều là Tuệ Nghi phải về bên nhà ông bà rồi.

Niềm vui chưa kéo dài được thì lại nghe con gái nói vế sau nên tôi rất hụt hẫng. Lúc này cũng nhận ra, người đưa Tuệ Nghi về đây không phải Duy mà là bà nội của con bé.

Tôi đứng dậy cúi đầu chào bà:

- Bác gái!

- Không dám.

Bác gái tỏ rõ thái độ khó chịu ra mặt, bác bảo:

- Tôi muốn nói chuyện với cô. Về phòng của đi.

- Dạ.

Tôi nhìn đến Tuệ Nghi:

- Tuệ Nghi ở đây đợi mẹ, đừng đi đâu nhé, một lát thôi mẹ sẽ ra với con.

- Vâng ạ.

Tôi cùng bác gái về phòng, biết chắc sẽ có một cuộc nói chuyện đầy áp lực cùng những câu trách móc nên tôi sớm đã chuẩn bị tinh thân. Thế nhưng, khi tôi vừa đóng cửa phòng, bác gái lại quỳ xuống trước tôi. Thân là tiền bối, còn là mẹ của Duy, tôi vội vàng đỡ bà dậy nhưng bà gạt tay tôi ra, thấy vậy tôi cũng quỳ dưới dất cùng bà:

- Bác gái, bác làm gì thế? Bác đứng lên đi.

- Không. Nếu hôm nay cô không đáp ứng yêu cầu của tôi, tôi sẽ không đứng dậy, sẽ quỳ ở đây đến khi cô đồng ý.

- Có gì bác cứ đứng lên rồi nói.

- Cô hứa với tôi trước đi.

Sớm đã đoán ra chuyện bác gái sắp nói sẽ liên quan đến bố con Duy, vì vậy đã miễn cưỡng gật đầu.

Tôi dìu bác gái đứng dậy, bà không vòng vo với tôi mà vào thẳng chủ đề chính:

- Tôi muốn cô rời xa thằng Duy, rời xa Tuệ Nghi.

Tôi biết mà, từ ngày tôi quay lại Hà Nội, xuất hiện trong cuộc sống của bố con anh, bà luôn muốn tôi rời xa họ. Tôi không trách bà, vì bản thân không có tư cách, mà chỉ thấy buồn khi bác gái cũng từng phải xa con gái gần hai mươi năm nhưng lại không hiểu cho nỗi lòng làm mẹ của tôi.

- Cháu rất yêu anh Duy, cháu muốn ở bên cạnh hai bố con anh ấy. Xin bác đừng bắt cháu phải rời xa họ được không?

- Cô yêu nó nhưng cô lại uống thuốc phá thai, cô rủ trai về nhà, như thế là yêu nó à?

- Cháu không có.

Có rất nhiều nguồn thông tin để bác gái biết được chuyện này nên tôi không thắc mắc sao bác ấy biết và chắc chắn Duy sẽ không chính miệng mình kể với bác ấy. Những chuyện xấu hổ thế này, tôi có muốn giấu cũng chẳng được.

- Cứ cho là cô không có nhưng tôi xin cô, cô nghĩ đến bố con thằng Duy hộ tôi. Nếu cô yêu nó thật lòng thì cô buông tha cho nó đi. Có thằng đàn ông nào mà chịu được mẹ của con mình ngủ với người khác không?

- …

- Bố cô đã phá hỏng cuộc sống của con gái tôi, giờ đến cô cũng làm khổ con trai tôi. Hai bố con cô muốn hai anh em nhà nó sống đau khổ thì mới chịu được à?

Những gì ông bố tồi tệ của tôi gây ra cho Di thì bác gái nên trách ông ta và mẹ chồng mình mới phải, nhưng bà lại cứ đổ lên đầu tôi, bới móc quá khứ để trì triết tôi. Tôi đâu phải người xúi giục ông ta bắt cóc con gái bà, tôi cũng đâu có quyền lựa chọn ai là bố mình. Tại sao cứ ghét tôi thì lại tìm ra tỉ tỉ thứ lí lẽ cũ rích mà đay nghiến tôi mãi thế?

Nghĩ trong lòng vậy thôi nhưng tôi không dám nói với bác gái những lời đó. Tôi cũng hiểu mối quan hệ giữa tôi và Duy đã đến bước đường cùng, không thể cứu vãn được nữa. Tôi có thể xa Duy để anh không chán ghét mỗi khi nhìn thấy tôi, nhưng con Tuệ Nghi thì không thể. Tôi đã từng mất hai năm xa con, tôi không muốn lịch sử đau thương ấy lặp lại lần nữa. Nhưng mà, tôi không muốn là chuyện của tôi, bác gái ép tôi phải ra đi lại là việc của bác ấy.

- Thằng Duy nó không cần cô nữa, mà Tuệ Nghi có cô bên cạnh hay không cũng chẳng quan trọng, cớ làm sao cô cứ phải cố chấp ở lại đây. Cô để con trai tôi nó được lập gia đình mới đi, cô muốn ám nó đến bao giờ nữa?

- Trong biết mình không còn tư cách ở bên cạnh anh Duy, nhưng Tuệ Nghi là con gái cháu, cháu muốn sống cùng con.

- Nhưng con bé không cần cô, cô hiểu không? So với Thục Anh, con bé cần Thục Anh hơn, cô không tin thì cứ hỏi Tuệ Nghi đi. Sau này cô có cuộc sống mới, có chồng mới thì sinh bao nhiêu đứa chẳng được, đến lúc đó có khi cô còn không nhớ đến sự tồn tại của Tuệ Nghi nữa kia.

Tôi sẽ không lấy chồng nữa đâu bởi tình yêu đối với tôi nó như một thứ gì đó quá đỗi xa xỉ, hạnh phúc chẳng thấy đâu mà đau thương thì có thừa.

Hôm qua Duy đã nói tôi biến đi đâu thì biến, đừng làm anh ngứa mắt, tôi cũng đã suy nghĩ đến việc mình phải rời khỏi đây, nhưng vì Tuệ Nghi nên tôi cứ băn khoăn mãi mà không đành lòng. Tôi sợ mình dọn ra ngoài sống, dù là trong cùng một thành phố với Duy, cũng khó mở được gặp con bé nên mới mặt dày bám víu lại ở đây chứ không phải tôi không có lòng tự trọng đâu.

Bác gái biết tôi còn đắn đo nên nói tiếp:

- Tôi xin cô, đi khỏi Hà Nội đi, cho con trai tôi nó có cuộc sống tử tế đi. Cô có biết mấy ngày qua nó như một thằng điên không hả, hôm nào cũng uống rượu say khướt, ăn không chịu ăn, nó sắp thành thằng điên đến nơi rồi.

- Cháu…

- Cô còn ở lại đây, làm sao nó sớm quên đi cô để cưới người khác. Nếu cô còn chút lương tâm, làm ơn cô buông tha cho nó đi. Tôi chưa từng câu xin ai cả, lần này vì con tôi, vì cháu tôi, tôi xin cô đấy.

Lúc đó tôi cổ họng ghẹn đắng không biết phải trả lời sao. Tôi hiểu chứ, biết mình cần phải rời đi, nên dù có không nỡ cũng phải đồng ý với bác gái, nhưng tôi có điều kiện:

- Cháu đi, cháu sẽ đi, nhưng cháu xin bác một chuyện được không?

- Cô nói đi.

- Cháu muốn hàng năm đều được gặp Tuệ Nghi từ một đến hai lần. Từ xa nhìn con bé thôi cũng được.

- Được. Tôi muốn trong ngày hôm nay cô phải đi khỏi Hà Nội.

- Vâng. Cho cháu ở bên Tuệ Nghi đến hết hôm nay, được không ạ?

- Được.

Tôi chỉ còn ít thời gian ở bên con gái, nên trong khoảng thời gian ấy, không một giây một phút nào tôi rời xa con bé. Tôi chơi cùng Tuệ Nghi, kể chuyện cho con nghe, hỏi con thích những món ăn gì để mình tự tay vào bếp chuẩn bị cho con. Nếu không phải rời xa chắc chắc hôm nay sẽ là một ngày vui vẻ đối với tôi, nhưng vì bước trước kết cục nên tôi chẳng thể cười nổi, đôi lúc còn không giấu nổi ánh mắt buồn bã và biểu cảm ảm đạm trên gương mặt mình.

Tuệ Nghi thấy tâm trạng tôi không tốt, con bé liền hỏi:

- Mẹ ơi, sao trông mẹ buồn thế ạ, mẹ có tâm sự gì sao?

- À… mẹ không sao. Tại một tuần qua không được gặp Tuệ Nghi nên mẹ buồn thôi.

Con bé thở dài một tiếng như người lớn, con nói:

- Con cũng buồn đó mẹ.

Tưởng con buồn vì không được gặp tôi, nào ngờ con bé lại bảo:

- Cô Thục Anh sắp phải đi Mỹ rồi đó mẹ, con không muốn chút nào. Con thích cô Thục Anh ở Việt nam cơ, như vậy cô ấy sẽ thường xuyên sang chơi với con. Nhưng cô Thục Anh phải đi học ở Mỹ, con cũng phải ở Việt Nam học, bố nói khi nào rảnh rỗi hoặc nghỉ hè sẽ cho con qua Mỹ chơi cùng cô ấy đó ạ.

Một nỗi thất vọng tràn trề bao trùm lấy tôi, phần vì con buồn khi Thục Anh đi Mỹ, phần vì Duy hứa có thời gian sẽ đưa con sang chơi với cô ấy. Nếu trong lòng hai bố con anh, Thục Anh chỉ đơn thuần là một bác sĩ tâm lý thì tốt rồi, nhưng cô ấy lại như có một vị trí đặc biệt và quan trọng trong lòng cả hai, chứ không đơn thuần là người dưng có quen biết nữa rồi.

Tôi hỏi Tuệ Nghi:

- Con quý cô ấy đến mức không nỡ rời xa sao?

- Vâng. Con quý cô Thục Anh lắm đó. Con muốn được cùng cô ấy và bố Duy đi chơi ở bãi biển Clearwater giống trước đây. Ở bên Mỹ con không phải học nhiều như ở Việt Nam, bố cũng không đi làm suốt ngày đâu ạ. Có bố và cô Thục Anh chơi cùng con, vui lắm mẹ ạ.

Tôi chưa từng dám hỏi Duy về cuộc sống của bố con anh bên Mỹ hay nói đúng hơn dù tôi có hỏi Duy cũng không nói. Mỗi khi tôi có ý định nhắc đến khoảng thời gian hai năm đó, Duy đều lảng trách sang chuyện khác và bảo rằng có những chuyện đã là quá khứ thì đừng nhắc lại nữa, anh không muốn tôi nghĩ ngợi linh tinh rồi tự trách mình. Có điều, giờ phút này nghe Tuệ Nghi nhắc đến, tôi lại thấy chạnh lòng vô cùng vì con gái thích cuộc sống bên đó hơn bây giờ, thích ở bên cô Thục Anh và bố Duy.

Lần đầu tiên tôi đem mình ra so sánh với người con gái khác khi hỏi con gái:

- Giữa mẹ và cô Thục Anh, con quý ai hơn? Con muốn chơi cùng ai nhiều hơn?

Tuệ Nghi ngẫm nghĩ ít giây rồi bảo:

- Con quý cô Thục Anh, nhưng giờ có mẹ… con cũng thích chơi với mẹ, thích làm bánh với mẹ.

- Nếu buộc phải chọn giữa mẹ và cô Thục Anh, con muốn ai ở bên cạnh con và bố.

- Ưm… chắc là… cô Thục Anh ạ, vì con thích gì cô Thục Anh cũng chiều con hết. Cô Thục Anh nói, nếu con không muốn cô ấy đi Mỹ, cô ấy sẽ suy nghĩ lại đó ạ. Mấy hôm nay ngày nào con cũng bảo bố đưa con đến nhà cô Thục Anh chơi, như thế cô ấy sẽ không nỡ xa con nữa.

Thời gian vừa rồi, anh không về nhà nhưng lại đưa con đến nhà cô gái khác. Chắc hẳn anh đã xác định sẽ chấm dứt với tôi và muốn nghiêm túc trong mối quan hệ giữa mình và Thục Anh rồi nhỉ? Nếu thế, tôi làm gì còn cơ hội dắn đo và lưu luyến nữa chứa?

Tôi không rõ Thục Anh là người thế nào, nhưng theo như bác gái và Tuệ Nghi thì cô ấy đối với con gái tôi là thật lòng thật dạ. Thục Anh có thể không tốt với người khác, thậm chí trong những ý nghĩ xấu với tôi, nhưng nếu cô ấy tốt với Tuệ Nghi và con gái cũng muốn ở bên cô ấy hơn, thì tôi chỉ đành miễn cưỡng rời đi nhường cơ hội làm vợ Duy cho cô ấy. Nói trắng ra là tôi không có quyền lựa chọn, buộc phải làm theo yêu cầu của bác gái.

Tôi buồn bã nói với Tuệ Nghi:

- Ừ. Mẹ biết rồi.

Chẳng con mấy tiếng nữa là xa con nên tôi bế khư khư Tuệ Nghi trong lòng, hỏi con về những tháng ngày sống bên Mỹ. Trái ngược với tâm trạng nặng nề của tôi, con bé lại rất vui vẻ kể chuyện.

Đúng 5 giờ chiều, bác gái đến đón Tuệ Nghi đi, tôi bứt rứt không muốn xa con nhưng đành cắn răng nhìn con nắm tay bà đi mất. Con bé đi đến nửa sân thì quay lại vẫy tay chào tôi:

- Bye bye mẹ, Tuệ Nghi sang nhà bà đây ạ. Tuần sau con lại về thăm mẹ nha, lần tới dẫn cả bố Duy về nữa.

Lúc đó, tôi đã phải cố gắng rất nhiều mới không chạy lại giằng con từ tay bà nội con bé, cũng rất khó khăn mới không rơi nước mắt. Tôi cố nặn ra một nụ cười chua xoát, vẫy tay với con:

- Tuệ Nghi, tạm biệt con.

Tôi chỉ nói được đúng năm chữa đó cho con bé nghe, những lời còn lại thì nghẹn đặng ở cổ, chỉ có thể tự nói với chính mình:

- Sau này phải thật hạnh phúc và vui vẻ nhé. Dù mẹ ở đâu cũng sẽ mãi nhớ Tuệ Nghi của mẹ… Chúc con một đời an yên!

Khi chiếc xe chở hai bà cháu Tuệ Nghi đi khuất, tôi không cần gắng gượng nữa nên nước mắt cứ thế mà chảy xuống. Lần thứ hai phải rời xa con, cảm xúc vẫn đau đáu như lần đầu, chỉ khác ở chỗ, hơn hai năm trước là không nỡ, còn hôm nay ngoài không nỡ ra còn phải tự mình lựa chọn ra đi.

Tôi không rõ hình ảnh người mẹ này có khắc sâu trong tâm trí con để sau này con lớn lên vẫn nhớ mình còn có một người mẹ hay không? Nhưng tôi mong con hãy quên tôi đi, có như thế tôi mới yên lòng. Tôi mong con sống tốt, người mẹ sau này yêu thương và bảo vệ con bé như chính con gái ruột là tôi đã biết ơn cô ấy lắm rồi.

Tôi quay về phòng, sắp xếp vài món đồ dùng và quần áo mình đã mang về đây từ hồi mấy tháng trước. Sau cùng, tôi ngồi trước bàn trang điểm, đặt bút viết đôi dòng gửi Duy:

“Có lẽ anh không muốn đọc bức thư này, nhưng nếu đã cầm nó trên tay em hy vọng anh có thể dành chút thời gian để đọc hết.

Em biết mình đã làm anh thất vọng và đau nhiều lắm, cũng hiểu bản thân đã không còn trong sạch nên chẳng xứng đáng ở bên anh đến hết một đời. Em nghĩ thông rồi, buông tay anh là lựa chọn tốt nhất. Chúng ta đã trải qua rất nhiều chuyện, đau khổ và hạnh phúc đều có cả. Anh đã từng rất yêu em, nhưng chắc tình yêu anh dành cho em đã chết rồi.

Giá như… tất thảy mọi điều trong quá khứ đều chưa từng xảy ra, chúng ta không trở thành chúng ta của hiện tại thì tốt biết mấy. Nhưng số phận đã trả hai ta về đúng với vị trí vốn có ban đầu, ngược đường, ngược lối, ngược cả yêu thương.

Em muốn nói với anh rằng, quãng thời gian qua em yêu anh là thật, nhưng từ bây giờ đến về sau, em sẽ không bao giờ làm phiền bố con anh nữa. Tương lai anh có gặp ai, em chúc anh và người đó trọn vẹn một đời, đừng như chúng ta lưng chừng nửa vời một đoạn. Và em cũng chỉ hy vọng một điều ở người con gái ấy, là hãy yêu thương Tuệ Nghi hết lòng, thay em chăm sóc và làm tròn bổn phận của một người mẹ mà em không thể mang đến cho con bé.

Sau này nhớ phải chăm sóc tốt cho bản thân và Tuệ Nghi nhé. Anh nhớ chưa?

Nếu kiếp sau chúng ta có duyên gặp lại, em ước mình gặp nhau sớm hơn, khi trái tim vẫn vẹn nguyên và có một cái kết hạnh phúc để bù đắp cho những tổn thương hai ta gây ra cho nhau trong kiếp này.

Tạm biệt nhé!

Đỗ Mỹ Trúc.”