Chương 18: Thư Hỏi Hoàng Đế

Nghe thấy tiếng pháo lúc lên kiệu hoa của Bạch Cẩm Tú, Bạch Khanh Ngôn dừng lại, nhìn theo hướng cổng phủ Trấn Quốc Công.

“Đại tiểu thư!” Nha đầu quét dọn Thanh Huy Viên chạy đến trước mặt Bạch Khanh Ngôn, hành lễ nói: “Hộ vệ Lư Bình đến Thanh Huy Viện của chúng ta, nói có việc bẩm báo đại tiểu thư.”

Bạch Khanh Ngôn gật đầu, cầm lấy lò sưởi trong tay Xuân Đào: “Về thôi!”

Kiếp trước, vào cuối năm Tuyên Gia thứ mười lăm, nhị tiểu thư Bạch gia trong ngày xuất giá đã chết thảm dưới đao của thích khách trong lúc bảo vệ Lương Vương. Vào đêm trừ tịch, tin từ chiến trường báo về...toàn bộ nam đinh phủ Trấn Quốc Công đều chết trận sa trường.

Tổ mẫu của Bạch Khanh Ngôn là trưởng công chúa đương triều khi nghe được tin tức này cực kỳ bi thương, lâm bệnh nặng rồi ra đi không bao lâu sau đó.

Tháng hai năm Tuyên Gia thứ mười sáu, mẫu thân Bạch Khanh Ngôn là Đổng thị sớm biết tin tả thừa tướng Lý Mậu liên hợp với Lương Vương, vạch tội Trấn Quốc Công Bạch Uy Đình cấu kết với phía Nam dẫn đến Tấn quốc thảm bại, hàng vạn tướng sĩ vùi thân tại Nam Cương, nếu không có chứng cứ sau hai tháng sẽ quay trở về Đại Đô thành chịu tội.

Đổng thị nhanh chóng nắm lấy thời cơ đưa ra quyết định, lệnh cho người hầu thân cận là Lưu quản sự đưa Bạch Khanh Ngôn cùng Bạch Cẩm Đồng ra ngoài điều tra vụ việc, bí mật căn dặn Lưu quản sự nếu Đại Đô Thành có xảy ra biến cố…thì Lưu quản sự hãy dưỡng dục Bạch Khanh Ngôn cùng Bạch Cẩm Đồng như nhi nữ, từ đây mai danh ẩn tích, bảo toàn tính mạng.



Đội ám vệ của Bạch gia cũng được chia thành hai nhóm, một bên hộ tống ngũ phu nhân Tề thị sắp đến ngày sinh. Bên còn lại cùng ngũ tiểu thư và những đứa trẻ chưa trưởng thành của Bạch gia ra khỏi Đô thành lánh nạn.

Tháng ba năm Tuyên Gia thứ mười sáu, phó tướng Lưu Hoán Chương của cố Trấn Quốc Công Bạch Uy Đình vào kinh, làm chứng Trấn Quốc Công Bạch Uy Đình phản quốc.

Lưu Hoán Chương tâu, hắn đã dốc sức xử tử cả gia tộc phản quốc Bạch thị, chỉ là hắn cũng thân chịu trọng thương được một nông phu cứu giúp, sau khi bình phục liền trở về tố giác Trấn Quốc Công.

Ngày đó cấm vệ quân vây quanh Trấn Quốc Công phủ, từ trong thư phòng Trấn Quốc Công tìm được thư từ câu thông giữa Trấn Quốc Công và quận vương của Nam Yến, chứng cứ vô cùng xác thực.

Bạch gia đã mất hết toàn bộ nam đinh, hoàng đế Tuyên Gia đế vì để thể hiện lòng nhân hậu, đã phán tịch thu tài sản, lưu đày Bạch gia, truy lùng những phạm nhân còn lại của Bạch gia về quy án.

Vào đêm các nữ quyến Bạch gia bị đưa vào ngục, mẫu thân Bạch Khanh Ngôn cùng các thẩm thẩm treo cổ tự sát và để lại di thư:《Thư hỏi hoàng đế》 kể lại công trạng của Bạch gia, lòng trung thành trời xanh có thể thấu! Đau xót cho rằng chính Hoàng đế đã ung dung cho phép gian thần câu kết hãm hại trung thần khiến cho không khí triều đình trở nên kỳ lạ. Theo sau những vị nắm giữ chức vị lớn là một đám a dua, nịnh hót, phẫn nộ hỏi Hoàng đế đương triều…tại sao triều đình hiện nay không còn thấy cảnh quan văn hy sinh vì công lý, quan võ tử trận trên chiến trường một cách minh bạch như thời của tiên đế, từng chữ từng chữ phát ra âm thanh vang vọng đến chói tai.

Bức thư ấy đã làm kinh động triều đình và dân chúng, lan ra khắp cả Đô thành như một đốm lửa thiêu trụi cả khu rừng.