Ngày 5 tháng 2 năm 1661, hoàng đế Thuận Trị băng hà. Sau khi ngài qua đời, Ái Tân Giác La Huyền Diệp lên kế vị ngai vàng lấy niên hiệu Khang Hi hoàng đế. Bấy giờ, Huyền Diệp chỉ mới tám tuổi, chưa thể …
Ngày 5 tháng 2 năm 1661, hoàng đế Thuận Trị băng hà. Sau khi ngài qua đời, Ái Tân Giác La Huyền Diệp lên kế vị ngai vàng lấy niên hiệu Khang Hi hoàng đế.
Bấy giờ, Huyền Diệp chỉ mới tám tuổi, chưa thể lo liệu chuyện chính sự nên công việc triều chính đã do bốn vị đại thần phụ chính thu xếp sắp đặt.
Thời khai quốc, triều Thanh lấy quân công làm đầu nên Mãn Châu đệ nhất dũng sĩ Ngao Bái là người nổi bật trong bốn vị đại thần. Ba người còn lại gồm tham chính đại thần Tô Khắc Táp Cáp, chủ trương đại thần Át Tất Long và nghị chính đại thần Sách Ni.
Khang Hi lên ngôi chẳng bao lâu lâm bệnh đậu mùa, thái y viện không thể chữa bệnh. Thái hoàng thái hậu Hiếu Trang sai trung thần của mình là Định Viễn đại tướng quân Tế Độ đến Giang Nam tìm nữ thần y về chữa trị căn bệnh hiểm nghèo cho Khang Hi.
Tế Độ đến Giang Nam, đương đầu với sự quấy phá và bành trướng thế lực của Thiên Địa hội, một bang phái giang hồ luôn giương cao lá cờ phản Thanh phục Minh.
Tế Độ tìm chưa được nữ thần y lại nhận được thư Hiếu Trang cho biết Ngao Bái nắm giữ Ngũ kỳ ỷ thế làm càn, khi lâm triều đi đứng ngang nhiên, nói năng tuỳ tiện bất chấp kỉ cương, Tô Khắc Táp Cáp và Át Tất Long nhất nhất ủng hộ hành động ngang ngược của Ngao Bái.
Trong có gian thần âm mưu tiếm đoạt ngôi vị, ngoài có phản tặc Thiên Địa hội lộng hành, Tế Độ rơi vào tình cảnh khổ cực trăm bề.
Để cứu mạng Khang Hi và để giúp Khang Hi củng cố ngai vị hoàng đế, chống lại những quỷ kế như bão tố cuộn trào từ tam mệnh đại thần và Thiên Địa hội, Tế Độ không tiếc hy sinh nhân lực vật lực, thậm chí cả tình yêu của mình, đưa đến trận trận ái hận tình thù đẫm máu và nước mắt trong giới võ lâm.