Chương 5: Cung tần

Chương 5: Cung tần

Ơn trên thương đến phận xa xôi,

Cửa ngọc thân nhàn trộm tới lui.

Cỏ áy những nhờ hơi tuyết bén,

Hang sâu mừng thấy bóng dương soi.

Trộm nom trên có lòng hồ hải,

Đành biết thân chăng nỗi vụng ngòi.

Chỉ non Nam làm lễ tạ,

Bõ lòng hoài viễn phận làm tôi.

Cung tần – Lê Thánh Tông



Cung Vĩnh Ninh

Thái giám cung nữ kẻ vào người ra tấp nập, mỗi người một việc nhưng không hề ồn ào. Gian phòng lớn bày đủ thứ bình ngọc đĩa vàng, các cung nữ ở đây cũng điểm trang phục sức lộng lẫy hơn hẳn các cung khác.

“Muốn làm Minh Phi? Tuổi nhỏ nhưng dã tâm không nhỏ nhỉ.” – Sung nghi Nguyễn Thị Hằng cười mỉa, đặt tách trà đang uống dở xuống.

“Người ngạo mạn như thế đúng là lần đầu tiên mới thấy. Nhưng mà cô ta lại không bị xử phạt, phải làm thế nào đây ạ?” – Thanh, người hầu theo Nguyễn Sung nghi từ nhà mẹ, lo lắng hỏi chủ.

Nguyễn Sung nghi gõ ngón tay trỏ xuống mặt bàn, mắt nhìn xa xăm.

Thấy chủ trầm ngâm suy tư, Thanh tò mò: “Sung nghi đang nghĩ thế ạ?”

“Ta đang nghĩ… chúng ta nhầm mất rồi.”

“Nhầm ạ?”

“Trước đây ta cứ nghĩ người trong lòng bệ hạ là Phạm Như Khanh kia, nhưng bây giờ…”

“Ý Sung nghi là… người trong lòng bệ hạ là Phạm Lộ Quỳnh chứ không phải mẹ của hoàng trưởng nữ.” - Thanh nói xong tự thấy ngỡ ngàng.

“Từ lần trước Cung Vương vào cung xin ban hôn bị từ chối ta đã cảm thấy không ổn rồi nhưng vẫn chưa dám khẳng định. Hôm nay bệ hạ thái hậu lại dung túng cô ta như vậy thì rõ mười mươi rồi.” – Nguyễn Sung nghi thở hắt ra.

“Bệ hạ bảo vệ Phạm Tu nghi đến thế, chúng ta dùng trăm phương ngàn kế mới loại bỏ được cô ta, giờ lại xuất hiện một Phạm Lộ Quỳnh, công sức của chúng ta thành ra đổ sông đổ bể cả rồi.” – Thanh nghiến răng nghiến lợi.

Nguyễn Sung nghi dựa lưng vào ghế: “Là do ta sơ suất, cứ nghĩ cô ta chỉ là đứa trẻ, sẽ không lọt vào mắt xanh của bệ hạ, nhưng lại quên mất bệ hạ và chị em nhà đó lớn lên cùng nhau.”

“Giờ phải làm thế nào ạ?”

Nguyễn Sung nghi cầm tách trà lên uống tiếp, giọng điệu thoải mái: “Đợi thôi.”

“Đợi ạ?” – Thanh cau mày không hiểu.

Nguyễn Sung nghi gật đầu, thong dong đáp: “Đợi nàng ta lộ ra khuyết điểm, đợi có người ra tay trước.”

Thanh nghe xong liền ngỡ ra, nàng gật gù: “Sung nghi nói đúng ạ, trong cung chắc chắn có không ít người cũng đang sốt ruột, chúng ta không việc gì phải tự làm bẩn tay mình.”

Nguyễn Sung nghi đưa chân ra phía trước, một cung nữ lập tức quỳ xuống bóp chân cho nàng.

“Vai nữa.”

Một cung nữ khác đến bên Sung nghi Nguyễn Thị Hằng, lúc giơ tay lên định bóp vai cho chủ thì tay áo viên lĩnh của nàng quét qua bàn khiến tách trà rơi xuống đất vỡ “choang” một tiếng. Khuôn mặt đang thư giãn của Nguyễn Sung nghi bỗng đanh lại.

“Đây là gốm hoa lam thánh thượng ngự ban, ngươi chán sống rồi phải không!” – Thanh trừng mắt.

Nàng cung nữ lập tức quỳ xuống dập đầu: “Sung nghi tha tội. Sung nghi tha tội ạ.”

Hai người đang quạt và cung nữ đang bóp chân cũng sợ hãi quỳ xuống.

Nguyễn Sung nghi liếc mắt nhìn sang: “Sao lại dừng?”.

Cung nữ cầm quạt và bóp chân lập tức đứng dậy tiếp tục công việc, không hé nửa lời.

“Còn dám xin tha tội, làm vỡ đồ ngự ban đã đủ chết rồi, làm Sung nghi giật mình hoảng sợ, ảnh hưởng đến hoàng tử thì cả nhà ngươi chết cũng không hết tội đâu.”

Nàng cung nữ nghe Thanh nói xong thì càng kinh hãi, vừa khóc vừa dập đầu xin tha.

“Thôi thôi, vỡ rồi thì lấy cái khác là được, đừng ở đây khóc lóc nữa, đau hết cả đầu.” – Nguyễn Sung nghi chống tay xoa thái dương.

“Nhưng cũng không thể cứ thế mà bỏ qua được ạ.” – Thanh.

“Vậy phạt ngươi hôm nay không được ăn cơm.”

“Tạ ơn Sung nghi, tạ ơn Sung nghi ạ.” – nàng cung nữ dập đầu lia lịa.

“Người cứ nương tay như thế làm sao kẻ dưới nghe lời được.” – Thanh vừa nói vừa bóp vai cho chủ.

“Thế thì phạt hai ngày đi, nước cũng không được uống.” – Nguyễn Sung nghi thản nhiên nói.

“Thế vẫn nhẹ quá ạ.”

Nguyễn Sung nghi âu yếm xoa bụng: “Chẳng mấy nữa mà ta sinh rồi, coi như tích đức cho đứa con trong bụng. Có thời gian ngươi cũng cầu phúc cho chủ nhân tương lai đi.”

“Vâng, Sung nghi dạy phải ạ.”

Thanh liếc xéo cung nữ bị phạt, nàng cung nữ sợ hãi lui xuống.

Cung Xuân Trường

Cung tần Nguyễn Hương Tuyết đang ngồi đọc sách nghiên cứu thế cờ. Chỗ nàng tuy không có nhiều đồ đạc quý giá nhưng mỗi vật dụng đều là nàng tự mình lựa chọn, sắp xếp, từ màu sắc cho đến cách bài trí đều tinh tế, hài hoài, tạo cảm giác thanh nhã mà không xa hoa.

“Đến giờ dùng cơm rồi ạ.” – Gấm, cung nữ theo hầu Nguyễn cung tần nhắc nhở.

“Ta không muốn ăn, em ăn trước đi.” – Nguyễn cung tần mắt không rời bàn cờ, đáp.

“Hậu cung thêm người, không ăn uống làm sao giữ sức khỏe mà đấu lại những người mới xanh non mơn mởn kia được ạ.”

Nguyễn cung tần nghe xong liền gập sách lại, để ngay ngắn cạnh bàn cờ: “Em nói đúng, phải ăn mới có sức mà đấu với đám người mới đó.”

Nguyễn Hương Tuyết ra bàn ngồi, Gấm vui vẻ gắp đồ ăn cho chủ nhân. Đồ ăn không nhiều cũng không phải sơn hào hải vị gì nhưng nhìn rất đẹp mắt, hương thơm hấp dẫn.

“Mấy người được chọn hôm nay chỉ có con gái Đô đốc Khang Vũ Hầu là nổi bật, người đừng lo lắng quá.”

Nguyễn cung tần bỗng buông đũa.

“Em nói sai sao ạ?”

“Em nói không sai, chỉ có cô ta là nổi bật nhưng chỉ một mình cô ta cũng đủ khiến ta đau đầu rồi.”

Nguyễn cung tần thở dài: “Ta vào cung hơn một năm, cũng coi như được sủng ái nhưng đến giờ vẫn chỉ là cung tần đã được nhận thánh ân, so về địa vị ta và em không khác biệt là bao. Còn cô ta, chưa nhập cung bệ hạ đã nói sẽ phong làm Minh Phi rồi. Em bảo ta làm sao mà không sốt ruột.”

“Ngông cuồng như thế chắc gì đã sống được đến ngày phong phi. Người đừng nóng lòng mà hấp tấp ạ.” – Gấm múc canh cá chép cho chủ nhân.

Bát canh nóng khiến Nguyễn cung tần phải thổi nguội rồi mới uống được: “Đúng là muốn ăn được món ngon thì không thể vội vàng.”

“Ngày tháng sau này còn dài, Thái bảo đại nhân cũng mong người có thể đi đường dài, người không cần phải vội vàng quá đâu ạ.”

“Biết là vậy nhưng ít nhất ta cũng phải có cái gì đó để đền đáp công ơn, kì vọng của cha nuôi chứ. Nhưng em nhìn ta bây giờ xem, không con không cái thì cũng thôi đi, đến cả địa vị thấp nhất ở hậu cung ta cũng không có. Em bảo làm sao ta ăn nói với cha nuôi được bây giờ.”

“Rồi sẽ có ngày người làm rạng danh dòng họ, rạng danh phu nhân và Thái bảo đại nhân, em tin người sẽ làm được.”

Nguyễn cung tần gật đầu, đúng vậy, nàng tin chỉ cần nàng cố gắng thì chuyện gì nàng cũng có thể làm được.

Nàng nhìn rau xanh thịt đỏ đựng trong bát đĩa men trắng trước mặt mình, tuy không cầu kì xa hoa nhưng hương vị không hề thua kém nem công chả phượng đựng bằng gốm hoa lam chút nào. Nói cho cùng thì rau luộc thịt hầm hay nem công chả phượng cũng đâu có gì khác biệt, cũng đều là rau là thịt, gốm men trắng hay gốm hoa lam cũng đều từ đất sét mà ra. Chỉ cần khéo léo thì rau luộc thịt hầm bình thường có khi còn ngon hơn là nem công chả phượng, gốm trắng đơn giản tinh tế vẫn có thể sánh ngang gốm hoa lam.

Cung Khánh Phương

Tuyên vinh Hà Thị Dĩ, Tu viên Phùng Diễm Quý và Tu dung Nguyễn Thị Bích đang ngồi thưởng trà nghe người hầu thuật lại chuyện ở cung Thiên Hòa.

Đến đoạn Quỳnh nói muốn làm Minh Phi, Hà Tuyên vinh không nhịn được bật cười: “Cô bé này vẫn vậy.”

“Nàng còn cười được, bệ hạ quá ưu ái nhà họ Phạm rồi. Người như thế mà cũng cho vào cung thì hậu cung này sớm muộn cũng loạn.” – Nguyễn Tu dung đang cắn hạt dưa tỏ rõ vẻ khó chịu.

“Nàng ta tính tình như vậy thì cũng thôi đi, nhưng thái hậu bệ hạ cũng không nói gì.” – Phùng Tu viên lắc đầu.

“Vậy mới nói.” – Nguyễn Tu dung bỗng bỏ hạt dưa xuống, phủi tay – “Mà các nàng nói xem, liệu có phải bệ hạ thích Phạm Lộ Quỳnh đó không? Từ ngày còn ở vương phủ ta đã thấy bệ hạ đối với nàng ta khác hẳn những người khác rồi.”

Hà Tuyên vinh, Phùng Tu viên, Nguyễn Tu dung cùng với Phạm Tu nghi đều là những người đã theo vua Quang Thuận từ tiềm để. Phạm Tu nghi Phạm Như Khanh vào phủ Bình Nguyên Vương sớm nhất, cũng vì thế mà được ưu ái hơn những người còn lại. Quỳnh và chị gái thân thiết nên sau khi Như Khanh lấy chồng Quỳnh vẫn thường đến vương phủ thăm chị.

“Bệ hạ lớn lên cùng hai chị em họ nên đối tốt với nàng ấy cũng là chuyện bình thường mà.” – Hà Tuyên vinh vén tóc, cười.

Hà Tuyên vinh thích tính cách nghịch ngợm tinh quái của Quỳnh nên quan hệ với Quỳnh rất tốt.

“Cũng có thể là vì chị quý em.” – Phùng Tu viên cầm quạt cẩn ngọc phe phẩy.

Phùng Tu viên là người nguyên tắc qui củ, nàng tôn trọng người hiền lành hòa nhã biết phép tắc như Phạm Như Khanh, còn với Quỳnh, dù nghịch ngợm tinh quái nhưng vẫn có phần đáng yêu hoạt bát, trước đây nàng không thích cũng không ghét, chỉ nghĩ Quỳnh còn nhỏ chưa hiểu chuyện nhưng sau khi biết thái hậu bệ hạ dung túng Quỳnh thái quá thì ấn tượng của nàng về Quỳnh cũng xấu đi phần nào.

“Không không, các nàng không thấy cách bệ hạ đối xử với chị khác hẳn với em sao?” – Nguyễn Tu dung quả quyết.

Trong mắt Nguyễn Tu dung, Phạm Như Khanh chính là ngồi mát ăn bát vàng, là kẻ vô công rồi nghề nhất vương phủ. Chị gái vô dụng mà được sủng thì cũng thôi đi nhưng lại còn thêm một Phạm Lộ Quỳnh cứ hai ngày ba bận lại đến vương phủ khiến gà chó không yên, Nguyễn Tu dung nói thì bệ hạ còn bênh chị em nàng ta nữa chứ.

“Hình như… có khác thật… nhưng ta cũng không biết là khác như thế nào nữa.” - Hà Tuyên vinh nhớ lại, gật đầu.

“Đấy, rõ ràng ai cũng thấy mà. Trước đây ta cứ nghĩ bệ hạ coi nàng ta như em gái, dù sao nàng ta cũng còn nhỏ mà. Ai ngờ...” – Nguyễn Tu dung cười khẩy, lại cắn hạt dưa – “Phạm Tu nghi trên trời mà biết chuyện này, không biết sẽ phản ứng thế nào nhỉ.”

“Ta biết nàng không thích chị em họ, nhưng người cũng mất rồi, đừng mỉa mai người ta vậy chứ.” – Phùng Tu viên nhẹ giọng khuyên bảo.

“Giả nhân giả nghĩa, suốt ngày mở miệng là phép tắc qui củ.” – Nguyễn Tu dung nghĩ thầm, nàng đảo mắt một vòng, bỏ qua lời Phùng Tu viên.

Hà Tuyên vinh thấy không khí ngại ngùng như vậy thì nở nụ cười giải hòa: “Có thêm người mới cũng tốt, càng có nhiều người nói chuyện với chúng ta không phải sao. Phạm Lộ Quỳnh đó tinh nghịch như vậy, sau này trong cung không sợ nhàm chán rồi.”

“Ấy đừng, nàng thích chứ ta thì không. Ta lo việc sổ sách đã đủ mệt rồi, giờ thêm người lại thêm đủ các khoản chi tiêu phải lo. Còn Phạm Lộ Quỳnh ấy à, tốt nhất là yên phận thủ thường chứ nàng ta mà bày trò thì cả cung lại loạn mất.” – Nguyễn Tu dung thể hiện rõ thái độ.

“Nếu có thêm mấy người hiền lành hiểu chuyện thì tốt, tính ta cũng không thích ồn ào.” – Hiếm khi Phùng Tu viên với Nguyễn Tu dung lại cùng ý kiến.

Hà Tuyên vinh vốn muốn bầu không khí bớt gượng gạo nhưng lại thành ra tự làm khó mình, nàng vén tóc cười trừ.

Điện Thừa Hoa

Sau khi dùng cơm, Thái hậu cùng cung nữ, nhũ mẫu chơi đùa với đứa cháu đầu tiên của mình – hoàng nữ Lê Thanh Toại. Hoàng nữ chơi với người lớn được một lúc thì gắt ngủ, Thái hậu liền lệnh cho nhũ mẫu bế hoàng nữ về phòng.

“Thái hậu đã muốn đi nghỉ chưa ạ?” – Nguyệt cô hỏi.

“Ta chưa buồn ngủ, đi thắp hương đã.”

Nguyệt cô đỡ Thái hậu đứng dậy, bốn cung nữ bên cạnh cùng Thái hậu và Nguyệt cô sang gian thờ cúng trong điện Thừa Hoa. Thấy đèn đang sáng trưng cả gian thờ cúng mà vẫn còn thắp thêm dàn nến thơm ngào ngạt, Ngô Thái hậu liền quở đám người hầu: “Ta đã nói phải tiết kiệm các ngươi đều quên rồi ư.”

Đám cung nữ trẻ tuổi nhìn Nguyệt cô cầu cứu, Nguyệt cô vừa đỡ thái hậu quì trước tượng Quan Âm bạch ngọc vừa lên tiếng: “Là vừa nãy Thái hậu bảo muốn đi thắp hương nên mấy cung nữ mới sang đây thắp nến trước cho không khí thơm mát khoan khoái. Người nhìn xem, nến mới cháy chưa được bao nhiêu mà.”

Thái hậu nhìn quanh, quả thật như lời Nguyệt cô nói: “Nhưng cũng không cần thắp nhiều như vậy. Lãng phí.”

“Vâng, thái hậu dạy phải ạ.” – Nguyệt cô vừa nói vừa nhận nhang từ cung nữ trông coi gian thờ.

Mọi người đều biết Thái hậu nhân từ dễ mềm lòng, người đã nói vậy thì coi như không có chuyện gì rồi.

“Có chuyện gì khiến Thái hậu phiền lòng ư?” – Nguyệt cô vừa châm nhang vừa hỏi.

“Còn chuyện gì ngoài chuyện tuyển chọn hậu cung nữa.” – Thái hậu Ngô thị thở dài.

Nguyệt cô đưa nhang cho Thái hậu, phẩy tay bảo các cung nữ ra ngoài. Chờ cho cung nữ ra ngoài đóng cửa rồi Nguyệt cô mới nói chuyện.

“Chuyện hôm nay đúng là không thể ngờ được, Phạm thị to gan đến thế mà bệ hạ vẫn bao dung nàng ta, sau này Thái hậu định thế nào ạ?” – Nguyệt cô quì bên cạnh thái hậu, điềm tĩnh nói.

“Tâm của bệ hạ ở chỗ nàng ta thì còn thế nào được nữa, đành dốc sức mà dạy bảo thôi. Chỉ cần nàng ta không quá đáng, ta cũng sẽ hết lòng che chở. Hậu cung an ổn thì bệ hạ mới an tâm lo việc nước được.” – Thái hậu cầm nhang quì xuống vái ba lần rồi đưa cho Nguyệt cô.

“Nếu chỉ có vậy người sẽ không thở dài mất ngủ thế này đúng không ạ?” – Nguyệt cô vừa cắm nhang vừa nói. Bà đã hầu hạ Thái hậu cả đời, có những chuyện không cần nói cũng biết.

“Ta lo… bệ hạ sẽ giống tiên đế.” – Giọng nói của Thái hậu nặng trĩu tâm tư.

“Bệ hạ đã chứng kiến bi kịch của vua Nhân Tông và Lạng Sơn Vương*, người sẽ không đi vào vết xe đổ của tiên đế đâu ạ.”

“Ý ta không phải chuyện thái tử, là… Nguyên Phi.”

Nguyệt cô nghe thấy cái tên Nguyên Phi thì giật mình.

Nguyên Phi Lê Thị Ngọc Dao, con gái Đại Tư đồ Lê Sát, từ nhỏ đã quen biết Thái Tông, là người vào cung sớm nhất, khi còn tại vị đứng đầu hậu cung, sủng ái không ai bằng. Nàng xinh đẹp phóng khoáng, cha là đại thần phò tá ấu chúa quyền khuynh thiên hạ, bản thân lại được Thái Tông yêu quí nên kiêu ngạo lộng hành. Mà Thái Tông đối với nàng lại hết mực yêu chiều, phàm là những chuyện nàng quá đáng vua đều chuyện lớn hóa nhỏ, chưa từng thật sự trừng phạt. Đại Tư đồ Lê Sát ngày càng chuyên quyền, coi vua như con rối khiến Thái Tông căm ghét nhưng không vì thế mà tình cảm của Thái Tông với Nguyên Phi bị ảnh hưởng. Nên năm đó Thái Tông ép Đại Tư đồ Lê Sát tự tử chẳng khác nào một cái tát thẳng mặt Nguyên Phi. Nàng một lúc vừa mất cha – chỗ dựa lớn nhất, vừa bị người chồng đầu gối tay ấp phản bội, người bình thường mấy ai chịu nổi nỗi đau này. Nhưng Nguyên Phi kiêu ngạo nhập cung thế nào thì cũng kiêu ngạo rời cung như thế. Hôm trước vừa biết tin cha mình bị Thái Tông ép chết, hôm sau nàng đã đến thông báo với vua mình sẽ đi, không phải là xin được rời cung mà là thông báo, nếu Thái Tông ép nàng ở lại thì chỉ có thể giữ được xác nàng. Thái Tông không giữ nổi người mình yêu, đành viết chiếu chỉ phế nàng làm thứ dân để hợp lý hóa lý do rời cung của nàng.

Sau khi Đại Tư đồ Lê Sát bị ép tự tử, người thân cận với ông là Lê Ngân trở thành Đại Đô đốc nắm quyền chấp chính, con gái Lê Ngân là Lê Nhật Lệ đang là Chiêu nghi được phong thành Huệ Phi. Nhật Lệ vốn vẫn luôn ghen tức với ân sủng của Nguyên Phi, giờ cũng được phong phi vị nhưng có tiếng mà không có miếng nên thường kể khổ với cha mình. Lê Ngân mới sai phù thủy làm lễ ở nhà, mong con gái được yêu thương nhân tiện muốn trù ếm cho Lê Thị Ngọc Dao chết đi để Nhật Lệ được hưởng hết ân sủng. Thái Tông biết chuyện nổi trận lôi đình, tra hỏi kĩ thì mới biết là Lê Nhật Lệ cố tình tiết lộ cho Nguyên Phi biết tin cha nàng đã chết. Khi đó Thái Tông đã phong tỏa tin tức, bao vây hậu cung, không ngờ cuối cùng vẫn bại vì mưu kế tranh sủng của phụ nữ. Lê Ngân bị xử tử, Nhật Lệ bị giáng thành Tu dung. Mọi người đều cho rằng Thái Tông muốn thanh trừng bè phái còn sót lại của Lê Sát nhưng nguyên nhân đằng sau còn có nỗi uất hận đau đớn khôn nguôi khi đánh mất người mình yêu của vị vua trẻ tuổi. Lê Nhật Lệ sau đó cũng không còn xuất hiện ở hậu cung nữa, kết cục của nàng ta chắc cũng chẳng khá hơn cha mình là bao.

Trước khi Nguyên Phi bỏ đi, Ngô thái hậu chẳng mấy khi được vua quan tâm. Sau khi Nguyên Phi đi, bà lại càng bị vua lạnh nhạt ghét bỏ, mỗi lần nhìn thấy bà dù tâm tình nhà vua có đang tốt như nắng ấm đầu xuân cũng phút chốc trở nên u ám như ngày đông tháng giá. Thái Tông cứ nhìn thấy bà là buông lời mắng mỏ miệt thị dù bà chẳng hề làm gì sai, cuối cùng còn đuổi bà ra ở cung điện xa nhất cho khuất mắt. Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai, một lần Thái Tông thấy bà bị cung tần khác coi thường, xỉ nhục thì lấy làm thương cảm, ra mặt bảo vệ, từ đó thái độ của vua với Ngô thái hậu khác hẳn, bà từ một cung tần không được quan tâm đến bị ghẻ lạnh rồi được sủng ái, có thể nói là một bước lên mây. Những tưởng ngày tháng sau này sẽ tốt đẹp nhưng rồi bà nhận ra tất cả lạnh nhạt ân sủng của vua dành cho mình cũng chỉ vì hai chữ “Ngọc Dao”, vì bà cùng tên với và Nguyên Phi mà thôi.

Sau này Dương Phi Dương Thị Bí hay Thần Phi Nguyễn Thị Anh được sủng ái cũng là vì các nàng có một phần giống Nguyên Phi năm đó. Tính cách Dương Phi có sự kiêu ngạo của Nguyên Phi nên vua cũng yêu chiều nàng hết mực, chỉ tiếc kiêu ngạo lại rất dễ hại mình. Thần Phi ngoại hình có đến bảy tám phần giống Nguyên Phi nhưng lại dịu dàng, thiếu cá tính, không như Dương Thị Bí. Vua sủng ái hai người, để người này bổ sung cho người kia, cốt là để tìm lại cảm giác khi Nguyên Phi còn ở bên. Hai người họ lại nhập cung sau khi Đại Tư đồ Lê Sát qua đời, đấu nhau đến long trời lở đất, một mất một còn mà không biết mình cũng chỉ là cái bóng của kẻ khác, đến cuối cùng kẻ thắng duy nhất vẫn là Lê Thị Ngọc Dao kia.

“Tuy Phạm thị cùng bệ hạ cũng quen biết từ nhỏ nhưng dù sao so với Nguyên Phi và tiên hoàng cũng có khác biệt. Bệ hạ là bậc thánh minh, sẽ không để chuyện tình cảm ảnh hưởng đến tiền triều hậu cung đâu ạ.” – Nguyệt cô nói.

Thái hậu cười buồn: “Nếu là trước đây ta cũng sẽ nghĩ vậy nhưng ngươi không thấy từ khi lên ngôi bệ hạ càng ngày càng giống tiên hoàng sao? Tiên hoàng không anh minh sáng suốt ư? Chưa đến hai mươi tuổi người đã đánh nam dẹp bắc, trị loạn thần chuyên quyền. Nhưng anh hùng khó qua ải mĩ nhân. Bệ hạ càng uy vũ quyết đoán ta lại càng lo lắng, người ôm hết non sông mới là người cô độc nhất.”

Thái hậu nhớ lại một đêm tiên hoàng uống say đã cầm chặt tay bà, đau đớn hỏi: “Tại sao nàng nhất quyết phải đi? Ta đối với nàng còn chưa đủ tốt hay sao? Vì quốc gia ta không thể không gϊếŧ cha nàng nhưng tình cảm của ta với nàng là thật, nàng không thể thông cảm cho ta được sao?”

Khi ấy Ngô Thái hậu vừa hiểu ra Thái Tông không nói với mình, còn chưa kịp phản ứng thì vua đã ngả vào người bà, rơi lệ thì thầm: “Đừng đi. Nàng đừng đi mà. Đừng đi được không. Ta xin nàng, Ngọc Dao, đừng đi. Đừng bỏ lại ta một mình trong hoàng cung lạnh lẽo này.”

Minh quân anh dũng là thế, chẳng qua cũng chỉ là một người cô đơn. Mà quân vương cô đơn thì hậu quả thế nào, cứ nhìn cục diện năm đó là biết. Phế trưởng lập thứ, khiến Ngô thái hậu phải chạy ra khỏi cung sinh con.

“Mẹ của tiên hoàng là Cung Từ hoàng hậu mất sớm nên chuyện hậu cung trước đây mới không ai khuyên nhủ. Giờ bệ hạ có Thái hậu lo lắng, sẽ không có chuyện như năm đó đâu ạ.” – Nguyệt cô trấn an.

Thái hậu lắc đầu: “Nếu bệ hạ giống tiên hoàng thì mẹ ruột như ta cũng không khuyên nổi. Hơn nữa bệ hạ đã nghe lời ta cho Nguyễn Sung nghi địa vị cao nhất hậu cung rồi, chỉ e sau này bệ hạ có sủng ái ai ta cũng không thể can dự được nữa.”

Đến Nguyệt cô cũng thở dài, thái hậu nói không sai, bệ hạ quả thật là người quyết đoán, nếu không sao có thể trở thành vua một nước.

Cung Thiên An

Trong căn phòng leo lắt ánh sáng, Bùi Quí nhân – mẹ của Cung Vương Lê Khắc Xương, cũng đang quì trước tượng Phật, mần chuỗi tràng hạt thành tâm cầu khấn. Con trai bà từ nhỏ đã nghe lời hiểu chuyện không tham lam những thứ không thuộc về mình, lớn lên lại càng không tranh giành với người, tránh xa thị phi, có thể kết hôn với người mình thương nhớ là điều duy nhất Lê Khắc Xương mong muốn, thế nhưng hôm nay ước vọng duy nhất ấy đã vĩnh viễn không thể trở thành sự thật nữa rồi. Điều duy nhất tham luyến bị cướp đi, Bùi Quí nhân không biết sau này con trai mình sẽ tiếp tục sống thế nào nữa.

Năm xưa, đúng lúc Dương Phi và Thần Phi tranh đấu gay gắt thì bà có thai, bà sợ con mình bị hại nên cầu xin Thái Tông, vua thành toàn cho bà, bên ngoài tỏ ra không quan tâm gì đến mẹ con bà nên bà mới có thể thuận lợi sinh Lê Khắc Xương. Nhưng Thái Tông lại đột ngột qua đời, Thần Phi nắm quyền buông rèm nhϊếp chính, tuy bà và Thần Phi trước đây không có xích mích nhưng để đảm bảo con mình có thể an toàn lớn lên bà luôn phải cẩn thận từng chút, cúi mình, xa đời. Cũng may Cung Vương nghe lời hiểu chuyện, luôn giấu tài, phong nhã đạm bạc, ăn mặc chi dùng dè xẻn mới không khiến mẹ con Thần Phi để ý. Vua Quang Thuận khi còn là Bình Nguyên Vương được mọi người khen ngợi khiến Thần Phi ngứa mắt, o ép đủ đường, Bùi Quí nhân đã nghĩ Lê Khắc Xương giấu tài không tranh không giành là tốt. Nhưng giờ bà lại tự trách mình, nếu con trai bà thể hiện hết tài hoa thì đã được bá quan văn võ ủng hộ lên làm vua rồi, nếu không phải từ khi còn nhỏ bà đã dạy con không tranh giành, tránh xa thị phi thì Lê Khắc Xương đã không nhất quyết từ chối ngồi lên ngai vàng. Nếu không phải vì vậy thì giờ người làm vua là con trai bà chứ không phải vua Quang Thuận, nếu vậy thì giờ con bà sẽ không phải đau khổ vì bị cướp đi người mình yêu, cũng không phải giày vò tự trách vì phải lấy người yêu của bạn. Bà chưa từng cho con được thứ gì vẻ vang, đến giờ điều duy nhất mà con mong muốn bà cũng chẳng thể giúp được. Một người mẹ vô dụng, không những không giúp được mà còn luôn là gánh nặng cho con. Bùi Quí nhân chỉ còn biết cầu xin Bồ Tát, Phật Tổ phù hộ để con trai mình đừng quá đau lòng mà nghĩ quẩn. Cung Vương đau lòng, trái tim bà cũng nặng trĩu nhưng bà lại lực bất tòng tâm.

“Sắp sang giờ Tí rồi, Quí nhân đi nghỉ thôi ạ.” – Trúc cô nhắc nhở chủ nhân.

“Tâm ta không tĩnh, có nằm xuống cũng không ngủ được.” – Bùi Quí nhân thở dài.

“Người đừng tự trách mình nữa. Mọi chuyện trên đời này đều do trời xanh an bài, có muốn cũng không làm khác được.”

“Ta cũng biết vậy nhưng vẫn không thể không bận tâm. Không biết giờ này con trai ta thế nào rồi. Hẳn là đang đau lòng lắm.”

Trúc cô không đành lòng nhìn Bùi Quí nhân dằn vặt tự trách nên cố tìm cách an ủi: “Lý tài nữ nổi danh tri thư đạt lễ, điện hạ cũng từng khen ngợi tài năng văn chương của nàng, sau này điện hạ có người bầu bạn đàm đạo thơ văn, luận bàn cầm kì thi họa, tri kỉ trước nay đâu phải dễ gặp, Quí nhân phải vui cho điện hạ mới đúng chứ.”

Thái độ, giọng điệu của Trúc cô vô cùng lạc quan vui vẻ, khuôn mặt Bùi Quí nhân cuối cùng cũng giãn ra một chút.

“Cũng đúng, hồng nhan tri kỉ chỉ có thể gặp không thể cầu, có người vợ như Lý tài nữ là phúc phần của con trai ta.”

“Đúng rồi ạ, nên người đừng lo nghĩ nữa, chúng ta đi nghỉ thôi, được cái này mất cái kia, ông trời công bằng sẽ không để điện hạ nhà chúng ta chịu thiệt đâu.” – Trúc cô vừa nói vừa đến đỡ Bùi Quí nhân đứng dậy.

Bùi Quí nhân trong lòng vẫn không khỏi muộn phiền nhưng bên cạnh có một người luôn tích cực vui vẻ như Trúc cô nên lúc này lòng bà cũng đỡ nặng nề hơn một chút.