Chương 6: Con quỷ cụt đầu và cái dây treo cổ.
Sau cái chết của ông Quyền và sự ra đi của cậu Quang, mọi chuyện dường như đã yên tĩnh trở lại. Gần hai mươi năm sau, cậu Ba Huy ngày nào đã trở thành người chủ gia đình thay thế cho ông Quyền. Cậu cũng cho người đi khắp nơi tìm kiếm người chú ruột đã thất lạc nhưng không thể nào tìm được. Tông tích của ông Quang như kim dưới đáy bể, mò hoài vẫn không tìm ra.
Những năm cuối thế kỷ mười chín, đầu thế kỷ 20, xã hội nhiều biến động, cũng từ lúc đó, có rất nhiều người tứ xứ trôi dạt đến làng này. Thời đó, cậu ba Huy đang ăn nên làm ra khấm khá, cậu có mấy trăm mẫu đất và gần trăm lực điền. Cũng giống như tất cả những gia đình thế lực thời đó, muốn củng cố địa vị gia đình, muốn yên ổn làm ăn, phải có dây mơ rễ má với quan lại thời đó. Cậu ba Huy có hai vợ, ba người con trai và một gái và một cô con gái nuôi. Con gái lớn của cậu lấy chồng là một sĩ quan trong quân đội Pháp thời đó, gia đình giàu sang và thế lực tưởng chừng đã viên mãn tất cả.
Một ngày nọ, nhân dịp lễ cúng đình, có một gánh hát từ phương xa đến làng của cậu ba Huy để diễn, trong gánh hát có một cô đào rất đẹp và ngón đàn hát phải nói là rất hay. Đúng lý ra là phải diễn trong sân đình nhưng do sân đình thời đó quy mô vẫn còn khá nhỏ nên gánh hát dời tới sân nhà cậu Ba Huy để diễn. Tối hôm đó đoàn hát diễn vở tuồng San Hậu, đến đoạn Khương Linh Tá hiện hồn về dẫn đường cho Đổng Kim Lân, đèn đuốc trong sân nhà bỗng dưng tắt hết, gió cũng lặng te, mây đen từ đâu kéo về che khuất luôn cả ánh trăng. Tất cả người trong làng đều nín thở dõi theo.
Bỗng nhiên từ đâu phía trên bụi tre dưới bến sông, một bóng áo trắng chập chờn hiện ra, có tiếng hú văng vẳng xa xăm. Bóng trắng từ từ bay về hướng sân nhà nơi mọi người đang tập trung. Đến khi bóng trắng yên vị giữa sân nhà, mọi người mới nhìn thấy một thân hình trắng toát, cái đầu đang được cầm trên tay, hốc mắt tỏa ra ánh sáng màu xanh lập lòe như đom đóm.
Tiếng trống từ đâu bập bùng vang lên, bóng trắng cầm cái đầu trên tay, lắc qua lắc lại, đôi mắt vẫn mở trừng trừng trong hai hốc mắc như xoáy vào tất cả mọi người ở đó. Bất giác mọi người ai cũng rợn gai ốc, không ai dám nhìn vào hốc mắt xanh lét đó. Hai diễn viên trong đoàn đóng vai Đổng Kim Lân và thứ phi cứ im lặng bước theo bóng trắng như một vũ điệu kì quái trong sân nhà. Đâu đó thi thoảng có tiếng hát khe khẽ rì rầm, tiếng cú kêu the thé ở vườn sau hòa với tiếng trống mõ thê lương cứ văng vẳng trong đêm. Mọi người ai cũng toát mồ hôi lạnh, không dám nhúc nhích.
Đột nhiên trăng sáng trở lại, bóng trắng biến mất, hai diễn viên chính bắt đầu hát tiếp. Mọi người vỗ tay rần rần vì màn diễn quá hay, ai nấy xì xào bàn tán đoàn hát quá tài tình, diễn được cả vai Khương Linh Tá bị chặt đầu biến thành hồn ma về dẫn đường cho Đổng Kim Lân. Nhưng tất cả mọi người không ai ngờ, màn kịch chưa hẳn chỉ là kịch, có những thứ là thật.
Sau khi đoàn hát diễn xong ba đêm ở làng, cậu Ba Huy quyết định hỏi cưới cô đào chính của đoàn hát vì ngưỡng mộ tài năng và sắc đẹp của cô. Sau đám cưới, ông chủ đoàn hát cũng dọn đoàn đi, ở lại nhà cậu ba Huy với cô đào hát có một người đàn ông mà cô giới thiệu là người anh họ xa. Ông này vốn là người Chàm, tên là Trà. Cô đào hát trở thành vợ ba của cậu ba Huy, cô được cậu xây hẳn cho một gian lầu ở bên cạnh nhà chính để cô ở cho mát, ông anh vợ cũng được ở lại một phòng ở phía sau gian lầu của cô em gái.
Từ ngày có thêm cô vợ mới, cậu ba Huy rất cưng chiều cô, đi đâu cũng mang cô theo, có khi lại mua quần áo đồ dùng cho cô nhiều vô kể. Tuy nhiên có một chuyện khá lạ là người anh họ của cô đào hát rất ít khi nào xuất hiện lúc trời sáng, người ta chỉ thấy ông ra ngoài vào những lúc chập tối và tuyệt nhiên cô đào hát căn dặn mọi người không được quấy rầy ông, cơm ăn nước uống của ông anh họ cũng do cô đích thân mang đến chứ không nhờ vả người khác. Cô nói rằng anh cô bị một chứng bệnh lạ, cứ hễ ra nắng là da sẽ bị phồng rộp nên toàn phải lánh ở trong nhà.
Cậu ba Huy lúc này đang làm ăn rất khấm khá nên thường vắng nhà suốt, ở nhà do vợ cậu ba Huy làm chủ, tuy không thích cô đào hát về làm vợ ba lắm, nhưng vợ cả cũng không nói gì mà cũng ít giao tiếp. Thấy thái độ bà chủ nên người làm ở nhà cũng không thân thiết gì, căn lầu bình thường chỉ có hai anh em cô đào hát ở.
Gần đến ngày rằm tháng bảy, nhà cậu ba Huy bắt đầu xảy ra chuyện lạ lùng. Đầu tiên là gà vịt ở nhà cứ hao hụt dần dần, ban đầu người nhà cứ tưởng là có trộm nhưng canh mãi suốt mấy đêm cũng không bắt được trộm mà cũng không tìm được dấu vết gì. Sau đó đến lượt lũ ngỗng ở nhà không biết bị bệnh gì mà thi nhau chết sạch chỉ trong một đêm, tất cả đều bị vặn ngược cổ lại đằng sau mà chết, máu không biết chảy đi đâu hết sạch. Đêm lũ ngỗng bị gϊếŧ, lũ chó trong nhà cứ rạo rực suốt đêm, chúng không sủa thành từng tràng dài như có trộm, cũng không hú lên mà cứ sủa từng tiếng một, móng vuốt cào vào đất nghe rợn cả người.
Hết bầy ngỗng rồi tới bầy chó ở nhà cậu Ba Huy, dù chúng được xích rất kỹ trong sân nhà nhưng cứ sáng sáng người làm mở cửa là nhìn thấy một hoặc hai chú chó đang nằm chết trong sân nhà, lông khắp người dựng đứng, lông cổ xù lên, hàm nhe ra lộ hai cái răng nanh nhọn hoắc như đang chiến đấu với ai đó.
Số chó ở nhà chết dần chết mòn cuối cùng chỉ còn lại một chú chó Tây là quà tặng của cậu con rể người Pháp cho cậu ba Huy, bình thường rất được cưng chiều và thường xuyên được ngủ trong buồng cùng với vợ cậu ba Huy.
Hôm đó là đến ngày rằm tháng bảy âm lịch, theo lệ thường là phải cúng lễ cho cô hồn, vợ cậu ba Huy cho bày ra giữa sân một mâm cỗ rất lớn để cúng cô hồn nhưng kì lạ thay, khi người làm cúng xong rồi thu dọn lại, tất cả món ăn vừa nấu xong đã ôi thiu hoàn toàn còn cơm thì khô queo cứng lại như đá. Thấy sự việc kì lạ, người làm ở nhà xì xào bảo nhau có khi ma đói về tranh ăn nhiều quá nên thức ăn ôi thiu. Mọi người tuy thắc mắc nhưng không ai dám hỏi.
Đêm rằm tháng bảy, tuy có trăng nhưng ánh trăng đêm đó ảm đạm và mờ mịt kì cục. Sau vụ việc trong buổi sáng cúng cơm, vợ cậu ba Huy cứ thấy lòng sợ hãi nao nao, bà cứ trằn trọc mãi mà không ngủ được. Đang thiu thiu ngủ, đột nhiên chú chó Tây trong phòng bà cứ hộc lên sủa từng tiếng rồi cào móng vào nền nhà nghe sột soạt. Bà ba Huy trở mình la con chó nhưng nó không chịu im mà cứ rúc vào gầm giường hướng ra phía cửa sổ sủa từng tiếng một.
Đột nhiên một trận gió lạnh từ vườn thốc vào, cánh cửa sổ đập vào nhau lanh canh, vừa trở dậy định gài cửa sổ lại thì bà ba Huy lạnh cứng người. Phía ngoài ô cửa sổ kiếng, dưới ánh trăng mờ mờ có một bóng dáng đang đứng hướng thẳng vào phòng bà. Bóng người đó không có đầu, mà chỉ có thân mình lắc lư trong gió. Chưa kịp hoàn hồn, bà ba Huy đột nhiên thấy có một mớ tóc dài từ phía trên cửa sổ rơi xuống, rồi theo sau đó là một bộ mặt ló ra nhìn bà, bộ mặt có đôi mắt ánh lên màu xanh lạnh lẽo, cái miệng mở ra một nụ cười vô hồn với bà. Bà ba Huy thét lên một tiếng kinh hoàng rồi ngất xỉu.
Cậu con cả đang ngủ phía ngoài chạy vào chỉ kịp thấy một cái bóng rất dài đang lướt nhanh về phía sau sân vườn, chỗ căn lầu của cô đào hát.
Một mặt cậu đỡ mẹ dậy, một mặt cậu kêu lớn tiếng bảo người làm ở nhà thức dậy chuẩn bị đuổi theo trộm, nhưng đột nhiên lúc này, trên mái nhà có tiếng rào rào như chuột chạy và phía sau vườn, gió cuộn lên từng cơn thốc thẳng vào cửa sổ nghe lộp cộp. Chú chó trắng trong gần giường run lẩy bẩy cắn vào ống quần của cậu con cả, cương quyết không nhả ra. Người làm ở nhà thấy hiện tượng lạ như vậy cũng không ai dám đuổi theo mà chí đứng yên lặng nhìn nhau. Đúng lúc này, ngoài cổng đột nhiên vang lên giọng nói của cậu ba Huy
“Cả nhà đâu hết rồi? ra mở cửa cho ông, ông gọi nãy giờ sao không thấy thằng nào trả lời?”
Có một người làm nhanh nhẹn định ra mở cửa đón ông chủ vào nhà nhưng cậu Bình, con cả của cậu ba Huy ngăn cản lại. Cậu và một người nữa lén ra nhìn qua khe cửa thì chẳng thấy cậu ba Huy đâu mà chỉ thấy ngoài cổng lố nhố rất nhiều người nhưng không thể nhìn rõ là ai với ai, trong sân nhà có một người đội cái nón lá sùm sụp che khuất cả mặt mày đang đứng đó. Kì lạ là người này dường như không có đầu đâu.
Lúc này cậu Bình đã rợn hết cả da gà nhưng vẫn cố trấn tĩnh, cậu gọi hết người làm trong nhà thức dậy, đốt đèn đuốc sáng lên, cậu nhanh chóng đến bàn thờ tổ tiên thắp nhang cầu xin bình an. Sau khi vái lạy xong chuẩn bị thắp nhang lên bàn thờ bỗng nhiên cậu bật ngửa ra sau, bát hương cậu vừa cắm xong trên bàn thờ cháy rừng rực, soi sáng những bức chân dung tổ tiên trên bàn thờ. Những bức chân dung truyền thần bình thường vẫn yên lặng nằm trên bàn thờ, giờ dưới ánh sáng đỏ rực của bát hương đang cháy, tất cả dường như đang nở một nụ cười kì dị.