Chương 2: An Thiên Mệnh
Chợ đêm Thiên Vận không lớn, chỉ bày bán trải dài suốt cả con đường vài dặm từ phường Tề Vân đến lò gốm Thiên Đức (một trong mười ba lò gốm của Thuận Kinh). Những đồ vật bày bán ở đây phần lớn đều không phải những đồ vật thiết yếu dùng trong sinh hoạt hằng ngày, mà nhiều thứ là những pháp khí tu luyện cần thiết của các võ sư, Luyện Đan Sĩ, thậm chí Luyện Khí Sĩ.
Những vị chủ quán thường vắt óc nghĩ hết cách để bán những mặt hàng đang có càng sớm càng tốt, để tránh “mang ngọc mắc tội”. Mà những người khách muốn có được những bảo vật này cũng thường muốn chiếm đoạt trước khi kẻ khác có cơ hội ra tay. Cho nên cho dù là chủ quán hay người mua hàng thì đều muốn tới đây càng sớm càng tốt. Vì thế cái phiên chợ này vốn dĩ tổ chức vào buổi sáng sớm, tới trưa thì vãn chợ, nhưng theo thời gian thì trở thành chợ đêm lúc nào không hay. (Chú thích của tác giả: Trong hiện thực cũng có không ít phiên chợ bắt đầu họp từ lúc tờ mờ sáng, bởi vì rất nhiều người muốn xem hàng trước người khác để được mua trước, cho nên càng ngày càng sớm.)
Cách đây mấy năm, chợ đêm Thiên Vận mặc dù cũng ngư long hỗn tạp, vàng thau lẫn lộn, nhưng hàng tốt hàng tuyệt phẩm cũng có không ít. Nhưng trong vòng mười năm trở lại đây, Nội Vũ Khố của vương triều Đại Minh đều thiết lập Ti Sưu Quát ở hải ngoại. Ti này không chỉ thu mua các bảo vật quý hiếm cho triều đình, mà thậm chí còn chiêu nạp cả Luyện Khí Sĩ ở khắp các nơi, khiến cho người ta có cảm giác dường như chỉ có ở trong triều đình thì mới có thể tu hành tốt được. Luyện Khí Sĩ trong dân gian ngày càng lụi tàn. Những Luyện Khí Sĩ tán lạc ở ngoài triều đình phần lớn đều không phải tu hành chính thống, mà là tu luyện một ít bàng môn Luyện Khí Thuật không còn được nguyên vẹn. Những Luyện Khí Sĩ ẩn cư ở dân gian, được truyền thừa chính thống từ Cảnh Thiên Quan lại sống ở Thuận Kinh như Vương Kha vốn chỉ còn như lông phượng sừng tê.
Mười năm nay, trong chợ đêm Thiên Vận, hàng hóa bày bán khắp nơi đều thật giả lẫn lộn. Mà thỉnh thoảng có thứ đồ nào đó dùng được thì đều bị hét giá trên trời, không phải là thứ mà Luyện Khí Sĩ dân gian có khả năng mua được. Những vị cao nhân khác đạt được Luyện Khí Thuật chân chính thì ắt hẳn đã kiếm một chức quan to ở triều đình rồi. Chỉ là Vương Kha tin vào chân lý có được thì có mất, phụ thuộc vào triều đình thì coi như đã tự buộc gông vào chân mình, rốt cuộc cũng chỉ làm việc thay cho kẻ khác mà thôi. Thầy của hắn là Chu đạo nhân vốn xuất thân từ Cảnh Thiên Quan, ông đã dạy hắn thuật luyện khí Cảnh Thiên Thiên Mệnh Kinh. Pháp môn của nó chú trọng làm theo bản tính của mình, thích ứng trong mọi hoàn cảnh, không nóng không gấp, không vội cầu thành.
Vương Kha vốn dĩ cũng nghe theo mệnh trời, làm theo điều bản thân mách bảo, cho nên hắn mới được Chu đạo nhân nhìn trúng và trở thành đệ tử chân truyền duy nhất của lão.
Vương Kha khép chặt cái cổ áo vải bông đã bị giặt đến cứng ngắt, tiếp tục đón những cơn gió lạnh thổi vào mặt rồi quẹo sang một con phố khác. Chợ đêm Thiên Vận đã ở ngay trước mắt của hắn.
Thời tiết quá lạnh nên dạo này lượng người bày hàng ra bán cũng khá thưa thớt. Mà mỗi vị chủ quán đều cố ý không cho người khác nhìn thấy quá rõ, cho nên chỉ đặt một cái đèn dầu ở trước quán, trông từ xa giống như là ngọn lửa ma đang lắc lư lay động.
Giống như mọi ngày, Vương Kha di dọc một đường từ Nam chí Bắc, chậm rãi nhìn hết toàn bộ các quầy hàng hai bên.
Phía trước mỗi vị chủ quán đều đặt một tấm thảm, trên đó bầy đủ loại đồ vật rực rỡ đầy màu sắc, ít nhất là trên trăm cái. Nhưng hầu hết những đồ vật này hễ đặt xuống là đặt cả năm, chẳng hề di chuyển đi đâu khác dù chỉ một lần.
Bởi vì phần lớn những đồ vật này đều là “mông tử” “mông nhân” (những đồ vật được đặt để lừa gạt con mắt của một số ít kẻ tầm thường), ngoài ra còn đóng vai trò làm xao lãng ánh mắt. Những vật thực sự có giá trị đều nằm trong áo bào bằng da hoặc bằng vải bông nằm ngay sát bên chủ quán.
Những điều này Vương Kha đã quen mắt đến mức nhàm chán, thậm chí chủ quán nào có cái “mông tử” nào đều nhớ rõ. Mà mỗi ngày các vị chủ quán đều thấy Vương Kha đi qua, cũng biết là hắn có ý định đặc biệt nào đó, không phải phải là một kẻ dễ bị gạ gẫm. Cho nên suốt dọc đường đi không có tên chủ quán nào nảy sinh ý định mời chào hắn, chỉ là nhìn nhau rồi gật đầu, coi như đã chào hỏi nhau mà thôi.