Chương 17: Nhập doanh thăm viếng

Thôi Hành Chu cảm thấy loại chuyện phiếm chợ búa này đến đây là kết thúc, liền từ từ nhắm hai mắt lại: "Ta sẽ không nạp thϊếp... Thời gian không còn sớm, mau ngủ đi, sáng mai còn phải đi quan phủ khơi thông mọi chuyện."

Hắn không nói dối, trong lòng hắn đích thực không có tâm tư nạp thϊếp, chỉ là thê tử bên gối ngày sau của hắn cũng không phải nữ nhân bên cạnh này thôi.

Nghe Thôi Cửu nói xong, trong lòng Miên Đường nhất thời nhẹ nhõm. Phu quân là người trầm ổn văn nhã, không phải là loại nam tử nông cạn như Trương quan nhân phố Bắc, nàng thật không nên nghĩ lung tung.

Lúc này trăng đã treo cao, Miên Đường nằm bên cạnh tướng công hài lòng khép mắt.

Đợi đến khi người bên cạnh hô hấp bình lặng, Thôi Hành Chu chậm rãi mở mắt, quay đầu nhìn nữ tử ngủ say kia, khuôn mặt nàng trắng nõn tựa như một nồi sữa đậu nành mới ra lò...

Ngày thứ hai, Thôi Hành Chu thức dậy rất sớm, Lý mụ mụ cũng đã bắt đầu nấu cơm.

Hoài Dương vương tới đây, cùng lắm chỉ để an ủi tình hình của nữ nhân mất trí nhớ này, thế nhưng đi qua đi lại nhiều lần khiến hắn thật sự có cảm giác phố Bắc trở thành hành quán[1] của riêng mình.

Mặc dù nơi này không thể bì được với Vương phủ nhưng so với quân doanh mà hắn vốn quen ở lại thấy hài lòng không ít. Cộng thêm Lý mụ mụ là nô bộc quen dùng, đồ ăn làm ra hợp khẩu vị vô cùng, Thôi Hành Chu vui vẻ ở lại dùng điểm tâm xong rồi mới rời đi.

Mấy hôm nay phải nấu ăn cho vị Trần tiên sinh kia nên Lý mụ mụ làm thịt kho tàu, vì vậy mua không ít thịt heo về Bắc trạch.

Hôm qua bà đã phân ra thịt mỡ, dứt khoát dùng nước luộc, mỡ heo thơm ngào ngạt, dư lại dùng dầu con thoi trộn với muối rồi bê lên.

Loại vật này ở Vương phủ khẳng định không lên nổi bàn ăn chủ tử nhưng Thổi Cửu ăn một lần, lại cảm thấy rất thích, vừa thơm vừa giòn, chỉ chốc lát đã ăn non nửa bát.

Sau khi cơm nước xong, nhìn canh giờ cũng đã muộn, Thôi Hành Chu nói với Miên Đường rằng mình đi quan phủ tìm hiểu, xong xuôi liền trực tiếp lên núi tôi luyện kỳ nghệ với ân sư.

Ra khỏi cổng lớn, xe ngựa vừa tới chỗ ngoặt, trạm gác ngầm mai phục gần đó đã bước tới, đến gần xe nhỏ giọng: "Khởi bẩm vương gia, gã hái hoa tặc kia đã bị đưa vào hình doanh trong quân.... Ngài có muốn đưa về quan phủ không ạ?"

Thôi Hành Chu chợt nhớ tới vì tên tặc tử này trêu chọc khiến Liễu tiểu nương tử ở nhà mắng Hoài Dương vương ngu ngốc, trong lòng liền bực bội, lạnh lùng nói: "Không cần, trực tiếp đánh một trận rồi sung quân đến Lĩnh Nam, để gã ta chết già ở đấy đi."

Bình thường, hắn ra ngoài sớm, theo lý sẽ không gặp láng giềng gì cả. Hôm nay vì xe ngựa dừng ở đầu phố một lúc nên liền trông thấy một nam tử thân toàn mùi rượu đứng trước cửa phòng một nhà đang đóng chặt, vừa đập cửa vừa mắng:

"Đồ tiện tỳ chết tiệt, dám nhốt chủ tử người bên ngoài, ta có thể bán ngươi một lần thì cũng có thể bán lần thứ hai! Ta nhất định sẽ bán ngươi vào trong ngõ, để ngươi mỗi ngày phải tiếp đón nam nhân!"

"Nương tử, nàng vậy mà lại nghe tiện nhân xúi giục, không cho tướng công của nàng về nhà!"

Nương tử trong miệng gã không lên tiếng, ngược lại là một giọng nữ trung khí mười phần vang lên: "Ta là nha hoàn hồi môn của nương tử, muốn bán cũng không đến lượt ngươi to mồm!"

"Lúc trước là nương tử không chê ngươi nghèo khổ, trái lời phụ mẫu, tự định chung thân gả cho loại sa cơ thất thế như ngươi. Ngươi ngược lại dám đem bán đồ cưới của nương tử, cầm tiền đi nuôi mấy đồ đĩ bên ngoài!"

"Nương tử nhà ta không chịu nổi loại bẩn thỉu như ngươi nữa, nhất định hòa ly với ngươi! Giờ ngươi muốn cưới ai thì cưới!"

"Về phần cửa hàng kia chính là đồ cưới của nương tử nhà ta, nửa phân cũng không liên quan đến ngươi, mau để người của ngươi thu dọn gạo dầu cuốn xéo đi cho ta!"

Nghe đến đó, Thôi Hành Chu trong xe ngựa rõ ràng mồn một, ước chừng đây là Trương gia mời "Khuyển Thần" trừ tà kia.

Xem ra vị Trương gia nương tử tai mềm này đã nghe Liễu Miên Đường khuyên bảo, tìm nha hoàn trung tâʍ ɦộ chủ ở nhà mẹ đẻ về. Cũng không biết ngoài cái này ra, Liễu Miên Đường còn ra chủ ý gì nữa?

Thật xem ra dù Liễu Miên Đường không bị sơn phỉ cướp đi thì cũng sẽ đứng vững ở Thôi gia thương nhân kia, cũng thật không hiền chút nào...

Quan trọng nhất là không sợ đem phiền phức cho mình.

Thôi Hành Chu quyết định chờ trạm gác ngầm phố Bắc lui, hắn chỉ cần chỉ điểm cho Liễu Miên Đường một hai, để nàng tu tập cho ra vẻ hiền phụ, miễn cho ngày sau nàng không quá long đong, không còn lui tới với bọn bẩn thỉu, còn nhiễm không khí chợ búa....

Sự thật chứng minh, hắn suy đoán không sai.

Ngày thứ hai, trạm gác ngầm theo thường lệ tới báo cáo tình hình bên phố Bắc. Có nói Trương gia bên kia vợ chồng ầm ĩ, Trương nương tử quyết tâm hòa ly gọi huynh đệ nhà mẹ đẻ tới, thu lại cửa hàng của mình.

Tên tướng công kua không nghề nghiệp, bị ả nhân tình kỹ nữ mình bao nuôi ghét bỏ, cứ vậy nhất phách lưỡng tán[2].

Về sau Trương tướng công không biết nghe nói từ đâu nương tử tai mềm nhà mình bị bà nương Thôi gia mới chuyển tới ra chủ ý, giận dữ tím mặt. Ngay sáng ngày thứ hai đã chạy tới cửa Thôi gia Bắc trạch chửi rủa không thôi.

Thôi Hành Chu nghe đến đây, buông bút trong tay xuống, ngẩng đầu hỏi: "Liễu Miên Đường cãi nhau với gã ta rồi?"

Người kia lắc đầu: "Không cãi ạ, mấy hôm nay việc làm ăn bên cửa hàng không tốt, nghe Lý mụ mụ nói Liễu nương tử gấp đến độ bốc lửa, nghe tên kia đến, một câu cũng không nói trực tiếp sai bà tử câm điếc bắc thang, đổ một thùng "Dạ hương" lên đầu Trương tướng công...."

Ám vệ sợ làm bẩn tai Vương gia, chỉ nói một nửa. Lúc ấy tên kia nửa câu cũng không nói nên lời, gã có nhà mà không thể về, tiền bạc tích góp cũng bị kỹ nữ lừa gặt hết. Quần áo không thể thay giặt chỉ có thể lê một thêm ướt sũng, thối hoắc gào khóc.

Cuối cùng vẫn là Trương nương tử kia mềm lòng, thấy gã đáng thương, mở cửa cho gã về thay quần áo.

Thôi Hành Chu nghe vậy cũng không ngoài ý muốn. Hắn đã nhìn ra, vị tiểu nương tử kia trời sinh không ngại phiền phức, tổ ong vò vẽ gì cũng dám chọc.

Nếu là ngày thường, Thôi Hành Chu nhất định sẽ nhíu mày.

Nhưng vài ngày nay tâm tình Thôi Hành Chu vô cùng không thoải mái, mấy lão già trong triều ngáng chân, nói rằng Chân châu loạn tặc đã thanh trừ phân nửa, vậy mà Thôi Hành Chu không chịu giải tán quân địa phương, dụng ý khó dò, cầu Vạn Tuế triệu hắn về kinh chịu trách móc.

Lại tiếp xuống nhóm quốc lão lại ca ngợi Thạch Nghĩa Khoan, Tổng binh của Thanh châu giáp với Chân châu. Nói hắn lấy đức phục người, tựa hồ cố ý chiêu an phản tặc Lục Văn, hai bên thỏa đàm điều kiện. Lục Văn liền mang theo thuộc cấp quy phục dưới trướng Thạch Nghĩa Khoan.

Thạch Nghĩa Khoan không tốn sức đã có thể ôm hết công lao bình định nạn trộm cướp vào người.

Nếu được Thôi Hành Chu cũng muốn như Liễu tiểu nương tử, không quan tâm gì hết gọi người xách theo mấy thùng dạ hương, dội vào đám triều thần ù tai hoa mắt kia, cả tên Thạch Nghĩa Khoan kia nữa, để thỏa lòng ác khí.

Đáng tiếc thân là triều thần, vậy mà còn không sống vui vẻ bằng một tiểu nương tử phố Bắc.....

Nghĩ đến này, hắn phất phất tay, cho ám vệ lui xuống.

Có ai biết được, hắn đường đường là Hoài Dương vương tay cầm trọng binh, vậy mà còn không thư thái thống khoái bằng một tiểu nương tử thương hộ?

Đúng lúc này có người tiến vào bẩm báo, nói là Liêm tiểu thư cùng huynh trưởng Liêm Hiên đến quân doanh thăm Vương gia.

Thì ra sau thọ yến Thái phi, Thôi Hành Chu liền không về nhà nữa. Về phần thư tiến cử con cháu trong nhà của nhạc phụ tương lai cũng không thèm hồi âm.

Di mụ Liêm Sở thị khó tránh khỏi phàn nàn cháu trai quý nhân nhiều việc, không chú ý tới chuyện của nhà mình.

Nhưng ngược lại Liêm Bình Lan lại phát giác không ổn, cảm thấy biểu ca cố ý "quên" là muốn gõ vào thể diện của người Liêm gia. Vì vậy nàng ta cản mẫu thân lại, không để bà ta đi hỏi phụ thân, mà nấu ăn tỉ mỉ vài món, nhờ huynh trưởng đưa nàng ta đi du xuân vùng đồng nội, mượn thời điểm này "tiện đường" ghé thăm Hoài Dương Vương.

Như vậy vừa không thể hiện rõ ràng lại vừa vặn có thể biểu đạt một mảnh quan tâm thương nhớ của nàng ta cho biểu ca rõ ràng, thuận tiện nhìn thái độ của Vương gia với Liêm gia ra sao.

Liêm Hiên huynh trưởng Liêm Bình Lan là đồng môn với Thôi Hành Chu. Năm đó cùng cầu học tại thư viện kinh thành, cũng quen biết lẫn nhau.

Chỉ là hắn trời sinh yếu người, mặc dù nhận chức huyện thừa nhưng lại vì bệnh tình liên lụy mà chưa thể đi nhậm chức, chỉ đành tạm giữ chức về quê. Cũng coi như một tán nhân[3].

Chỉ là Liêm gia công tử cùng bút họa rời tình sơn thủy và Triệu Tuyền hành y tế thế[4] khác nhau.

Vị này lòng mang hoài bão, đại bàng giương cánh, lại bị bệnh hoạn liên lụy, không thể cảm nhận cái gọi là “Hà đương kim lạc não, khoái tẩu đạp thanh thu"[5]

Liêm công tử ngoài việc uống thuốc, thích nhất ngồi bàn với những người cùng sở thích, chỉ điểm cổ kim, nói lên nỗi niềm của mình.

Vậy nên khi vừa tiến vào binh doanh, mắt thấy đồng môn Thôi Hành Chu khi xưa một thân quân phục đen tuyền ánh vàng, trên bàn công văn chồng chất, lều trướng bộ hạ ra vào không ngừng, trong lòng bỗng có cảm giác tự ti cùng không cam lòng.

Đợi khi Hoài Dương Vương gọi hắn - vị cữu ca tương lai kiêm đồng môn xưa, Liêm công tử nhịn không được nói về kiến giải của mình về cách quản lý của Chân châu, rất có ý muốn hàn huyên cùng Hoài Dương Vương, khiến Liêm Bình Lan không thể xen vào.

Mắt thấy Hoài Dương vương khóe miệng ý cười khách sáo càng ngày càng sâu, Liêm Bình Lan thật muốn bỏ qua hết lễ nghi khuê tú, trực tiếp dùng khăn tay chặn miệng huynh trưởng lại.

Nếu không phải một nữ tử như nàng ta ra vào quân doanh không tiện, huynh đệ khác lại không ở Chân châu, thì nàng ta đánh chết cũng không muốn dắt huynh trưởng Liêm Hiên ra cửa.

Uổng phí nàng một đường tận tâm chỉ bảo, dặn dò huynh trưởng vào doanh ít nói uống nhiều trà. Liêm Hiên thấy mình nói một đường càng ngày càng tốt sớm đã vứt lời muội muội ra sau đầu.

Tuy vậy nhưng nha hoàn Liên Hương sau lưng Liêm Bình Lan lại là người cơ linh. Thấy rõ khăn tay trong tay tiểu thư càng ngày càng bị siết chặt, lập tức rõ ràng.

Nàng ta mượn lúc đưa trà cho công tử, "không cẩn thận" đổ trà lên trường sam, khiến công tử nhíu mày khiển trách, cuối cùng cũng ngừng được khí thế chỉ điểm non sông.

Liêm Bình Lan thả lỏng, thừa dịp huynh trưởng không nói gì, nhìn biểu ca cười ôn hòa: "Thái phi nhớ nhung biểu ca, sợ ở binh doanh ăn uống đơn điệu, liền bảo ta mang chút đồ ăn điều hòa khẩu vị tới. Thêm nữa tá điền ở Vương phủ mới đưa tới một sọt "cua tháng sáu", mặc dù cua không lớn như mùa thu nhưng tươi ngon vô cùng, dù là cua mùa thu cũng không thể bằng, ta cố ý dùng thịt cua làm bánh, gạch làm nhân đến cho biểu ca nếm thử."

Nói xong nàng ta liền sai Liên Hương bưng bánh bao gạch cua trong hộp thức ăn ra đặt lên bàn, da bánh mỏng manh thấy rõ gạch cua tràn đầy.

Thôi Hành Chu mỉm cười, nói: "Cảm ơn biểu muội dụng tâm.", liền nhận lấy đũa ngọc, kẹp một miếng đặt vào miệng.

Biểu muội này của hắn làm việc vừa vặn chu toàn, mặc dù chỉ là năm cái bánh bao nhưng trang trí lại xa hoa lộng lẫy.

Tuy vậy với một người tập võ đang đói bụng thì chút ít này không bõ dính răng.

*

[1] nơi ở của quan lại xưa khi đi công tác ở xa.

[2] giống một đao chặt bỏ/ dứt khoát chia tay.

[3] người rảnh rỗi.

[4] đi khắp nơi cứu giúp mọi người.

[5] Mã thi kỳ 05 - Lý Hạ

Đại mạc sa như tuyết,

Yên sơn nguyệt tự câu.

Hà đương kim lạc não,

Khoái tẩu đạp thanh thu?

Dịch nghĩa

Sa mạc mênh mông đầy cát trắng như tuyết,

Trăng hình móc câu trên núi Yên Nhiên.

Đến bao giờ mới được đeo cái rọ mõm thếp vàng,

Và được phi nhanh trong cảnh trời quang mây tạnh?

Tác giả tả cảnh sa mạc cát trắng mênh mông vùng biên giới tây bắc ngụ ý mong được vẫy vùng thoả chí và hình ảnh trăng lưỡi liềm treo trên núi Yên Nhiên ngụ ý mong được tin dùng để lập chiến công.