Một tháng sau…
Lý Yên Lạc và Lê Việt An đeo hai túi vải đựng những gói trà đã sao thật khô cùng với hoa tươi thong thả đi bộ từ nhà vào trong thành Nam Hoa để giao cho các quán trà. Sản phẩm trà khô thơm mùi hương hoa lài và hoa ngâu của Lê Việt An sau một thời gian áp dụng hình thức chào hàng và cho dùng thử sản phẩm, dần dần đã được chủ của các quán trà đồng ý thu mua, một phần vì trà đã sao khô bằng lửa nhỏ thật kỹ nên rất dễ bảo quản, không sợ bị ẩm mốc như loại trà phơi khô trước đây; trà lại có hương hoa thoang thoảng nên dễ gây được sự hảo cảm với thực khách. Tuy loại trà của hai cô vẫn chưa được phổ biến rộng rãi, số lượng tiêu thụ cũng không cao nhưng công việc sản xuất, kinh doanh đã bắt đầu đi vào quỹ đạo. Lý Yên lạc và Lê Việt An đều cảm thấy chưa đến thời cơ để tập trung đẩy mạnh phát triển việc kinh doanh, trước mắt hai cô chỉ muốn lo cho bà bà cùng tiểu Tấn có một cuộc sống ổn định, đỡ lo toan vất vả hơn đồng thời tranh thủ tích lũy một số tiền để dự phòng bất trắc khi cuộc chiến tranh kia chính thức diễn ra.
“ Đơn hàng của quán trà Xuân Thu đã giao xong, chủ quán đặt chúng ta thêm 4 cân trà lài và 1 cân trà hoa ngâu … Quán trà Hảo Quý cũng đặt thêm 5 cân trà lài, 3 cân trà ngâu … Quán trà Phúc Thịnh thì đặt thêm 2 cân trà lài … Tình hình tiêu thụ khả quan hơn lúc khởi điểm rất nhiều rồi … “ – Lý Yên Lạc đi bên cạnh Lê Việt An lẩm nhẩm tính toán.
“ … Trời cao có mắt, không để cho ai đó thực hiện được ý tưởng đem đồ của mình đi cầm còn đem mình làm hàng tặng kèm a! “ – Lê Việt An tỏ vẻ tự hào, ngẩng cao đầu lên tiếng.
“... Dù sao mình cũng đang là người đầu ấp tay gối, đồng sàng cộng chẩm với cậu mỗi tối mà … Cậu nghĩ xem, bán cậu thì không có ai mua nên mình phải lấy vật gia bảo của cậu ra để làm mồi nhử … phải suy nghĩ tính toán nát óc chứ chẳng chơi! “ – Lý Yên Lạc bày ra vẻ mặt khó xử nhưng giọng điệu lại tỉnh rụi đáp trả.
“ Hãy đợi đấy! Giao xong mấy gói trà cậu sẽ biết tay mình! “ – Lê Việt An nghiêm giọng hăm dọa.
“ Để rồi xem!!! “ – Lý Yên Lạc nháy mắt rồi mỉm cười tinh nghịch cao giọng thách thức.
Lê Việt An và Lý Yên Lạc đi đến trước cánh cửa của trà quán Hưng Thịnh để giao đơn hàng cuối cùng, vừa bước chân vào trong quán hai cô lập tức nhận ra trong quán đang có một số nho sĩ đang ngồi thưởng trà thảo luận kinh văn, chả trách hôm nay quán trà Hưng Thịnh lại nhộn nhịp đến như vậy. Nhìn thấy Lý Yên Lạc cùng Lê Việt An bước vào quán, một người phục vụ trong quán vội vàng tiến đến gật đầu chào rồi lịch sự cất tiếng nói chuyện với Lý Yên Lạc:
“ Chủ quán chúng tôi đã căn dặn nếu hai huynh đến thì nhắn hai huynh ngồi chơi uống nước một lúc, chủ quán chúng tôi còn một số việc chưa giải quyết xong. Sau khi xong việc, ông ấy sẽ lập tức ra bàn công việc với hai huynh! “
“ Không sao … không sao! Nhờ huynh chuyển lời với ông chủ Đinh, hai chúng tôi sẽ nán lại đây chờ ông ấy! “ – Lý Yên Lạc mỉm cười vui vẻ đáp lời.
Lý Yên Lạc lướt mắt tìm chỗ ngồi rồi đi trước dẫn đường cho Lê Việt An theo sau mình. Trà quán Hưng Thịnh hôm nay đặc biệt đông đúc, chỉ còn duy nhất một chiếc bàn trống cùng vài ba cái ghế gỗ ở một góc quán.
Lý Yên Lạc nghiêng người, chắp hai thành quyền cúi đầu chào một người đàn ông đang ngồi gần chỗ chiếc bàn còn trống, lịch sự mở lời:
“ Xin vị đại nhân đây thứ lỗi, tại hạ cùng bằng hữu có thể ngồi nghỉ chân ở chiếc bàn trà ngay sát bên cạnh của ngài được không ạ? “
Người đàn ông trung niên tóc búi thánh búi cao, chòm râu tuy khá dài nhưng lại rất gọn gàng sạch sẽ, hai mắt sáng ngời uy dũng tựa như mắt loài hùng ưng, ông chỉ đưa mắt nhìn Lý Yên Lạc cùng Lê Việt An rồi khẽ gật đầu ra hiệu đồng ý.
“ Xin cảm ơn đại nhân! “ – Lý Yên Lạc cùng Lê Việt An khẽ cúi đầu chào vị đại nhân nọ rồi đồng thanh lên tiếng. Nói xong hai cô chậm rãi ngồi xuống ghế chờ người phục vụ bưng trà và bánh lên.
Lê Việt An và Lý Yên Lạc cao một mét bảy, nếu ở thời hiện đại chiều cao của hai cô được đánh giá là chiều cao đạt tiêu chuẩn nhưng khi trôi về thời cổ đại, thì chiều cao của hai cô lại có phần nổi trội hơn chiều cao của những vị tiểu thư thời bấy giờ. Triệu bà chỉ cao khoảng một mét năm mươi, những cô nương mà hai cô từng gặp qua cũng chỉ cao trong khoảng từ một mét năm mươi đến một mét sáu mà thôi. Với chiều cao cùng sắc vóc cân đối khỏe mạnh của người tập võ, Lý Yên Lạc và Lê Việt An cảm thấy hai cô hoàn toàn phù hợp với hình tượng nam nhi trai tráng, có thể dễ dàng ra bên ngoài giao thiệp, làm ăn buôn bán. Đàn ông ở thời Trần khi đến những nơi công cộng đều mặc áo tứ thân, quần mỏng bằng lụa thâm hoặc những màu sắc thiên về sắc tối như lam, xám, nâu đất …. Trang phục của Lý Yên Lạc và Lê Việt An đang mặc trên người cũng không ngoại lệ. Lê Việt An mặc áo tứ thân màu lam nhạt cùng chiếc quần lụa cùng màu, Lý Yên Lạc vốn không thích những màu tối nên cô mặc nguyện một bộ y phục màu trắng ngà, để tránh gây sự chú ý hoặc làm người khác nghi ngờ, hai cô quấn một dải lụa thật dày vào người rồi mặc thêm một chiếc áo bằng vải màu trắng sau cùng mới khoác chiếc áo tứ thân có vạt áo cao để che kín chiếc cổ mảnh mai của mình.
Lý Yên Lạc và Lê Việt An ngồi xuống đưa mắt quan sát khắp quán trà Hưng Thịnh được một vòng thì thấy người phục vụ đã mang trà và bánh đến để trên bàn rồi mời hai cô dùng nước. Lê Việt An cầm chén trà của mình lên nhẹ nhàng mở nắp của chén trà rồi đưa lên mũi hít vào một hương trà sau đó lại nhẹ nhàng đặt chén trà trên tay xuống bàn, cô đưa tay ra dấu gọi người phục vụ đến.
“ Vị đại ca đây có thể cho tại hạ mượn thêm bộ chén uống trà được không? “
“ Vâng ạ, chờ tôi một chút! “ – người đàn ông phục vụ lễ phép đáp lời.
Lê Việt An ngồi chờ người phục vụ mang đến bộ chén uống trà mới đến lại bắt đầu cầm chén trà của mình lên tiến hành công đoạn lược nước trà sau đó mới hài lòng đưa chén trà mới lên miệng uống vào một ngụm.
Lý Yên Lạc trong lúc ngồi chờ Lê Việt An lọc cặn trà đã uống được mấy ngụm trà, cô vừa bẻ một góc bánh cho vào miệng vừa nheo mắt tinh nghịch lên tiếng.
“ Uống trà thôi mà, cậu có cần phải tỉ mỉ bài bản như vậy không? “
“ Mình thích uống trà nhưng lại không thích nhìn thấy cặn trà trong chén, đâu phải cậu không biết?! “ – Lê Việt An mỉm cười trả lời.
“ Mình thấy nhìn xác trà trong chén trà cũng có cái hay của nó mà, xác trà cọng dài, cọng ngắn, lá trà thì có lá to lá nhỏ … linh hoạt và thực tế không tốt hơn sao? “ – Lý Yên Lạc lại cong môi mỉm cười lên tiếng phản biện.
“ Nói hay lắm … nói hay lắm! “ – một người đàn ông trung niên người ngoại quốc đang ngồi gần vị đại nhân có đôi mắt sáng tựa hùng ưng bất ngờ lên tiếng. Nói xong ông ta đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi rồi tiến đến một chiếc bàn rộng rãi ở chính giữa sảnh lớn của quán trà mà một nhóm thực khách vừa rời khỏi, lớn tiếng nói:
“ Tại hạ đến từ Tây Tạng, hôm nay có cơ duyên được hội ngộ với các vị tại đây. Nãy giờ ta ngồi thưởng trà nghe các vị bàn luận kinh văn cảm thấy rất khâm phục tài học cao siêu của người dân Đại Việt. Ta có mang theo mấy đồng tiền vàng của quê hương cùng một câu hỏi. Nếu các vị huynh đài ở đây có thể trả lời câu hỏi của ta, thì tất cả những đồng tiền này sẽ thuộc về người đó! “ – nói xong người đàn ông ngoại quốc kia cầm lấy túi vải đựng tiền rồi đổ hết những đồng tiền vàng trong chiếc túi ra mặt bàn.
Một gã đàn ông cao to lực lưỡng đang ngồi uống trà gần đó, sau khi nghe người đàn ông ngoại quốc nói xong, hắn vội vàng rảo bước tiến lại gần chiếc bàn, hắn ta cầm một đồng tiền vàng đưa lên miệng rồi cắn mạnh vào đồng tiền vàng để kiểm tra, sau đó kinh ngạc lên tiếng:
“ Đây là vàng thật, không phải là trò lừa bịp a! “
“ Tiền vàng của ta đương nhiên là thật, nhưng muốn có được nó thì phải trả lời được câu hỏi của ta! “ – Người đàn ông ngoại quốc lớn giọng lên tiếng nói, thái độ vô cùng bình thản.
“ Xin hỏi câu hỏi của ngài là gì? “ – một nam tử dáng vẻ thư sinh nho nhã chắp hai tay thành quyền rồi đưa mắt nhìn người đàn ông ngoại quốc, dáng vẻ khá tự tin cất lời.
“ Trên bàn có tất cả 17 đồng vàng, ta muốn đem 17 đồng vàng này chia cho ba người, người đầu tiên là một phần hai, người thứ hai là một phần ba còn người thứ ba là một phần chín. Điều kiện duy nhất là đồng vàng phải còn nguyên, không được khuyết! “ – Người đàn ông ngoại quốc mỉm cười, tự hào nói ra câu đố của mình.
Tất cả mọi người đang có mặt trong quán trà sau khi nghe xong câu đố của người đàn ông ngoại quốc nọ đều kinh ngạc, ai nấy đều lắc đầu tỏ ý chịu thua, những tiếng thở dài bất lực không ngừng vang lên.
“ Trời ơi, vậy sao mà chia? 17 chia 3 cũng đâu có chẵn, chia hai cũng không được nói gì đến chia cho 9! “ – vị chưởng quỹ của quán trà Hưng Thịnh khẩy cái bàn tính bằng gỗ, bất mãn lên tiếng.
“ Không lẽ tài học của người dân Đại Việt chỉ là học vẹt, học theo bài bản quy củ mà không chịu dùng đến cái đầu để suy nghĩ hay sao? “ – người đàn ông ngoại quốc cong môi nhoẻn miệng cười rồi đưa mắt nhìn khắp quán trà, ánh mắt sắc bén của ông ta không biết vô tình hay cố ý lại dừng lại ở chỗ chiếc bàn trà nhỏ nơi Lý Yên Lạc cùng Lê Việt An đang ngồi.
Trong giây phút hai ánh nhìn của người đàn ông trung niên người ngoại quốc kia và Lý Yên Lạc giao nhau, Lê Việt An chỉ nhẹ mỉm cười rồi bình thản cầm chén trà đưa lên miệng uống vào một ngụm, chờ xem kịch hay.
“ Tưởng thắc mắc gì khó lắm, đơn giản thôi mà! “ – Lý Yên Lạc nhoẻn miệng cười tươi rồi lập tức đứng dậy khỏi chỗ ngồi nhấc chân tiến về phía người đàn ông ngoại quốc đang đứng.
Lý Yên Lạc chìa bàn tay ra trước mặt người đàn ông ngoại quốc, thản nhiên lên tiếng:
“ Có thể cho tôi mượn thêm một đồng tiền nữa được không? “
Người đàn ông ngoại quốc không nói tiếng nào chỉ mỉm cười lấy từ trong ngực áo ra thêm một đồng tiền bằng vàng rồi đưa cho Lý Yên Lạc.
“ Cám ơn nhiều! “ – Lý Yên Lạc đưa tay cầm lấy đồng tiền rồi lên tiếng cảm ơn. Nói xong cô xoay người, đặt đồng tiền cô đang cầm trên tay xuống bàn rồi dõng dạc lên tiếng:
“ Cộng thêm một đồng trên bàn hiện giờ có 18 đồng; một phần hai có nghĩa là 9 đồng; một phần ba tức là 6 đồng, một phần chín tức là 2 đồng. “ – Lý Yên Lạc miệng tính, bàn tay nhanh thoăn thoắt phân chia những đồng tiền trên bàn trước ánh mắt ngạc nhiên của những người trong quán.
“ Chia đủ cho 17 đồng, đồng còn lại trả cho ông! “ – Lý Yên Lạc cầm lấy đồng tiền nằm riêng lẽ trả lại cho người đàn ông ngoại quốc nọ rồi mỉm cười gom số đồng tiến vàng trên bàn bỏ vào túi tiền nhỏ rồi xoay lưng bước trở về chỗ ngồi của mình.
“ Khoan đã! “ – Người đàn ông trung niên người ngoại quốc vội vàng lên tiếng.
“ Ta nghe danh người dân nước Đại Việt, đa mưu túc trí, thơ văn đối đáp lưu loát. Huynh đệ đây là người đa mưu túc trí, cử chỉ lịch sự hữu lễ, tại hạ muốn mạo muội xin được chỉ giáo thêm về lĩnh vực kinh văn thơ phú! “
“ Xin lỗi, tôi chỉ là một thất phu bình thường, chẳng qua có cái đầu tính toán nhạy bén mà thôi hoàn toàn không dám nhận bốn từ đa mưu túc trí của ngài. Kinh văn cùng thi từ ca phú, thứ lỗi tôi không có gì để chỉ giáo cho ngài! “
“ Thì ra cũng chỉ là ăn may thôi! … Thực sự cũng chẳng có tài cán gì … “ – Một người đàn ông có khuôn mặt cùng sắc phục tương tự như trang phục của người đàn ông ngoại quốc vừa nêu ra câu hỏi nhưng lại trẻ hơn người nọ rất nhiều đứng dậy bước ra khỏi chiếc bàn trà đang ngồi, cất giọng mỉa mai.
“ Nếu ngài đã nói như vậy thì chúng tôi cung kính phụng bồi. Tôi cũng có một vài câu đối đáp lấy chữ “ hôn “ làm nghĩa, câu trả lời cũng nhất định phải có chữ hôn, hơn nữa còn phải có ý nghĩa trùng khớp. Không biết ngài có hứng thú tham gia trò chơi đối đáp này không? “ – Lý Yên Lạc khẽ chớp mắt suy nghĩ rồi nhanh chóng đưa ra quyết định.
Lê Việt An vừa mới xử lý hết một phần tư chiếc bánh đậu xanh, cô chưa kịp cầm chén trà lên uống vội đưa mắt nhìn sang Lý Yên Lạc, nhìn thấy vẻ mặt vô cùng tự tin cùng thái độ thong dong nghịch ngợm trên gương mặt của Lý Yên Lạc, cô chỉ biết mỉm cười rồi lắc đầu sau đó cầm chén trà đưa lên miệng thong thả thưởng thức.
“ Được! “ – Người đàn ông ngoại quốc trẻ tuổi vừa buông lời mỉm mai nhìn Lý Yên Lạc, khóe môi cong lên một nụ cười khẩy, vẻ mặt đầy tự tin lên tiếng nói.
“ Hôn con heo ở trong nhà thì gọi là gì? “ – Lý Yên Lạc gật gù, cong môi mỉm cười nói ra câu hỏi …
“ Khụ! … Khụ! … Khụ! “ – Lê Việt An vừa nghe xong câu hỏi của Lý Yên Lạc, một tay chận ngay hai cánh mũi, một tay liên tiếp vuốt ngực vì bị sặc nước trà.
“ Hả??? “ – “ Câu đối gì hết này? “
– Những tiếng cảm thán, rì rầm bàn luận lại vang lên.
“ Câu hỏi này có câu trả lời thật sao? “ – người đàn ông ngoại quốc trẻ tuổi nghiêng đầu, chau mày, vừa hoài nghi vừa rối rắm suy nghĩ.
“ Là hôn thú! “ – Lê Việt An nhịn cười lên tiếng trả lời.
“ Tại sao lại là hôn thú? “ – người đàn ông ngoại quốc trẻ tuổi quay sang nhìn Lê Việt An lên tiếng hỏi lại.
“ Con heo là con thú. Hôn con heo thì gọi là hôn thú! “ – Lê Việt An cố tỏ ra nghiêm túc đáp lời.
“ Mong được hôn gọi là??? “ – Lý Yên Lạc hai mắt hấp háy mím môi nhịn cười hỏi tiếp.
“ Là… là … “
“ là cầu hôn! “
“ Sao lại là cầu hôn? “
“ Vì mong đồng nghĩa với cầu! “
“ Vừa mới hôn gọi là? “
“ Tân hôn! “
“ Tại … tại sao lại là tân hôn? “ – người đàn ông ngoại quốc trẻ tuổi vô thức bước đến ngồi xuống ghế trống còn lại bên cạnh Lê Việt An bối rối lên tiếng hỏi.
“ Vì vừa mới có nghĩa là tân! “
“ Hôn thêm cái nữa gọi là? “ – Lý Yên Lạc thừa nước đυ.c thả câu, cô cũng nhấc chân bước về phía chiếc bàn trà, ngồi vào chỗ của mình, nheo mắt nhìn người đàn ông ngoại quốc trẻ tuổi tiếp tục hỏi.
“ Tái hôn! “ – Lê Việt An tự tin trả lời thay.
“ Đang hôn mà bị đẩy ra gọi là … “
“ A… cái này ta biết! … Là không cho hôn! “
“ Người anh em, đáp án sai rồi! “ – Lý Yên Lạc bày ra vẻ mặt tiếc nuối lắc đầu trịnh trọng lên tiếng.
“ là từ hôn! “ – Lê Việt An nhíu mày suy nghĩ rồi thấp giọng lên tiếng.
“ Không cho mà cứ hôn gọi là … “
“ A … ta biết … ta biết … là ép hôn! “
“ Chính xác! “ – Lý Yên Lạc vui vẻ vỗ vai khích lệ, người đàn ông ngoại quốc chỉ khẽ gật đầu rồi thở phào nhẹ nhõm như vừa mới suy nghĩ ra được một vấn đề hóc búa.
“ Hẹn sẽ hôn gọi là … “
“ … là... là … hứa hôn! “ – Lê Việt An cũng phải ngắc ngứ một lúc mới nghĩ ra được câu trả lời.
“ Hôn vào không trung gọi là …. “
“ Hôn gió! “ – Lê Việt An cũng bị cuốn hút vào trò chơi, cô búng tay, thích thú vì đã nghĩ ra đáp án.
“ Hôn trong mơ gọi là … “
“ … là … là … là ước hôn! “ – người đàn ông ngoại quốc trẻ tuổi nghiêng đầu cố hết sức suy nghĩ, chàng ta vừa gãi đầu vừa ngập ngừng lên tiếng.
“ Hôn ước mới đúng! “ – Lê Việt An cắn môi suy nghĩ rồi thấp giọng nhắc nhở người đàn ông ngoại quốc trẻ tuổi đang toát mồ hôi hột vì những câu hỏi lưu manh ma giáo của Lý Yên Lạc.
“ Hôn chia tay gọi là… “
“ … là ly hôn đúng không? … “ – Lê Việt An cũng bị Lý Yên Lạc xoay như chong chóng, cô ngập ngừng không dám chắc cậu trả lời của mình có đúng hay không.
“ Chính xác! “
“ Rất thích hôn gọi là … “
“ … là … là … là … “ – người đàn ông ngoại quốc cố gắng suy nghĩ, khuôn mặt ngày càng ửng đỏ.
“ là kết hôn! “ – Lê Việt An lẩm nhẩm trong miệng rồi vội vàng reo lên.
“ Câu hỏi cuối cùng: Hôn mà bị hôn lại gọi là …. “
“ là … là … là … “
“ Gọi là gì nhỉ? “ – Lê Việt An rối rắm suy nghĩ
“ Là đính hôn! “ – người đàn ông râu ria xồm xoàm nhưng lại có sống mũi cao cùng đôi mắt sáng thông minh cơ trí đang ngồi cùng dãy bàn với vị đại nhân có đôi mắt sáng uy dũng tựa hùng ưng buột miệng lên tiếng.
“ Chính xác! “ – Lý Yên Lạc vui vẻ reo lên, dứt lời cô vội vàng quay đầu nhìn xung quanh để tìm kiếm người vừa lên tiếng, nhưng cả một quán trà đông đúc toàn là nam nhân, người nào người nấy đầu cổ tóc tai lẫn cách ăn mặc đều từa tựa như nhau làm cô đành phải bất lực bỏ cuộc.
“ Người anh em! … Chơi vui không? “ – Lý Yên Lạc thân thiết vỗ vai hỏi người đàn ông ngoại quốc trẻ tuổi.
“ Uhm! Vui lắm! “ – người đàn ông ngoại quốc trẻ tuổi lập tức gật đầu đáp lời.
“ … Không ngờ văn chương cùng từ ngữ của nước Đại Việt lại phong phú và mang nhiều hàm ý đến như vậy! Chúng ta thua rất tâm phục khẩu phục a! … “ – người đàn ông ngoại quốc trung niên nghiêng người bày tỏ sự tôn trọng với Lý Yên Lạc cùng Lê Việt An, rồi chậm rãi lên tiếng nói.
“ … Chỉ là giao lưu học hỏi kinh nghiệm cùng trao đổi học hỏi về nền văn hóa của nhau thôi. Làm gì có phân biệt thắng thua! Chúng tôi lấy của các ngài mười bảy đồng vàng, cũng sẽ gởi lại cho các ngài một ít lễ vật. Đây là lá trà đã ướp với các loại hoa tươi, trong này có trà lài, trà hoa ngâu, trà hoa hồng và trà hoa cúc, có thể giúp thư giản định thần. Đây là thành ý của chúng tôi, mong các ngài nhận cho! … “ – Lý Yên Lạc cầm lấy tất cả những gói trà để sẵn trên bàn rồi dùng hai tay đưa đến trước mặt người đàn ông trung niên người ngoại quốc lịch sự lẫn chân thành mở lời.
“ Hảo ý này của hai vị huynh đệ, Mã La Bột La ta không thể chối từ! Haha … haha …“
“ An huynh đệ - Lạc huynh đệ, lão gia chúng ta đang chờ các huynh ở phòng làm việc phía sau quầy thu ngân, các huynh hãy nhanh chóng đến đó a! “ – người phục vụ quán trà đi đến trước mặt Lê Việt An, nhẹ giọng thông báo.
“ Chúng tôi phải đi rồi! … Tạm biệt! “ – Lý Yên Lạc và Lê Việt An mỉm cười rồi chắp hai tay lại thành quyền cúi đầu cáo từ rồi cùng xoay người cất bước rời đi.
Mã La Bột La vui vẻ trở về chỗ ngồi của mình, ông ta cầm chén trà uống một hơi cạn hết nước trong chén rồi quay sang nhìn vị đại nhân có cặp mắt sáng uy dũng tựa hùng ưng trầm mặc lên tiếng:
“ Người dân nước Đại Việt quả thật rất thông minh, cơ trí lại còn hiểu biết lý lẽ, quả thật rất đáng quý a! Lần này, ta phải cảm ơn Hưng Đạo Đại Vương đã đích thân hướng dẫn phụ tử nhà ta đi khắp nơi tham quan những cảnh đẹp, được gặp gỡ và giao lưu với những con người thú vị như vậy a! “
“ Vương thượng đừng khách sáo! Đại Việt và Tây Tạng cũng có thể xem như là bằng hữu của nhau, chúng ta đón tiếp ngài cũng giống như tiếp đón một hảo bằng hữu lặn lội từ phương xa đến thăm, đây là mối thâm tình hảo hữu rất đáng trân trọng! “
“ Chiêu Văn Đại Vương, khi nào về lại kinh thành, ngài có thể chỉ giáo thêm cho ta về văn hóa cùng thi từ ca phú của nước Đại Việt được không? Bản thái tử cảm thấy nền văn hóa của đất nước ngài rất thân thiện gần gũi, không bị gò bó theo quy luật hay rập khuôn như văn hóa Trung Hoa, rất thú vị a! “ – Thái tử Mã La Bột Nhĩ chắp tay thành quyền cúi đầu cung kính thưa chuyện với một vị vương tử trẻ tuổi có khuôn mặt tuấn mỹ bất phàm, thần thái ôn hòa, mẫn tiệp cùng phong phạm cao quý.
“ Thái tử đã có hảo ý, bản vương rất sẵn lòng chỉ điểm thêm cho ngài! “ – Chiêu Văn Vương mỉm cười ôn hòa đáp lời.
“ Phạm tướng quân, vì sao người lại nghĩ ra đáp án của câu cuối là “ đính hôn “ vậy a? “ – Chiêu Văn Vương bất ngờ quay sang Phạm Ngũ Lão lên tiếng hỏi.
“ … Bẩm vương gia, hôn mà bị hôn lại không phải chính là vừa mới hôn xong lại lập tức bị người khác hôn thêm một cái nữa hay sao? Hai người môi chạm môi không rời như vậy nếu không phải đính hôn thì có thể là gì? … “ – người đàn ông râu ria xồm xoàm nhưng có sống mũi lại thẳng tắp cùng đôi mắt thông minh cơ trí mỉm cười, chậm rãi lên tiếng trả lời.