Sau khi Quỳnh về cung, vua Quang Thuận đến cung Vĩnh Ninh đón Nguyễn Sung nghi, cùng nàng đến điện Cần Chính dự yến.
Các vũ cơ nhảy múa nhẹ nhàng uyển chuyển như chim bay bướm lượn khiến ai nấy đều trầm trồ không thể rời mắt. Lúc này vua Quang Thuận cùng Thái hậu, phi tần, hoàng thân quốc thích đang cùng nhau thưởng “gia yến” ấm cúng.
Điệu múa kết thúc, mọi người đều vỗ tay tán thưởng.
“Múa đẹp lắm. Thưởng!”
“Lần đầu ta mới thấy bệ hạ vừa xem ca vũ vừa cười, có chuyện gì khiến bệ hạ vui vẻ đến thế, chắc không chỉ là do màn biểu diễn vừa rồi đấy chứ?” – Thao Quốc công chúa Lê Ngọc Phương, chị gái cùng mẹ với vua Quang Thuận tò mò hỏi.
Nhà vua bị hỏi bất ngờ nhưng ngay lập tức nhìn sang Nguyễn Sung nghi: “Còn gì ngoài chuyện Nguyễn Sung nghi sắp sinh nữa.”
“Đại Việt ta sắp có hoàng tử, chẳng trách bệ hạ cao hứng.”
Công chúa Lê Ngọc Phương cầm ly rượu đứng lên: “Chúc mừng bệ hạ sắp có hoàng tử, giang sơn Đại Việt ta thêm phần vững chắc.”
Công chúa vừa dứt lời, người trong điện Cần Chính cũng đồng loạt đứng lên: “Chúc mừng bệ hạ sắp có hoàng tử.”
“Ngày vui thế này mà lại không có Cung Vương. Cung Vương cũng sắp có Vương Phi rồi, đều là chuyện mừng cả. Hôm nay mà có cả Cung Vương nữa thì là ba chuyện vui một lúc rồi.” – Thao Quốc công chúa vui vẻ nói, không để ý vẻ mặt của cả vua Quang Thuận lẫn các phi tần đều đổi sắc.
“Vương huynh ốm vẫn chưa khỏi nên không đến dự tiệc được, quả thật là đáng tiếc.” – sự vui vẻ trên khuôn mặt vị vua trẻ giảm đi phân nửa.
Cung nữ mang thêm rượu ra, mọi người ai nấy đều vui vẻ ăn uống thưởng tiệc, chỉ trừ các phi tần hậu cung. Ngay trước khi yến tiệc bắt đầu các nàng đều hay tin vua Quang Thuận gặp riêng Quỳnh trong cung.
Nguyễn Sung nghi – người đang mang trọng trách sinh hoàng trưởng tử dù miệng cười nhưng trong lòng lại không hề vui. Cho đến hôm qua nàng vẫn luôn cho rằng không ai có thể vượt mặt mình trong cung, ngay cả Phạm thị có to gan ngày tuyển tú cũng chỉ dám nói muốn đứng thứ hai sau nàng, nhưng hôm nay Phạm Lộ Quỳnh vừa vào cung buổi sáng, buổi chiều vua Quang Thuận đã tìm nàng ta thì sự tự tin vốn có của Nguyễn Thị Hằng bắt đầu bị lung lay rồi. Nguyễn Thị Hằng không lo có đối thủ, cái nàng lo là thái độ của vua và Thái hậu, những người đảm bảo địa vị của nàng trong cung. Hơn nữa đứa trẻ trong bụng nàng còn chưa chắc là trai hay gái, sự tung hô của triều thần khi nãy càng làm cho nàng thấy áp lực gấp trăm lần.
Ngoài Nguyễn Sung nghi thì cung tần chưa có sắc phong Nguyễn Hương Tuyết cũng đang trong lòng lạnh giá mà ngoài mặt phải nở hoa. Lúc biết tin nàng tức giận đến nỗi hất hết ấm chén trên bàn xuống đất. Đã gần ba tháng Nguyễn cung tần không được triệu đến hầu hạ ngự tiền rồi vậy mà Phạm thị kia vừa mới nhập cung đã được vua triệu kiến, có Phạm Lộ Quỳnh này chỉ sợ nàng không còn cơ hội được lâm hạnh nữa.
So với Nguyễn Sung nghi, Nguyễn cung tần thì Tu dung Nguyễn Thị Bích lại là người tỏ rõ vẻ khó chịu ra mặt. Từ khi còn ở Bình Nguyên vương phủ Nguyễn Tu dung đã ngứa mắt chị em Phạm thị rồi. Chị thì vô dụng, sổ sách giấy tờ quản lý nhà cửa đất đai chẳng giúp gì được nhưng lúc nào cũng được ưu ái hơn người phải nhọc công tốn sức tính toán chi tiêu cho cả phủ là nàng. Em thì không biết chút lễ nghĩa phép tắc nào, hai ngày ba bữa lại đến vương phủ một lần, mỗi lần đến là coi vương phủ cứ như nhà mình vậy. Giờ thì hay rồi, không những vào cung lại còn được vua sủng ái, trời xanh thật không có mắt.
Phùng Tu viên cầm quạt che mặt. Chuyện nhà vua gặp Phạm thị đúng là khiến nàng không thể ngờ đến. Một người coi trọng lễ nghi phép tắc như vua Quang Thuận lại bất tuân quy tắc gặp riêng một tú nữ vừa mới nhập cung, có thể thấy vua yêu thích nàng ta đến nhường nào. Mà nhìn bệ hạ giờ lại còn đang vui vẻ như vậy... Thế còn ra thể thống gì nữa, lề lối phép tắc đặt ra để tuân theo, nếu không làm được thì còn đặt ra quy tắc làm gì.
Hà Tuyên vinh lúc biết tin cũng rất bất ngờ nhưng nàng lo lắng nhiều hơn. Vừa mới vào cung ngày đầu tiên đã thế này chỉ sợ hậu cung sẽ không tha cho Quỳnh, mà nàng mới chỉ là một cô bé đang lớn, trước nay chưa từng phải nghĩ ngợi mấy chuyện tranh đấu này thì làm sao mà có thể chịu nổi đây. Hơn nữa nếu hậu cung thực sự quyết đấu thì chính bản thân Hà Tuyên vinh cũng khó có thể bảo toàn. Những ngày bình yên e là sẽ sớm chấm dứt.
Ca vũ hết màn này đến màn khác tuyệt diệu không ngừng, vua Quang Thuận tức cảnh sinh tình hứng khởi làm thơ:
“Diệu vũ thanh ca hài phượng quản, Bào huyền khinh bát tróc uyên thôn. Phong xuy hoàng lý ca kim túc, Đỗng chiếu trùng môn ngọ dạ văn.” Dịch nghĩa Dáng múa đẹp, tiếng hát trong ăn nhịp cùng tiếng sáo phượng, Tiếng đàn bầu gẩy nhẹ như nắm bắt được nỗi lòng đôi uyên ương. Gió thổi trong nhà vàng ca ngợi cuộc sống no đủ, Tiếng ca thấu suốt qua các tầng cửa, canh khuya văng vẳng. Dịch thơ Dáng đẹp giọng thanh sáo phượng hoà Tơ đồng nhẹ lướt khúc uyên ca Tiếng reo trong gió mừng no ấm Văng vẳng canh khuya thấu mọi nhà. (Bản dịch của Trương Việt Linh, nguồn thivien.net) “Ý tại ngôn ngoại, chỉ bốn câu mà bao quát cả cảnh cả tình, lại thấy được tấm lòng quân tử, thϊếp bội phục.” – Phùng Tu viên đứng dậy, cúi đầu, quạt cẩn ngọc che nửa mặt.
Nguyễn Tu dung bĩu môi, hiểu văn chương thì có gì mà ghê gớm, hậu cung này có bao giờ thiếu tài nữ.
“Đúng là thơ hay. Mà thơ hay ắt phải có tên đẹp mới xứng tầm, không biết bệ hạ định đặt tên cho bài thơ này là gì?” - Thao Quốc công chúa hỏi.
Vua Quang Thuận suy nghĩ giây lát rồi đáp: “Vũ yến”. Các khanh thấy thế nào?”
“Vũ yến”. Hợp!” – Phùng Tu viên tâm đắc.
“Tên đẹp như thơ. Bệ hạ đặt tên tất nhiên là hay rồi.” – Nguyễn Tu dung tuy không hiểu thơ nhưng khen thì nàng làm được, không thể để Phùng Tu viên một mình một sân được.
Bên cạnh Kim Hoa nữ sĩ, Nguyễn Sung nghi cũng là bạn thơ của vua Quang Thuận, thấy nàng ngồi yên không nói gì, Thái hậu mới hỏi: “Nguyễn Sung nghi không thích cái tên này sao?”
“Vũ yến” là cái tên hay nhưng thϊếp nghĩ vẫn có thể hay hơn nữa ạ.” – Nguyễn Sung nghi dịu dàng lễ mạo cúi đầu đáp.
“Nói vậy là nàng đã nghĩ ra cái tên khác rồi ư?” – vua Quang Thuận vừa tò mò vừa ngạc nhiên.
“Thưa, thϊếp vừa mới nghĩ ra.” – Nguyễn Sung nghi.
“Là gì vậy?” – vua Quang Thuận.
“Là “Tiểu yến quan kĩ” ạ.” – Nguyễn Sung nghi nói.
“Tiểu yến, quan kĩ.” - nói đến hai chữ sau vua Quang Thuận ngừng lại một chút.
“Vâng. Gia yến không tính là tiệc lớn, theo thϊếp gọi là tiểu yến vừa thể hiện không khí vui vẻ đầm ấm vừa không xa hoa ạ.” – Nguyễn Sung nghi.
“Đúng là một cái tên ý nghĩa.” – Thái hậu lên tiếng khen ngợi.
“Thái hậu quá lời rồi ạ.” – Nguyễn Sung nghi cúi đầu khẽ cười.
“Không quá, nàng nghĩ rất thấu đáo.” – vua Quang Thuận cười, ánh mắt thăm thẳm.
“Nhân ngày vui hôm nay, hay là Kim Hoa nữ sĩ cùng xướng họa với bệ hạ, để nữ nhân trong cung chúng tôi cùng được mở mang tầm mắt.” - Nguyễn Tu dung không có tài văn thơ nhưng nàng quyết không để Nguyễn Sung nghi hưởng hết cái tốt.
“Nếu được vậy thì còn gì bằng. Chúng ta đều ngưỡng mộ tài năng của Kim Hoa nữ sĩ, không biết nàng có đồng ý không.” – Nguyễn Sung nghi hào hứng.
“Vậy tôi cung kính không bằng tuân lệnh.” – Kim Hoa nữ sĩ giơ tay thi lễ, đáp.
Mọi người đang đối đáp, Hà Tuyên vinh hỏi nhỏ Phùng Tu viên: “Bài thơ vừa nãy của bệ hạ, “tiểu yến” thì ta hiểu rồi nhưng “quan kĩ” kia là vậy?”
“Quan kĩ là cách nói khác của ca múa thôi.” – Phùng Tu viên quạt che ngang mặt nói.
“À ra vậy.” – nói rồi Hà Tuyên vinh cũng không nghĩ gì nữa, lại tiếp tục ăn uống, xem biểu diễn.
Nếu “quan kĩ” chỉ là múa hát bình thường thì đã là “Tiểu yến ca vũ” rồi, nhưng chữ “kĩ” kia e là để chỉ kĩ nữ, “quan kĩ” là Nguyễn Sung nghi muốn nhắc nhở bệ hạ dù yêu thích cũng chỉ nên quan sát từ xa, đừng đắm chìm say mê vào đó. Nguyễn Sung nghi là người suy nghĩ sâu xa, Thái hậu lại càng thông tuệ, nàng ta vừa nói ra cái tên này Thái hậu liền hưởng ứng, nếu Phùng Tu viên đoán không nhầm thì Nguyễn Sung nghi muốn ám chỉ cả việc chiều nay, mắng Phạm Lộ Quỳnh là "kĩ". Vậy cũng tốt, cần có người nhắc nhở để bệ hạ nhớ thân phận địa vị của mình, là vua một nước mà không tuân lễ giáo quy củ thì làm sao trị quốc bình thiên hạ được.
Phùng Tu viên lén nhìn vua Quang Thuận, nhà vua vẫn đang thoải mái thưởng yến nhưng hình như không còn vui vẻ như lúc nãy nữa.
Phủ Cung Vương “Sàng tiền minh nguyệt quang, Nghi thị địa thượng sương. Cử đầu vọng minh nguyệt, Đê đầu tư cố hương*.” Dịch nghĩa Đầu giường trăng sáng soi, Ngỡ là sương trên mặt đất. Ngẩng đầu nhìn vầng trăng sáng, Cúi đầu lại thấy nhớ quê nhà. Dịch thơ Đầu giường ánh trăng rọi Ngỡ mặt đất phủ sương Ngẩng đầu nhìn trăng sáng Cúi đầu nhớ cố hương Tĩnh dạ tứ - Lý Bạch Lê Khắc Xương vừa ngắm cây quỳnh trong sân vừa ngâm thơ. Phú tuy không được học hành nhưng cũng theo Lê Khắc Xương từ nhỏ nên nhận ra vương gia đang đọc bài “Tĩnh dạ tứ” nổi tiếng của Lý Bạch đời Đường. Đêm nay có trăng sáng, cũng giống như sương trên mặt đất nhưng vương gia nhớ cố hương? Điểm này hắn nghĩ thế nào cũng không hiểu được. Một người sinh ra lớn lên ở kinh sư như Tân Bình vương thì lấy đâu ra nỗi nhớ quê cũ mà lại ngâm bài thơ này nhỉ? Giờ này vương gia phải đang nhớ về người trong lòng hôm nay nhập cung mới đúng chứ.
“…
Cử đầu vọng minh nguyệt, Đê đầu tư cố hương*.” Tân Bình Vương lặp lại bài thơ, càng về cuối giọng càng nhỏ dần, khi đến hai chữ “cố hương” hắn thở dài nhắm mắt.
* Lê Khắc Xương dùng chữ 香 (Xiāng) – hương thơm, không phải chữ 鄉 (Xiāng) – quê hương.Mẹ nàng thích hoa, nàng lại sinh vào ban đêm nên được đặt tên theo loài hoa nở về đêm là “Quỳnh”. “Quỳnh tương ngọc lộ”, “lộ” là sương, giọt sương long lanh như ngọc, “quỳnh” là hoa quỳnh, cũng là ngọc quỳnh – một loại ngọc đẹp, cũng có nghĩa là tốt đẹp, tinh mĩ, quỳnh tương là rượu quí rượu ngon. Nàng từng nói Phạm phu nhân đặt tên nàng là Lộ Quỳnh vì mong nàng có thể như giọt sương thanh khiết sớm mai, cũng có thể như hoa quỳnh đêm về nở rộ khoe sắc. Sương chỉ có buổi sớm cũng như khi nàng còn nhỏ, quỳnh chỉ nở về đêm như cuộc đời nàng khi đã già, mẹ Quỳnh mong nàng dù là khi còn chưa hiểu chuyện hay lúc đã nhìn thấu hồng trần cũng vẫn có thể giữ được tâm hồn thanh khiết không vướng bụi trần, có thể cả đời là chính mình, đến cuối đời vẫn là một đóa hoa tỏa hương sắc. Mà có thể giữ được tâm hồn thanh khiết, được là chính mình cũng có nghĩa là phải đủ mạnh mẽ để vượt qua mọi sóng gió hoặc là cả đời có thể bình yên, an nhàn, vui vẻ trôi qua. Cái tên hàm ý những gì tốt đẹp nhất, chứa đựng tình yêu thương, gửi gắm mong ước giản dị mà khó cầu của các bậc sinh thành cho con cái – cuộc sống vui vẻ, bình an.
Phạm phu nhân thích hoa, đặt tên con gái là Quỳnh, cũng khéo léo để hương hoa quỳnh luôn thoang thoảng trên người con gái. Cung Vương nhìn cây nhớ “cố hương”, nhớ chủ nhân của làn hương ấy giờ đã như mây trên trời, trăng dưới nước, mãi mãi không thể chạm vào nữa.
Lê Khắc Xương lại đọc một bài thơ khác:
“Nhất ẩm quỳnh tương bách cảm sinh, Huyền sương đảo tận kiến Vân Anh. Lam Kiều tiện thị thần tiên quật, Hà tất khi khu thượng Ngọc Thanh.” Dịch thơ Một chén quỳnh tương trăm cảm sanh, Chày sương giã thuốc gặp Vân Anh. Lam Kiều chốn ấy thần tiên ngụ, Sao phải gập ghềnh đến Ngọc Thanh.Bài trước Phú còn biết chứ bài thứ hai này thì chưa nghe bao giờ, hắn hỏi Lê Khắc Xương: “Điện hạ, bài thơ này có ý nghĩa gì vậy ạ?”
Lê Khắc Xương nhìn ly rượu trong tay: “Đây là tích Lam Kiều. Thời Đường có vị Tú tài tên Bùi Hàng trên đường du ngoạn, bất ngờ được cùng đi chung thuyền với nàng Vân Kiều quốc sắc thiên hương. Hàng nhờ người hầu gái của Vân Kiều đưa thư hộ, được nàng tặng bài thơ này. Bùi Hàng đi ngang qua trạm ở Lam Kiều, xin nước uống một bà lão ven đường. Con gái bà lão là Vân Anh mang nước ra, Bùi Hàng uống vào cảm thấy ngọt như quỳnh tương. Lại thấy Vân Anh tư dung tuyệt thế,
nhân đó muốn cưới làm vợ. Bà lão bảo Hàng tìm được cối chày bằng ngọc đem đến, giã thuốc bà được thần tiên cho đủ một trăm ngày thì sẽ gả con gái cho. Bùi Hàng cuối cùng tìm được chày cối bằng ngọc mà thỏ ngọc trên cung trăng dùng, cưới Vân Anh làm vợ, hai vợ chồng hoá thành tiên.”
“À… vâng.” – Phú gật gù.
“Nhưng thế thì liên quan gì đến bài Tĩnh dạ tứ điện hạ vừa đọc nhỉ?” – Phú nghĩ thầm, vẫn không hiểu.
Uống được quỳnh tương trăm mối cảm xúc sinh ra. Nàng không chỉ là hoa, là ngọc mà còn là rượu, thứ rượu khiến người ta cả đời không quên, tình nguyện say đắm. Hắn nguyện làm Bùi Hàng đi tìm chày ngọc, chỉ tiếc hắn lại không phải là Bùi Hàng, nàng cũng chẳng phải là Vân Anh.
Cung Vĩnh Ninh “Sung nghi nhắm mắt vào đi ạ, nhắm mắt vào một lúc rồi sẽ ngủ được thôi.” – Thanh quì bên giường quạt cho chủ.
Sung nghi Nguyễn Thị Hằng đang nằm nghiêng trên giường, mái tóc dài mượt vuốt gọn sau đầu, nàng đưa tay xoa bụng: “Ngươi nói xem đứa bé này liệu có phải là hoàng tử thật không. Nếu là công chúa…”
“Chắc chắn là hoàng tử ạ. Chẳng phải người đã mơ thấy Thượng đế cho sao Thiên Lộc đầu thai vào bụng người sao. Sao có thể sai được.” – Thanh chấn an chủ.
“Đúng là ta đã mơ nhưng cũng có thể là trong lòng quá chờ mong nên đêm mới nằm mộng.”
Nguyễn Sung nghi lo lắng: “Phạm thị vừa vào cung bệ hạ đã bất chấp gặp gỡ, yêu thích đến như vậy, nếu đứa bé này là công chúa, chỉ sợ cô ta sẽ là người sinh trưởng tử mất.”
“Chúng ta không để cô ta sinh là được.” – giọng Thanh sắc lạnh.
“Bệ hạ vì cô ta mà ra lệnh cho sử quan không ghi chép chuyện hậu cung trừ dịp lớn như sinh hoàng tự, phong vị. Bảo vệ đến như thế, dễ dàng mà ra tay được sao.” – ánh mắt Nguyễn Sung nghi thêm chút tối tăm lạnh lùng.
“Chúng ta… chúng ta còn có Thái hậu mà Sung nghi. Bệ hạ rất nghe lời Thái hậu, Phạm thị sẽ không có cơ hội qua mặt người đâu ạ.” – Thanh nghe chủ nói bỗng nhiên cũng thấy lo sợ.
Nguyễn Sung gật đầu: “Đúng thế, phải tranh thủ sự ủng hộ của Thái hậu, ngày mai ta sẽ tâu với bệ hạ để mẹ ta vào cung chăm sóc ta.”
Thanh nghe xong thì vui như trẩy hội: “Đúng rồi, phu nhân là bạn với Thái hậu từ khi còn ở khuê phòng. Có phu nhân vào cung bầu bạn, tình cảm của Thái hậu với Sung nghi sẽ càng thêm bền chặt.”
“Nhờ cậy người khác cũng chỉ được một phần thôi. Chỉ có bản thân tự cố gắng mới là an toàn nhất.” - Nguyễn Sung nghi nhìn bụng, vuốt ve: “Con phải là hoàng tử đấy. Nếu không… ta sẽ mệt lắm.”