Năm thứ hai sau khi đi học. Tiểu đồ đệ bắt đầu có quan điểm thẩm mỹ riêng, không còn thích đội những chiếc mũ len lông xù đáng yêu hay đeo những món đồ trang sức ngộ nghĩnh. Tất nhiên là nó cũng không thích mang những đôi giày thêu hình đầu hổ dễ thương nữa.
Tiểu đồ đệ nói với sư tôn một cách nghiêm túc: "Thưa sư tôn, con đã lớn rồi. Những thứ đó chỉ dành cho trẻ con thôi ạ."
Sáng hôm sau, tiểu đồ đệ nhìn thấy sư tôn đội chiếc mũ len hình tai thỏ lông xù đi dạo khắp nơi.
Khi đi lại tai thỏ thậm chí còn có thể cử động.
Ngày thứ ba, trên đầu đại sư tỷ xuất hiện một cặp tai hồ ly do Khương Ly tặng. Ngày thứ tư, sư ông cũng đội chiếc mũ len hình tai thỏ giống Khương Ly.
Tiểu đồ đệ: "..."
Khương Ly nói: "Trẻ con không thích, nhưng người lớn lại rất thích nha."
…
Năm nay, khuôn mặt bầu bĩnh của tiểu đồ đệ bắt đầu biến mất. Dần dần những nét dễ thương thuở nhỏ của nó có chút thay đổi. Nhìn thoáng qua, đã thấy thấp thoáng hình hài thanh tú của một thiếu niên.
Lúc này, tiểu đồ đệ đã không còn là một đứa trẻ nữa.
Sự thay đổi rõ ràng nhất đó là tiểu đồ đệ không còn muốn sư tôn tắm và chải lông cho mình nữa.
Mỗi lần trước khi tắm, Tiểu Bạch Hổ đều phải nhắc nhở sư tôn một cách nghiêm túc: "Không được nhìn con tắm nữa, cũng không được đến gần phòng tắm luôn."
Khương Ly: "..."
"Cái thằng nhóc thúi này."
Trước đây Khương Ly rất thích tắm cho Tiểu Bạch Hổ, nàng cứ cảm giác giống như mình đang tắm cho một chú chó con vậy, bản thân rất vui vẻ.
Nhưng vào một lần trong năm trước khi đang tắm rửa, Tiểu Bạch Hổ vô tình nhìn thấy bộ dạng lông ướt nhẹp dính sát vào người của bản thân trong gương.
Lúc này, Tiểu Bạch Hổ đã dần có quan niệm về cái đẹp nên cảm thấy bộ lông ướt sũng của mình vô cùng xấu, vì thế nó rất ngượng ngùng.
Từ đó về sau mỗi khi tắm rửa, Tiểu Bạch Hổ đều phải đảm bảo lau khô lông thật kỹ và đã biến thành hình người thì mới chịu xuất hiện trước mặt Khương Ly.
Việc trẻ con có ý thức về sự riêng tư là điều tốt, Khương Ly cũng rất tôn trọng tiểu đồ đệ.
Tuy nhiên vào Tết Trung thu năm nay, Khương Ly bỗng nhớ ra rằng đã lâu lắm rồi không nhìn thấy hình dạng hổ của tiểu đồ đệ.
Thực ra việc này cũng không thể trách Tiểu Bạch Hổ được.
Bởi vì mỗi lần Khương Ly nhìn thấy tiểu đồ đệ biến thành hình dạng thật, nàng sẽ đến nhổ lông hổ của nó, sau đó thổi như hoa bồ công anh vậy. Hơn nữa còn chải ngược lông của nó, cuối cùng tết thành những bím tóc nhỏ sặc sỡ...
Nhưng mỗi khi Tiểu Bạch Hổ muốn liếʍ bản thể mèo mướp thì đều bị sư tôn đầy ghét bỏ mà tát một cái.
Sự đối xử bất công này khiến Tiểu Bạch Hổ rất ức chế. Thế nên hơn một năm nay, Tiểu Bạch Hổ không hề biến về hình dạng thật trước mặt sư tôn.
Tiểu Bạch Hổ không còn là đứa trẻ dễ lừa gạt nữa, nó nhận thức rõ ràng một điều: Sư tôn thích bắt nạt nó chơi vậy đó.
Nhưng vào đêm Tết Trung thu trăng treo trên cao tròn vành vạnh, lúc ấy sư tôn và tiểu đồ đệ đang ngồi dưới gốc cây cổ thụ ăn bánh trung thu. Khương Ly lại thủ thỉ nàng nhớ hình dạng hổ của nó, nàng còn nói thêm khi mới gặp nhau nó mới chỉ bé xíu.
Vì vậy, tiểu đồ đệ lại biến thành hình dạng thật.
Dưới ánh trăng, bộ lông của Tiểu Bạch Hổ còn sáng hơn cả vật đang treo trên cao ấy, như đang phủ lên mình một loại ánh sáng thần thánh nào đó vậy. Đôi mắt thú màu xanh lục của nó không còn tròn xoe như hồi nhỏ, hiện tại rõ ràng là đã hung dữ hơn nhiều.
Hoàn toàn khác với vẻ ngoài yếu ớt khi mới được sư tôn nhặt về, lúc ấy Tiểu Bạch Hổ chỉ to hơn mèo con một chút.
Khi Tiểu Bạch Hổ xuất hiện liền trở thành hình tượng sống cho câu "Long hành hổ bộ*".
*Long hành hổ bộ: bước đi như rồng hổ. Chỉ có điều…
Đồ đệ nhìn xung quanh: "Sư tôn, người đang ở đâu vậy?"
Sư tôn bảo nó cúi đầu.
Đồ đệ cúi đầu xuống, cuối cùng cũng nhìn thấy sư tôn.
Nó hoang mang tiến lại gần, phát hiện sư tôn nhỏ bé hơn nhiều so với trong trí nhớ của mình.
Tất nhiên sư tôn không hề nhỏ đi, mà là đồ đệ bây giờ đã lớn rồi.
Nhưng nó vẫn hành động theo bản năng như xưa, đồ đệ dùng cái đầu to lớn của mình tiến đến muốn cọ cọ con mèo nhỏ.
Nhưng giờ đây nó cao tới một mét, dài gấp năm và rộng gấp ba lần mèo mướp.
Nó vừa cọ, con mèo mướp liền không kịp trở tay bị hất văng vào bụi cỏ.
Khương Ly: “…”
Bản thân Tiểu Bạch Hổ cũng có chút bối rối.
Từ giờ phút này, nó không bao giờ có thể giả dạng thành mèo con một lần nữa.
Nhưng mà như vậy cũng có một điểm tốt.
Tiểu Bạch Hổ tiến lại gần, lúc này chỉ cần một móng vuốt của nó cũng có thể đè sư tôn xuống đất. Nó cúi đầu xuống muốn liếʍ liếʍ bộ lông của sư tôn, đây là hành động thể hiện sự thân mật bản năng của loài vật nhỏ.
Mèo mướp kiên nhẫn chịu đựng.
Thế nhưng nàng thật sự không thể chịu đựng được nữa.
Nàng nâng móng vuốt lên, bay tới tấn công đồ đệ.
…
Bản thể thần thú Bạch Hổ vô cùng to lớn, khi trưởng thành chỉ tính riêng chiều cao đã có thể đạt tới ba mét.
Tuy nhiên to lớn như vậy cũng chẳng có ích gì mấy.
Khương Ly phát hiện ra đồ đệ giờ đây đã biến thành chiếc ghế sofa lông hổ có kích thước vô cùng lý tưởng.
Đến khi mùa đông sang, các loài động vật đều sẽ mọc thêm lớp lông dày hơn để chống lại lạnh.
Khương Ly bắt đầu nhổ lông của nó để làm gối ôm, chăn lông và đệm ngồi.
Đồ đệ: "..."
Thời gian trôi đi một cách chậm rãi.
Kể từ khi mới đi học ở chỗ trưởng lão Linh Tê, tiểu đồ đệ đã có thành tích vô cùng tốt.
Dần dần, tiểu đồ đệ đã kết bạn được với Linh Quan và những người khác, thỉnh thoảng bọn họ còn cùng nhau luyện kiếm nữa. Và khi phải đi rèn luyện theo nhóm, nó cũng không bao giờ phải lo lắng không tìm được đội như trước.
Khương Ly biết tiểu đồ đệ nhà mình cực kỳ thông minh và có thiên phú. Nhưng do tuổi nó còn nhỏ nếu lúc này cơ bắp và xương cốt bởi vì tu vi thăng cấp quá nhanh mà được cố định, thì rất có thể sau này có lẽ sẽ không cao thêm được nữa.
Vì vậy, nàng đã có ý thức kìm hãm tu vi của tiểu đồ đệ.
Tiểu đồ đệ cũng không có ý kiến gì về điều này.
Mặc dù thành tích của nó rất xuất sắc, nhưng cũng không quá nổi bật. Trong mắt mọi người, tiểu sư đệ Ngọc Phù Sinh chỉ là một người cùng môn phái tính cách trầm lặng và có thiên phú mà thôi.
Mặc dù có rất nhiều điểm giống "con nhà người ta" khiến mọi người có chút nghi ngờ, nhưng cũng không thu hút quá nhiều sự chú ý.
Khương Ly thường xuyên quên rằng tiểu đồ đệ chính là đại phản diện âm hiểm kiếp trước.
Mùa xuân năm sau, Khương Ly cảm thấy việc tiểu đồ đệ sử dụng kiếm gỗ nhỏ không còn phù hợp nữa. Nàng dự định cho tiểu đồ đệ đến Lăng Kiếm để lấy một thanh kiếm thực sự.
Ở Lăng Kiếm có vô số danh kiếm nổi tiếng, và mọi đệ tử Thiên Diễn Tông đều có thể vào đây để lấy một thanh kiếm cho riêng mình. Nhưng nên nói là kiếm chọn người, chứ không phải người chọn kiếm.
Lúc đầu khi Khương Ly vào Lăng Kiếm, kiếm Phủng Ngư đã tự động bay đến chỗ nàng.
Nàng dặn dò tiểu đồ đệ rất nhiều điều cần chú ý, rồi mới đưa nó vào Lăng Kiếm.
Mùa xuân cỏ mọc phơi phới chim hót líu lo, bánh nếp xanh* lại thơm ngon vô cùng.
*Bánh nếp xanh: Hay còn gọi là bánh nếp lá ngải. Là loại bánh phổ biến ở khu vực Giang Nam, được dùng trong dịp Tết Thanh minh. Bánh được làm từ gạo nếp trộn với nước ép lá ngải, một loại thảo mộc tự nhiên giúp ngăn chặn côn trùng độc hại cắn. Khương Ly đun trà hoa để dùng chung với bánh nếp xanh, tưởng rằng trà vừa sôi thì đồ đệ nhà mình sẽ về.
Nào ngờ cho đến khi trời tối dần, trà đã được hâm nóng nhiều lần thế nhưng đồ đệ vẫn chưa quay lại.
Lòng Khương Ly dâng lên một cảm giác lo lắng mơ hồ.
Nàng mang theo kiếm và bướm nhỏ cùng chờ bên ngoài Lăng Kiếm.