Quyển 1: Gặp gỡ - Chương 14: Tôi và nhân cách làm nên con người

Bữa cơm tối kết thúc trong bầu không khí vui vẻ, hòa thuận và tôi cũng không định bám víu lấy những khúc mắc trong lòng quá lâu để rồi khiến mình lòi đuôi chuột sớm. Sau khi ăn uống no căng và lặng lẽ trở về phòng tiếp tục sửa đổi kế hoạch của mình, tôi ngoan ngoãn đợi đến tám giờ để xuống nhà như lời mẹ Liên dặn, tiện thể ngó nghiêng xung quanh.

Hai người họ đi đâu rồi nhỉ?

Nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường hiển thị sắp đến giờ đi ngủ, tôi nhìn quanh phòng khách, không thấy bóng dáng của Đông Khánh và Khải Thành nên cũng cảm thấy an tâm hơn. Mang theo tâm trạng vui mừng vì mình không bị dò hỏi quá nhiều, tôi cười rạng rỡ nói với mẹ Liên:

- Con xin ạ.

Nhận cốc sữa ấm từ tay mẹ Liên, tôi nói lời cảm ơn và chúc bà ấy ngủ ngon rồi lặng lẽ nhìn bà ấy lên tầng. Bình tĩnh ngồi xuống ghế, tôi chậm rãi nhấp từng ngụm nhỏ, suy nghĩ về nhân vật có vai trò là phụ huynh cơ thể này.

Không khó để nhận thấy người sinh ra hai nhân vật phụ Đông Phong và Đông Khánh là người thuộc tầng lớp tri thức và hiểu biết.

Vì sao tôi lại có kết luận này?

Dù rằng chưa từng viết kỹ về những nhân vật nhỏ bé ấy, nhưng tôi vẫn có vài nhận định riêng khi tiếp xúc với họ. Họ là một phần cấu thành nên thế giới giả tưởng này. Muốn biết những thành phần đang tồn tại trong thế giới của mình có tính cách ra sao, là người như thế nào, tôi chỉ cần nhìn vào cách họ đối xử với mọi thứ xung quanh và nhất là những người thân của mình là đã có thể phát hiện ra được rất nhiều điều.

Đã từng có lần tôi ôm lấy mẹ Liên, trưng ra vẻ mặt ngây thơ xen lẫn ngưỡng mộ của nam phụ Đông Phong và hỏi, vì sao người mẹ ấy lại say mê một công việc đòi hỏi nhiều nỗ lực và cống hiến đến vậy? Mẹ Liên đã mỉm cười và nói với tôi, vì bà ấy muốn tìm ra cách để con người không phải sát hại động thực vật mà vẫn có thể tạo ra các loại thực phẩm chứa các hợp chất dinh dưỡng giống như chúng. Điều này có nghĩa là trong tương lai, con người sẽ không cần phải làm hại bất cứ sinh vật sống nào và bà ấy cũng cảm thấy việc mình làm thật sự có ý nghĩa nhân văn.

Vào lúc mẹ Liên giải thích cho tôi hiểu về suy nghĩ của bản thân, đôi mắt của bà đã sáng bừng lên. Nụ cười của bà ấy tươi sáng giống như những mầm non tràn ngập sức sống đang vươn mình đón ánh nắng ban mai ấm áp.

“Con lại đây xem này!”

Nguồn sáng dường như bất tận chiếu rọi khuôn mặt tươi cười, người mẹ dịu dàng này dường như nghĩ rằng tôi còn nhỏ, sẽ không thể hiểu hết suy nghĩ của mình nên mẹ Liên đã cho tôi xem một bộ phim tài liệu có nội dung về nguồn thịt và sữa từ những động thực vật của các doanh nghiệp lớn và chậm rãi nói: “Con thích uống sữa tươi nhưng nó đến từ động vật, đúng không? Chúng nó cũng biết đau đớn, cũng biết mình chỉ là loài vật không thể tự vệ trước con người. Chúng không thể chạy trốn, cũng không thể nói chuyện.”

Những cảnh gϊếŧ mổ bò và lợn liên tục diễn ra trên màn hình máy chiếu, nhưng vì thời lượng cảnh quay có vẻ khá dài nên mẹ Liên đã tắt chúng đi và nhẹ nhàng xoa đầu tôi, nhìn tôi với ánh mắt trìu mến: “Con thích hoa và hái chúng tặng mẹ, nhưng hoa cũng là một sinh vật sống, chỉ là chúng nó không thể di chuyển và không thể truyền đạt những cảm xúc của mình.”

Chỉ vào những khóm hoa ngoài cửa sổ, mẹ Liên thở dài: “Khi rời khỏi gốc rễ, nơi cung cấp nguồn dinh dưỡng chính cho chúng. Chúng sẽ phải trải nghiệm nỗi đau khổ vì mất nước, mất các dưỡng chất thiết yếu để duy trì sự sống. Chúng sẽ giãy giụa, quằn quại và loại đọa đày ấy sẽ đeo bám chúng cho đến khi héo khô.”

Những hành động vô tâm của con người luôn ảnh hưởng đến thế giới xung quanh mà họ không tự biết hoặc cũng có thể là vì vô tâm.

Tôi vẫn luôn hiểu rõ những điều này.

Thời khắc nhận ra có nhiều điều con người làm đều rất vô nghĩa là khi trước mắt tôi xuất hiện hình ảnh một người đang đặt bó hoa lên mộ người thân. Ngây ngô và chưa hiểu ý nghĩa của cái chết, tôi đã rất thắc mắc vì sao khi con người chết đi lại phải để một bó hoa trên bia mộ? Họ không cảm thấy họ đang hành hạ những loài sinh vật không thể chạy trốn khỏi tay họ chỉ để tiếc thương trước sự ra đi của những người khác ư? Nhưng vì biết suy nghĩ này của mình không phù hợp với số đông nên tôi chưa từng thốt ra câu hỏi ấy.

Đã từng cảm thấy rất cô đơn vì không ai hiểu được suy nghĩ của mình nên mỗi lần có thời gian đi viếng người đã khuất, tôi sẽ thường xuyên đến cạnh những người hay đi viếng mộ người thân và hỏi họ vì sao lại làm thế với một bông hoa? Nhưng phần lớn mọi người nói với tôi, đó là vì họ đang tưởng nhớ người đã khuất.

Con người luôn muốn chứng minh tình cảm của mình với đồng loại của họ bằng cách hủy hoại những sinh vật sống khác và dâng tặng chúng. Đó là nhận thức chung của xã hội loài người và chỉ có con người công nhận hành động đó. Đây cũng là bằng chứng chính xác nhất để mô tả bản chất máu lạnh và thờ ơ của con người khi không có nhiều kỹ năng hình thành nên trí tuệ cảm xúc (EQ) đối với những sinh vật không thuộc giống loài của mình.

“Chúng chẳng làm gì sai, cái sai của chúng chỉ là mang trên mình vẻ đẹp của tự nhiên, của sự sống. Héo rũ rồi thì sẽ chẳng có ai muốn ngắm nhìn chúng và cũng sẽ chẳng còn ai muốn tước đoạt sự sống của chúng nữa.”

Đây cũng là lý do con người ta chỉ lạnh lùng khi thoáng thấy một đóa hoa héo bên vệ đường, trên nấm mồ hoặc trong thùng rác, nhưng lại chưa từng có ai nhớ đến hay tiếc thương thời hoàng kim rực rỡ của chúng. Chúng đã từng tuyệt đẹp đến mức khiến người ta phải ngắt đi để dâng tặng cho người họ yêu quý, đồng thời cũng kết thúc sự sống ngắn ngủi của chúng.

Cách con người đối xử với một bông hoa cũng chính là cách con người đối xử với xã hội của mình. Họ chỉ biết đến nỗi đau của chính mình, họ chỉ đồng cảm với đồng loại của họ và lối suy nghĩ của họ là bằng chứng cho thấy nạn phân biệt chủng tộc sẽ luôn luôn tồn tại trong xã hội loài người.

“Vậy nếu chúng ta ăn rau.” Ngẩng đầu nhìn mẹ Liên, tôi cười hỏi tiếp: “Chúng có đau không ạ?”

“Trước đây, con người luôn nghĩ ăn chay để không phải nhìn thấy những con vật đau đớn, khóc lóc khi ta mổ xẻ chúng. Nhưng chúng ta đã quên, rau cũng giống như bông hoa con hái tặng mẹ. Nó đau và sợ hãi cái chết, nhưng nó không thể truyền đạt cảm xúc của mình cho chúng ta hiểu. Chỉ những người nghiên cứu về tần số rung động mới có thể nghe thấy tiếng kêu thê lương của nó.”

Thông qua cuộc trò chuyện với bà ấy, tôi đã hiểu được, hầu hết những gì mà chúng tôi ăn trước nay đều là thực phẩm vi sinh. Nó như một minh chứng cho việc, khoa học đã rất phát triển và con người đang cố gắng không làm tổn thương đến bất cứ loài động thực vật nào. Việc làm của những nhà nghiên cứu này đã được rất nhiều người hưởng ứng và tán thành. Nó không chỉ mang lại tính đạo đức mà còn đảm bảo nhu cầu thực phẩm sạch cho tất cả mọi người.

Cách giải thích của bà ấy đúng là đang hướng dẫn con mình biết yêu thương những sự vật đang hiện hữu xung quanh.

Đây mới thực là một người mẹ đáng tự hào và vĩ đại.

Nhưng…

Ấy là trong đôi mắt của con trẻ, còn nếu đứng trên lập trường của một người sáng tạo như tôi thì thực ra, thực phẩm vi sinh chưa từng được dùng để duy trì đạo đức của con người với các loài vật cùng tồn tại trên Trái đất. Nó chỉ dùng để bảo vệ con người khỏi môi trường đang dần bị ô nhiễm trầm trọng. Khi nước, thức ăn, không khí trở nên độc hại, những sinh vật con người nuôi dưỡng sẽ không còn an toàn và không thể tiêu thụ được nữa. Từ đó, con người đã giảm chăn nuôi và gϊếŧ mổ, ngừng khai hoang đất rừng nguyên sinh và các dự án xây dựng nhà ở, lượng rác thải thải ra môi trường cũng giảm đáng kể, nhường chỗ cho cây xanh phát triển, góp phần giảm thiên tai.

Thực phẩm vi sinh vật vẫn là thức ăn có nguồn gốc từ tế bào động thực vật. Loại tế bào được trích ra ấy tất nhiên phải còn sống nên càng không thể gọi là thức ăn vì đạo đức con người. Thực phẩm vi sinh giống như thể người ta làm đồ chay, nhưng nó được chế biến thành những hình dạng giống như thịt thật vậy.

Con người vốn dĩ là một loài động vật có trí tuệ.

Con người chọn lọc để ăn và mục đích chúng ta ăn là để sống. Chẳng qua, chúng ta không còn lấy nhiên liệu thực phẩm từ Trái đất mà là chúng ta có thể tự tạo ra chúng.

Vốn vật chất được sinh ra chưa từng được quy định để làm gì. Chỉ con người mới phân ra cách sử dụng chúng, đặt ra tiêu chuẩn cho chúng và chỉ để ý đến lợi ích mà chúng đem lại. Với nhân loại, vật chất như động thực vật chỉ dùng để duy trì cơ thể vật lý và ý chí sinh tồn. Nếu không phải vì ăn động thực vật khiến con người có thể phát triển, nhưng cũng đồng thời phá hủy môi trường, làm mất cân bằng hệ sinh thái thì sao con người muốn ngừng việc ấy lại?

Điều kiện để tồn tại luôn đi kèm với những tổn thương và biện hộ luôn là lời nói dối tốt đẹp nhất để con người che giấu bản chất của mình.

Con người chưa từng dành từ “đạo đức” cho bất kỳ sinh vật nào khác ngoài đồng loại của mình. Kể từ khi còn trong bụng mẹ, con người đã tiêu hóa không biết bao nhiêu loài động, thực vật để duy trì cơ thể vật lý của họ. Vì là đồng loại nên con người mới dễ dàng dung thứ và đồng cảm cho hành động hủy diệt những giống loài khác. Còn với động, thực vật đã được con người ép phải được sinh ra để làm dinh dưỡng cho mình, phải chịu nỗi đau thể xác mà không được chết tự nhiên ấy, chúng chưa từng có được lòng tốt của con người. Với con người, đồng loại mang lại cảm giác an toàn và lợi ích lâu dài. Còn những vật chất khác chỉ mang lại lợi ích nhất thời nên những thứ tồn tại xung quanh con người chưa bao giờ được đón nhận “đạo đức” đó.

Đạo đức tiêu chuẩn kép là những gì mà nhân loại đang có ở thời đại của tôi.

Nhiều người đã từng nói với tôi, việc họ ăn chay là vì chúng sinh, vì để chứng tỏ lương tâm trong sạch, thánh thiện của họ. Nhưng trên thực tế, xã hội loài người đã chứng minh, họ chưa bao giờ biết ơn và thực sự muốn hiểu vật chất hoạt động như thế nào. Họ luôn cho rằng, điều đã nuôi dưỡng họ thực ra chỉ có họ mới làm được, chứ không phải vì nhờ các điều kiện thuận lợi phát triển sự sống có sẵn trên Trái đất như không khí, nước và dinh dưỡng mới thật sự là thứ nuôi dưỡng mọi sinh mệnh, mọi chủng tộc. Vào cái ngày họ điên cuồng sản xuất ra những thành phẩm phá hủy một trong số những điều kiện phát triển sự sống, tất cả sẽ kết thúc.

Xã hội loài người cho đến hiện nay vẫn luôn đi theo chiều hướng: Chỉ có “lợi ích” mới là vĩnh viễn và chỉ khi lợi ích mà họ muốn đạt được đã đủ, con người mới có thể có tầm nhìn rộng lớn hơn thì mới ban phát lòng thương hại hay còn được gọi là “đạo đức” của họ cho đồng loại và các sinh vật khác.

Dựa trên một câu chuyện phản ánh hiện thực, nơi dư thừa thức ăn thì vứt đi, nơi khan hiếm phải ăn cám thay cơm, đã cho thấy bản chất con người là như thế nào.

Khi con người có quá nhiều thứ gì đó, họ sẽ không coi trọng và ngược lại cũng vậy. Trong tình cảnh quá đói, con người thậm chí còn cướp giật, tệ hơn là ăn thịt lẫn nhau. Vậy thử hỏi, khi chúng ta gặp phải hạn hán kéo dài, biến đổi khí hậu khiến chúng ta lâm vào tình thế thiếu lương thực thì điều tiếp diễn có xảy ra giống như những nơi nghèo đói đó? Lúc ấy, người ta sẽ đặt "đạo đức" lên hàng đầu hay đặt tính mạng của mình lên hàng đầu?

Không cần hỏi cũng biết đáp án là gì.

Chờ đợi đến ngày cạn kiệt lương thực và ăn thịt lẫn nhau luôn là giải pháp cuối cùng cho sự sống của những sinh vật ký sinh.

Đây cũng là lý do vì sao thế giới này kiên quyết bảo vệ môi trường.

Bảo vệ cội nguồn sự sống, bảo vệ chính mình và thế hệ mai sau khỏi con đường đi đến thời điểm đánh mất lý trí và dẫn đến diệt vong. Nói đúng hơn là họ sợ phải đưa ra lựa chọn nên mới tìm mọi cách để không khiến mình và người khác phải đi đến bước đường cùng.

Ừ thì nói là vì thấy cắn rứt lương tâm hay để tâm hồn được an ủi cũng là điều dễ hiểu vì xưa nay, chẳng ai dám đối diện với sự thật rằng con người cũng chỉ là một loài động vật sống nhờ hoạt động nạp năng lượng từ các vật sống khác. Nếu gặp ai đó thật sự thừa nhận, chúng ta là động vật bậc cao nên không thể chối bỏ đặc điểm “tất cả là vì sinh tồn” luôn có trong gene của mình thì người đó quả là một là người mạnh mẽ luôn sẵn sàng thừa nhận những khuyết điểm của bản thân. Còn phần lớn những người thật sự có cái tâm “đạo đức” kia, rất có thể là họ đã kéo nhau tự tử vì mặc cảm tội lỗi hết rồi.

Chính vì hiểu những điều này nên con người mới hơn các loài động vật khác ở đặc điểm: Ý thức được mọi việc mình đang làm.

Chấp nhận và đối mặt với nó luôn là việc làm đòi hỏi nhận thức mạnh mẽ và tâm trí rộng mở. Cố gắng đẩy nó ra và phủ nhận nó chỉ khiến con người gây áp lực lên bản thân mình nhiều hơn mà thôi.