Chương 13: Đêm trông rạp đám ma

“Mẹ mày…”

Bốp!

Trần Phong còn đang đắm chìm trong mộng cảnh, thì một cái dép bay thẳng vào mặt kèm câu chửi, anh Cường đang ngồi trên con xe cà tàng ném cho hắn phát rồi quát:

- Cái thằng háo sắc kia, mày nhìn đến lòi con mắt ra rồi đấy, anh gọi mãi không thưa, lại đây đỡ xe cho anh.

Tức thì Trần Phong chạy lại chỗ anh Cường, vừa giữ xe cho anh Cường dỡ đống ngựa với hình nhân trên xe xuống, hắn vừa hỏi:

- Ơ anh, thầy bảo làm bằng con búp bê thôi mà?

Anh Cường vẫn không dừng tay lại nói:

- Cái đó anh làm xong rồi, cái này bác Diển vừa gọi dặn anh đem thêm ra, cũng may ngựa với lính thì nhà có sẵn

Trần Phong ngạc nhiên hỏi:

- Để làm gì anh

Anh Cường vàng mã chán nản nói:

- Cái thằng này, mê gái đến lú lẫn mẹ rồi, vàng mã để đốt chứ để làm gì, không lẽ để mày dùng nhé

Thực ra ý Trần Phong định hỏi là ngựa với quan lính thường đốt trong dịp lễ, có thấy đốt trong đám tang bao giờ đâu mà giờ lại đem tới nhưng hắn cũng không hỏi lại, vì hắn chưa thấy không có nghĩa là không có chuyện đấy bao giờ, nên hắn không hỏi nữa, anh Cường xếp đồ mã xuống sân rồi nói:

- Anh để nhờ bên đây đã, thầy bảo mai mới cần nhưng anh cứ chuẩn bị trước, giờ đem sang chật chỗ – Lau mồ hôi trên trán, anh Cường hỏi tiếp: “Mà mấy giờ rồi nhỉ”

- 9h hơn rồi anh, em tắm cái rồi sang, 10h hết phúng điếu là loa đài tắt, lúc ấy em sang xem có cần phụ gì không

Nói rồi Trần Phong bê xoong nước nghi ngút đi tắm, anh Cường đi sang bên đám tìm thầy nhưng cũng không khỏi ngoái lại nhìn Trần Phong với ánh mắt có chút ngưỡng mộ, cũng có chút tiếc nuối. Còn suy nghĩ là gì thì chỉ có anh mới hiểu.

Phải 10h hơn Trần Phong mới sang đám, hắn xin phép mẹ tối nay sang trông đám cho cu Don, lôi hết tình nghĩa anh em, tình làng nghĩa xóm, rồi lôi cả nghĩa tử là nghĩa tận, rồi mai là chủ nhật được nghỉ ra nói, mẹ hắn mới đồng ý cho đi. Dù sao bà vẫn lo thằng con bà đang sắp thi tốt nghiệp, tối nay nó thức thì xác định ngày mai nó ngủ mất một ngày, lại chả học hành gì được. Nhưng Trần Phong hắn nói truyền cảm với xúc động quá nên bà cũng động lòng.

Lúc này thì loa đài đã tắt, hàng xóm láng giềng sang phúng điếu chia buồn cũng đã về hết, khu bếp tạm sau nhà vẫn còn vài người làm cỗ đang chuẩn bị nốt nồi niêu xoong chảo với thực phẩm sẵn cho ngày mai, thấy ông Bình bà Yên vẫn đang làm đồ, hắn bèn lân la lại gần nhìn ngó xung quanh xem em Ngân có quanh đây không, nhìn mãi không thấy người trong lòng đâu, Trần Phong mới lên nhà trên tìm ông thầy Tú.

Lúc này thầy Tú đang ngồi xếp bằng đánh liêng ngoài sân với mấy ông trông rạp, thường thì ở quê nhà có giỗ có đám là sẽ đi thuê phông bạt, loa đài, bàn ghế của bên dịch vụ chuyên ma chay hiếu hỉ, nên tối cũng cần có mấy ông hàng xóm với nhân viên bên đó ở lại để trông nom, chứ có mất mát gì thì gia chủ đang lúc tang gia bối rối đâu thể chịu trách nhiệm được. Các ông cứ phân nhau người thức người ngủ, nên rảnh rỗi làm ván bài ăn vài chục bạc thì cũng không ai nói gì. Thầy Tú vẻ mặt căng thẳng lắm, nhìn đống tiền lộn xộn xếp trước mặt ông Luận với ông Khất là đủ biết quả này thầy lỗ to rồi, anh Cường ngồi bên cạnh túc trực, chỉ đợi thầy sai gì là làm đấy, ngồi ngoài xem thôi mà anh cũng căng thẳng không kém gì thầy, thấy thầy nặn mãi không ra con bài, anh suốt ruột hỏi:

- Có ăn chắc không thầy?

- Anh thì! Trật tự để ta tính - Thầy Tú vẫn run run che lá bài.

Thấy thầy đã nặn được hai con Át lên rồi mà còn con cuối cứ nấn ná mã không lật ra cho anh xem, mấy ông kia cũng suốt ruột lắm rồi, ông Luận móm hất hàm:

- Thế chơi hay nghỉ đây thầy ơi!

- Lật ra xem đi thầy! Thầy còn đợi gì nữa – Anh Cường cũng giục.

- Ta… còn đang đợi Thiên cơ – Thầy Tú nhăn mặt quay sang nói với anh Cường.

Cả mấy người ngồi đấy đều ngớ người không hiểu Thiên cơ mà thầy Tú nói là gì, thầy mà đã gi gỉ gì gi cái gì cũng biết thì còn cần phải đợi Thiên cơ nữa à. Bầu không khi im lặng căng thẳng bao trùm, mấy ông kia thì đang chờ thầy bỏ bài hay theo, anh Cường thì cũng vã mồ hôi xem ngón tay thầy nặn ra tấm lá cuối, đang như thế thì bỗng nhiên chuông điện thoại anh Cường reo to: “có bàn chân lặng lẽ… giữa dòng đời như nước cuốn…” Cả mấy ông đều giật mình ngoái sang lườm anh Cường, toàn là mấy thằng bài bạc với nhau, đang lúc căng thẳng lại nghe thấy nhạc phim Cảnh sát hình sự, biết chỉ là nhạc phim thôi nhưng mà cũng thót tim chứ, người ta nói có tật giật mình mà, ông Khất chửi:

- Mẹ cái thằng mất dạy này, mày định xỏ bọn ông đấy hả? Bố láo!

Anh Cường vội vàng nghe máy, là em gái anh ấy hỏi tối nay có về không để còn khóa cửa, nghe máy xong anh cũng vội chuyển sang im lặng, tránh bị mấy ông kia chửi cho phát nữa. Thầy Tú cũng bực mình xòe bừa lá bài ra xem, thì ra là con 10, vậy thì bài thầy có 2 điểm nên thầy cũng bỏ bài luôn cho xong, nhưng thầy vẫn lẩm bẩm:

- Mẹ nó, lỡ mẹ nó Thiên cơ!

Trần Phong lại gần hỏi thầy bây giờ chuẩn bị làm gì, thì thầy Tú ra hiệu cho mấy ông kia chờ một lát, rồi gọi Trần Phong cùng anh Cường theo mình vào buồng trong, nơi chú Trai và côn Hến đang chờ, vào tới nơi, thầy khép cửa lại rồi nói:

- Anh chị này, bây giờ ngổ có điều này dặn anh chị, xin anh chị hãy nhớ làm cho đúng.

Chú Trai và cô Hến khẩn khoản:

- Vâng xin thầy cứ dặn dò, chúng con sẽ làm theo

Thầy nói rồi chỉ tay sang Trần Phong:

- Giờ ngổ với thằng cu này sẽ đi cứu hồn con anh chị về, ngổ đã tạo kết giới quanh phòng này, khi ngổ ra khỏi nhà, anh chị tuyệt đối không được bước ra khỏi phòng. Hày a…có nói anh chị cũng không hiểu, đại khái là người âm không được nói chuyện với người dương, nếu muốn thì phải thông qua các bà cô thầy đồng thì mới được, nhưng đây ngổ cho anh chị gặp cháu nó, nên trái với thiên đạo. Với lại, ý niệm của anh chị với thằng bé quá mạnh, cái này ngổ có thể hiểu, nhưng như thế cũng rất dễ bị lộ, nên tuyệt đối khi ngổ ra khỏi đây, anh chị dù bất cứ giá nào cũng không được bước ra khỏi căn phòng này. Thêm nữa, ngổ đi anh chị có biết cũng không được nói gì, coi như không biết, không chào hỏi, không gọi thưa gì cả. Ngổ về anh chị cũng không được nói gì, khi ngổ về đến cổng, anh chị hãy nằm lên giường và uống hết hai cốc nước này, tức khắc sẽ gặp được cháu.