Chương 5

Quả thật, sau khi được lấp đầy cái dạ dày, tâm trạng của tôi đã khá hơn rất nhiều. Hai chúng tôi ngồi nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển cho tới khi mẹ tôi gọi điện tới mới lưu luyến đứng dậy thanh toán.

Duy nói vừa ăn no xong, muốn đi bộ một chút cho tiêu hoá bớt thức ăn, thế là hai chúng tôi đi song song trong con ngõ nhỏ, gió hiu hiu thổi vào mặt làm tôi tỉnh táo hơn một chút.

Bàn chân tôi dẫm lên vài chiếc lá khô, âm thanh giòn giã vang lên, Duy dắt xe máy, chốc chốc lại quay sang nhìn tôi, ánh mắt dịu vợi ấy làm lòng tôi xốn xang. Tôi vờ như không thấy, khẽ ngâm nga một câu hát trong miệng như muốn phá tan bầu không khí căng thẳng này.

Duy định nói gì đó nhưng lại thôi, có lẽ anh đang phân vân không biết có nên nói ra hay không. Tôi đoán anh lại sắp tỏ tình hay đại loại muốn tôi cho anh cơ hội. Đã rất nhiều lần anh đẩy tôi vào tình huống khó xử, lần này không để anh lên tiếng, tôi đã phủ đầu luôn. Tôi cất giọng đều đều, nửa như muốn tâm sự, nửa như muốn chặn đứng tất cả:

- Em biết anh định nói gì mà anh Duy, nếu vẫn là nói mấy lời lần trước thì em không muốn nghe. Bởi vì nghe xong thì câu trả lời của em vẫn vậy thôi.

- Sao em biết anh định hỏi gì chứ? Anh còn chưa nói gì mà.

Tôi cười nhẹ nhưng lòng thì lại cảm thấy nặng nề.

- Vậy anh nói đi.

- Anh chỉ muốn hỏi em một câu thôi, rằng nếu em không yêu anh, thì trong lòng em liệu có một chút chút nào thích anh không? Chỉ một chút thôi.

Đôi chân đang bước của tôi bỗng khựng lại, tôi ngước lên nhìn thẳng vào mắt Duy.

- Đừng hỏi em chuyện đó nữa, nếu em thực sự thích anh thì đã nhận lời anh từ ngày đầu tiên chứ không phải bây giờ. Anh biết mà! Em không xứng với anh, em cũng không có tình cảm với anh, nếu có thì cũng chỉ là tình cảm bạn bè. Nhiều lần em cũng đã nói với anh rằng đừng chờ đợi điều gì ở em, anh nên đi tìm cho mình một người con gái khác phù hợp với anh. Em xin lỗi.

Duy im lặng cúi đầu, môi anh mím chặt như đang cố che dấu sự thất vọng đến tột độ, ngay cả bản thân tôi khi nói ra những lời này cũng cảm thấy trong lòng không dễ chịu chút nào. Tôi sợ mình không đủ kiên quyết để có thể khiến anh từ bỏ nhưng lại sợ mình quá tàn nhẫn khiến anh phải đau lòng. Thật sự tôi không muốn bất cứ ai phải buồn vì tôi, nếu có buồn có khổ cứ để một mình tôi chịu là được rồi.

Chiếc xe máy được Duy dựng sang một bên, anh đột nhiên lao vào ôm chầm lấy tôi, bị bất ngờ, người tôi cứng đơ ra như pho tượng đá, tới lúc bình tâm lại mới dùng sức đẩy Duy ra.

Thế nhưng Duy ôm tôi rất chặt, tới mức tôi không thở được, anh cứ ghì lấy tôi, bao ấm ức vì thế mà tuôn ra:

- Tại sao em năm lần bảy lượt từ chối anh? Em nói em không xứng với anh, nhưng anh thấy xứng, anh không quan tâm chuyện cũ của em, anh chỉ quan tâm tới tương lai, không có con thì sao chứ? Anh không cần, anh chỉ cần có em thôi. Anh yêu em. Lam Anh, cho anh cơ hội được chăm sóc em có được không?

- Không được! Em và anh không thể nào đâu anh Duy, xin anh hiểu cho em, em không thể cùng anh đi xa hơn được. Em có nỗi khổ của em, anh không hiểu hết được đâu. Anh buông em ra đi.

Tôi cố giãy giụa trong vòng tay Duy, thật ra tôi có thể giở vài thế võ mèo cào năm đã học để thoát ra, nhưng tôi sợ làm anh đau, tôi không muốn làm tổn thương người mà tôi quý trọng.

Thế nhưng Duy dường như không chịu buông bỏ, anh đẩy tôi vào tường, mặc kệ người đi đường hiếu kì chỉ chỏ, anh cố chấp hôn tôi. Đôi môi tôi mím chặt, ngăn không cho anh tiến vào, càng thế anh lại càng hung hăng muốn chiếm lấy.

Việc này nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi, không ngờ hôm nay Duy lại sử sự như vậy với tôi, anh trước giờ không bao giờ ép buộc tôi bất cứ điều gì, nhưng giờ đây, ngay lúc này anh không cho tôi có thời gian để né tránh

Đôi môi tôi khô khốc, hai mắt mở to trừng trừng nhìn Duy. Cuối cùng dùng hết sức lực của mình hất Duy ra khỏi người mình.

Hai tai của tôi lúc này như ù đi, những âm thanh kì dị trong đầu liên tục dội lại rất đáng sợ. Tôi ngồi thụp xuống đường, hai tay bịt kín hai lỗ tai nhưng những nụ cười méo mó ấy vẫn không chịu ngừng lại.

- Lam Anh! Em sao vậy? Lam Anh.

Duy đỡ tôi đứng dậy, nhìn tôi đầy lo lắng, thế nhưng tôi không đứng nổi, bàn chân cứ khuỵu xuống y như vừa bị người ta lột gân rút xương.

Hai tay Duy nắm chặt tay tôi, trong lòng tràn đầy hối hận, anh liên tục nói:

- Anh xin lỗi, anh không kiềm chế được tình cảm của mình, đừng giận anh được không, để anh đưa em về.

- Em muốn ở một mình, anh về trước đi.

Tôi gỡ tay Duy ra khỏi bàn tay mình, trao trả lại anh chiếc mũ bảo hiểm, cứ thế lững thững đi trong con ngõ nhỏ, Duy lo lắng chạy theo đòi đưa tôi về cho bằng được, thế nhưng khi đối diện với đôi mắt ngân ngấn nước của tôi, Duy đành phải nhượng bộ buông tay tôi ra, anh đi theo sau tôi ra trạm chờ xe bus, để tôi ngồi đó, một lúc sau mới rời đi.

Có lẽ kể từ khi quen nhau, đây là lần đầu tiên Duy thấy tôi rơi nước mắt, ngay cả bản thân tôi cũng không ngờ mình lại yếu đuối tới như vậy. Chỉ là hôm nay những thứ tồi tệ ấy lại một lần nữa ùa về, sáu năm rồi mà chỉ ngỡ như mới xảy ra hôm qua, nỗi sợ hãi trong tôi vốn chưa bao giờ lụi tắt.

Không biết qua bao lâu, điện thoại của tôi rung lên, là tin nhắn xin lỗi của Duy, anh nhắn rất dài, tôi cũng không có đủ kiên nhẫn để đọc hết, chỉ nhắn lại một câu nói rằng mình không sao rồi lại ngẩn ngơ nhìn xe cộ đi lại.

****

Sáu năm trước....

Sau khi bố tôi mất, ngôi nhà bốn tầng nằm khang trang trong một khu nhà ở cao cấp bị người ta lấy mất, xe cộ, cổ phiếu, tiền mặt đều bị niêm phong hết

Lúc này mẹ tôi bắt đầu cảm thấy không khoẻ, thế nên tôi phải nghỉ học, đi kiếm việc làm để trang trải cuộc sống hàng ngày.

Tôi được người ta cho thuê lại căn nhà trọ chưa đầy mười mét vuông, nhà vệ sinh chung với hơn chục hộ gia đình khác, cuộc sống cơ bản vô cùng khó khăn,"lên voi xuống chó" chỉ sau vài cái chớp mắt, thời gian đó quả thực rất khó chấp nhận, thế nhưng tôi không cho phép mình được từ bỏ, cuộc đời này tôi chỉ còn mỗi mình mẹ, tiền mất có thể kiếm lại, còn gia đình thì không.

Gia đình ông bà ngoại ngày xưa có mở cơ sở làm bánh nếp, mẹ tôi cũng biết làm, bánh mẹ làm rất ngon, thế nên hai mẹ con tôi nảy ra ý tưởng khởi nghiệp từ loại bánh này. Nguyệt cho tôi vay hai triệu đồng, hồi ấy nó vẫn còn sống chung với bố mẹ, thường xuyên cãi lời, thi trượt, nợ môn, cúp tiết thường xuyên nên tiền tiêu vặt bị cắt giảm gần hết, nó phải vơ vét hết những khoản linh tinh mới đủ để đưa cho tôi.

Tôi dùng số tiền đó mua một cái nồi hấp, thêm một cái lò than, tận dụng khoảng sân của dãy trọ làm nơi đun nấu, số còn lại dùng để nhập nguyên liệu.

Bánh chín, tôi đem đi bán, ai ngờ được một đứa vốn sống sung sướиɠ như tôi lại bê thúng bánh đi loanh quanh trong chợ, gặp ai cũng mời, ngày nắng cũng như ngày mưa không dám nghỉ một buổi nào.

Dần dần người mua ủng hộ tôi nhiều hơn, cuộc sống cũng được cải thiện phần nào.

Cứ tưởng số phận đã buông tha cho mẹ con tôi, không ngờ tai hoạ liên tiếp ập tới, như dòng nước chảy xiết cuốn lấy tôi đi, còn tôi thì như cánh bèo trôi dập dềnh sau cùng bị nhấn chìm một cách không thương tiếc.

Mẹ tôi bị suy thận độ ba, không thể thức khuya dậy sớm làm bánh được nữa, người bà càng ngày càng gầy, da dẻ trở lên xù xì do gan bị ảnh hưởng. Lúc này thời gian lớn của bà là phải ở trong viện điều trị, tôi lại cắn răng đi xin làm ca tối, ban ngày vào viện chăm mẹ, kế hoạch phát triển nghề bánh đành gác lại

Gia đình gặp biến cố liên tiếp như thế nhưng tôi lại ngậm chặt miệng không kể cho Việt biết, khi đó anh đang học để lấy bằng Thạc Sĩ bên Pháp, chỉ còn chưa đầy nửa năm nữa là sẽ kết thúc chương trình, thời gian này chính là lúc chạy nước rút, phải tập trung tuyệt đối. Không muốn Việt phải bận tâm thêm, tôi vờ như mình vẫn ổn, cười nói vui vẻ mỗi khi gọi điện cho anh.

Việt nói anh có món quà tặng tôi, nói sẽ gửi chuyển phát nhanh về cho kịp sinh nhật của tôi. Tôi giật mình nhìn lịch, quả thật là tôi không nhớ ra rằng chỉ còn một tuần nữa là tới sinh nhật mình, quá nhiều chuyện xảy ra cùng lúc, tôi mệt mỏi tới mức không còn hơi sức mà để ý những chuyện vặt vãnh này nữa.

Sợ bị lộ chuyện nhà của tôi đã bị xiết, tôi nói dối rằng thời gian này đang ở nhờ nhà Nguyệt, nhà cũ đang sang sửa lại, anh không mảy may nghi ngờ, bảo tôi đọc địa chỉ, vậy là đồ được chuyển thẳng tới tay Nguyệt.

Món quà đó chính là cái lắc tay bằng bạc mà tôi giữ mãi tới tận bây giờ.

***

Thời gian cứ thế trôi đi, tôi cũng đã quen dần với cuộc sống đầy khó khăn thiếu thốn, khi nhìn lên cuốn lịch để bàn, tâm trạng của tôi vô cùng xáo trộn, tôi vừa mừng vì biết Việt chỉ còn hơn một tháng nữa là sẽ về nước, nhưng lại lo anh biết chuyện về gia đình tôi như thế, anh sẽ nghĩ như thế nào? Có trách tôi tại sao lại giấu anh hay không?

Thế nhưng, điều tôi chưa kịp lo lại xảy ra trước khi Việt về.

Hôm ấy, khi tôi vừa bước ra từ bệnh viện, trên tay xách lỉnh kỉnh đồ đạc thì đâu xuất hiện một người phụ nữ trung niên, bà ấy nhìn chằm chằm vào tôi, sau đó hỏi:

- Lam Anh phải không?

Khi tôi còn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì, bà ấy lại nói tiếp:

- Bác là mẹ của Việt.

Tuy có hơi bất ngờ nhưng theo phép lịch sự thông thường, tôi hơi cúi đầu, nhỏ nhẹ nói:

- Dạ, cháu chào bác ạ.

Mẹ Việt bảo tôi sang quán cà phê đối diện để nói chuyện, có lẽ khi nhìn thấy bộ dạng lôi thôi lếch thếch của tôi, bà ấy không hài lòng, thế nên chỉ khẽ cười vén môi sau đó không để ý tới tôi thêm một lần nào nữa.

Lúc này tôi mới phát hiện ra chênh lệch giữa tôi và mẹ Việt là rất lớn, một người phụ nữ ăn mặc đơn giản nhưng lại toát lên vẻ quý phái điển hình của giới nhà giàu. Trước đây tôi đã từng được tiếp xúc với rất nhiều người lắm tiền nhiều của, địa vị cao, thế nên chỉ cần nhìn thoáng qua cũng nhận ra được điều ấy.

Tôi chưa từng gặp người nhà của Việt, anh cũng không kể nhiều về gia đình mình, chỉ nói rằng gia đình anh làm buôn bán nhỏ, cuộc sống hàng ngày của anh cũng đơn giản, không màu mè phô trương, anh vẫn đi làm công việc bán thời gian trong tiệm cà phê, rảnh rỗi lại đi ship đồ kiếm tiền mua trà sữa cho tôi, cuối tuần thì cùng nhau đi xem phim.

Không ngờ, gặp mẹ anh ở đây tôi được mở mang tầm mắt.

- Ngồi đi cháu.

Giọng nói ngắn gọn nhưng đầy quyền uy, tôi ngay lập tức ngồi xuống, không dám nhìn thẳng vào mắt bà ấy. Tôi phát hiện ra từ ngày gia đình mình sa cơ lỡ vận, tôi dần sống thu mình lại, không còn tự tin như trước, trước mặt người khác bỗng trở lên khúm núm hèn mọn, ngay cả việc nhìn trực diện cũng không dám.

Huống hồ, người này lại là mẹ của người yêu mình, dù sao cũng cảm thấy có chút trở ngại.

- Tôi nói chuyện một lát rồi sẽ đi ngay - Mẹ anh quay qua nói với người phục vụ, bà rút trong ví ra một tờ hai trăm ngàn đưa cho cô bé ấy, nói rằng bà không dùng gì cả, sẽ đi ngay. Cô bé mắt sáng rực, miệng liên tục nói lời cảm ơn sau đó đi lùi về phía sau.

Đợi cho cô bé phục vụ kia đi khỏi, bà nhìn thẳng vào tôi, cất giọng:

- Bác đã biết chuyện gia đình của cháu, gặp phải chuyện này, chắc cháu cũng lo lắng lắm phải không?

- Dạ, mới đầu thì cháu hơi sốc, nhưng bây giò cháu đã chấp nhận được rồi ạ, cháu cảm ơn bác đã quan tâm tới gia đình cháu.

- Bác rất biết ơn khi chuyện gia đình gặp khó khăn, cháu không đem kể cho thằng Việt, nếu không, với cá tính của nó, bác đoán rằng nó sẽ không nghĩ ngợi gì mà bỏ dở tất cả mọi thứ bên Pháp để quay trở về bên cháu. Thân làm một người mẹ, lẽ ra phải nên cảm ơn cháu mới phải, cảm ơn cháu vì đã không để chuyện gia đình làm ảnh hưởng tới tương lai của con trai bác."l

Tôi không biết mẹ anh nói câu này ra là có ý gì, cho dù không phải tôi thì nếu là người khác cũng sẽ không lỡ lòng nào để người mình yêu phải vì chuyện cá nhân của mình làm ảnh hưởng. Chuyện này đáng để nói lời cảm ơn hay sao? có phải đã quá khách sáo rồi không?

Tôi nuốt nước bọt, cúi đầu lắng nghe mẹ anh nói tiếp:

- Thằng Việt sắp quay lại Việt Nam, điều này chắc cháu cũng biết, có lẽ cháu và nó mong chờ giây phút này từ lâu rồi. Thế nhưng, hôm nay bác gọi cháu ra đây không phải để nói lời chúc mừng. Bác chỉ muốn hỏi một câu thôi, rằng cháu có yêu thằng Việt nhà bác thật lòng hay không?

Tôi vẫn nghĩ mẹ anh chỉ muốn kiểm chứng xem tình cảm của tôi đối với anh lớn tới chừng nào, những bà mẹ yêu thương con trai mình đều sợ có một người phụ nữ nào khác đến bên đời con mình, làm con mình tổn thương. Vì vậy nên tôi đáp lời mẹ anh trong tâm thế nhẹ nhàng, thậm chí còn có chút hạnh phúc khi được mẹ anh quan tâm tới.

- Đương nhiên là cháu yêu anh Việt rất nhiều bác ạ! Bọn cháu tuy chỉ ở bên nhau gần một năm, sau đó anh ấy sang Pháp hai năm, thế nhưng bọn cháu vẫn liên lạc với nhau đều đặn mỗi tuần hai lần. Anh ấy còn mua tặng cháu chiếc vòng bạc này nữa ạ.

Tôi như một con ngốc hào hứng giơ chiếc lắc tay ra trước mắt mẹ anh mà không biết rằng mẹ anh dường như chẳng quan tâm, bà ấy mở túi xách ra, lấy một chiếc phong bì dày cộp, đẩy về phía tôi, cặp lông mày hơi nhướng lên.

- Việc lọc máu chạy thận là việc tiêu tốn rất nhiều tiền, tôi biết bây giờ hoàn cảnh gia đình cô rất khó khăn, cô hãy cầm lấy mà lo cho mẹ, nếu thiếu có thể bảo tôi đưa thêm.

Cách xưng hô thay đổi, thái độ cũng đã khác, nụ cười trên môi tôi như bị bẻ gãy làm đôi, tôi còn sợ tai mình nghe lầm nên lắp bắp hỏi lại:

- Sao ạ? Bác nói gì vậy? Thế này là sao? Tại sao lại đưa tiền cho cháu?

- Ba năm, ba trăm triệu, coi như tôi thay mặt con trai cô trả tình phí cho cô, coi như đây là tiền bù đắp cô ba năm qua đã ở bên động viên thằng Việt, nếu cô thấy ít, có thể bảo tôi đưa thêm.

Nực cười, tôi tưởng tình huống này chỉ xuất hiện trong mấy phim truyền hình cẩu huyết thôi chứ không tin rằng có một ngày lại xảy đến với mình. Tôi cảm thấy dường như mình đang bị xúc phạm một cách thậm tệ, ngay lập tức đứng bật dậy, nhìn thẳng vào đôi mắt sắc sảo của mẹ anh. Tôi nói:

- Cháu nghĩ, nếu có trả tình phí cho cháu thì việc này phải do anh Việt làm, cháu không hiểu tại sao đang dưng bác lại đưa tiền cho cháu rồi nói là tình phí, cháu nghèo thì nghèo thật nhưng bác ơi cháu vẫn còn có tự trọng mà bác. Ngày trước lúc gia đình cháu còn giàu có, cháu chưa bao giờ dùng tiền để chà đạp lên danh dự của người khác, vậy nên người khác cũng đừng làm thế với cháu, bác muốn gì thì cứ nói thẳng ra và cất tiền đi giúp cháu ạ.

Mặt mẹ anh hơi biến sắc, chắc bà không ngờ tôi lại phản ứng gay gắt như thế, cuối cùng miễn cưỡng cầm tiền bỏ lại vào túi rồi bảo:

- Đơn giản thôi! Cô hãy chia tay với thằng Việt đi.