Quyển 1: Gặp gỡ - Chương 6: Tôi và lý thuyết: Ý thức quyết định vật chất

Tin vào quy luật nhân - quả là tin mọi điều mình làm ra lúc này sẽ khiến mình và các nhân tố có liên quan sẽ phải hứng chịu quả ngọt hay quả đắng vào ngày sau. Nó tựa như việc con người đang cố gắng hủy hoại môi trường sống thì không chỉ bản thân họ mà cả con cháu, nòi giống và các giống loài khác phải hứng chịu lấy tai kiếp từ thiên nhiên như: Hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất, cơ thể mọi sinh vật nhiễm hạt vi nhựa, nhiễm độc phóng xạ làm biến đổi gene, giải phóng các dịch bệnh quái dị dưới lớp băng tan, mực nước biển dâng cao nhấn chìm các vịnh ven biển và tiếp tục ăn mòn tất cả, để rồi hướng phát triển mà loài người luôn tự tin là đúng lại khiến họ quay lại điểm xuất phát.

Với tôi, đó là do họ tự làm tự chịu, nhưng khi được hỏi ai đã làm cho họ thành ra nông nỗi này, họ lại luôn đổ lỗi cho trời, đất, thánh thần và rồi cầu xin lòng thương xót của những thế lực đã chết hoặc do họ tưởng tượng ra.

Tôi không phải là người cuồng tín, thậm chí còn là một kẻ theo thuyết vô thần, luôn không tin vào những hiện tượng siêu nhiên và kỳ bí. Nhưng bản thân tôi vẫn hiểu rõ, nếu mình sống tốt, không thẹn với lương tâm thì mọi sự cân bằng đều cứ để tự nhiên lo liệu. Tuy nhiên, tôi chưa từng phủ nhận việc mình khinh thường và chán ghét những vị thần thánh trong miệng người đời.

Làm gì có một vị thần nào muốn thu lợi từ con người?

Làm gì có vị thần nào phải nghe lời cầu nguyện của người khác thì mới bắt đầu hành động?

Giống như khi tất cả các điều kiện tự nhiên của Trái đất hình thành nên không khí, nước và chất dinh dưỡng. Có phải chúng được tạo ra với mục đích nuôi dưỡng các thực thể vật chất như con người?

Chỉ có những loài luôn coi mình là cái rốn của vũ trụ mới thốt ra được những lời như thế.

Ý chí sống luôn không của riêng ai, mọi thứ đều tuân theo một dòng chảy tự nhiên, tự mình phát triển và hoàn toàn miễn phí.

Vị thần mà con người luôn cúng viếng bằng vật chất lại chẳng phải thần mà là chính họ, những kẻ sa đọa không có năng lực vô biên như thần linh hay quỷ dữ.

Thần thánh của loài người chỉ là một đức tin viển vông không có căn cứ. Trên thực tế, việc mua thần bán quỷ, cầu tài phúc lộc chỉ là những lý do hoạt động văn hóa có thể thu được nguồn lợi nhuận dồi dào, thứ đó cũng được coi là nguồn trao đổi hàng hóa từ sáng tạo và trí tưởng tượng của loài người. Vậy nên, mọi hoạt động hiện tại của con người đều được cấu thành từ nhận thức của họ với thế giới xung quanh.

Chỉ có con người mới tự tàn sát lẫn nhau và tự cho nhau những hy vọng.

Nếu thực sự có thần thánh, hẳn các vị thần cũng sẽ làm như tôi, lên kế hoạch từ đầu đến cuối rồi mới bắt đầu tạo dựng thế giới của mình. Họ vẽ nên những gì họ quyết định sẽ xuất hiện trên vùng đất mà họ kiểm soát, con đường mà các nhân vật họ tạo ra sẽ đi và kết thúc của vạn vật. Những gì họ nhìn thấy vượt xa nhận thức của những con rối dưới tay họ. Họ luôn biết rõ về tương lai của toàn nhân loại và vô số sinh vật khác. Họ luôn muốn tìm hiểu những điều mới mẻ về thế giới mà họ tạo ra và thích thú với cách các sinh vật cay cú tìm đường thoát thân khỏi sự khống chế của họ. Thỉnh thoảng, họ cũng sẽ nổi hứng muốn thay đổi suy nghĩ của nhân vật này, nhân vật kia, lật đổ thế giới này hoặc thế giới kia chỉ vì với họ, mọi thứ quá nhàm chán, hoặc quá rắc rối.

Nếu trên đời này tồn tại những vị thần, hẳn kẻ đó phải là một thể ý thức vô tâm, không cần biết những mặt lợi – hại của vạn vật được tạo ra dưới tay mình, không mảy may tác động đến mọi thứ mà chỉ im lặng nhìn chằm chằm những thứ mình sáng tạo nên sẽ đi theo chiều hướng như thế nào, mang lại kết quả gì và thú vui gì. Đến cuối cùng, họ sẽ có được những bài học bổ ích từ những sai lầm trong thế giới mà họ sáng tạo ra.

Đùa giỡn với số phận và tò mò về hướng phát triển của vô số sinh vật là cách tìm được niềm vui của mọi vị thần sáng thế, của mọi tác giả, đó là suy nghĩ của tôi khi bắt tay vào tạo dựng thế giới của riêng mình. Kể từ đây, trong tôi đã hình thành nên một câu hỏi, rằng phải chăng việc chối bỏ trách nhiệm là động cơ chính khiến con người lầm tưởng mình – những kẻ theo đuổi tín ngưỡng tự cho là đúng và say mê với đạo pháp để quên đi thực tại, mặc kệ những gì đang bị hủy hoại dưới tay họ?

Nhưng dù có muốn rũ bỏ đi tất cả thì việc chịu thiệt hại trực tiếp hay gián tiếp vẫn chẳng chừa một ai.

Hôm nay, khi nhận ra mình có thể bước vào thế giới hư cấu tự sáng tác, tôi đã có dự cảm chẳng lành về cách mà thế giới này vận hành.

Như người đời đều biết, trong mọi sinh vật sống luôn hiện hữu một quy luật bất biến đó là sinh – tử. Con người hay tất cả những sinh vật có kiến thức và trí tuệ đều có năng lực tạo ra một thế giới như ý muốn, cũng như khả năng cài cắm những cái bẫy kinh hoàng để hủy diệt thế giới ấy nhờ vào con chữ của mình.

Một thế giới chỉ được tạo dựng thành công khi người viết có tri thức về nhiều lĩnh vực khác nhau, có tầm nhìn xa, bao quát toàn diện, am hiểu nhiều quy luật,… Đó là lý do trong ngành học của tôi lại có một bộ môn giảng dạy về Triết học Tư duy đi xứng nhằm để giúp các tác giả tương lai tạo ra thế giới với kết cấu và linh hồn hoàn chỉnh. Nó không chỉ hỗ trợ nền tảng xây dựng nên một cơ chế vững chắc mà còn chỉ ra những điều phi lý của các tác giả yếu kém, giúp họ nhận ra mình có đủ trình độ, hiểu biết và trí tuệ để hình thành một thế giới mới hoàn chỉnh hay không.

Một hệ thống dễ sụp đổ vì những ảnh hưởng từ bên ngoài sẽ nói lên trình độ tư duy của kẻ sáng thế.

Một chút thiếu hiểu biết, chuẩn mực đạo đức không vững vàng sẽ nói lên khả năng cầm bút của người viết, cũng khiến người khác nhận ra thế giới của họ như thế nào, sẽ tồn tại được trong bao lâu, đến lúc nào thì nó sẽ tự khắc biết mình không thể duy trì và sụp đổ.

Cuối cùng, một nhân vật có trí thông minh với linh hồn toàn vẹn hay không phụ thuộc vào kiến thức và tư duy mà kẻ sinh thành bồi đắp nên.

Các tiêu chuẩn được đặt ra đều vì muốn các tác giả chú ý đến cách viết, suy nghĩ và diễn đạt của mình. Nếu ngay đến chính tác giả còn để con cái mình tạo ra trở nên ngu dốt, thất bại về nhân cách làm người thì họ cũng khó tránh khỏi bị đánh giá về mặt đạo đức và lối sống. Đây cũng là nguyên nhân chính vì sao tôi chẳng mấy vui vẻ gì khi được “triu hồi” đến nơi này và trong ấy, có một nhân vật mà tôi sáng tạo nên đã lựa chọn con đường tự tử.

Tôi đã từng nghe nói về những nhà sáng tạo nghệ thuật có khuynh hướng tự tử từ khi còn rất trẻ, chẳng hạn như tôi, người bạn thuở thiếu thời của tôi, hay những người có tiếng tăm mang quốc tịch Nhật Bản như: Dazai Osamu, một trong những nhà văn đã lao mình vào vực sâu đau khổ để tìm kiếm lý do tồn tại cho mình. Đến cuối cùng, ông đã thất bại và đi đến con đường về với cõi vĩnh hằng.

Tôi đoán, ông ấy tìm đến cái chết là vì không thể thấy được nguồn ánh sáng soi tỏ con đường mình chọn, hoặc cảm thấy cuộc đời không có ý nghĩa nên mới từ bỏ sự sống.

Là một người đã nghe được rất nhiều câu chuyện bi hài xoay quanh cuộc đời ông, tôi cảm thấy, ông ấy đã cố gắng tìm kiếm niềm vui trong chuỗi ngày tháng sống ở kiếp người và muốn có được cảm giác của một người đang sống. Nhưng nỗi đau lớn nhất của ông có lẽ là cảm giác không hề cảm thấy mình đang sống mà là mình sống như đã chết. Sau sự ra đi của ông, tôi đã tự hỏi, liệu việc tự sát có phải là sự trở lại trạng thái linh hồn và có thể tồn tại mãi mãi nhưng không một sinh vật nào có thể nhìn thấy được? Nếu như còn cơ hội lựa chọn, họ vẫn sẽ muốn tồn tại dưới dạng cơ thể vật chất, trở thành sinh vật sống theo bầy giống như loài người? Hoặc tồn tại ở một kiếp sống khác, chẳng hạn như dưới hình hài những đơn bào nhỏ bé hay những sinh vật không thể cử động nằm ở điểm khởi đầu cũng là điểm kết thúc của chuỗi thức ăn?

Lục lọi rất nhiều tài liệu, dõi theo dòng chảy của lịch sử mà thế hệ trước để lại, tôi thấy rằng, con người đã trải qua những tháng ngày chưa từng biết ăn chín uống sôi cho đến khi thành lập giai cấp, tạo dựng chế độ và lưu hành vật chất trao đổi. Trong mọi chuyển động của loài người, tôi luôn biết, kể từ khi bản thân con người bị kiềm hãm và chịu sự kiểm soát của bất cứ thế lực nào, cũng là lúc lòng bất mãn được hình thành, tích tụ dần cho đến khi bùng nổ. Những cuộc nổi dậy để đòi lại tự do liên tục diễn ra trên thể xác lẫn trong tâm hồn, nhưng rồi lại quay trở về với những chi phối chồng chất còn hơn cả trước khi được giải phóng.

Đã sống và trông thấy những nỗi đau khổ đày đọa xuyên suốt nhiều thế hệ, tôi vẫn không thể tìm ra lý do gì và động lực nào để khiến những linh hồn muốn tiếp tục xuất hiện trên thế giới này dưới hình thái vật chất. Những mảnh đời được nhân loại gọi là số phận bất hạnh ấy luôn than trách sao cuộc đời lại trớ trêu, sao sống lại phải chịu đựng những đau khổ rồi họ lại cắn răng cố sống qua nửa đời người. Đến tận lúc sự sống rời bỏ họ, thứ họ níu giữ lại chỉ là những tiếc nuối mà họ chẳng thể thực hiện được. Để rồi lại tiếp tục ước mơ muốn sống ở kiếp khác, hoàn thành những giấc mộng dang dở mình chưa thể đạt được.

Tôi đã thấy rất nhiều người mỉm cười, cũng nghe thấy rất nhiều người khóc lóc và cũng có những người không biểu lộ gì nhiều trước khi rời khỏi cõi vật chất. Những người hay cười, thường nói rằng họ rất hạnh phúc khi được sinh ra trên thế giới này, họ muốn tiếp tục làm người để nhìn thế giới bằng một tâm hồn có trí tuệ trọn vẹn. Còn những người đã rơi nước mắt thì lời nói của họ chỉ là sự tiếc nuối trong cuộc đời và dường như đó là bế tắc ở kiếp sống hiện tại của họ. Khác với hai trường hợp còn lại, người ít cảm xúc hơn lại cho rằng thế giới không hạnh phúc và họ không muốn tiếp tục sống và trở thành con người.

Qua lời kể của người đã cạn kiệt cảm xúc, tôi chợt nhận ra cuộc đời của họ thật nghiệt ngã, mọi mối quan hệ xoay xung quanh họ chỉ toàn là dối trá và lợi dụng. Có chăng, vì lợi ích của chính mình, xã hội con người đã biến mọi thế hệ trở thành kẻ vô cảm? Có phải khi chịu đựng mọi đau khổ theo từng cấp độ, con người mới nhận ra những gì tầm phào nhất đang diễn ra xung quanh như một lẽ đương nhiên ấy mới đem lại hạnh phúc cho họ?

Đáng buồn thay, cho đến ngày hôm nay vẫn chưa từng có ai có thể trả lời câu hỏi ấy.

Có lẽ phải sống trong thế giới do chính mình tạo ra thì mới có thể cho tôi đáp án vẹn toàn nhất chăng?