Chương 14

Một lần phát sinh, hai lần quen thuộc, Hạ Sí Mạch đến Tuyên Ninh cung được vài lần là bắt đầu tự tiện như gia chủ. Nàng tựa vào mỹ nhân tháp, chân bắt chéo, chỉ huy cung nhân Tuyên Ninh cung bưng trà rót nước, bóp chân bóp vai. Ngay cả Ngâm Tuyết cũng bị điều đến lột vỏ vải và bóc từng trái đút cho nàng ăn. Dĩ nhiên Ngâm Tuyết đâu có tình nguyện, mà tiếc là trứng chọi đá, Thái Hậu cũng đã nói Cảnh Vương không thể đắc tội rồi, Ngâm Tuyết chỉ có thể chịu đựng. Song trong lòng thì không ngừng nguyền rủa… Mà không ngờ lại linh nghiệm ngay: Hạ Sí Mạch không cẩn thận nuốt nguyên trái vải suýt chút nghẹn. Ngâm Tuyết hả hê, nàng tươi cười và bắt đầu nhiệt tình với Hạ Sí Mạch.

Hạ Sí Mạch qua loa đánh giá cung nhân Tuyên Ninh cung một phen rồi sai khiến họ, chỉ huy họ dựa theo sở thích của nàng mà bài trí lại Tuyên Ninh cung. Bài trí rồi mà vẫn thấy chưa được hài lòng, nàng bèn gọi một vài người, sai quay về Cảnh vương phủ lấy tấm da hổ và bội kiếm trong thư phòng của nàng đến. Sau lại điều thêm mấy người nữa, sai đi Ti Khố Cục; Hạ Sí Mạch hào phóng, chọn những vật có giá trị liên thành, đặc biệt là bức bình phong bách điểu triêu phượng, với tư thái xem Ti Khố Cục của hoàng cung là nhà kho Cảnh vương phủ.

Tuyên Cẩn làm thinh hết thảy, đối với sự tự tiện chủ trương của y không nói câu nào, mặc kệ y bày vẻ.

Sau khi hoàn tất những bài trí đó, Tuyên Ninh cung đơn giản trở nên tráng lệ hơn.

Hạ Sí Mạch vừa lòng gật đầu, “Như vầy mới giống tẩm cung thái hậu chứ! Lúc trước còn quá giản dị.”

Ai ai cũng biết: Thái Hậu. Thích. Trang. Nhã.

Tiếp đó, các phi tần đến thỉnh an, thấy Tuyên Ninh cung thay đổi lệch trời thì nghĩ bây giờ Thái Hậu đã buông rèm chấp chính, từ từ sẽ nắm quyền, cuộc sống tất nhiên sẽ xa hoa. Vì vậy, bọn họ cũng tận lực khen ngợi.

Hạ Sí Mạch đã bị Tuyên Cẩn đưa ra sau trốn để tránh tị hiềm; y đứng ở trong nghe người ta khen mà đắc ý. Đợi mấy phi tần đi rồi, y bước ra tranh công.

Tuyên Cẩn liếc y và cười nhạo: “Nếu ngài để Tuyên Ninh cung trống không, bọn họ cũng có thể tìm thứ khác để nịnh hót.”

Hạ Sí Mạch không để ý, vẫn vừa lòng với kiệt tác của mình.

Đến trưa, Ngâm Sương thấy Hạ Sí Mạch không có ý định rời đi, nàng đành phân phó Ngự Thiện Phòng chuẩn bị thêm một phần ăn. Tuyên Cẩn chỉ động hai đũa rồi buông.

Hạ Sí Mạch nhìn thần sắc Tuyên Cẩn ủ ê thì ân cần hỏi:

“Cẩn nhi, nàng khó chịu ư?”

Nàng không phải khó chịu mà là nhìn y nàng không có tâm trạng để ăn! Lại còn ngồi cùng bàn, rất là không được tự nhiên. Mặc dù bên ngoài lời ra tiếng vào đã rất nhiều, mức độ cũng không kém gì việc hoàng thúc dùng bữa riêng với hoàng tẩu đây nhưng tất cả cũng chỉ là người ta suy đoán, song nàng thật sự không thể dửng dưng như không có việc gì.

Hạ Sí Mạch biết mình không được hoan nghênh, nhất là Tuyên Cẩn – ngay cả một ánh mắt cũng không nguyện nhìn nàng – nàng cũng không vui, nhưng cũng đành chịu. Nàng chợt nhận ra, đừng nói Tuyên Cẩn thích nàng, ngay cả một chút để ý nhỏ nhoi còn không có! Nàng buồn rầu. Nàng phải làm gì Tuyên Cẩn thích nàng?

Hai người đều có suy nghĩ riêng, không ai nói chuyện, cứ ngồi như vậy.

Ngâm Sương bưng mâm lê lạnh tới, đặt xuống, nói nhỏ bên tai Tuyên Cẩn:

“Nương nương, lão gia sai người đến nói, muốn gặp ngài.”

Trước kia hai cha con gặp mặt là không tiện, nhưng nay Tuyên Cẩn là Thái Hậu buông rèm chấp chính, quân và thần gặp nhau lại là chuyện bình thường. Tuyên Cẩn nghĩ cha đến tìm là do chuyện ở trên triều, chắc chắn ông biết Hạ Sí Mạch đang ở đây song vẫn sai người truyền lời thì hẳn là có chuyện quan trọng. Vì vậy nàng muốn đuổi Hạ Sí Mạch đi.

Hạ Sí Mạch thức thời, thấy Tuyên Cẩn nghe Ngâm Sương nói xong liền cau mày.

Hạ Sí Mạch: “Vương phủ có việc, ta đi về trước.”

Chỉ mong có vậy, nàng sai Ngâm Sương tiễn khách, không cho Hạ Sí Mạch làm điều thừa dù chỉ nửa khắc. Hạ Sí Mạch đen mặt.

Không bao lâu sau, Tuyên Sùng Văn bước vào, quỳ xuống dập đầu:

“Vi thần! Tham kiến Thái Hậu nương nương!”

Tuyên Cẩn vội cho y đứng dậy. “Đại ca không cần đa lễ.” Nàng sai Ngâm Tuyết dọn chỗ.

Tuyên Sùng Văn, trưởng tử Tuyên gia, lớn hơn Tuyên Cẩn 15 tuổi, xuất thân Tiến sĩ. Mặc dù cha là Thủ phụ, muội muội là Hoàng Hậu, nhưng mấy năm nay cũng chỉ là Hộ Bộ Thị Lang tam phẩm. Hiện cháu ngoại trai là vua, muội muội trở thành Thái Hậu, bị Cảnh Vương điều đi làm một chức quan nhàn tản, y không hài lòng cũng là thường tình.

Tuyên Cẩn biết y oán hận, lần này e là đến kể khổ. Nàng hỏi, “Cha đâu?” Không phải người đến báo nói là cha muốn gặp nàng sao.

Văn: “Khi xuất môn đột nhiên cha thấy không khỏe, nên mới bảo hạ thần đến gặp nương nương.”

Cha con liền tâm, Tuyên Cẩn biết chắc cha bị chọc tức cho nên mới như thế. Hai phe đối lập, chuyện giữa nàng và Hạ Sí Mạch hiện giờ đã truyền khắp nơi, cha nàng muốn biết thật hư nhưng phải là đại ca nàng đến nói mới thích hợp.

Tuyên Cẩn: “Cha mượn cớ cáo ốm để huynh đến hỏi chuyện của ai gia và Cảnh Vương có phải không?”

Văn sửng sốt, cười nói, “Nương nương liệu sự như thần, chuyện gì cũng không gạt được người.”

“Những lời nịnh hót đó, đã là người một nhà thì không cần.”

Tuyên Cẩn: “Cha và huynh thấy sao về việc này?”

Trước khi Văn đến đây, Tuyên gia đã thảo luận qua. Nhìn ở góc độ người nhà, tất nhiên sẽ không mong Tuyên Cẩn khác thường, miễn cho bị chỉ trích. Còn đứng ở vị trí thái hậu mà suy xét thì có thể thông cảm nàng thân bất do kỷ. Song, mặc kệ sự thật ra sao, bọn họ cũng cần phải hiểu rõ để có đối sách.

Văn thuật lại ý tứ của Tuyên Đại học sĩ cho Tuyên Cẩn nghe.

Tuyên Cẩn thở dài, “May mà còn có mọi người, ai gia mới không cảm thấy tứ cố vô thân.”

Sau một lúc trầm mặc, nàng nói tiếp:

“Đại ca, huynh trở về chuyển cáo lại cho cha, ai gia và Cảnh Vương trong sạch. Đây chỉ là tình thế bắt buộc mà thôi. Mọi người đừng quá mức lo lắng, ai gia đã có tính toán. Và người phải cẩn thận chính là Tuyên gia, vì đây là thời điểm buộc phải nhẫn, ngàn vạn lần đừng để ngoại thích tự ý tham dự chính sự, vì danh mà để bị lợi dụng.”

Văn biết nàng đang nói về chuyện điều nhiệm, quả thật ban đầu y và em trai cũng có oán hận nhưng sau khi được cha giảng giải mới chịu bỏ qua.

Văn: “Nương nương yên tâm, hạ thần hiểu rõ.”

Nàng gật đầu. Chỉ cần bọn họ một lòng, không ai ly gián được.

Lại hàn huyên một chốc, Văn phải rời đi.

Bỗng nàng hỏi, “Lưu Ly năm nay 16 tuổi phải không?”

“Nương nương nhớ đúng rồi, Lưu Ly vừa mới mừng sinh nhật 16 xong.”

“Ah! Ai gia không biết việc đó. Chốc nữa huynh lấy quà mừng cho nàng đi.”

Văn tạ ơn.

“Mấy năm nay ai gia không gặp Lưu Ly rồi. Lần trước trở về thăm viếng mà nha đầu ấy lại về nam thăm bà ngoại. Người ta nói con gái lớn lên thay đổi, thời còn bé đã xinh đẹp rồi không biết bây giờ trổ mã lại thành như thế nào. Có ai đến nối chưa hả?”

Văn cười nói “Người ta nói cháu gái giống cô thật không sai. Nha đầu ấy hả, lớn lên càng ngày càng giống nương nương. Ngay cả tính tình cũng giống, ha ha. Bà mối nườm nượp mà đến, cổng Tuyên gia đều muốn mòn rồi, vậy mà nó lại không chịu nhà nào.”

Văn nói như thế là vừa tán dương mỹ mạo của Tuyên Cẩn, đồng thời là khoe con gái mình. Sự thật thì y cũng có ý đó, nhưng Tuyên Cẩn không hỏi y cũng khó mở miệng.

Văn: “Cũng vì chuyện này mà hạ thần phát sầu. Hạ thần không ép được nó. Bây giờ nhân tiện ngài đã hỏi đến, hạ thần có yêu cầu hơi quá đáng… đó là, mong nương nương có thể chọn một vị hôn phu tốt cho nó.”

Nàng cũng muốn vậy, nàng có thể giúp Tuyên Lưu Ly tìm hôn phu, nhưng đối tượng thì phải để y thất vọng rồi.

Tuyên Cẩn bùi ngùi nói, “Lưu Ly từ nhỏ ai ai cũng thương yêu, ai gia rất thích nàng. Chỉ tiếc, hoàng thượng còn nhỏ, bằng không ai gia sẽ chọn nàng làm con dâu.”

Văn tránh không khỏi thất vọng. Mặc dù Tuyên Lưu Ly lớn hơn Du Lẫm 6 tuổi, nhưng nếu tuyển làm phi thì cũng có thể. Nếu thành, bọn họ thân càng thêm thân; sau này nếu Lưu Ly sinh được con trai thì có thể sẽ lên ngôi Hậu, như vậy Tuyên gia sẽ có hai hoàng hậu, vinh hoa phú quý là chuyện nhỏ.

Tuyên Cẩn nhìn y không giấu được vẻ thất vọng, nàng biết y nghĩ gì. Mặc kệ là vì Tuyên gia hay là vì Du Lẫm, Lưu Ly tiến cung là chuyện tốt, nhưng hoàng cung thâm sâu bao nhiêu nàng hiểu hơn ai hết. Vào cung chẳng khác nào mất đi tự do, nàng không muốn thấy thân nhân mình đi theo con đường của nàng. Càng không hi vọng một ngày nào đó nàng và cháu mình đối địch. Tuy nói là chọn hôn phu, nhưng chí ít cũng phải là nhà giàu quyền quý. Chỉ riêng thân phận cháu gái của Thủ phụ thôi cũng đã đủ môn đăng hộ đối rồi. Tuyên Lưu Ly chắc chắn sẽ là đương gia chủ mẫu. Còn hơn là vào cung lục đυ.c với nhau, tranh đấu với những người không biết cường đại hơn bao nhiêu. Hơn nữa người được chọn tuyệt đối phải là nhân trung long phượng. Nếu Lưu Ly không phải cháu gái ruột, nàng cũng không muốn làm mai làm mối thế này. Nếu đại ca nàng biết được điều nàng định làm, có đồng ý hay không lại là chuyện khác.

Văn biết muội muội đã quyết định, cái mong muốn con gái của mình làm hoàng hậu xem như đứt đoạn, nhưng để nàng mai mối cũng không kém.

Văn hào hứng, “Không biết nương nương chọn được nhà nào?”

“… Thanh Châu, Cao gia.” Quyết định này nàng do dự đã lâu.

Văn chấn động, không dám tin nhìn nàng. Cao gia, độc đinh Cao Hành, Xa kỵ Tướng quân – nhị phẩm. Không phải quan hàm của Cao Hành làm y thấy mình trèo cao, mà là Cao gia và Tuyên gia là thế giao, nếu không phải thánh chỉ thình lình xuất hiện thì bây giờ hai nhà đã là thông gia.

Trước khi Tuyên Cẩn vào cung vốn đã có hôn ước, đối phương chính là Cao Hành. Hiện giờ Tuyên Cẩn lại mai mối cho Lưu Ly? Y có thể nào mà không sợ hãi?