Chương 23

Đếm đủ 15 phút cuốc bộ, rốt cuộc bọn Hà Duy cũng tới được nhà của ông lão Chín. Những mảng rêu xanh bám lên mấy viên ngói làm mái của căn nhà mất đi màu đỏ vốn có, nhưng nó lại làm cho khung cảnh tổng thể toát lên vẻ cổ kính mà những ngôi nhà mặt đường lộ không có được.

Huệ Lan hết ngó đông rồi nhìn tây, nhưng ngoại trừ ánh đỏ leo lét hắt ra từ cái bóng đèn quả ớt trên bàn thờ ông bà, thì ngôi nhà xây cổ xưa đó không có chút sinh khí nào báo hiệu là có người sống ở trong ấy.

Ông Chín sống một mình. Câu nói mà Huệ Lan đã nghe từ ai đó làm cô gái trẻ bất giác hướng ánh nhìn về phía Hà Duy.

Cô sinh viên trường Y định nói gì đó với bạn của mình, nhưng ở phía bên kia Nhã Chi đã nhanh chân hơn. Cô nàng thì thào:

-Sao nhìn cảnh nhà thấy rờn rợn kiểu gì đó? Cây cối um tùm thì chớ. Cả mảnh đất rộng chỉ có mỗi ngôi nhà này. Nhìn nó như…

Như một căn nhà ma… Huệ Lan đoán Nhã Chi định nói vậy. Nhưng lời chưa có được thốt ra thì cô nàng phải ngậm tăm bởi khuôn mặt rầu rĩ của ai đó. Hà Duy nói bằng một giọng cực ảo não.

-Xin lỗi hai người nha! Nhưng thiệt là Duy đã thuyết phục mẹ Duy bằng tất cả ngôn từ rồi.

-Không sao mà. Đừng có coi Lan với Chi là tiểu thơ cành vàng lá ngọc như vậy chứ.

Lòng đã tưởng đến những vật dụng như mền, gối, giường chiếu sẽ có màu cháo lòng và cái mùi khó ngửi, nhưng Huệ Lan vẫn cố nói cứng cho bạn của mình bớt áy náy. Chẳng ngờ, Hà Duy vì câu nói của Huệ Lan mà như muốn òa khóc.

-Trời ơi! Nhà xây từ những năm 60 chưa từng qua sửa chữa lần nào đó. Nó cũ, nó xưa đến độ mà mấy người già trong xóm còn đồn là nó còn hầm tránh bom ngày xưa đó.

Hóa ra đây là nguyên nhân cho việc Hà Duy kịch liệt phản đối chuyện bắt Huệ Lan và Nhã Chi cùng tới nhà ông cụ Chín ngủ một đêm. Nhưng bà Yến lại kiên quyết không chịu cho Hà Duy đi một mình.

Không khí lúc đó căng thẳng tới bận ông Ba Tỵ đã phải đập bàn một cái ầm, rồi hầm hầm bỏ vào phòng ngủ làm bà Tỵ khóc òa lên. Khi ấy Hà Duy biết nếu mình không lùi một bước thì chắc chắn nhà sẽ tan, gia đình sẽ nát.

Có điều khi trực tiếp nhìn thấy độ cũ nát của căn nhà thì cảm giác có lỗi lại lần nữa ùa về trong tâm can Hà Duy, khiến anh chàng không muốn để hai cô bạn của mình bước vào bên trong căn nhà của ông cụ Chín.

-Hay hai người về lại nhà Duy đi!

-Sao lại về? Có phải đang chê nhà của ông cũ nát không?

Câu hỏi của ông cụ Chín làm ba người Huệ Lan, Hà Duy và Nhã Chi chẳng dám bàn tán thêm. Họ chia nhau chổi xể, chổi đót rồi đồ hót rác để đi dọn những mảnh vỡ mà khi sáng gã Chính đã gây ra.

Cả bọn loay hoay mãi cho đến khi đồng hồ điểm mười tiếng mới nghỉ tay nhấp lấy ngụm nước mát mà ông cụ Chín để chuẩn bị cho.



Nhìn ông cụ vui vẻ kể chuyện ngày xưa, Huệ Lan khéo léo nháy mắt với Hà Duy để anh chàng thôi không trưng ra bộ mặt nhăn nhó nữa. Nhưng càng khuyên nhủ, Hà Duy lại càng thể hiện sự bực đọc lên mặt. Rốt cuộc như sự chịu đựng đã vượt quá giới hạn, Hà Duy hướng ông cụ Chín mà chất vấn:

-Ông Chín à, rõ là chuyện ở nhà ông ngủ một đêm ông chỉ cần bảo con theo là được rồi. Mắc chi kéo theo cả Huệ Lan và Nhã Chi chứ. Họ người là gái thành phố, người lại mới từ Mỹ về đấy ạ.

-Nên họ không thể chui rúc trong cái phòng ẩm thấp với chăn mền đã cũ kĩ, nhàu nát của ông được. Ý thằng Duy là vậy phải không?

Câu trả lời huỵch toẹt của ông cụ Chín làm Huệ Lan tái mặt toan nói chen để cứu nguy cho bạn mình. Nhưng những lời tiếp theo của ông cụ đã làm cô nàng phải đỏ bừng mặt. Ông cụ Chín nói:

-Nhưng ông làm vậy không phải vì bây sao? Thích người ta rồi mà sao không chịu nói. Cứ lén nhìn người ta đến ngây ngốc luôn ấy. Ông nói đúng không cháu Chi? Bao lần thằng Duy nhìn con Lan, cháu cũng thấy mà đúng không? Nào là lúc băng bó cho con Duyên, rồi con Nhung. Nhìn muốn rách mặt người ta luôn mà không chịu thổ lộ thì coi chừng mất cơ hội đó.

-Ông Chín!!!

Tiếng gắt của Hà Duy cùng với đó là khuôn mặt đỏ bừng làm Huệ Lan đang sững sờ vì tiết lộ chấn động kia cũng phải bật cười.

Tiếng cười giúp xua bớt đi không khí ngượng ngập của mọi người. Nhã Chi lúc này mới dám mở lời.

-Ông Chín nói vậy con mới ngộ ra. Chứ ban đầu là con nghĩ Hà Duy là đang nhìn con đó ông à.

-Vậy sao?

Tiếng cười lại lần nữa vang lên. Nhưng chưa được bao lâu nó phải trầm xuống bởi câu hỏi của ông cụ Chín. Ông cụ đã sắp sang trăm tuổi hướng Nhã Chi mà nghiêm túc hỏi:

-Chuyện ông ngoại của con là thế nào? Sao đến bây giờ con mới đi tìm ông ấy.

Câu hỏi đã chạm đến nỗi đau, nỗi trăn trở mà Nhã Chi đang canh cánh trong lòng. Và nếu câu hỏi đó được đặt ra vào thời điểm sáng hôm nay đi thì chắc cô nàng đã òa khóc.

Nhưng vào lúc này, khi Nhã Chi biết ba mình hãy còn sống và đang trên đường để tìm cô thì Nhã Chi đã biến thành một con người khác. Mạnh mẽ hơn, biết chấp nhận hơn.

Cô gái trẻ đối diện với câu hỏi kia bằng một nụ cười nhẹ. Dù nó đầy vẻ chua xót, nhưng vẫn là một nụ cười. Nhã Chi nói:

-Chuyện kể ra thì dài dòng. Nhưng tựu chung lại chỉ có mấy chữ: đó là không dám đi tìm.

Rồi Nhã Chi kể cho ông cụ Chín với bọn Hà Duy, Huệ Lan hoàn cảnh của gia đình mình. Từ chuyện bà ngoại cô sang Mỹ phải làm công nhân đóng gói cho một công ty chế biến thực phẩm.



Lương ba cọc ba đồng không lo đủ cho bản thân, nói chi là nuôi cha mẹ bị bệnh và đứa trẻ con còn nằm ngửa.

Và sau bao nỗ lực đứa trẻ con đó cũng lớn. Nhưng vào trường Y chưa đầy năm lại không chồng mà chửa khiến cuộc sống cứ ngỡ sẽ sắp được tốt lên, lại lần nữa chìm trong cơ cực.

-Nhờ sự giúp đỡ của một người bạn mà mẹ cháu có được chân cộng tác viên cho mấy tờ báo. Nhưng số tiền nhuận bút ít ỏi của mẹ cũng không lo được cho ba người nhà cháu có cuộc sống sung túc, chứ nói gì là đi tìm người. Nên mãi cho tới khi cháu học xong phổ thông, bà ngoại mới khẩn khoản đề nghị về Việt Nam học tiếp lên bậc Đại học để giúp bà tìm ông.

Nói đến đây đôi mắt của Nhã Chi đã nhòa nước. Không khó để thấy cô gái trẻ đã quá tủi thân và thương cảm cho số phận của bà, của mẹ mình đến độ phải bật khóc.

Ở phía đối diện, ông cụ Chín hình như cũng mủi lòng với câu chuyện của Nhã Chi. Khuôn mặt ông trầm hẳn xuống. Hơi thở cũng trở nên dài và nặng nề hơn. Chợt ông buột miệng.

-Sự cũng đã rồi. Có tìm sớm hay tìm muộn cũng là chung một kết quả mà thôi.

-Là sao ạ? Ông có biết ông ngoại của cháu sao ạ?

Một bàn tay đưa lên. Ông cụ Chín mỉm cười móm mém.

-Cháu nói gì vậy? Ông sao biết được ông ngoại của cháu là ai chứ? Chỉ là khi sáng ông nghe cháu kể cháu được ông ngoại báo mộng đó. Nói thế này cháu đừng giận, chứ người sống thì sao mà báo mộng được. Có điều chết mà không tìm thấy mộ phần thì tội quá.

-Không tìm thấy mộ phần sao ạ?

Hà Duy cau mày thắc mắc. Ông cụ Chín cười chua xót.

-Thì sao tìm được. Cả mấy chục nấm đất không bia ở bãi tha ma sát bên trạm biến áp đó. Biết ngôi mộ nào với mô nào.

-Oáp…

Tiếng ngáp dài của Nhã Chi làm mấy người Huệ Lan và Hà Duy phải phì cười. Nhưng rồi bên này ông cụ Chín cũng bật ra tiếng ngáp tương tự. Ông cụ cười khà rồi nói với bọn Huệ Lan.

-Ngủ thôi! Cũng 11h rồi! Thằng Duy ngủ chung phòng với ông. Còn hai đứa con gái thì ngủ ở phòng còn lại nhé!

Hình như Huệ Lan có nghe tiếng dạ nhỏ của ai đó. Nhưng mi mắt từ lúc nào đã díu lại khiến cô chẳng biết tiếng dạ kia là đến từ Hà Duy hay Nhã Chi.

(Hết chương 23: )