Chương 3: Pháo Thăng Thiên Từ Biệt

Vì cuộc gặp gỡ tình cờ lạ lùng, chúng tôi về đến cô nhi viện khi trời đã hoàng hôn. Do đã hứa giữ bí mật cho Người hùng Tia Chớp, chúng tôi bịa ra một lí do rất đời thường là "mải chơi quên mất thời gian". Cả chị Tân Tâm lẫn Khả Lạc đều bị bà cô Hổ mắng cho tơi tả, vì chị Tâm Tâm khai hai chị em đi chơi cùng bọn tôi.

"Chúng mày là một lũ giặc vô ơn!" Bà cô Hổ toàn mắng như vậy, nhưng bọn tôi đã miễn dịch từ lâu.

Buổi tối, trong khi đám bạn chơi đùa ở hành lang và ngoài sân, bốn đúa chúng tôi bị nhốt trong phòng học chật chội của cô nhi viện, chịu hình phạt giải một trăm câu toán và học thuộc lòng sử địa. Chị Tâm Tâm tháng sau phải thi tốt nghiệp rồi, nên ngồi yên một góc chăm chú làm để luyện.

Kiến Hán nằm bò ra bàn, khoan khoái mường tượng lại cuộc gặp gỡ với Người hùng Tia Chớp. Tôi nghĩ chắc chỉ vài hôm nữa thằng cha này lại đòi tôi đi cùng hắn đến tán gẫu với Người hùng Tia Chớp cho xem.

Tôi nhìn chị Tâm Tâm. Vẻ mặt tập trung của chị khiến tôi bất an.

"Chị Tâm Tâm, chị muốn thi vào khoa nào nhất?" tôi hỏi, mặc dù đã hỏi cả chục nghìn lần.

"Phúc lợi xã hội, với Ngôn ngữ Thacker." Chị Tâm Tâm vẫn cắm cúi làm đề, không ngẩng cả đầu lên.

"Chị có định ở lại thành phố Nhện không?" tôi hỏi, mặc dù bản thân rất muốn mai kia rời khỏi cái thành phố lớn này... Bởi vì tôi đã bị bỏ rơi ở đây. Nhưng trước khi bước chân vào cuộc sống lang bạt, tôi mong sao chị tâm Tâm không ở quá xa mình.

"Thành phố Nhện có tám trường đại học đều có khoa Phúc lợi xã hội, ba trường có ngành ngôn ngữ Thacker, vì vậy khả năng chị ở lại thành phố Nhện là rất lớn, mặc dù thành phố bên cạnh có rất nhiều trường đại học," chị Tâm Tâm nói, tay lật trang sách.

Tôi và Kiến Hán tủm tỉm nhìn nhau. Người tốt như chị Tâm Tâm chắc chắn sẽ thường xuyên về thăm chúng tôi.

Khả Lạc chống cằm, nói xẵng: "Hai anh chẳng có hi vọng gì đâu, người như chị Tâm Tâm đi đâu cũng sẽ có đầy vệ tinh, nhất là trong trường đại học ở trung tâm thành phố nhé. Sinh viên nam ở đó vừa cao to cường tráng, vừa thông minh vừa biết chơi thể thao. Hai anh còn lâu mới bì được!"

Kiến Hán nhe nhởn cợt nhả: "Chị Tâm Tâm đi rồi, có một con bé chỉ còn một mình, tới lúc đó bọn anh có thể ngày ngày cốc đầu nó, đáng thương quá đi!"

Tôi thở dài: "Cái cảm giác một mình, chậc...Điều đau khổ nhất trên đời chính là chỉ có một mình..."

Khả Lạc òa lên khóc, lại còn khóc kiểu gào toáng rất ghê. Chị Tâm Tâm vội vàng vứt sách vở xuống an ủi nó, nhân tiện mắng chúng tôi một trận nên thân. Hai thằng gần như đứng nghiêm chào cờ.

"Xin lỗi nhé, bọn anh chỉ đùa thôi mà! Bọn anh sẽ chăm sóc em cẩn thận mà!" tôi vội nói.

"Các anh chắc chắn bắt nạt em! Chắc chắn thừa lúc chị Tâm Tâm không có đây để bắt nạt em!" Khả Lạc nước mắt nước mũi, cáo buộc chúng tôi những việc chưa xảy ra.

Chị Tâm Tâm vỗ vai nó, bảo: "Không đâu mà, mấy anh chỉ nói mồm thế thôi. Hơn nữa mấy anh chỉ hơn tuổi em, chứ thật ra vẫn trẻ con lắm. Mai kia chị đi rồi, còn phải nhờ em tiếp tục chăm sóc dùm mà!"

Khả Lạc lau nước mắt, hai mắt đỏ như gì luôn.

Chị Tâm Tâm vuốt hàng lông mày rậm đáng yêu của Khả Lạc, nói: "Em nhìn hai đứa nó mà xem. Nghĩa Trí đi vệ sinh toàn quên kéo khóa quần, có giống một ông anh không? Còn Kiến hán đã bắt đầu mọc lông ngực mà đến giờ vẫn còn tè dầm ra giường, em nghĩ nào dám cốc đầu em chắc? Mai kia em phải giúp chị trông nom bọn nó đừng để bọn nó nghịch ngợm quá đà. Đến lúc bị giam vào phòng không ngoan, bọn nó còn phải van xin em đi trộm đồ ăn cho đấy!"

Tôi và Kiến Hán nhìn nhau. Cha mẹ ôi, đúng là bị coi thường sát đất rồi.

Khả Lạc nhìn chúng tôi, cười chẳng ra cười. chị Tâm Tâm chọc ngón tay vào bụng nó, Khả Lạc bị nhột, lập tức chuyển khóc thành cười.

"Được rồi, bây giờ cả lũ học bài cho chị, tập trung làm bài, không được quấy rầy chị nữa. Nếu điểm thi của chị không đủ vào trường đại học ở đây, đừng trách vì sao chị không về thăm mấy đứa." Chị Tâm Tâm ra vẻ người lớn.

Chuyện này đâu phải đùa. Chúng tôi lập tức ngoan ngoãn ngồi yên, cầm sách lên bắt đầu gặm.

Tôi bật cái đài cũ lên, vặn âm thanh thật nhỏ rồi đặt trên bàn, vừa học vừa nghe đài. Kiến Hán cũng hăng hái lao vào môn Toán sở trường của hắn.

Ngoài cửa sổ trời đang mưa to.

... Tin tức mới nhất từ sở cảnh sát thành phố cho biết, đại ca băng Đầu Lâu - Tổng tư lệnh Đầu Lâu - đã bị Hiệp sĩ Siêu Thanh đánh bại và bị cảnh sát bắt giữ. Theo các nhân chứng, hơn một giờ đồng hồ trước, tại vị trí sân thượng tòa nhà Baden cao 130 tầng, Tổng tư lệnh Đầu Lâu đang chuẩn bị nhảy lên máy bay trực thăng tháo chạy sau khi tiến hành vụ cướp công ty bách hóa thì

gặp phải Hiệp sĩ Siêu Thanh tấn công. Hiện trường cuộc chiến giữa hai bên hoang tàn đổ nát. Tay phải của Tổng tư lệnh Đầu Lâu được biết đã bị Hiệp sĩ Siêu Thanh chặt đứt. Hiện tại cảnh sát đang tiến hành hỏi cung...

Tôi mỉm cười, không hổ là Hiệp sĩ Siêu Thanh. Tôi nhắm mắt lại.

"... Vâng đúng rồi! Lúc đấy tôi đang trốn dưới quầy thanh toán. Nhưng anh biết không, tôi cũng là người hâm mộ Hiệp sĩ Siêu Thanh đấy! Đương nhiên tôi đã dũng cảm lên quan sát họ đánh nhau. Đòn siêu thanh của anh ấy đúng là kinh điển, xem trực tiếp quả nhiên khác xa xem trong rạp nhé! Màng nhĩ ôi suýt nhảy ra khỏi tai luôn..."

"... Tôi là Tam Thôn, thời khắc xúc động nhất trong đờitôi, chính là khoảnh khắc phân thắng bại giữa Hiệp sĩ Siêu Thanh và Tổng tư lệnh Đầu Lâu...""

"...Chao ôi! Lúc đó kính nát vụn hết! Nói thật, đánh qua đánh lại nhanh quá! Tôi chỉ nghe tới âm thanh thôi... Anh đừng cười tôi gan! Trận đấu sống chết này quả thực chỉ có thể chứng kiến tất cả qua đôi tai mà thôi..."

"...Năm nay cháu 7 tuổi, lớn lên cháu sẽ không làm cảnh sát. Cháu muốn làm Hiệp sĩ Siêu Thanh.""

Tín hiệu đài thu chốc lại đứt quãng trong mưa gió, nhưng những lời nói kia hóa thành vô số khung cảnh hấp dẫn, tái hiện rõ ràng trong óc tôi.

Tôi ngủ thϊếp đi trong khoan khoái.

Về sau tôi và Kiến Hán thường xuyên chuồn học, hoặc cứ đến ngày nghỉ lại len lén lên núi sau, đi tìm Người hùng Tia Chớp tán gẫu. Chị Tâm Tâm và Khả Lạc có lúc cũng đi cùng, nhưng lòng nhiệt tình theo đuổi anh hùng của cánh chị em thực sự kém xa bọn con trai chúng tôi. Hai người họ chỉ coi quãng đường lên núi như cuộc dạo ngoại ô chứ không phải là một hoạt động cuồng tín của người hâm mộ.

"Đồ ngốc. Đây không phải là vấn đề con gái," Kiến Hán bảo.

"Vậy thì là gì?" tôi vặn lại. Chúng tôi vừa ném sỏi, vừa nói chuyện bâng quơ.

"Chị Tâm Tâm vốn không tin trên đời này có siêu anh hùng. Khi cha mẹ chị ấy bị gϊếŧ, anh hùng của thành phố đang ở đâu nào? Chị ấy không nói ra miệng, nhưng trong lòng không hề hứng thú với siêu anh hùng. Anh hùng không chỉ là kẻ có siêu năng lực, họ còn cần có mặt và ra tay đúng lúc." Kiến Hán nói.

"Cũng đúng," tôi thừa nhận. "Anh hùng của Khả Lạc thật ra rõ ràng hơn cả, chính là chị Tâm Tâm, người bế em ấy vào cô nhi viện trong đêm tuyết lớn."

Kiến Hán gật đầu, nói: "Bọn họ, một người không tin có anh hùng, một người đã tìm được anh hùng của mình. Còn đám con trai bọn mình là yếu đuối nhất, ha ha, định nghĩa về anh hùng của chúng ta quá đơn giản."

Mải nói chuyện, hai thằng đã men theo bờ sông lên tới khu nhà xưởng bỏ hoang lúc nào không hay.

Dọc đường có mấy con chó hoang bám theo chúng tôi, về sau càng lúc càng đông, nhưng tôi và Kiến Hán không còn sợ nữa, bởi bọn chúng như thể đã nhận được một mệnh lệnh nào đó, loại chúng tôi ra khỏi phạm trù những kẻ xâm nhập. Lũ chó chỉ đi theo, đi theo, đi theo. Có lúc tôi và Kiến Hán còn vặt mấy mẫu bánh mì cho chúng ăn. Tôi biết đây chắc chắn là mệnh lệnh của Aristote. Mỗi lần bắt gặp ánh mắt khinh đời của nó liếc sang, tôi đều thoáng thấy da đầu tê dại.

Có lẽ Aristote còn khỏe hơn cả sư tử, mặc dù nó chưa bao giờ có ý định chứng tỏ điều này.

Chúng tôi đi vào khu nhà xưởng bỏ hoang, Aristote ngẩn đầu lên nhìn hai thằng. Tôi và Kiến Hán bất giác thụt lùi một bước. Nó khịt mũi một cái rồi ngoảnh đầu sang phía khác.

"Hai đứa đến rồi à. Tiện thể ăn chút mì với ta nhé!" Người hùng Tia Chớp chỉ vào cái nồi trên đống lửa liu riu. Ông vẫn xắn quần đến ngồi, tay phải liên tục gảy gảy lòng bàn chân.

"Vâng, hôm nay bọn cháu muốn nghe câu chuyện tình của ông với cô phóng viên." Kiến Hán cười cùng tôi ngồi xổm xuống đất, cầm đũa ngoáy sợi mì trong nồi.

Aistote đứng lên, đi khỏi, trước khi đi không quên đánh một phát rắm thối thẳng mặt chúng tôi.

Cả buổi chiều thường trôi qua như thế.

Nếu may mắn, chúng tôi sẽ không chỉ được nghe những câu chuyện cũ rích cũ mèm, mà còn được mục kích những tuyệt ký ngoạn mục ở dạng nguyên bản, chưa qua xử lý kỹ xảo máy tính.

"Cú đấm tia chớp trăm người", "cú đá xuyên không mười trượng", "mưa dông ẩn hình","tĩnh điện hút đồ vật", "sấm hết xung thiên"...

Mặc dù, các tuyệt kỹ này có khác biệt đáng kể so với tưởng tượng của chúng tôi, nhưng ai nấy đều hiểu rằng, thời gian không chỉ để lại những nếp nhăn trên mặt các anh hùng mà còn lấy đi của họ một số thứ.

"Cú đấm tia chớp trăm người" đã bị héo thành cú đấm tia chớp năm người, hơn nữa chỉ duy trì được ba giây.

"Cú đấm xuyên không mười trượng" không những không được mười trượng, mà còn chẳng xuyên nổi cái gì.

"Mưa dông ẩn hình" chỉ có mưa, nhưng không ẩn hình nổi.

"Tĩnh điện hút đồ vật" vẫn khá nhạy, nhưng đồ vậ đang bay giữa chừng rất hay rơi xuống đất.

"Sấm hét xung thiên", tiếng hét khá lớn, nhưng không gây chấn động được như trong truyện tranh, cũng chẳng thấy xung thiên.

Tôi và Kiến Hán luôn reo to cổ vũ, vì những tuyệt kỹ này đã già đi cùng với Người hùng Tia Chớp, và trở nên ấm áp tình người, chứ không còn đơn thuần là những tuyệt kỹ gϊếŧ người máu lạnh, để hạ gục đối phương hết lần này đến lần khác. Không còn kẻ địch, chỉ có hai khán giả trung thành là chúng tôi, vậy nên những tuyệt kỹ này thành một thứ hồi ức, một dạng tình cảm.

Hồi đó tôi thường nghĩ, về già liệu Hiệp sĩ Siêu Thanh có như người hùng Tia Chớp, ẩn cư ở một góc nhỏ nào đó, không màng đến danh tiếng và hình tượng nữa, cứ thế sống một buổi hoàng hôn của cuộc đời cùng những câu chuyện kể và màn biểu diễn các tuyệt chiêu sức suy lực kiệt...?

Có lẽ, đây là màn kết tất yếu của các siêu anh hùng? Ý tôi là nếu họ không hy sinh trên hành trình thực thi công lý.

Nhưng người thân của Người hùng Tia Chớp đâu nhỉ? Ông ấy chưa từng có người thân? Hay người hùng vốn không nên bị người thân vướng bận? Tôi không dám hỏi, cũng không muốn hỏi. Bản thân tôi cũng không thích bị người khác hỏi về hoàn cảnh gia đình. Nếu Người hùng Tia Chớp muốn, tự ông ấy sẽ nói, chẳng phải sao?

"Cảm ơn ông, hôm nay chúng cháu chơi vui lắm!" tôi nói. Mì đã ăn hết từ lâu.

Người hùng Tia Chớp lúc nào cũng ngồi đó, vẫy tay, lụm khụm khòng lưng, ngượng ngùng cười tạm biệt chúng tôi.

Phiếu báo điểm của chị Tâm Tâm được gửi đến sáng nay, 903 điểm, không thấp tí nào, hẳn là đủ tư cách trở thành tân sinh viên khoa Phúc lợi xã hội trường đại học công lập thành phố Nhện. Sáu anh chị còn lại cũng thi rất tốt. Bà cô Hổ cho đốt bảy dây pháo đỏ trước cổng viện. Cô nhi viện

tưng bừng phấn khởisuốt cả ngày. Cô Đỗ lúc phát biểu còn nhắc đi nhắc lại: "Các em phải học tập noi gương tinh thần cố gắng đạt thành tích cao của các anh các chị. Cô nhi viện có đầy đủ các quỹ hỗ trợ giáo dục, hoàn toàn có thể chi trả toàn bộ chi phí năm đầu đại học của mỗi người. Chỉ mong sao các em đều nỗ lực học hành, mai sau có thể giành được cơ hội học tập lý tưởng cho bản thân, và cho các em nhỏ khác..."

Tôi đứng từ xa nhìn chị Tâm Tâm trên bục kéo cờ, chị đứng chính giữa bảy người được tuyên dương, đôi mắt nhìn về tôi và Kiến Hán, vẻ mặt thật sự khó nói là vui mừng hay tiếc nuối.

Ở đằng xa, chị lại hắt hơi một cái.

Tôi lè lưỡi.

"Chị Tâm Tâm đúng là ngày càng dị ứng với mày đấy." Kiến Hán không nhịn được cười.

"Bà cô Hổ cũng tốt phết nhỉ, tài trợ toàn bộ chi phí năm đầu, quá đủ để chị Tâm Tâm từ từ tìm việc làm thêm", tôi nói.

"Ngưỡng mộ chị ấy quá, đã có thể rời khỏi chốn đọa đày. Chỗ này có khác gì trại tập trung," Kiến Hán nói.

Cô Đỗ tiếp tục đứng trên bục kéo cờ thao thao bất tuyệt. Tiếp đó bảy tân sinh viên tương lai lần lượt chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị cho kì thi vừa qua, người sau dài dòng hơn người trước. Có một anh tóc vàng thậm chí còn kể lại lịch sử phấn đấu từ hồi 6 tuổi vào cô nhi viện. Dưới cái nắng chang chang, Kiến Hán nhắm mắt chìm vào hôn mê, còn tôi cúi đầu ngắm vết bùn trên giày. Vết bùn đọng đậy.

Ngoài trời mưa rất lớn, tôi đứng một mình ở cuối hành lang trước sân. Tiếng mưa tí tách, tí tách, tí tách, tí tách.

Hồi đó tôi 10 tuổi. Sau thời điểm tôi chính thức trở thành trẻ mồ côi đúng 10 năm.

Mỗi lần đến cái ngày tôi bị bỏ rơi, tôi đều sa vào cảm giác buồn bã không thích hợp với lứa tuổi. Nỗi buồn rất lớn, có lúc xuất hiện trong giấc mơ, hóa thành con cá voi to lớn đến mức không nhìn thấy đuôi, miệng nó ngoác rộng thành một cái hố đen rộng hoắc, nhưng không thèm vội vàng nuốt chững tôi. Cứ thế ngoác mãi.

Chuyện này khiến tôi rất lo lắng, lo lắng sau cùng biến thành một thứ đau buồn quán tính. Một thứ cảm xúc không nên có ở trẻ 10 tuổi vây bọc lấy trái tim, không cần đợi cá voi nuốt chửng, bản thân tôi đã chìm nghỉm xuống đáy biển xanh đen.

"Hắt xì!"

Chị Tâm Tâm cầm cái kéo đứng sau lưng tôi. Lưỡi kéo liên tục mở ra khép vào.

"Cắt tóc cho em nhé," chị nói.

"Không." Tôi cúi đầu.

"Tại sao?" chị hỏi.

"Lần trước chị cắt cho em xấu mù." Tôi sờ lên đầu, lần trước tôi đội cái đầu quả dưa suốt hai tháng trời.

"...Đầu lại đây!"

Chị Tâm Tâm tóm lấy đầu tôi, từng nhát từng nhát, tôi hoàn toàn không có sức chống cự. nhìn tóc rơi từng mảng xuống tờ báo dưới chân, tôi đần cả người.

Từng giọt mưa chảy xuống theo mái hiên, trông như bức tranh Nhật cổ.

"Tóc em hơi nâu, biết đâu bố hoặc mẹ là người phương Tây," chị Tâm Tâm nói.

"Thế à? Tôi đáp lửng.

"Không thích à?" Chị Tâm Tâm cười.

"Thích sao được? Em chẳng có chút kí ức nào, không phải hồi đó em mới oe oe à?" Tôi khổ sở.

Lúc này, tôi cảm thấy lưỡi kéo lạnh ngắt chậm rãi đi theo một đường cong phía sau đầu.

"Ở đây tồi tệ quá, tồi tệ không thể tả, sẽ có ngày em trốn khỏi đây." Tôi bất bình phẫn nộ.

"Sẽ có ngày là ngày nào?"

Tôi không đáp, dĩ nhiên tôi cũng đã nghĩ đến vấn đề này.

Tóc rơi xuống.

"Thôi." Tôi nhớ ra gì đó.

"Sao lại thôi?"

"Dù sao bên ngoài cũng chẳng có ai chờ đón em, chẳng ai biết em, trốn ra ngoài rồi cũng chẳng biết phải đi đâu, phải tìm ai... Cái thế giới này thật là vứt đi, chẳng có vị gì." Tôi ngao ngán.

"Sau này chị đi khỏi đây rồi, em có thể đến tìm chị mà".

"Ơ?" Đầu tôi trống rỗng, tay chân nóng bừng lên.

"Sau khi chị ra khỏi đây, sẽ có người đợi em, biết em, em cũng biết nên đi đâu, nên tìm ai." Chị Tâm Tâm vừa nói vừa múa kéo trong tay.

Mất một lúc tôi không sao mở miệng.

Mưa đến suốt nửa đêm, linh hồn tôi vẫn ở mãi nơi cuối hành lang có những giọt nước mưa, dưới mái hiên.

Sau đó, tôi soi gương, một quả đầu punk.

"Bao tuổi rồi mà còn chơi cái này?" Kiến Hán phàn nàn.

"Ớ, chị nhớ là hai năm trước mấy đứa vẫn còn thích mà?" Chị Tâm Tâm chế nhạo Kiến Hán.

"Sao em chẳng nhớ gì nhỉ?" Tôi giả ngu.

Bốn đứa, vắt vẻo trên cái cây nhìn ra "viu" đẹp nhất ở núi sau, vung vẩy que pháo bông rực rỡ trong tay. Những tia lửa vàng tựa những ánh đom đóm nhảy nhót, bồng bềnh giữa rừng khuya. Có lúc tôi sẽ ném que pháo bông sắp cháy hết lên không trung, cho nó xoay những vòng thật đẹp trong gió nhẹ, rồi rơi xuống.

Tôi nhìn chị Tâm Tâm ngồi phía trước, chị khẽ đung đưa đôi chân, mắt nhìn xuống khu cô nhi viện màu trắng xám. Không khóc lóc buồn bã, cũng không rơi nước mắt xúc động.

Chị chỉ nhìn thế. Suốt đêm.

Có thể, từng ký ức nhỏ nhặt trong suốt mười mấy năm qua đang lần lượt hiện về trong ánh mắt xa xăm của chị. Cũng có thể không.

Có thể chị đang cảm ơn, có thể chị đang dùng sự im lặng kính trọng để nói lời tạm biệt. Tôi đoán không ra.

Tôi không biết, đến một ngày chuẩn bị rời khỏi đây, liệu tôi cũng ngắm nhìn như thế, để rồi đột nhiên hiểu được đêm nay chị Tâm Tâm đang nghĩ gì?

Khả Lạc ư ử hát, như thể một nhạc trưởng, nó vung cây gậy chỉ huy cháy sáng rực điểu khiển dàn nhạc rừng triền miên tiếng ve ngân, tiếng ếch ộp, chìm đắm trong khúc nhạc tiễn biệt đêm hè.

Thật khó lòng tưởng tượng sau khi chị Tâm Tâm rời cô nhi viện, tôi sẽ tiếp tục cuộc sống ở đây với tâm trạng như thế nào.

Nhưng hôm ấy ngồi trên cành cây, tôi không hề nghĩ ngợi điều này. Chị Tâm Tâm còn ở bên tôi một khắc, tôi còn từ chối nghiền ngẫm ý tứ câu "như đột nhien bị lấy đi vài khúc ruột".

Kiến Hán hiển nhiên cũng không muốn nghĩ nhiều. Hắn dùng ngón chân gắp que pháo bông, hai tay cầm hai trái pháo khói đang xì mù mịt, chìm vào trong màn khói trắng mùi lưu huỳnh, miệng hét: "Trời ơi, trời ơi, tôi không thấy gì nữa!"

Khả Lạc dừng màn diễn tấu một mình mê đắm lại, trợn mắt ngạc nhiên nhìn thằng khùng Kiến Hán. Chị Tâm Tâm thì cười ha hả, suýt nữa rơi khỏi cành cây.

"Có quái gì đâu mà cười?" Tôi buồn bực. Chị Tâm Tâm ngày mai đi rồi, thế mà chẳng có vẻ đau buồn vấn vương gì cả.

"Nghĩa Trí đang giận chị đấy à? Không muốn xa chị đúng không?" Chị Tâm Tâm càng cười sảng khoái.

Tôi thở dài.

Hình như chị Tâm Tâm chẳng buồn bao giờ, có lẽ đây chính là lý do tôi cần chị nhất.

"Chơi trò này đi! Đây mới là trò chơi bổ ích cần thiết cho đàn ông con trai này!" Kiến Hán gọi lớn, dường như hắn cũng chẳng buồn phiền gì.

Kiến Hán lôi trong ba lô ra mấy chai thủy tinh và một đống pháo thăng thiên!

"Ôi trời, có lúc tôi thực sự căm ghét lũ ngốc lúc nào cũng ngoạc mồm ra cười các người, làm tôi không rặn ra nổi giọt nước mắt nào!" Tôi bật cười, đón lấy chai thủy tinh, cắm một quả pháo thăng thiên vào.

"Nghĩa Trí, Kiến Hán, Khả Lạc, sau khi chị đi, mấy đứa phải tiếp tục vui vẻ như thế này đấy!" Chị Tâm Tâm vui vẻ hét váng lên, "Chúng ta là người một nhà! Vài năm nữa nhất định chúng ta sẽ đoàn tụ!"

"U u u u u u u... Chúc chị Tâm Tâm thuận buồm xuôi gió nhé!" tôi gào to, châm tia lửa ở que pháo bông vào ngòi pháo thăng thiên.

"Thuận buồm xuôi gió! Đừng bao giờ quên bọn em nhé!" Kiến Hán đứng dậy hô lớn trên cành cây đung đưa, pháo thăng thiên trên tay hắn đã bắt đầu phụt khói xì xì.

"Chắc chắn sẽ lại đoàn tụ!" Khả Lạc cũng đứng dậy, cầm chai thủy tinh huơ cao.

Bốn đôi mắt, bốn sinh mệnh từng bị bỏ rơi, giờ đây sẽ không còn cô đơn. Bởi vì chúng tôi đã thề sẽ mãi bên nhau.

Bùm! Bùm! Bùm! Bùm!

Hình ảnh cuối cùng trong cái đêm hè chị Tâm Tâm khệ nệ xách đống hành lý nặng nề, là bốn vệt sao băng rực rỡ đến chói mắt.

Hình như, trong khoảnh khắc sao băng lóe lên làm thời gian ngưng động, tôi đã ngẩng đầu, nhìn chị Tâm Tâm.

Không biết do đom đóm, hay những đốm pháo rơi lả tả, má chị Tâm Tâm sáng lấp lánh.

Sáng sớm hôm sau, khi chị Tâm Tâm bước ra khỏi hàng rào cao vυ"t bằng đồng thau của cô nhi viện...

Tôi không nén được, không nén được...

"Chị Tâm Tâm! Chị thích mẫu con trai như thế nào?" tôi gọi với theo, bất chấp bà cô Hổ lẫn hơn trăm đứa trẻ mồ côi cùng đi tiễn.

Chị Tâm Tâm ngoái đầu, cười lém lỉnh.

"Con trai dũng cảm!" Chị khuỳnh tay, nhăn mặt.

Rồi lại hắt hơi một cái.