Chương 13: Cập kê

Cung Vĩnh Ninh

“Xem này, tay nghề của bà bao năm vẫn vậy, thật tinh xảo.” – thái hậu cầm chiếc yếm mẹ Nguyễn Sung nghi thêu lên ngắm nghía.

“Già rồi, mắt mờ chân chậm, đâu có được như ngày xưa nữa.” – mẹ Nguyễn Sung nghi cười hiền hậu.

“Đúng là chúng ta già rồi, mới ngày nào còn rủ nhau thêu khăn tặng cho người ta, ấy vậy mà giờ con cái đã lớn cả rồi, sắp có cả cháu rồi.” – thái hậu cầm tay Nguyễn Sung nghi, nhìn nàng thân thiết.

Nguyễn Sung nghi cười nền nã đáp lại.

Mẹ Nguyễn Sung nghi nhớ lại chuyện hồi trẻ bỗng bật cười: “Hồi đó tôi chỉ mong gặp được người có tướng mạo, thái hậu mong gặp được người bình thường nhưng yêu thương mình. Kết quả tôi lại gặp phải ông nhà tôi, thái hậu thì gặp người không bình thường nhất.”

“Đều là những chuyện của hai mươi năm trước rồi.” – thái hậu cười cười, ánh mắt xa xăm, những ngày tháng cũ hiện về khiến lòng bà dậy sóng.

Tiễn thái hậu về rồi, mẹ con Nguyễn Sung nghi lại tiếp tục thêu đồ. Thanh ở bên cạnh quạt cho hai mẹ con chủ nhân.

“Đã tìm được nhũ mẫu chưa?” – mẹ Nguyễn Sung nghi hỏi

“Lễ Nghi phòng đã đưa danh sách mấy hôm trước nhưng con vẫn chưa gặp người, để con bảo họ đưa người đến, mẹ giúp con xem xem ạ.”

“Ừ. Ở cữ một trăm ngày, con định thế nào?”

“Con không ra khỏi cửa được nhưng vẫn có thể để người khác làm việc thay mình.”

“Gắp lửa bỏ tay người thì nhớ đừng để liên quan gì đến mình.”

“Vâng.”

Nguyễn Sung nghi cắt chỉ, nàng giơ chiếc tã cuốn thêu hình mây ngũ sắc lên: “Mẹ xem thế này được không ạ?”

Mẹ nàng cầm lấy, lật hai mặt xem kỹ từng đường kim mũi chỉ, gật đầu: “Được rồi, nếu chuyện gì cũng thế này thì tốt.”

-

Khoảng thời gian này, vua Quang Thuận muốn gặp riêng Quỳnh nhưng bị nàng hết lần này đến lần khác từ chối nên nhà vua đành phải lấy cớ đi kiểm tra các tú nữ học tập để thấy Quỳnh.

Có lần vua đến đúng lúc các tú nữ đang học nấu ăn, nhìn Quỳnh biến nhà bếp thành bãi chiến trường, bản thân thì uất ức vì nặn mãi cũng không thể ra được chiếc bánh đẹp như ngự trù, hắn muốn an ủi Quỳnh nhưng lại phải tỏ ra quan tâm đến tất cả: “Các nàng cố hết sức là được rồi, trên đời đâu có ai thập toàn thập mỹ.”

Lần khác, vua đến gặp lúc các tú nữ đang học đánh đàn tranh, chỉ chốc lát hắn đã hiểu nhạc sư, cung nhân, những người dạy dỗ Quỳnh đã vất vả đến nhường nào. Quỳnh đang tập thì đàn đứt dây, dây đàn bắn mạnh vào tay khiến nàng xước da chảy máu. Vết thương tuy nhỏ nhưng đủ để vua Quang Thuận đau lòng không yên, cũng đủ để các tú nữ khác thấy có Phạm Lộ Quỳnh ở đó thì dù các nàng có đàn hay đến mấy không lọt vào nổi tai vua.

Những ngày này Quỳnh học lễ nghi nên luôn hành xử theo đúng phép tắc, mỗi lần gặp Lê Tư Thành, nàng đều kính cẩn hành lễ, từ nụ cười cho đến lời nói đều đoan trang chuẩn mực. Mà không chỉ với hắn, nàng với cả hậu cung đều như vậy, từ thái hậu cho đến cung nữ cấp bậc thấp nhất nàng đều cư xử hành động hòa nhã, hợp phép tắc. So với ngày nàng nói muốn làm Minh phi thì giờ đây Quỳnh cứ như một người hoàn toàn khác vậy, khiến hậu cung ai cũng bất ngờ. Nhưng chuyện này lại khiến vua Quang Thuận không vui chút nào, ban đầu hắn còn thích thú với sự thay đổi này của nàng, rất nhanh sau đó hắn nhận ra lễ nghi quy củ, phong thái thục nữ chính là thứ tạo ra khoảng cách giữa nàng và hắn. Hai người đối diện nhưng lại như cách cả núi sông, nàng nhìn hắn cười xinh đẹp đoan trang nhưng lại xa lạ như người dưng nước lã, nàng giữ lễ kính cẩn với hắn chẳng khác gì thần đối với quân, so với ngày trước nàng đối với hắn giờ thiếu ba phần thân mật lại thêm bảy phần nghi thức.

-

Ngày mồng mười tháng tám, Sung nghi Nguyễn Thị Hằng mẹ tròn con vuông hạ sinh hoàng trưởng tử, được vua đích thân đặt cho tên là Tranh. Thái hậu và vua Quang Thuận hết sức vui mừng tổ chức yến tiệc, ban thưởng khắp hoàng cung.

Cung Xuân Trường

Quỳnh đang ngồi tán chuyện cùng với Thục, Yến. Tối nay triều đình tổ chức tiệc mừng hoàng trưởng tử, hậu cung cũng được thoải mái, các nàng liền cùng nhau tụ tập nói chuyện.

“Các nàng nói xem bao giờ chúng ta mới được đến điện Cần Chính dự tiệc nhỉ?” – Đặng Hải Yến nhìn về phía điện Cần Chính lung linh đèn nến, ánh mắt đầy ngưỡng mộ, trên người nàng luôn có mùi thảo dược nhè nhẹ khiến Quỳnh ngồi cạnh cảm thấy rất dễ chịu.

“Chỉ có ta với nàng chưa đến thôi, chứ Quỳnh từ bé đã vào đó dự tiệc rồi.” – Vũ Thị Thục cầm một miếng hồng lên ăn, hồn nhiên nói.

“Ta quên mất, nàng thích thật đó.” – Yến khẽ đẩy tay Quỳnh.

“Có gì mà thích, mỗi lần vào cung lại phải mặc áo váy diêm dúa, trang điểm thả tóc, gặp ai cũng phải chào hỏi đúng lễ nghi, mệt cả người.” – Quỳnh cầm một miếng bưởi bỏ vào miệng.

“Không phải bây giờ nàng cũng đang thế sao?” – Thục.

Quỳnh thở dài: “Vào cung rồi thì còn biết làm thế nào được nữa, chỉ với hai nàng ta mới có thể thoải mái được thế này thôi. Ôi cái cuộc sống gò bó chán trường này…”

“Thôi đừng nói mấy chuyện không vui nữa, chúng ta uống mừng bệ hạ có hoàng tử đi, rượu Kim Cúc này có tiền cũng chưa chắc đã mua được đâu.” – Yến vừa nói vừa cầm ly lên.

“Đúng thế, chúng ta cũng không thua kém bọn họ. Nào, ăn uống thoải mái đi.” – Quỳnh cũng cầm ly lên.

Ba người vui vẻ cạn ly.

Mấy ngày đầu nhập cung, các tú nữ mới vừa ghen tị vừa nể phục Quỳnh, nhóm người Trần Huyền Linh, Đoàn Thị Châu ganh ghét nhưng không làm gì được, chỉ đành rủ nhau không qua lại với Quỳnh, bày trò chơi xấu nàng. Quỳnh đang đi thì bọn họ ngáng chân, cố tình đẩy ngã, nàng ngồi thì bị đổ nước, đánh rơi đồ vào người. Nhưng Quỳnh là ai chứ, nàng hai tuổi đã luyện võ, cơ thể phản ứng cực kì nhanh nhạy, không chỉ tránh hết mấy tiểu xảo kia mà kẻ ngáng chân nàng thì bị nàng nhẫm váy lại, kẻ cố tình đẩy nàng bị nàng kéo tay, đổ nước lên người nàng bị nàng hất ngược lại, làm rơi vật nặng xuống chân nàng, nàng tiện chân đá trả một cái cả mấy người đều đau điếng. Biết không thể trực tiếp đối đầu với Quỳnh nên họ chuyển qua chiêu mới: phá hoại đồ dùng khi học lễ nghi của nàng, thay đổi thời gian địa điểm học không báo cho nàng khiến Quỳnh đi cả nửa vòng hậu cung rồi lại phải quay về, muộn giờ còn bị các nữ quan mắng. Bọn họ ở trong cung chưa đến một tháng, người có địa vị trong cung còn chưa động tay thì các tú nữ đã tự mình không vừa mắt nhau. Vòng khảo hạch cung quy Quỳnh đứng đầu khiến các tú nữ càng ganh ghét đố kỵ hơn.

Bên cạnh nhóm đối đầu thì còn có một nhóm nể phục Quỳnh dám đối đáp với Nguyễn Sung nghi, trong nhóm này có vài người thường xuyên qua lại với Quỳnh, còn lại cũng có một số người trong lòng ngưỡng mộ muốn kết giao nhưng lại e ngại đám Trần Huyền Linh, Đoàn Thị Châu nên chỉ đành giữ mình, nếu gặp nhau thì chào hỏi xã giao chứ không dám thân thiết.

Điện Cần Chính

Vua Quang Thuận cùng thái hậu và văn võ bá quan đang vui vẻ thưởng tiệc, nhà vua ra khẩu dụ hôm nay mọi người cứ thoải mái nên triều thần người thì ăn uống, người thì ca hát, làm thơ, đại điện bình thường uy nghiêm nay bỗng trở nên náo nhiệt như chợ tết.

Văn võ bá quan cùng chúc mừng nhà vua rồi lại từng người đứng lên nâng ly kính rượu. Đến lượt Cung vương Lê Khắc Xương, hắn cũng theo người khác mà làm, đứng dậy nâng ly: “Chúc mừng bệ hạ đã có hoàng tử, chúc mừng Đại Việt ta căn cơ ngày càng vững chắc”.

“Cảm ơn vương huynh.” – nhà vua cười nhưng ánh mắt lại lạnh lùng không chút cảm xúc.

Hai anh em cạn ly, rồi vua Quang Thuận nói: “Vương huynh cũng sắp có vương phi rồi, sau khi kết hôn cũng nhanh chóng sinh con, khai hoa tán diệp cho hoàng thất đi.”

Thái hậu nghe vậy cũng thêm vào: “Đúng vậy, Cung vương còn lớn hơn bệ hạ một tuổi mà đến giờ vẫn chưa thành gia lập thất, phải mau kết hôn sinh con đi, đừng để ta và Bùi Quý nhân sốt ruột nữa.”

“Khiến bệ hạ, thái hậu phải phiền lòng rồi. Thần sẽ cố gắng.”

Lê Khắc Xương ngồi xuống rồi vua Quang Thuận vẫn dùng ánh mắt nông sâu không thấy đáy nhìn theo. Lê Khắc Xương hiểu những lời này của nhà vua không phải chỉ là nhắc nhở hắn.

Cung vương người đang ở điện Cần Chính nhưng tâm lại đặt ở hậu cung, giữa cung điện xa hoa náo nhiệt lòng hắn lại chỉ có khắc khoải đau đớn. Liệu nàng có như hắn, lòng đau như cắt nhưng vẫn phải vui vẻ nói cười? Một người thẳng thắn không biết xu nịnh như nàng liệu có thể chịu đựng được bao lâu đây?

Cung Xuân Trường

Tối muộn, Yến, Thục về rồi, Quỳnh cứ đứng ở cửa phòng không vào. Nàng nhìn về phía điện Cần Chính, càng nhìn càng ngẩn ngơ.

Một lúc sau Liên gọi nàng: “Cô ơi, vào nghỉ ngơi thôi”.

Thấy nàng không nghe, Liên lại gọi thêm mấy lần nữa nhưng Quỳnh vẫn không phản ứng.

“Cô ơi! Cô Quỳnh!” – Liên đến cạnh khẽ kéo tay Quỳnh.

Lúc này Quỳnh mới sực tỉnh.

Đêm đó Quỳnh nằm mãi không ngủ được, lòng nàng đang nhớ tới người ở điện Cần Chính kia.

Chiều hôm sau học xong rời cung Thiên Hòa, Quỳnh không về thẳng cung Xuân Trường như mọi ngày mà lẳng lặng tách khỏi đoàn tú nữ. Đến cung Thiên An, nàng nhìn trước ngó sau rồi rẽ vào.

Bùi Quý nhân đang chăm sóc cây cảnh, so với lần gặp nhau cuối cùng vài năm trước, bà dường như không già đi, phong thái càng thêm phần trầm ổn.

Thấy Quỳnh, Bùi Quý nhân không nhận ra, hỏi nàng: “Ngươi là…”

“Quý nhân không nhớ con sao? Con là Quỳnh, con gái Đô đốc Phạm Văn Liêu.”

Bùi Quý nhân nhớ lại rồi thì không khỏi ngạc nhiên: “Là con sao? Nhưng sao con lại đến đây?”

“Con vào cung đã được một thời gian nay mới đến thăm Quý nhân được. Người vẫn khỏe mạnh thế này, thật tốt quá.” – Quỳnh cười chân thành.

“Ta vẫn khỏe, người trẻ tuổi các con cũng phải giữ sức khỏe.”

“Tối qua Quý nhân có đến điện Cần Chính dự tiệc không ạ?” – Quỳnh e dè hỏi.

Bùi Quý nhân biết Quỳnh muốn hỏi gì, nói: “Ở đó đâu có chỗ cho ta, nhưng vẫn có người nhớ đến kẻ già này, đến đây thỉnh an.”

Lời Bùi Quý nhân nói nửa câu trước khiến Quỳnh chạnh lòng, nửa câu sau lại khiến nàng xúc động khôn nguôi.

“Người đó có khỏe không ạ?” – mắt Quỳnh long lanh tựa mặt hồ gợn sóng.

Bùi Quý nhân nhìn Quỳnh, ánh mắt buồn bã: “Cũng như con, bên ngoài rất khỏe. Cũng hỏi thăm mọi người trong cung.”

Quỳnh rưng rưng: “Vậy là được rồi. Vậy là được rồi ạ.”

“Quý nhân nghỉ ngơi đi ạ, con xin phép về cung. Sau này có dịp con lại đến thăm người.”

“Tốt nhất là con đừng đến.”

Quỳnh bất ngờ nhưng nàng lập tức hiểu ra, khẽ đáp: “Vâng.”

Nàng quay lưng đi rồi Bùi Quý nhân mới nói thêm: “Không có tin tức gì chính là bình an.”

Hồi bé vào cung dự tiệc cùng cha mẹ, Lê Khắc Xương từng dẫn Quỳnh đến cung Thiên An chơi nên Bùi Quý nhân và nàng sớm đã quen biết. Quỳnh tuy bên ngoài tuân theo nhưng thực ra lại cực kì ghét mấy cái quy củ phép tắc trong cung nên mỗi lần vào cung, chỉ cần có cơ hội là nàng đều trốn khỏi chỗ đông người, tìm chỗ nào đó không bị để ý, đợi đến lúc tan tiệc rồi đi về. Mà trong cung nơi không ai để ý nhất chính là cung Thiên An. Bùi Quý nhân không thích ồn ào náo nhiệt nhưng không hiểu sao lại rất thích Quỳnh, có lẽ vì Quỳnh là bạn của con trai bà, cũng có thể là vì tính cách Quỳnh hồn nhiên vô lo vô nghĩ khiến người khác thoải mái, hoặc là do cung Thiên An thường ngày yên tĩnh đến nhàm chán, cần một cơn gió tươi mát thổi qua. Dù thế nào thì mỗi lần Quỳnh đến Bùi Quý nhân đều rất vui, bà quý Quỳnh như con cháu trong nhà nên xưng hô cũng vì thế mà thân thiết.

Quỳnh mải suy nghĩ không để ý vua Quang Thuận đang từ xa tiến đến chỗ nàng, Liên phải giật áo nhắc nhở Quỳnh mới tỉnh ra, có tật giật mình, nàng không khỏi hốt hoảng trong lòng một phen.

“Nàng vừa đi đâu về vậy?”

“Ngày nào cũng chỉ ở cung Xuân Trường với cung Thiên Hòa mãi chán quá nên học xong thϊếp lén ra ngoài đi dạo một vòng cho khuây khỏa.”

“Vừa hay ta cũng đang muốn đi dạo một vòng. Đi nào!”

“Rõ ràng là đang vội về xử lý tấu chương mà.” – Ngọc thái giám đi đằng sau vua lẩm bẩm.

Vua Quang Thuận quay lại lườm viên nội quan một cái sắc lạnh, viên nội quan liền cúi đầu ngậm miệng không dám nói.

Trên đường đi Lê Tư Thành không có vẻ gì khác thường nhưng Quỳnh vẫn bồn chồn không thôi, cứ một lúc lại len lén nhìn hắn.

“Sao thế? Trên mặt ta có gì sao?” – hắn vừa đi vừa hỏi Quỳnh.

“Không có ạ.”

“Vậy sao nàng cứ nhìn ta thế?”

“Không có gì đâu ạ. Bệ hạ nhìn đường đi, đừng để ý thϊếp.”

Thấy Quỳnh cuống quít, vua Quang Thuận nheo mắt: “Chắc chắn là có chuyện gì rồi, nàng nói đi.”

“Thϊếp nói rồi, không có ạ.”

Vua cúi đầu nhìn Quỳnh: “Không có?”

Quỳnh lắc đầu.

“Không có gì thật?” – nhà vua ghé sát Quỳnh hơn.

Hai người mặt đối mặt, tim Quỳnh muốn nhảy ra khỏi l*иg ngực. Lê Tư Thành lại gần khiến mặt Quỳnh bỗng chốc nóng ran, hắn càng nhìn nàng lại càng cúi đầu tránh, gò má càng đỏ ửng

“Không có thật mà.”

Hắn nhìn nàng một lát rồi đứng thẳng người dậy, tiếp tục đi: “Được, nàng nói không có thì không có.”

Quỳnh thở phào nhẹ nhõm, vội chạy theo hắn.

“Mấy hôm nay trong cung có việc hỷ, mọi người đều bận rộn, ta không thường xuyên hỏi thăm được, nàng vẫn ổn chứ?”

“Vẫn như bình thường ạ.”

“Ừ.” – vua gật đầu hài lòng.

“Lần khảo hạch vừa rồi nàng đứng đầu, nghe Kim Hoa nữ sĩ nói giờ nàng cũng rất chăm chỉ học nữ công, có cố gắng thì xứng đáng được thưởng.” – vua nhìn Ngọc thái giám, Ngọc thái giám liền lấy ra một chiếc hộp gỗ nhỏ dài, đưa cho nhà vua.

“Món quà này vừa làm xong, ta vốn định lát nữa bảo cung nữ đưa cho nàng, vừa hay gặp nàng ở đây. Mở ra xem đi!” – có thể trao tận tay cho Quỳnh, Lê Tư Thành không khỏi phấn khởi cùng chờ đợi.

Quỳnh đưa hai tay lễ phép nhận đồ. Bên ngoài hộp gỗ khảm hình hoa và bươm bướm bằng xà cừ, Quỳnh mở ra xem, bên trong là một chiếc trâm bạch ngọc được chạm khắc vô cùng tinh xảo, đầu trâm là những chiếc lá dài uốn lượn đan xen vào nhau nâng lên một búp hoa quỳnh chớm nở.

“Bệ hạ thật có lòng.” – miệng Quỳnh cười nhưng mắt nàng lại tối đi.

“Để ta cài trâm cho nàng.”

Lê Tư Thành vừa cầm cây trâm Quỳnh liền lùi về sau một bước lớn khiến hắn ngỡ ngàng.

Biết mình thất thố, Quỳnh vội cúi đầu hạ giọng: “Thánh ân của bệ hạ thϊếp xin nhận nhưng nhà thϊếp đang trong thời gian trai giới, chiếc trâm này quá quý giá, hơn nữa tuổi của thϊếp vẫn chưa xứng với khí chất của bạch ngọc.”

Lê Tư Thành chưa kịp phản ứng, Quỳnh đã tiếp: “Thϊếp xin phép được tạm thời cất chiếc trâm này đi, khi nào thích hợp, bệ hạ giúp thϊếp cài lên, có được không ạ?”

Hắn nghe nàng nói vậy thì đặt lại trâm vào hộp: “Được, vậy tạm thời cứ cất đi đã.”

Đoạn đường sau đó rất gượng gạo miễn cưỡng, cung nữ thái giám đều nhận ra hai người đang không vui.

Tuy rằng nhà vua trước nay buồn vui không lộ ra mặt nhưng từ lúc hắn về điện Bảo Quang tất thảy người hầu kẻ hạ đều cảm nhận được một bầu không khí căng thẳng đến ngạt thở.

Thái giám ngự tiền trẻ tuổi Nguyễn Thư hỏi Ngọc nội quan: “Có chuyện gì mà trông thánh thượng lại đáng sợ thế ạ?”

“Vừa gặp Phạm cung tần.” – Ngọc nội quan chán nản nói.

“Gặp rồi thì bệ hạ phải vui chứ, sao lại thành thế này?” – Thư sốt ruột.

“Cây trâm bạch ngọc mà bệ hạ bảo Cục Bách tác* làm ấy, Phạm cung tần nhận nhưng không chịu cài.”

“Hả? Đã nhận rồi sao lại không chịu cài? Đồ quý giá như thế mà?”

“Ngươi… Đúng là…” – Ngọc thái giám chán chẳng buồn nói quay người đi.

“Ấy sao chưa nói xong đã đi thế. Đợi ta với, công công.” – Nguyễn Thư vội đi theo, muốn nghe cho được sự tình.

“Đừng có phiền ta nữa, có nói ngươi cũng không hiểu.”

Vua Quang Thuận tâm trạng không tốt nên không đọc tấu sớ nữa đi nghỉ sớm nhưng lên giường rồi hắn vẫn vì chuyện vừa nãy mà mất ngủ. Quỳnh vậy mà lại lấy mẹ của hoàng nữ ra từ chối hắn, đang trong thời gian trai giới chính là nhắc nhở hắn chưa qua một trăm ngày của Như Khanh, nàng tuyệt đối sẽ không làm chuyện có lỗi với chị gái mình. Một trăm ngày giờ cũng chẳng còn là bao, hắn có thể đợi nhưng sau đó nàng lại nói tuổi của nàng chưa xứng với bạch ngọc, nàng muốn hắn đợi nàng tròn mười lăm tuổi*, đợi thêm cả năm nữa sao. Nàng thủ tiết vì Như Khanh hắn có thể hiểu nhưng còn một năm kia là vì ai? Còn không phải vì Cung vương anh trai hắn ư.

* Cục Bách tác: các công xưởng do nhà nước quản lý sản xuất đồ dùng cho hoàng gia.

* Theo Lễ kí, người con gái đến tuổi 15 thì cử hành Kê lễ (kê trâm tử lễ) - lễ cài trâm, thể hiện mình là thiếu nữ trưởng thành, sẵn sàng cho chuyện kết hôn, lập gia đình. Vì thế con gái mười lăm tuổi cũng được gọi là “cập kê”.



Hôm sau, thấy tâm tình nhà vua vẫn không khá hơn, người hầu kẻ hạ trong điện Bảo Quang không hẹn mà gặp, đến thở cũng không dám thở mạnh, cúi đầu cũng tự nhiên mà thấp hơn một chút. Lúc vua Quang Thuận nghị sự với các đại thần, Thái úy Lê Lăng tâu trình ý kiến về chuyện luyện binh, được các quan lại có mặt ủng hộ. Đề xuất của Lê Lăng vốn rất hợp tình hợp lý, lại đúng ý vua Quang Thuận nhưng trong lòng hắn vẫn đang giận chuyện Quỳnh từ chối mình nên ngoài mặt không tiếc lời khen ngợi nhưng sau đó lại cho Chánh chưởng Nguyễn Lỗi đem bạc lạng đến thưởng cho Lê Lăng, dụ rằng: “Ngươi nên thận trọng từ đầu đến cuối, phải thanh liêm công bằng”.

Bản thân Thái úy Lê Lăng nhận thưởng cùng lời dụ thì vẫn bình tĩnh như thường nhưng vợ con ông thì không khỏi thấp thỏm không yên.

“Lo cái gì, tôi vẫn còn sống sờ sờ ra đây.” – thấy vợ đi đi lại lại mãi, Lê Lăng liền mắng.

“Mọi người đều nói thánh thượng đã biết chuyện ông phò tá Cung vương lên ngôi, ông nói xem tôi không lo được ư. Đây cũng không phải lần đầu tiên thánh thượng bóng gió thể hiện thái độ, ông xem hay là ông thuận theo thánh thượng đi.” – Thái úy phu nhân sợ hãi nói.

Lê Lăng “Hừ” một tiếng, đập bàn: “Tôi trước nay không thẹn với lòng, không thẹn với đất nước, có gì mà phải sợ.”

“Tôi biết là ông không thẹn với trời không thẹn với lòng, nhưng thánh thượng lại không thích cái tính cứng rắn cương nghị quá ấy của ông. Ông coi như là vì con cháu bớt cương theo nhu có được không.”

“Nam tử hán đại trượng phu thà chết chứ há nào lại chịu luồn cúi, đúng là đàn bà.”

Biết không khuyên được chồng, Lê Lăng phu nhân đành xuống nước: “Ông đừng nói gở, nhỡ ông có mệnh hệ gì thì cả nhà mấy chục con người biết phải làm sao. Ông xem mấy người Lê Ê, Lê Thụ, Đỗ Bí, Lê Ngang* mất mạng thì cũng thôi đi nhưng toàn gia đều bị giáng làm tiện tịch nô bộc, đến mạt kiếp cũng chưa chắc đã ngóc đầu lên được, ông nỡ lòng nào để dòng họ mình chịu giày vò khốn khổ thế ư.”

Thái úy Lê Lăng thở dài, cả đời ông không thẹn với Đại Việt, với Lê triều nhưng vua Quang Thuận lại để bụng chuyện trước kia ông không phò tá mình. Ông không lo cho kết cục của mình nhưng vợ ông nói đúng, cả nhà mấy chục người sẽ vì ông mà liên lụy, còn có Cung vương vốn chẳng màng thế sự lại bị ông lôi vào.

* Lê Ê, Lê Thụ, Đỗ Bí, Lê Ngang: các trọng thần muốn binh biến lật đổ Lê Nghi Dân nhưng việc bị bại lộ, tất cả đều bị gϊếŧ.